Ngọc Thọ - Giữ nét chân quê trong tranh sơn mài hiện đại

Dù là thế hệ họa sĩ được học hỏi, tiếp thu những ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây, cụ thể là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng sự nghiệp của cố họa sĩ Ngọc Thọ vẫn để lại nhiều tác phẩm hội họa phảng phất âm hưởng của nông thôn miền Bắc, cùng với những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Ngọc Thọ, Rồng, 1981. 90x130,5cm

Nông thôn miền Bắc qua ánh mắt của chàng họa sĩ miền Trung 

Ðược đào tạo và trưởng thành trong nền hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp sáng tác của cố họa sĩ Ngọc Thọ đã để lại cho công chúng nhiều tác phẩm tiêu biểu về đề tài lực lượng vũ trang, quân và dân ta tham gia cách mạng như Phú Lợi căm thù (khắc gỗ, 1960), Hải Phòng chống chiến tranh phá hoại (sơn dầu, 1974),… Thế nhưng, sẽ là thiếu sót lớn nếu chỉ nhắc tới ông với những tác phẩm về lao động, chiến đấu trong buổi đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi thế giới hội họa của Ngọc Thọ còn đa dạng hơn như vậy rất nhiều. Trong đó phải kể tới những tác phẩm lấy chất liệu từ chốn thôn quê, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Sinh thời, ông từng viết: “Sơn mài Việt Nam nổi tiếng trên thế giới! Nhưng nếu không biết vận động độc đáo thì sẽ không giữ được vị thế đã có”. Câu nói đó như một sự khẳng định với giới yêu mỹ thuật rằng Ngọc Thọ đã nghiêng cả cuộc đời sáng tác của mình cho dòng tranh sơn mài, để rồi, từng bước không chỉ định hình tên tuổi của mình, mà cao cả hơn là khẳng định vị thế của sơn mài Việt Nam. Sự vận dụng một cách độc đáo và sáng tạo đó đã được Ngọc Thọ chứng minh thành công bằng việc thể hiện chất liệu văn hóa dân gian cổ truyền trên các tác phẩm của mình. 

Ngọc Thọ, Hổ. 1988. 60x90cm

Tuy sinh ra mảnh đất miền Trung nắng lửa, nhưng trái tim nghệ thuật của Ngọc Thọ lại chan chứa một thứ tình cảm đặc biệt với hình ảnh nông thôn Bắc Bộ yên bình, mộc mạc. Khoảng thời gian ra Bắc tập kết vào năm 1955, cho đến những năm sau đó là học tập và giảng dạy tại Hà Nội là khoảng thời gian đủ dài để nét chân quê miền Bắc thấm nhuần vào tư duy nghệ thuật trong ông. Có thể thấy, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khung cảnh nông thôn bình dị của Bắc Bộ được Ngọc Thọ dành nhiều tâm huyết để khắc họa lại một cách đầy chân thực. Ðó có thể là cánh cổng làng dẫn lối ta vào những nếp nhà đơn sơ với những cây cau, cây chuối trong bức Phong cảnh nông thôn, Hưng Yên (1963). Hay đó là khung cảnh một buổi Chiều vàng (1963) với những người nông dân trở về nhà, sum vầy với người thân sau một ngày làm việc đồng áng vất vả…

Thế giới động vật sống động trong tranh sơn mài 

Tiếp nối những tác phẩm về đề tài thôn quê, kể từ nửa sau những năm 1960 trở về sau, Ngọc Thọ chú tâm hơn vào việc xây dựng thế giới linh vật sống động. Không đi vào tả thực, hình tượng các con giống được Ngọc Thọ tạo hình mang tính trừu tượng, cách điệu, trông như thể đang nằm trong một hình khối nhất định. Ðiều đó khiến người xem có cảm tưởng như ông đang mượn cảm hứng từ hình tượng các linh vật xuất hiện trên các bức điêu khắc gỗ đình làng. Phải chăng, trong những chuyến viếng thăm các ngôi làng, Ngọc Thọ đã không bỏ qua những ngôi đình mang kiến trúc độc đáo, và rồi khơi thông một mạch nguồn sáng tác mới. Do các cấu kiện gỗ có giới hạn về kích thước, diện tích bề mặt, nên những nghệ nhân xưa khi tạo tác cũng phải chú ý thể hiện hoạ tiết sao cho nằm gọn trong phạm vi cho phép. Dẫu là nằm trong những hình khối, nhưng những khuôn khổ đó không đủ sức để gò bó, trói buộc các con giống trong tranh Ngọc Thọ. Thay vào đó, ở mỗi con vật đều toát ra sự phóng khoáng, khoẻ khoắn, thổi bùng lên sức sống mạnh mẽ.

Ngọc Thọ, Gà. 1988. 60x90cm

Gửi gắm vào hình tượng những con vật quen thuộc trong văn hóa của cư dân nông nghiệp Việt Nam là triết lý âm - dương của phương Ðông, thể hiện qua sự hài hòa giữa yếu tố âm và dương. Trong các bức Hổ (1964), Rồng (1981), Hổ (1988), biểu tượng thái cực được Ngọc Thọ khắc họa rất chi tiết. Song, trong bức Ngựa (1978), ông lại cho ẩn đi hình tượng thái cực và tạo cho 2 con vật thế vờn nhau với một con nằm trên, một con nằm dưới. Theo quan niệm phương Ðông, sự hòa hợp giữa âm và dương khởi nguồn cho sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Mà triết lý này lại bén rễ vào nền văn hóa Việt Nam từ nhiều đời nay. Vì vậy, việc đưa hình tượng âm - dương vào tác phẩm mang sắc thái truyền thống, liệu rằng, Ngọc Thọ có phải đang có dụng ý nhắc nhở người thưởng tranh, văn hóa truyền thống là sự khởi sinh, cội nguồn của vạn vật vô hình lẫn hữu hình. Hay liên hệ với bức tranh Ðông Hồ Ðàn lợn âm dương, biểu tượng âm - dương xuất hiện, ẩn chứa lời chúc thịnh vượng, sung túc đến từ người nghệ nhân. Nhắc đến tranh Ðông Hồ, bức (1986) với sự hiện diện của con gà và mặt trời ở trên cao đâu đó phảng phất dáng dấp của bức Tam dương khai thái, với ý nghĩa xua đuổi tà khí, điềm dữ, đón lấy điềm lành, may mắn. Ngựa trong thế giới nghệ thuật của Ngọc Thọ không chỉ được miêu tả đầy tình tứ, mà trong một tác phẩm khác - Ngựa (1992), loài vật này tụ lại thành đàn, lao vút về phía trước như tên bay. Hình tượng này gợi liên tưởng đến lời chúc “Mã đáo thành công” mà người ta thường trịnh trọng dành cho nhau. 

Ngọc Thọ, Ngựa. 1969. 50x50cm

Khám phá các bức tranh sơn mài của Ngọc Thọ và chiêm nghiệm về chúng, ta mới nhận ra, việc kế thừa những nét truyền thống để đưa vào những tác phẩm mỹ thuật hiện đại chắc hẳn là một lời ngầm định vị bản sắc của tranh sơn mài Việt Nam trên trường quốc tế mà cố họa sĩ muốn nói với những người yêu nghệ thuật.

Ngọc Thọ, Hổ. 1982. 30x30cm

Ngọc Thọ, Phong cảnh nông thôn Bắc Bộ. 1963. 80x100cm

NAM SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;