NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG TIỂU THUYẾT SAU 1975 CỦA NGUYỄN KHẢI

Nguyễn Khải (1930 - 2008) là một trong số những nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ đổi mới, cũng là một trong số những người có đóng góp quan trọng làm nên những thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Nếu như trong chiến tranh, giống như nhiều nhà văn cùng thời, Nguyễn Khải dành mối quan tâm đặc biệt cho nhân vật nông dân, người lính, cán bộ kháng chiến, những nhân vật tiêu biểu của đời sống cách mạng, thì sau 1975, đối tượng được ông quan tâm, dành nhiều tâm huyết là nhân vật người trí thức. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Khải, chúng ta thấy nhân vật người trí thức đã trở thành những dấu ấn sâu đậm, đặc biệt trong từng trang viết.

Người trí thức trong sáng tác của Nguyễn Khải gồm nhiều ngành nghề, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Có người là luật sư (anh Hảo, anh Quý trong Gặp gỡ cuối năm), thẩm phán (Chính trong Một cõi nhân gian bé tí), cán bộ khoa học (Bình, Dũng trong Gặp gỡ cuối năm), nhà văn (Việt trong Gặp gỡ cuối năm), chiến sĩ tình báo (Quân trong Thời gian của người), cha xứ (cha Thư trong Cha và con và…, cha Vĩnh trong Thời gian của người), cán bộ cách mạng cao cấp (anh Hảo trong Gặp gỡ cuối năm) và cả những viên chức danh tiếng làm việc trong chính quyền ngụy (anh Quý, anh Chương trong Gặp gỡ cuối năm)... Trong số họ, nhiều người được đào tạo từ các trường học danh tiếng trong và ngoài nước nhưng cũng có người trở thành trí thức nhờ quá trình tự học và nghiên cứu (ông Hai Riềng trong Gặp gỡ cuối năm). Nhân vật trí thức được Nguyễn Khải xây dựng thuộc nhiều thế hệ khác nhau, có người đã gần 80 tuổi thuộc lớp người đã từng sống qua những biến cố lớn nhất của dân tộc trong TK XX, có người trên 50 là lớp người đã từng sống trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng có những người chưa đầy 30 tuổi là lớp người trưởng thành sau chiến tranh. Mỗi nhân vật một cuộc đời, một số phận, một lối suy nghĩ riêng, tất cả đều mang dấu ấn thế hệ mình rõ nét.

