Quản lý thị trường văn hóa ở Trung Quốc và một số gợi mở đối với Việt Nam

Hiện nay, cùng với các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển thị trường văn hóa ngày càng được Chính phủ nhiều nước trên thế giới quan tâm. Tại Trung Quốc, quan điểm về thị trường văn hóa đã có những bước chuyển biến lớn về mặt tiếp cận thông qua quá trình thúc đẩy cải cách thể chế văn hóa. Một trong những vấn đề nổi bật của thị trường văn hóa Trung Quốc là vai trò quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với quá trình vận hành của thị trường. Bài viết phân tích vai trò quản lý của chủ thể nhà nước Trung Quốc đối với sự phát triển của thị trường văn hóa, qua đó đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.

1. Quan niệm của Trung Quốc về thị trường văn hóa

Cùng với quá trình cải cách về mặt kinh tế - chính trị, Trung Quốc từ năm 1978 đến nay cũng tiến hành cải cách mạnh mẽ về thể chế văn hóa. Trong đó, nổi bật là những chuyển biến về quan điểm trong vấn đề liên quan đến quản lý thị trường văn hóa. Một số đặc điểm trong quan niệm về thị trường văn hóa của Trung Quốc như sau:

Trước hết, Trung Quốc sớm thừa nhận sự tồn tại của thuộc tính kinh tế trong các giá trị văn hóa thông qua việc đưa ra các khái niệm liên quan đến thị trường văn hóa và kinh tế văn hóa. Khái niệm thị trường văn hóa được xuất hiện lần đầu tiên trong Thông báo liên quan đến tăng cường công tác quản lý thị trường (năm 1988) do Bộ Văn hóa, Cục Công Thương quốc gia Trung Quốc cùng ban hành (1). Trong văn bản này, những nội dung liên quan đến phạm vi, nguyên tắc, nhiệm vụ quản lý thị trường văn hóa cũng đã lần lượt được làm rõ, góp phần chấm dứt cục diện nhiễu loạn của thị trường văn hóa ở Trung Quốc. Bước vào thập niên 90 của TK XX, vai trò kinh tế của văn hóa, nghệ thuật Trung Quốc từng bước được nhìn nhận thông qua việc Chính phủ khẳng định cần có chính sách về kinh tế văn hóa. Báo cáo của Bộ Văn hóa liên quan đến một số ý kiến về chính sách kinh tế trong sự nghiệp văn hóa năm 1991 là văn bản đầu tiên chính thức đưa ra khái niệm kinh tế văn hóa (2). Năm 1992, ông Giang Trạch Dân trong Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ 14 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định phải “hoàn thiện chính sách kinh tế văn hóa” (3). Đây được coi là sự mở đường về mặt tư tưởng để những năm cuối TK XX ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc có thể tìm thấy tính định danh chính thức trong chương trình phát triển đất nước. Năm 1998, trong đợt tinh giản cơ cấu của Bộ Văn hóa, chỉ có Cục Công nghiệp văn hóa trở thành Cục duy nhất được thành lập mới của Bộ Văn hóa Trung Quốc.

Thứ hai, sự phát triển trong quan điểm về thị trường văn hóa của Trung Quốc còn được thể hiện qua sự phân tách phạm vi quản lý đối với hai phạm trù “công nghiệp văn hóa” và “sự nghiệp văn hóa”. Công nghiệp văn hóa và sự nghiệp văn hóa là hai bộ phận quan trọng trong cấu trúc văn hóa Trung Quốc đương đại. Trong các văn bản chính sách quan trọng về phát triển văn hóa, Chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh cụm từ “nắm vững cả hai tay”, một tay nắm lấy sự nghiệp văn hóa mang tính công ích, một tay nắm lấy ngành công nghiệp văn hóa mang tính kinh doanh (4). Ngay từ những năm đầu tiên khi đưa công nghiệp văn hóa vào trong chính sách phát triển quốc gia, Trung Quốc cũng đồng thời đưa ra sự khác biệt giữa khái niệm này với nội hàm “sự nghiệp văn hóa”. Về cơ bản, các hoạt động liên quan đến “sự nghiệp văn hóa” là nhằm sản xuất ra các sản phẩm công cộng, với sự đầu tư vốn của nhà nước, được quản lý theo mệnh lệnh hành chính của Chính phủ, vì mục tiêu phồn vinh xã hội và đảm bảo lợi ích hưởng thụ văn hóa cốt lõi của người dân. Trong khi đó, hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa nhằm sản xuất sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, với sự tham gia vốn của nhiều thành phần kinh tế đặc biệt là nguồn vốn dân doanh, chịu sự quản lý của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật, chính sách về thuế và đòn bẩy giá cả.

