"Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa CAND thời kỳ chuyển đổi số"

Sáng 9-8-2023, tại Bộ Công an, 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa Công an nhân dân thời kỳ chuyển đổi số.

Các đại biểu dự hội thảo tham quan khu triển lãm sách

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những quan điểm phát triển, thuận lợi và thách thức, mục tiêu định hướng phát triển văn hóa đọc đến năm 2030 trong thời kỳ chuyển đổi số. Hội thảo đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam; xây dựng văn hóa CAND, người công an “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 51 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, nhà quản lý lĩnh vực công tác thư viện trong và ngoài lực lượng công an. Nội dung các báo cáo tham luận đã bám sát chủ đề Hội thảo và tập trung vào các chủ đề: Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về phát triển văn hóa đọc; thực trạng, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hoạt động phát triển văn hóa đọc trong CAND. Xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa đọc thời kỳ chuyển đổi số định hướng đến năm 2030; chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, thách thức, thành công trong quá trình phát triển văn hóa đọc thời kỳ chuyển đổi số của các thư viện…

Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị Bộ Công an đã khẳng định: Văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và sự hình thành nên những công dân có trí tuệ, khả năng sáng tạo, có đạo đức, lối sống lành mạnh, được các nước trên thế giới khẳng định. Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, hướng tới năm 2030... Mục tiêu đề án xác định xây dựng và phát triển thói quen đọc sách, nhằm khuyến kích, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đối với lực lượng CAND: trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy và lãnh đạo công an các cấp đã luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc.

Tham luận tại Hội thảo, GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước  cho biết: Văn hóa đọc là nền tảng của xã hội học tập, học tập suốt đời. Trong xã hội học tập ấy, lực lượng CAND có vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam trong bối cảnh internet phát triển hiện nay. Muốn thực hiện nhiệm vụ cao cả đó, mỗi cán bộ chiến sĩ cần ham mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc và ứng dụng những điều đã đọc được vào công việc của mình.

GS, TS  Hoàng Chí Bảo chia sẻ: muốn phát triển văn hóa đọc, chúng ta phải xuất phát từ 2 giả định cũng coi là tiền đề và điều kiện: một là, xã hội phải tạo ra được môi trường văn hóa sạch, tức là có nhiều sách tốt (tốt về đạo đức), sách hay (hay về nội dung khoa học) và sách đẹp (về thẩm mỹ, trình bày); thứ hai, phải hình thành nhu cầu văn hóa đọc ở mỗi con người, mỗi một thế hệ, lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau, nó tạo thành một nếp văn hóa chung của một xã hội văn minh.

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tham luận

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật thì lại đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển văn hóa đọc trong CAND như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số; tăng cường quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa đọc trong CAND; thường xuyên đổi mới, quảng bá về văn hóa đọc, phong trào học suốt đời, huy động sự tham gia có hiệu quả của các đơn vị có liên quan với nhiều hình thức thực hiện đa dạng, phù hợp; đẩy mạnh đầu tư, phát triển, ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin; tập trung rà soát và có kế hoạch đầu tư hợp lý theo lộ trình của việc xây dựng hệ thống thư viện truyền thống, thư viện điện tử, phòng đọc sách với nhiều đầu sách có giá trị thiết thực...

Sau hơn 3 giờ làm việc nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần xây dựng cao, Hội thảo đã được nghe 8 phát biểu trình bày tham luận và các ý kiến trao đổi.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Hội thảo, còn diễn ra triển lãm sách và các tác phẩm dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trong CAND. Triển lãm trưng bày hàng trăm đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau và các tác phẩm được đánh giá cao của những thí sinh tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trong CAND.

Bài, ảnh: TUỆ SAM

;