Người có công đưa đèn lồng cố đô Huế ra thế giới

Chúng tôi tìm đến thăm cơ sở sản xuất đèn lồng nổi danh xứ Huế của gia đình anh Nguyễn Ngọc Mẫn, 48 tuổi (trú số 26, đường Phạm Tu, phường Hương Long, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế). Lúc này, anh Mẫn cùng tốp thợ đang hoàn thiện số lượng lớn đèn để kịp giao cho khách hàng ở Bình Định và một số tỉnh thành phía Nam.

Anh Nguyễn Ngọc Mẫn bên sản phẩm đèn lồng cố đô
 

Vừa làm, anh Mẫn vừa trò chuyện với chúng tôi: Đèn lồng vốn là nghề thủ công truyền thống của Huế. Tuy nhiên, do chưa tìm được hướng đi thích hợp, mẫu mã không được cải tiến kịp thời, không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, nên nghề làm đèn lồng ở Huế bị mai một dần theo thời gian. Nhiều hộ dân ở đây phải bỏ nghề hoặc chỉ duy trì lấy lệ, sản xuất theo mùa vụ. Trong lúc, nhu cầu sử dụng đèn lồng của người Huế lại rất cao, phải nhập từ các nơi khác về như: đèn Hội An, đèn lồng Trung Quốc…

Là người con của quê hương xứ Huế, anh Mẫn luôn trăn trở phải làm sao để duy trì nghề thủ công truyền thống của cha ông và giữ lại chút gì gọi là “hương xưa, vốn cổ”. Anh Mẫn cho biết: “Để có chỗ đứng trên thị trường, khẳng định thương hiệu, uy tín với khách hàng, gia đình tôi phải trải qua chặng đường không ít cam go, có lúc nản chí định bỏ cuộc nửa chừng vì gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ còn hạn chế…, nhưng với quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống của cha ông và cũng góp phần làm đẹp cho phố phường, kinh thành Huế và các lễ hội nói chung, tôi đã vượt qua tất cả để duy trì, phát triển nghề làm đèn lồng như hôm nay. Ông nội tôi là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Giao - người trực tiếp làm đèn lồng xưa để đưa vào trưng bày trong Đại nội Huế từ thời các vua nhà Nguyễn. Sau do tình hình kinh tế khó khăn, những học trò được ông tôi dạy dần bỏ nghề, từ đó, nghề làm đèn lồng xưa “khuất bóng” ngay trên vùng đất Huế từ khi nào không hay" - anh Mẫn tâm sự. 

Sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại TP.HCM, anh Mẫn quyết định trở về quê và quyết tâm khôi phục nghề. Vạn sự khởi đầu nan, bộn bề gian khó nhưng anh không chùn bước. Bắt tay tìm kiếm mẫu mã, xây dựng thương hiệu, rồi tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Nhiều đêm anh thức trắng, suy nghĩ: hợp tác với ai? ở đâu? để đẩy mạnh sản xuất đại trà, góp phần giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình đang thất nghiệp. 

Với phương châm “Không gì là không thể”, anh Mẫn đã thuyết phục người thân trong gia đình, rồi mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở xưởng sản xuất tại nhà, nhận thợ và truyền dạy kỹ thuật làm đèn lồng cho các nhân công. Lúc đầu, xưởng của anh chỉ biết làm những mẫu đèn đơn giản, truyền thống như: đèn ú, ông sao, kéo quân, trái bí…, để phục vụ cho người dân Huế và các vùng phụ cận trong lễ Phật đản và treo thờ, trang trí ở các nhà thờ họ, tư gia, quán cà phê. Không an phận ở “ao làng”, anh đã mạnh dạn đăng ký đưa sản phẩm đèn lồng của mình lần đầu tiên tham gia triển lãm tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2013 và bước đầu được người dân và du khách chú ý, đặt hàng. Từ xưa đến nay, Huế là vùng đất giàu lễ hội, nhiều lễ nghi, do đó việc sử dụng đèn lồng để trang trí cho lễ hội thêm phần rực rỡ, long trọng, trang nghiêm; tạo điểm nhấn riêng biệt nhằm tăng tính thẩm mỹ, nghệ thuật; góp phần điểm tô không gian càng thêm lung linh, đằm thắm, nổi bật.