Thứ ba, đối với Trung Quốc, thị trường văn hóa không chỉ đóng vai trò là nơi sản sinh ra các nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa và toàn bộ xã hội Trung Quốc, mà ở đó các nguồn lực có được từ thị trường văn hóa cần được phân bổ một cách công bằng. Sự công bằng này chỉ được thực hiện thông qua vai trò của các chủ thể văn hóa nhà nước (5). Điều này có nghĩa rằng, thị trường văn hóa cần là nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện vai trò và sự lãnh đạo của mình. Trong Hội nghị Trung ương 3, Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống thị trường hiện đại chính là những biện pháp quan trọng để đi sâu cải cách thể chế văn hóa và đảm bảo thị trường văn hóa lành mạnh và có trật tự (6). Điều đó cho thấy, quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến thị trường văn hóa tập trung vào việc xây dựng hệ thống kết hợp thị trường hàng hóa và thị trường yếu tố (dịch vụ công), thị trường này kết hợp tư liệu sản xuất với tư liệu phục vụ đời sống, mô hình thị trường văn hóa vật thể và phi vật thể. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chỉ ra rằng: “một tác phẩm nghệ thuật tốt, cần phải đặt hiệu ứng công ích xã hội lên hàng đầu, phải là một tác phẩm phát huy được lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội…” (7).

Điều này được thể hiện trong “Ý kiến chỉ đạo thúc đẩy nhiệm vụ của doanh nghiệp văn hóa nhà nước đặt hiệu ứng xã hội lên hàng đầu, thực hiện kết hợp thống nhất lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế” được Văn phòng Quốc Vụ Viện Trung Quốc ban hành tháng 9 năm 2015 (8). Đồng thời, trong bản Ý kiến này, Trung Quốc cũng thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc thúc đẩy cải cách chức năng của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, tái phân bổ các nguồn lực trong quá trình cải cách và phát triển văn hóa (9). Đáng chú ý là, trong quá trình này, thị trường đóng vai trò quyết định và nhà nước đóng vai trò chủ đạo, khuyến khích các chủ thể trong thị trường văn hóa cạnh tranh bình đẳng với nhau, nhằm tối ưu hóa thị trường văn hóa với việc phát huy những ưu thế của thị trường và loại bỏ những hạn chế tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc.

2. Một số vấn đề nổi bật của thị trường văn hóa Trung Quốc gần đây

Động thái tăng cường công tác quản lý thị trường văn hóa giải trí của Chính phủ Trung Quốc

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, quy mô thị trường văn hóa Trung Quốc ngày càng mở rộng. Tỷ trọng đóng góp của các ngành văn hóa trong GDP nền kinh tế ngày càng lớn. Tính đến năm 2019, tổng giá trị doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đạt 4.436,3 tỷ NDT, đóng góp 4,5% trong tổng GDP Trung Quốc (10). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về quy mô, các vấn đề tồn đọng trong thị trường văn hóa Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, tiêu biểu là các vấn đề liên quan đến thị trường giải trí. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái mạnh mẽ để thiết lập lại trật tự của thị trường này.