Khi viết về người trí thức, Nguyễn Khải phân biệt rất rạch ròi khái niệm trí thứcviên chức. Viên chức là mẫu người phục tùng, kiểu người nghe nhiều hơn nói. Họ dường như không bày tỏ ý kiến riêng, ngay cả cảm xúc của mình cũng có thể kiềm chế. Họ sống an phận, có phần nhu nhược, chỉ biết sáng cắp cặp đi tối cắp cặp về, tiêu biểu như anh Hoàng trong Gặp gỡ cuối năm. Còn trí thức là mẫu người không dễ phục tùng, họ sống có lý tưởng, luôn độc lập trong suy nghĩ. Họ có lòng tin ở bản thân, lẽ phải, bởi vậy, họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong Thời gian của người, Quân chiến đấu trong hoàn cảnh đặc biệt “đồng đội thì rất xa, kẻ địch thì ở cùng phòng, cùng nhà”, có những lúc rơi vào tình thế hiểm nguy nhưng anh kiên quyết không rời bỏ nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh nếu chuyện rủi ro xảy ra, vì anh là người có thể tước bỏ mọi thứ “ngoại trừ lòng yêu nước và cái lý tưởng cách mạng mà anh đã lựa chọn” (1). Ông Hai Riềng làm cao su mấy chục năm trời, sở dĩ trở thành một chuyên gia, một nhà khoa học về cây cao su vì ông không máy móc làm theo sách vở, cũng không làm theo thói quen mà luôn có ý thức tìm tòi, khám phá, đặc biệt dám một mình đi theo một con đường riêng, đem đến những thành quả tốt đẹp, đóng góp quan trọng cho ngành cao su. Vĩnh là một cha xứ nhưng không cuồng tín tôn giáo, bằng nhãn quan tỉnh táo của người trí thức, anh tìm thấy sự gặp gỡ giữa lý tưởng tôn giáo và lý tưởng cách mạng (hướng tới một dân tộc hòa đồng, một nhân loại hòa đồng). Đó là lý do vì sao anh sớm tìm đến và trở thành một người cách mạng. Trong tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm, anh Đại là một nhà yêu nước, được mời ra hoạt động chính trị với tổ chức tôn giáo thân Pháp nhưng anh đã khẳng khái từ chối: “Cụ Tắc có lòng muốn cho tôi thêm một chấm trên vai, nhưng tên tôi là Đại, thêm một chấm không ra Đại Đại mà lại ra Khuyển. Tôi muốn là thằng Đại chứ không ham thành chó săn nên buộc phải từ chối” (2). Anh Hảo, một công tử đi làm cách mạng, “có thời được tin, có thời bị ngờ, rồi lại được tin” nhưng lúc nào anh cũng sống vui tươi, làm việc hết lòng, “khi được tham dự các cuộc họp anh vẫn nói rất to những điều anh cho là đúng là phải” (3). Còn anh Quý, ngay cả khi làm việc trong bộ máy hành chính ngụy quyền, vẫn thẳng thắn công kích Mỹ phàn nàn về việc lính Mỹ đã lưu lại quá lâu, quá nhiều ở Việt Nam. Anh phản đối việc Mỹ nhân danh tự do để mặc sức xả bom đạn tiêu diệt Việt Nam. Anh tiên đoán chế độ Việt Nam cộng hòa sẽ không thể tồn tại lâu nếu người cầm quyền cứ mải chạy theo chiến xa của Mỹ. Vì có tư tưởng riêng, cách ứng xử riêng mà mỗi nhân vật trí thức của Nguyễn Khải luôn lưu lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Khi viết về các nhân vật người trí thức, Nguyễn Khải dường như đã bước qua cái nhìn định kiến theo quan điểm địch - ta, tôn giáo - phi tôn giáo của văn học sử thi để nhìn nhận một cách khách quan. Ông không có thái độ lý tưởng hóa đối với người trí thức cách mạng (anh Hảo, anh Quân, Việt, Bình trong Gặp gỡ cuối năm, ông Hai Riềng và Quân trong Thời gian của người, Chính trong Một cõi nhân gian bé tí), không phê phán những trí thức yêu nước nhưng chưa có thái độ quyết liệt đi theo cách mạng (anh Đại trong Gặp gỡ cuối năm), không tỏ thái độ nghi ngờ đối với các cha xứ (cha Thư trong Cha và con và…, cha Vĩnh trong Thời gian của người), không ác cảm đối với những người từng theo quốc dân đảng (ông Mọn, ông Vũ, Chính trong Một cõi nhân gian bé tí), không kỳ thị đối với những trí thức đã từng làm việc cho chính quyền ngụy (anh Chương, anh Quý trong Gặp gỡ cuối năm). Trong cái nhìn của Nguyễn Khải, mỗi cá nhân là một tâm tư nhiều uẩn khúc, một cuộc đời phức tạp cần khám phá. Chính vì vậy, ông viết về họ một cách khách quan. Ông chủ yếu đi vào phân tích nguyên nhân sự thành bại trong cuộc đời để nêu lên những bài học về cách hành xử của người trí thức.