Để thu hút ngày càng nhiều khách hàng, anh Mẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, chế tác ra nhiều mẫu mới, trên cơ sở phát huy, cải tiến các mẫu đèn truyền thống. Dựa vào nhu cầu, thị hiếu, không gian trang trí để thiết kế nhiều mẫu mới, phù hợp như: đèn hoa sen, quả cầu, lục giác, củ tỏi, hoa tulip, đèn rồng, long – lân – quy - phụng. Hiện nay, đèn lồng cố đô đã có hơn 50 mẫu, được người tiêu dùng đánh giá cao bởi độ bền, đẹp, giá cả hợp lí. Đèn lồng cố đô chịu được mưa, gió, nắng trong vài năm, thậm chí còn lâu hơn vì được làm bằng vải gấm, lụa tơ tằm. Khung đèn làm bằng gỗ thông, tràm phơi khô-loại gỗ nhẹ, không bị vanh, mo (cong). Trên nền vải chạm trổ hoa văn tinh xảo, họa tiết chạm trổ trên khung gỗ, in trên vải là hình các lăng tẩm, chùa chiền, rồng bay, phượng múa, kiến trúc cung đình Huế hoặc đơn thuần chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim thú, mây trời, núi sông. Tất cả được những người thợ tại xưởng của anh Mẫn làm thủ công rất tỉ mỉ, công phu.

Các công nhân đang làm việc tại xưởng

 

Những năm gần đây, đèn lồng cố đô đã tham gia triển lãm tại các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, Lễ hội áo dài Minh Hạnh, Tuần lễ áo dài Huế năm 2023, được trưng bày ở Đại Nội - Huế, các chùa ở trong và ngoài tỉnh… Song song với công tác phát triển nghề là phát triển sản phẩm du lịch, mặt hàng lưu niệm, cơ sở đèn lồng cố đô còn tạo ra nhiều mẫu đèn có kích thước nhỏ, gọn, đường nét hoa văn tinh tế, có thể gấp lại gọn gàng để du khách dễ dàng vận chuyển đi xa. Anh Mẫn tâm sự: “Đơn hàng đầu tiên xuất ngoại của tôi là năm 2014, khi đưa đèn lồng đi trưng bày ở một hội chợ tại Hà Nội. Lúc đó hữu duyên tôi quen một anh bạn là kiến trúc sư người Nhật, thế là anh bạn này đặt luôn mấy trăm cái để đưa về Nhật trang trí trong các khách sạn, nhà hàng…”. Sau đơn hàng đó, anh Mẫn được mời sang Tokyo (Nhật Bản) để trực tiếp bán lồng đèn cho các khách hàng ở đây. Hình ảnh trên những chiếc đèn lồng là những bức tranh vẽ sông Hương, núi Ngự, cảnh đẹp của cố đô, những nét thư pháp gắn liền với đời sống Phật giáo xứ Huế.

Mới đây, tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2023, đèn lồng cố đô đã giới thiệu với công chúng khoảng 30 mẫu đèn mang phong cách truyền thống Huế. Cũng tại không gian trưng bày này, những người thợ trực tiếp thao diễn nghề làm đèn lồng cho du khách chiêm ngưỡng. Bên cạnh đó là các họa sĩ, các em thanh thiếu niên Huế cũng được mời đến trực tiếp vẽ các hình ảnh mẫu lên các sản phẩm đèn lồng mà du khách đã lựa chọn, nhằm giúp các cháu có năng khiếu hội họa, được trải nghiệm sáng tạo. Qua đó, nhằm thu hút du khách quan tâm đến sản phẩm độc đáo này. Mỗi chiếc đèn lồng là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện khối óc, bàn tay khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân. Mỗi chi tiết, từng công đoạn đều rất chỉn chu, từ những thanh gỗ xơ cứng, những thớ vải vô tri vô giác được người thợ “thổi hồn” mà trở nên sống động, duyên dáng. Trong quá trình sản xuất, xưởng anh Mẫn không sử dụng máy móc nhiều, người thợ làm thủ công là chính và luôn sáng tạo chứ không rập khuôn cứng nhắc.