Thứ nhất, chấn chỉnh các hành vi không chuẩn mực trong giới showbiz Trung Quốc. Từ đầu tháng 8-2021, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã đưa ra những hình thức xử phạt chưa từng có, nhằm loại bỏ những nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức ra khỏi thị trường văn hóa giải trí như: tước bỏ danh hiệu, xóa sổ tất cả tài khoản mạng xã hội, xóa tên khỏi các nền tảng video, gỡ các sản phẩm họ từng tham gia. Một loạt nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã lần lượt bị xử phạt như: Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy… Lệnh phong sát ở thị trường giải trí Trung Quốc được coi là một đòn trừng phạt nặng nhất đối với giới nghệ sĩ. Khi có lệnh phong sát, những phương tiện truyền thông sẽ được yêu cầu không phát sóng hoặc chỉnh sửa những chương trình có sự tham gia của những nhân vật bị phong sát. Sự nghiệp nghệ thuật hơn 20 năm của Triệu Vy tại Trung Quốc coi như chấm dứt hoàn toàn khi hàng loạt các tác phẩm của nghệ sĩ này bị gỡ khỏi các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc, tên cô bị xóa khỏi danh sách diễn viên của các dự án lớn, các giải thưởng và danh hiệu đại hoa đán mà cô nắm giữ suốt những năm qua cũng bị thu hồi (11). Từ tháng 3-2021, Tổng cục Phát thanh, truyền hình Trung Quốc đã ban hành quy định cấm sóng với những người vi phạm pháp luật. Các sản phẩm nghệ thuật có sự tham gia của nghệ sĩ vi phạm cũng không được phép phát hành. Vì quy định này, những diễn viên từng vướng scandal như Phạm Băng Băng, Lý Tiểu Lộ, Bạch Bách Hà, Kha Chấn Đông, Phòng Tổ Danh, Huỳnh Hải Ba đến nay chưa được trở lại đóng phim (12).

Thứ hai, ngăn chặn sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu “văn hóa thần tượng”. Thời gian qua, hiện tượng hâm mộ người nổi tiếng hay còn gọi là “văn hóa thần tượng” đang ngày một phát triển tại Trung Quốc. Bản thân văn hóa thần tượng không phải là điều xấu. Khi một nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội cũng là một tấm gương về đạo đức và tài năng, họ sẽ tạo ra được năng lượng tích cực, hướng thiện và lan tỏa trong cộng đồng, giúp xã hội ngày càng trở nên nhân văn và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, việc chạy theo sự nổi tiếng một cách mù quáng, bất chấp các quy chuẩn đạo đức và quy định của pháp luật, thì đó là hiện tượng cần phải ngăn chặn. Ví dụ điển hình nhất là sự kiện ca sĩ Ngô Diệc Phàm bị cảnh sát Bắc Kinh tạm giữ vào cuối tháng 7-2021 vì cáo buộc cưỡng hiếp liên quan đến trẻ vị thành niên, một số người hâm mộ đã lên mạng xã hội kêu gọi lập kế hoạch tổ chức “nhóm giải cứu” thần tượng. Vì thần tượng của mình, các fan hâm mộ sẵn sàng bao che hoặc tìm cớ để hợp lý hóa cái xấu, thậm chí vi phạm pháp luật. Những điều này đã khiến các cơ quan quản lý của Trung Quốc phải vào cuộc chấn chỉnh, trước khi hiện tượng này đi quá xa. Ngày 6-8-2021, Weibo - nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc - đã thông báo loại bỏ “Danh sách xếp hạng các ngôi sao quyền lực”. Đây được coi là một trong những thế giới ảo để người hâm mộ Trung Quốc được thể hiện tình yêu và sự ủng hộ với thần tượng (13).

Ngày 27-8-2021, cơ quan quản trị không gian mạng Trung Quốc ban hành lệnh cấm mọi hình thức xếp hạng nghệ sĩ dựa vào mức độ nổi tiếng trên các nền tảng kỹ thuật số. Động thái này không nằm ngoài dự đoán bởi từ lâu, các nhà quản lý lo ngại vấn đề thần tượng và người hâm mộ vượt ngoài tầm kiểm soát. Việc xóa danh sách xếp hạng này nhằm đảm bảo sự phát triển có trật tự của cộng đồng và các kênh, để người hâm mộ được thể hiện tình cảm với các ngôi sao một cách đúng đắn nhất. Các động thái của cơ quan chức năng Trung Quốc trong thời gian gần đây là một phần nỗ lực để kiềm chế nền văn hóa thần tượng có phần thái quá và lệch lạc của nước này (14).