Nhân vật trí thức trong tiểu thuyết Nguyễn Khải hầu hết là những con người có lý tưởng, cá tính, giàu ước mơ, say mê với lý tưởng xã hội. Nhưng tại sao có người thành công, có người thất bại? Tại sao có người trở thành lực đẩy để xã hội đi lên, có người không có tác động gì cho sự phát triển, có người lại trở thành vật cản? Nhà văn lý giải đó là do thái độ nhập cuộc và nhận thức chính trị của mỗi người. Những trí thức có nhận thức chính trị mơ hồ, đi sai đường về cuối đời chuốc lấy những thất bại. Anh Quý, anh Chương thực sự là những con người tài năng, nhưng lại ngây thơ về chính trị, chỉ vì nghĩ đơn giản: hoàn thành xuất sắc công việc của mình là có thể đóng góp cho dân, cho nước nên các anh đã tham gia vào bộ máy chính quyền ngụy mà không hiểu rằng tài năng không được dùng đúng chỗ thì còn phá hoại sự nghiệp chung. Cả một cuộc đời phấn đấu, điều cuối cùng các anh có được chỉ là sự cay đắng và tủi hổ. Anh Hoàng là viên chức bình thường trong chế độ ngụy quyền, sáng cắp cặp đi tối cắp cặp về, đứng ngoài chuyện chính trị, cuối đời là một con số không tròn trĩnh. Anh Đại, một trí thức yêu nước, đã từng có những hành động tích cực để ủng hộ các tổ chức cách mạng trong nước, bất hợp tác với Pháp nhưng không xác định rõ đường đi nên sự đóng góp chưa được nhiều. Những trí thức nhận thức chính trị đúng đắn, có thái độ sống rõ ràng thường có những hành động tích cực, quyết liệt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chung của đất nước. Anh Hảo, xuất thân trong một gia đình giàu có, bề thế, bản thân anh được đào tạo ở nước ngoài, khi về nước, anh được chính quyền thực dân trọng dụng nhưng anh đã từ bỏ tất cả cuộc sống sung sướng, danh vọng để đi theo cách mạng. Với anh, đó là con đường đúng đắn duy nhất bởi chỉ đi theo con đường đó, anh mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Lý tưởng của anh hòa hợp một cách tuyệt đối với lý tưởng dân tộc. Anh Quân là một chiến sĩ tình báo, cuộc đời luôn phải đối mặt với những cám dỗ, hiểm nguy nhưng anh đã vượt qua tất cả, kiên định với lý tưởng của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhìn lại những gì đã qua, anh có đủ cơ sở để tự tin khẳng định mình là một lực đẩy trong tiến trình đi lên. Ông Hai Riềng, chị Ba Huệ cũng kiên định một lòng theo cách mạng, vượt lên mọi gian khổ hy sinh để trở thành người chiến thắng. Với những trí thức trẻ trưởng thành trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau chiến tranh như Bình, Dũng, anh cán bộ kỹ thuật trong Gặp gỡ cuối năm, Giang trong Vòng sóng đến vô cùng, sự thành bại lại phụ thuộc vào cách ứng xử với hoàn cảnh. Những ai kiên định được với lý tưởng ban đầu, vượt qua những toan tính cá nhân, sự cám dỗ của đồng tiền thì thành công. Những ai vì hoàn cảnh gia đình bắt buộc phải gác lại lý tưởng để kiếm tiền cho cuộc mưu sinh dù không đánh mất mình cũng rơi vào đau khổ. Những ai bị toan tính cá nhân lấn át, bị tha hóa bởi đồng tiền thì chuốc lấy thất bại đắng cay.

Trong cách nhìn của Nguyễn Khải, vấn đề nhận đường không chỉ là vấn đề của đời mà còn là vấn đề của đạo. Cha Thư và cha Vĩnh đều một lòng kính yêu Chúa, nguyện dâng hiến cả đời để toàn tâm, toàn ý phụng sự Chúa, đem những điều tốt đẹp thánh thiện của Chúa đến với con người, tạo dựng lòng tin tưởng và kính Chúa. Nhưng là trí thức, họ không tin tưởng một cách mù quáng vào những thứ giáo điều trong sách vở. Càng hiểu về cuộc sống, họ càng nhận ra điều tốt đẹp nhất không đến từ “nước Chúa” mà đến từ con người, cứu rỗi những điều tốt đẹp nhất, điều tận thiện, tận mỹ cần hướng tới, không phải đâu xa mà chính là cuộc sống hạnh phúc của con người. Cha Vĩnh đến với dân tộc, cách mạng và chủ nghĩa xã hội như cuộc gặp gỡ của niềm tin, lý tưởng. Còn cha Thư, đến cuối tác phẩm đã tìm thấy hướng đi cho mình: đi theo nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn chính là cách tốt nhất để phụng sự chúa.