Hiện, xưởng sản xuất đèn lồng cố đô có 20 thợ làm việc quanh năm, với mức thu nhập từ 4-7 triệu/người/tháng. Mùa lễ hội và Tết Nguyên đán thì anh Mẫn phải tuyển thêm cả chục thợ mới đáp ứng nhu cầu đặt hàng của khách. Sản phẩm đèn lồng cố đô có giá dao động từ 20.000đồng/chiếc cho đến 6 triệu đồng/chiếc. Thế mới biết, người Huế, dân Huế xưa nay treo đèn lồng để chơi cho đẹp, trang trí cho vui, thế nhưng giá trị kinh tế của nó không hề nhỏ. Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, nhận xét: “Hình ảnh những ngôi nhà ở Huế treo đèn lồng tạo nên một vẻ đẹp lung linh và rất truyền thống. Tuy nhiên, người Huế vẫn xem chiếc đèn lồng làm ra để chơi chứ ít ai nghĩ đến việc đầu tư sản xuất một cách quy mô và bài bản để bán. Nhà nước cần hỗ trợ vốn, trợ giá để các cơ sở có thể sản xuất ra hàng loạt đèn lồng chất lượng cao, giá thành hạ. Khi đã thân quen cùng với giá cả hợp lý, đèn lồng Huế sẽ có chỗ đứng trong thị trường, thay thế dần lồng đèn Trung Quốc”.  Anh Mẫn cho biết thêm: Tháng 11/2017 diễn ra Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, đã có 35 chiếc đèn lồng cố đô trang trí với nhiều chủng loại khác nhau, đã góp phần vào sự thành công chung của Hội nghị quan trọng này. Năm 2020, anh Mẫn đã huy động gần 100 công nhân vào TP. Hồ Chí Minh để trang trí đèn lồng các loại cho một khu vui chơi giải trí lớn ở khu quy hoạch Vạn Phúc (quận Thủ Đức), những chiếc đèn khổng lồ (cao 15m, đường kính 30 m) với thời gian làm việc hơn 2 tháng.

Những năm gần đây, việc sử dụng đèn lồng cho không gian trang trí, tạo điểm nhấn nhằm tăng tính thẩm mỹ, nghệ thuật, góp phần tô điểm không gian rực rỡ, nổi bật, phô diễn nét đẹp dịu dàng, đằm thắm là xu hướng được nhiều chủ nhân trẻ lựa chọn. Bà Phạm Thị Quỳnh Giao - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Huế, thành viên Ban tổ chức Festival làng nghề truyền thống Huế, cho biết: “Đèn lồng truyền thống Huế của anh Mẫn mang giá trị thẩm mỹ rất cao. Trong các kỳ festival làng nghề truyền thống Huế, đèn lồng của anh Mẫn luôn được ban tổ chức ưu tiên đặt số lượng lớn để trang trí, quảng bá văn hóa Huế đến mọi người”.

Trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đèn lồng cố đô chiếm khoảng 50 % thị trường nội địa. Sau gần 20 năm gắn bó với nghề, với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi từ khâu nghiên cứu, thiết kế mẫu, hợp tác tìm kiếm đối tác, mở rộng quảng bá sản phẩm, đến nay, cơ sở sản xuất đèn lồng Cố Đô có quyền tự hào, vì không những chiếm lĩnh phần lớn thị trường Huế, mà còn vươn ra nhiều tỉnh thành khác, như: Bình Định, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nam Định, Hà Nội… Ngoài ra, còn chinh phục thị trường khó tính ở nhiều quốc gia trên thế giới: Ấn Độ, Singapo, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Pháp, Mỹ…

Sản phẩm đèn lồng cố đô đã được UBND tỉnh, Sở VH-TT tỉnh, các bộ ngành Trung ương tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Top 10 thương hiệu Việt - hàng Việt được yêu thích năm 2014, Top 100 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng do Bộ Công Thương trao tặng. Điển hình, tháng 2/2017 đèn lồng Cố Đô vinh dự được Viện Sở hữu trí tuệ Quốc tế “Chứng nhận sản phẩm - dịch vụ hàng đầu Việt Nam”. Hiện, anh Mẫn đang tiếp tục học hỏi, nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, giá thành cạnh tranh… để đáp ứng với mọi đối tượng khách hàng.

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;