Thứ ba, quy định hạn chế thời gian chơi game online của trẻ dưới 18 tuổi. Hiện nay, việc trẻ vị thành niên lạm dụng hoặc thậm chí nghiện game trực tuyến đã trở thành một vấn đề nổi cộm trong xã hội Trung Quốc, có tác động tiêu cực đến cuộc sống, học tập và sự phát triển lành mạnh của trẻ, đặc biệt là đa số các bậc phụ huynh đã phản ứng mạnh mẽ. Để siết chặt hơn nữa các biện pháp quản lý, kiên quyết ngăn chặn trẻ vị thành niên ham mê trò chơi trực tuyến, ngày 30-8 Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia của Trung Quốc đã ra “Thông báo về việc ngăn chặn trẻ vị thành niên ham mê trò chơi trực tuyến” (15). Theo quy định mới, tất cả các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cho trẻ vị thành niên trong một tiếng từ 20 giờ đến 21 giờ các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ (trước đây là 1,5 giờ mỗi ngày). Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đăng ký, đăng nhập bằng tên thật đối với tài khoản người dùng trò chơi trực tuyến. Tất cả các trò chơi trực tuyến phải được kết nối với hệ thống xác minh tên thật chống nghiện trò chơi trực tuyến của Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản. Các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra cách các công ty áp dụng hạn chế với thời gian chơi của người dùng và vấn đề mua đồ ảo trong game. Các cơ quan này cũng làm việc với phụ huynh, nhà trường và một số nhóm trong xã hội để chống lại chứng nghiện game.

Như vậy, trước tình trạng vi phạm pháp luật, hành xử thiếu đạo đức của nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực giải trí hiện nay, các cơ quan quản lý văn hóa Trung Quốc đã đẩy mạnh việc chấn chỉnh thị trường giải trí nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý giáo dục, xây dựng đạo đức cho giới văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, những quy định mới đối với thị trường game cũng cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó chứng nghiện game của giới trẻ, nhằm đảm cho bảo thanh thiếu niên không sử dụng quá nhiều thời gian cho việc giải trí, khuyến khích lực lượng lao động tương lai theo đuổi các mục tiêu tích cực.

Đánh giá về nguyên nhân tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường văn hóa của Trung Quốc

Có thể thấy, từ trước tới nay, lĩnh vực văn hóa giải trí của Trung Quốc luôn chịu sự giám sát chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, quá trình xây dựng thể chế thị trường văn hóa hiện đại của Trung Quốc chưa hoàn thiện; Thứ hai, xuất phát từ chủ trương “thịnh vượng chung” do ông Tập Cận Bình đề xướng trong thời gian gần đây.

Sở dĩ chủ thể nhà nước vẫn chiếm vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của thị trường văn hóa Trung Quốc một phần là di sản của thời kỳ kinh tế kế hoạch trước đây để lại. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, sản phẩm văn hóa được coi là sản phẩm tuyên truyền cho hình thái ý thức, người làm văn hóa là chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ tư tưởng và nhà nước nắm vai trò kiểm soát toàn bộ quá trình sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng văn hóa. Mặc dù sau khi tiến hành cải cách thể chế văn hóa (năm 2003), Trung Quốc đã có sự chuyển biến rất lớn trong quan điểm tiếp cận về thị trường văn hóa thông qua việc phân chia cơ quan văn hóa thành hai loại là “đơn vị sự nghiệp văn hóa mang tính công ích” và “đơn vị công nghiệp văn hóa mang tính kinh doanh”. Tuy nhiên, dường như quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này vẫn giữ nguyên quán tính quản lý nội dung hình thái ý thức, chưa coi trọng tính không xác định của hoạt động sản xuất sản phẩm văn hóa. Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng hệ thống thị trường văn hóa hiện đại, song, việc giải quyết mối quan hệ giữa chức năng của Chính phủ với doanh nghiệp, giữa Chính phủ và đơn vị sự nghiệp văn hóa vẫn là một vấn đề đối với nền văn hóa của nước này.