Một trong những điều đặc biệt mới mẻ làm nên sự hấp dẫn của nhân vật trí thức trong tiểu thuyết Nguyễn Khải là người trí thức không bao giờ ngừng vận động, ngừng lựa chọn. Những người thành công như: anh Hảo, anh Quân, ông Hai Riềng, Việt… sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong kháng chiến, vẫn tiếp tục lựa chọn để có những bước đi thích hợp cho hiện tại, tương lai. Những người thất bại như: anh Quý, anh Chương… cũng không buông xuôi đầu hàng số phận mà chủ động tìm cho mình một cách sống mới đúng đắn hơn. Với những người trẻ như: Bình, Giang… càng phải lựa chọn, không chỉ lựa chọn một lần mà hàng ngày phải lựa chọn trong từng sự việc, chỉ cần lựa chọn sai một lúc là tiếng xấu để đời. Sự lựa chọn của các nhân vật luôn thể hiện sự tiến bộ, trưởng thành hơn trong nhận thức chính trị. Điều đó cũng cho thấy cái nhìn đầy chất nhân văn của Nguyễn Khải đối với nhân vật người trí thức, đặc biệt những trí thức đã từng có bước đi sai lầm trong quá khứ.

Khi xây dựng nhân vật người trí thức, Nguyễn Khải đã cá biệt hóa nhân vật của mình theo một cách riêng. Thông thường, ông không đưa nhiều các chi tiết về ngoại hình mà chỉ đưa những nét phác thảo qua để người đọc có những cảm nhận chung nhất về nhân vật. Khi phác thảo ngoại hình, bao giờ ông cũng quan tâm đến hai yếu tố cơ bản làm nên nhân vật, đó là cái biến đổi theo thời gian và cái bền vững với thời gian. Cái biến đổi theo thời gian thường được nói trước còn cái bền vững với thời gian nói đến sau. Lấy cái biến đổi để khẳng định cái bền vững là cách làm quen thuộc của Nguyễn Khải. Anh Đại được miêu tả: “Anh lệnh khệnh chống can bước vào, mặc âu phục đen, thắt nơ, tóc bạc, lông mày bạc như một ông già quý tộc của cái thời xa xưa lắm. Anh lại gần bà chủ nhà, vừa từ phòng trang điểm bước ra, cầm tay chị, nghiêng đầu hôn nhẹ một cái, rồi mới dựng can vào một cái ghế, nặng nề ngồi xuống. Vẫn là một ông già rất galant, hào hoa phong nhã nhất họ” (4). “Anh Chương giống như một kép hát về già, nhiều xương quá, cái quần nhung kẻ màu vàng vừa rộng vừa dài, một cái áo len rộng thùng thình đã cũ, đi đôi dép lê. Chỉ riêng cặp mắt và cái miệng là vẫn trẻ như cách đây mấy năm” (5). Nhưng điều đặc biệt nhất trong cách thể hiện đời sống nội tâm nhân vật của Nguyễn Khải chính là nhà văn hay gắn nhân vật với những triết lý để đời. Với Quân trong Gặp gỡ cuối năm: “Làm người đã khó, làm người trí thức lại càng khó hơn. Hàng ngày phải lựa chọn, từng việc phải lựa chọn, lầm lỡ một chút là tiếng xấu để đời” (6). Với Quân trong Thời gian của người: “Thời gian chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với sự sống của con người, với sự phát triển và tiến bộ. Nếu trái đất không còn sự sống nữa, trở lại trạng thái hoang sơ nguyên thủy thì thời gian tự nó cũng không có” (7). Với Bình: “Bị đồng tiền cám dỗ thì mất hết... mất lý tưởng, mất niềm tin, mất cả bạn bè, sẽ sống với tâm địa ích kỷ, tàn độc như dưới chế độ tư bản” (8)... Mỗi triết lý sống được nêu lên là một cách nhà văn gợi ra một phương châm sống.

Đứng ở góc độ một nhà văn quân đội, Nguyễn Khải luôn nhìn người trí thức với cái nhìn nhân ái, đầy tin tưởng, trong xu hướng vận động hướng tới cái tốt hơn, hoàn thiện hơn. Đó cũng là một trong những điểm đặc biệt làm nên dấu ấn riêng trong phong cách nghệ thuật, tạo nên sức hấp dẫn riêng của tiểu thuyết Nguyễn Khải.

_______________

1, 7. Nguyễn Khải, Tuyển tập tiểu thuyết Nguyễn Khải, tập II, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr. 21, 103.

2, 3, 4, 5, 6, 8. Nguyễn Khải, Tuyển tập tiểu thuyết Nguyễn Khải, tập I, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr.623, 684, 620, 628, 645, 708.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ QUẤT

;