Phát huy nguồn lực văn hóa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Những năm qua, với sự quan tâm của toàn xã hội, lĩnh vực văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, góp phần khơi thông nguồn lực văn hóa, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng - Ảnh: Tuấn Minh

 

Kỷ nguyên vươn mình và những vận hội mới của dân tộc, đất nước

Phát biểu Kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”(1).

Khát vọng đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc là tư tưởng, quan điểm, triết lý phát triển mới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khởi xướng nhằm khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (năm 2026), hướng đến sự kiện 100 năm thành lập Đảng (vào năm 2030) và 100 năm thành lập nước (vào năm 1945), đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Làm sâu sắc và cụ thể hơn nội hàm của “kỷ nguyên vươn mình”, trong buổi trao đổi với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3) ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”(2).

Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao khó khăn, thử thách khốc liệt trước âm mưu xâm lược, thôn tính của kẻ thù. Bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết, khát vọng độc lập, tự do, dân tộc ta, nhân dân ta đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, mở ra những trang sử hào hùng của dân tộc.

Mỗi một cuộc khởi nghĩa, mỗi một chiến công đều gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng. Họ đã cùng với nhân dân viết lên những trang sử mới của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình với khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường. Đúc kết về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng"(3).

Bước sang thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên nhiều kỳ tích. Đó là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền làm nên Cách Tháng Tám thành công (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dâm chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó là Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống lại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp; là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bắc - Nam sum họp một nhà, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được củng cố, tăng cường. Khẳng định về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời kỳ đổi mới vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòabình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”(4). Đây là những tiền đề, điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên trỗi dậy, vươn mình của dân tộc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, những thành tựu đã được, Việt Nam cũng đối diện với những nguy cơ, thách thức mới trước những tác động xấu của bối cảnh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở trong và ngoài nước. Dự báo về bối cảnh, tình hình những năm sắp tới, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo… Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(5).

Bối cảnh mới đang đặt ra những cơ hội và thách thức, cần phải tranh thủ những điều kiện thuận, những vận hội mới, đồng thời khắc phục những rào cản, những điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Khách du lịch quốc tế khám phá vùng cao - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

 

Phát huy nguồn lực văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về nguồn vốn văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ cha ông đã sáng tạo lên nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Những sáng tạo đó qua thời gian kết tinh thành hệ thống di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), ở hệ giá trị, trở thành điểm tựa, sức mạnh tinh thần giúp dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách để không ngừng khẳng định mình.

 Trải dài trên dải đất hình chữ S là sự sinh sống, định cư của 54 dân tộc anh em. Mỗi một dân tộc, mỗi vùng miền chứa đựng những sắc thái văn hóa riêng với truyền thống, phong tục tập quán và những thực hành văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Truyền thống, bản sắc và những tri thức dân gian bản địa là nguồn vốn quan trọng để các tộc người khai thác, phát huy thông qua việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Từ xa xưa, người Việt Nam nổi tiếng thông minh, cần cù, chịu khó, luôn đề cao tinh thần hiếu học, trọng hiền tài. Truyền thống đó luôn được các thế hệ tiếp nối, phát huy. Ngày nay, với hơn 100 triệu dân, trong đó hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Đây là lực lượng quan trọng trong việc sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, đồng thời cũng là thị trường tiêu dùng văn hóa phong phú, với nhu cầu, thị hiếu văn hóa đa dạng.

Nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”.

Với sự quan tâm của Đảng, sự đầu tư của Nhà nước, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Chỉ tính riêng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đến nay, cả nước có khoảng 4 vạn di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, trong đó: 33 di sản được UNESCO, ghi danh (gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới ghi danh khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Thế giới); có 133 di tích quốc gia đặc biệt, 3.637 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh được xếp hạng; 598 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 131 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân, 1.619 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú; có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, trong đó có 161 hiện vật, nhóm hiện vật được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng. Toàn quốc có 200 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 73 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật đặc biệt quý hiếm(6). Đây là “báu vật”, là nguồn tài nguyên nhân văn vô giá, nguồn vốn đặc biệt quan trọng để Việt Nam khai thác, phát huy.

Nhằm khai thác và phát huy mạnh mẽ nguồn vốn văn hóa trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó tạo mọi điều kiện để ngành du lịch tăng tốc, phát triển, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho xã hội và nền kinh tế quốc gia. Nếu như năm 1990, mới chỉ có 250 nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 72 lần. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm - được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng cao nhất trên thế giới. Khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng; đóng góp 9,2% GDP. Du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Năm 2019, đại dịch COVID -19 bùng nổ, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, ứng phó linh hoạt trong bối cảnh mới, ngành du lịch đã có những bước phục hồi, tăng trưởng trở lại, bắt đầu từ ngày 15/3/2022. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo đà cho sự phục hồi của du lịch. Trong đó, du lịch nội địa trở thành điểm sáng với 101,3 triệu lượt trong năm 2022, cao hơn cả con số kỷ lục 85 triệu của năm 2019. Tính đến 10 tháng đầu năm 2024 lượng khách du lịch quốc tế đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 100,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 690 nghìn tỷ đồng(7). Với những thành tựu nổi bật, Việt Nam đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Trong 5 năm qua, Việt Nam được giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards 3 lần tôn vinh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, 5 lần nhận danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; 4 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á (8).

Sau 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt qua công nghiệp văn hóa góp phần quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018, xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD; đến năm 2022, xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD(9).

Nhằm phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa và sức sáng tạo của con người Việt Nam, khắc phục những bất cập, hạn chế, ngành VHTTDL trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, tăng tốc với việc xác định được những khâu đột phá, những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để từng bước khắc phục những “điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực văn hóa. Đặc biệt là những chuyển biến tích cực trong tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”.

Nhận thức rõ vai trò của yếu tố thể chế, cơ chế, chính sách đối với sự phát triển văn hóa, ngành VHTTDL đã tích cực tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội đánh giá, thẩm tra, rà soát lại các luật đã ban hành trong lĩnh vực văn hóa để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành các luật mới, tạo động lực và hành lang pháp lý để các hoạt động sáng tạo, thực hành và tiếp nhận văn hóa diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh đó, ngành VHTTDL còn đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ, tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ văn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt, chắp vá trong việc bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, không ngừng quan tâm đến việc kiến tạo không gian, môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, khoa học, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác, nhân lên những giá trị tốt đẹp.

Cùng với việc đổi mới về thể chế, chính sách, ngành Du lịch còn phối hợp với các cơ quan, bộ ngành trong việc huy động các nguồn lực đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, tạo khí thế và xung lực mới để xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Có thể khẳng định rằng: Những đổi mới trong tư duy, hành động của ngành Du lịch những năm qua đã tạo những động lực quan trọng để khai thác và phát huy mạnh mẽ nguồn lực văn hóa, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong bối cảnh mới. Đây là những điều kiện quan trọng để đất nước, nhân dân vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

                                  

1. Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, chinhphu.vn, ngày 20/10/2024
2,4. GS,TS Tô Lâm, Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1-11-2024.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.38.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.105-108.
6. Lê Thị Thu Hiền, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa việt nam trong phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 9/10/2024.
7. Diệp Anh, Hơn 14,1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng, chinhphu.vn.
8. Trung tâm Thông tin du lịch, Du lịch Việt Nam - Tự hào chặng đường 63 năm xây dựng và phát triển”, Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL, ngày 9/7/2023.
9. Bộ VHTTDL, Báo cáo trung tâm Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Hà Nội, 12/2023, tr. 3-4.

 

 

TS NGUYỄN HUY PHÒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

 

;