Sự quản lý chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc đối với thị trường văn hóa giải trí trong thời gian gần đây còn liên quan đến chủ trương “thịnh vượng chung” do ông Tập Cận Bình đề xuất. Thịnh vượng chung là khái niệm được ông Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Tài chính và kinh tế của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17-8-2021 với nội hàm chính là tái phân bổ của cải vì lợi ích công bằng xã hội. Trong hai thập kỷ gần đây, văn hóa đại chúng của Trung Quốc đã cởi mở hơn để thu hút thị hiếu công chúng đối với sản phẩm văn hóa trong nước thay cho các tác phẩm của Hollywood và các nước khác. Tuy nhiên, thu nhập cao của những ngôi sao hạng A như một lời nhắc nhở về khoảng cách giàu nghèo đang ngày một gia tăng tại Trung Quốc. Do đó, Tổng Cục Phát thanh, Truyền hình Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp quản lý chặt giới nghệ sĩ, đặc biệt là thuế thu nhập. Không những thế, sự lạm dụng mức độ nổi tiếng của một số nghệ sĩ cùng sự cuồng nhiệt của một bộ phận người hâm mộ đang ngày càng được chính phủ xem xét như một hiện tượng thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của giới trẻ nước này.

3. Một số gợi mở đối với việc phát triển thị trường văn hóa Việt Nam

Có thể thấy rằng, có hai đặc điểm nổi bật mang tính xuyên suốt trong quan điểm của Trung Quốc về thị trường văn hóa đó là vai trò quản lý của Nhà nước và mục tiêu hướng tới công bằng xã hội trong tiêu dùng văn hóa. Hai đặc điểm này thể hiện sâu sắc bản chất nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Việc quản lý thị trường văn hóa có mối quan hệ mật thiết đối với việc dẫn dắt và định hướng tư tưởng trong xã hội Trung Quốc. Đề cao vai trò quản lý của Nhà nước trong quản lý thị trường văn hóa ở Trung Quốc vừa tạo nên một thị trường được kiểm soát nhưng cũng tạo ra những tranh cãi liên quan đến không gian sáng tạo và tự chủ cho người làm văn hóa. Cơ chế kiểm duyệt quá gắt gao về tư tưởng và hình ảnh đã tạo nên bức tường vô hình để điện ảnh Trung Quốc vươn ra thế giới. Trương Nghệ Mưu - một trong những đạo diễn nổi tiếng ở Trung Quốc đã từng phải nói rằng, ông gần như luôn lấy bối cảnh ở quá khứ vì phim đương đại sẽ bị các nhà kiểm duyệt làm mất đi tính hiệu quả (16).

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có sự phát triển tương đối nhanh chóng. Sự chuyển biến về quan điểm tiếp cận đối với chính sách kinh tế trong văn hóa qua Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (năm 1998) và Nghị quyết số 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) cũng như sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2016) đã mở đường cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ VHTTDL, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp 3,61% trong GDP của cả nước (năm 2019). Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã kéo theo sự mở rộng về quy mô và đa dạng về chủ thể của thị trường văn hóa Việt Nam.

Là quốc gia có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của nhà nước trong sự phát triển của thị trường văn hóa được Việt Nam rất quan tâm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp về Chính phủ kiến tạo: “Đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế; Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì nhà nước không can thiệp, thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư…” (17).

Hiện nay, khi ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn phát triển ban đầu thì vai trò vừa mang tính định hướng vừa mang tính điều tiết xu hướng của nhà nước đối với thị trường văn hóa là hết sức cần thiết. Trước hết, Việt Nam cần thừa nhận về sự tồn tại của thị trường văn hóa và đưa ra các nguyên tắc, phương châm phát triển cụ thể đối với thị trường văn hóa trong nước. Thứ hai, nhà nước cần kiến tạo một môi trường pháp luật hoàn thiện về công nghiệp văn hóa đặc biệt là các luật pháp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan. Thứ ba, các chủ thể trong thị trường văn hóa như doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo vừa cần đến vai trò bảo hộ của Nhà nước thông qua việc miễn, giảm thuế kinh doanh vừa cần đến sự nâng đỡ đối với yếu tố nội địa thông qua việc áp thuế nhập khẩu bản quyền cao với các dự án mua bản quyền nội dung sáng tạo từ nước ngoài.

Như vậy, lĩnh vực văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn. Cơ hội đó vừa đến từ sự quan tâm về mặt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời đến từ sự phát triển về kinh tế và khoa học công nghệ trong nước cũng như thế giới. Làm thế nào để biến vận hội đó thành đòn bẩy động lực đối với sự phát triển của các ngành văn hóa và thị trường văn hóa trong nước, cần có sự vào cuộc của tất cả các chủ thể thị trường bao gồm cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và vai trò của Nhà nước.

_____________

1, 2, 3. Trương Hiểu Minh, 拓慌者的足迹:中国文 化产业改革发展十年路径与政策回顾 (Dấu chân của người mở đường: Nhìn lại con đường và chính sách cải cách phát triển công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong 10 năm), Nxb Văn hiến Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2013, tr.5, 5, 6.

4. Hàn Tuấn Vĩ, Trương Hiểu Minh, 文化产业概论 (Khái luận về công nghiệp văn hóa), Nxb Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, 2014, tr.17.

5, 7. Phùng Văn Nhã, 习近平为中国梦凝聚的精神 文化力 (Tập Cận Bình kêu gọi tập trung sức mạnh văn hóa tinh thần phục vụ cho “Giấc mộng Trung Quốc”), xinhuanet.com, 4-10-2021.

6. Chu Đình Đình, 習近平文化強國戰略思想研究 (Nghiên cứu về tư tưởng Tập Cận Bình trong xây dựng cường quốc văn hóa), Đại học Công nghệ Lan Châu, 2017.

8. Nhân dân nhật báo, 中共中央办公厅国务院办公 厅印发 "关于推动国有文化企业把社会效益放在首位 实现社会效益和经济效益相统一的指导意见" (Ý kiến chỉ đạo thúc đẩy nhiệm vụ của doanh nghiệp văn hóa nhà nước đặt hiệu ứng xã hội lên hàng đầu, thực hiện kết hợp thống nhất lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế), politics.people.com.cn, 25-9-2021.

9. Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng Quốc vụ viện, 关于加快构建 现代公共文化服务体系的意见 (Ý kiến về đẩy mạnh xây dựng hệ thống dịch vụ văn hóa công công hiện đại), toàn văn gov.cn,10-9-2021.

10. Cục Thống kê quốc gia, 2019 年全国文化及相关 产业增加值占 GDP 比重为 4,5% (Văn hóa và các ngành nghề liên quan của Trung Quốc năm 2019 chiếm tỷ trọng 4,5% trong GDP), stats.gov.cn, 5-1-2021.

11. Mi Vân, Trung Quốc mạnh tay với ngành giải trí, chấn chỉnh thần tượng, dantri.com.vn, 31-8-2021.

12. Như Anh, Trung Quốc siết quản lý nghệ sĩ vướng scandal, vnexpress.net, 2-8-2021.

13, 14. Bích Thuận, Trung Quốc đang nỗ lực kiềm chế fan cuồng, truyenhinhdulich.vn, 3-9-2021.

15. 国家新闻出版署关于防止未成年人沉迷网络游 戏工作的通知 (Thông báo về việc ngăn chặn trẻ vị thành niên ham mê trò chơi điện tử trực tuyến), nppa.gov.cn, 30-8-2021.

16. Joseph Nye, Tương lai quyền lực, dịch giả: Tâm Hiền, Nxb Lao động, 2018, tr.161.

17. Đinh Thị Quý Phương, Công nghiệp văn hóa: Để ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ kinh tế sáng tạo thế giới, tuoitre.vn, 25-11-2021.

TS TRẦN THỊ THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;