Sức mạnh văn hóa dân tộc trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Trải suốt chiều dài lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam, từ Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc với lời thề “đem lại nghiệp xưa họ Hùng”, Nguyễn Trãi âm vang lời cáo “như nước Việt ta thủa trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”... và Quang Trung “đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen...”, đến thời đại Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập, tự do”... đã phản ánh giá trị và sức mạnh văn hóa dân tộc trong chiến thắng của các cuộc chiến tranh ái quốc. Dân tộc ta đánh giặc bằng sức mạnh của văn hóa là nét độc đáo nhất, có một không hai trên thế giới.           

Sức mạnh văn hóa là sức mạnh bắt nguồn, xuất phát từ bên trong, được kết tinh từ trí tuệ, ý chí, tâm hồn, cốt cách, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn đời nay. Đảng ta ngay từ khi ra đời, đã luôn quan tâm gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Trong Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) xác định “văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm” (1). Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người rất quan tâm đến vai trò của văn hóa. Ông khẳng định: “Cách mạng là đổi mới, một quá trình đổi mới cho đến đích cuối cùng cho nên cách mạng càng cần văn hóa… Văn hóa là cội nguồn sức mạnh và tài năng làm nên chiến thắng” (2).

Sự kiện lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã lùi xa 60 năm, trong biết bao cuộc hội thảo, các học giả trong và ngoài nước, các tướng lĩnh, các chính trị gia... đã tốn nhiều công sức phân tích tìm nguyên nhân nào để một dân tộc nhỏ bé lại làm nên điều kỳ diệu, chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. Những câu hỏi ấy đều có một đáp án chung, đó là “sức mạnh văn hóa dân tộc”. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là sức mạnh quân sự, tài thao lược các tướng lĩnh hay nghệ thuật quân sự đặc sắc, mà đó là vấn đề văn hóa, sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam, sức mạnh ấy đã thăng hoa, là chất kết dính làm nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân ta đập tan mọi dã tâm của kẻ xâm lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Nền văn hóa Việt Nam, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo không ngừng phát triển là sức mạnh của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh” (3). Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân đạo là điểm cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam trong thắng lợi Điện Biên Phủ.

Nói về chủ nghĩa yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (4). Chủ nghĩa yêu nước là điểm cốt lõi của sức mạnh văn hóa Việt Nam, là sợi dây bền chặt gắn bó, cố kết con người Việt Nam để tạo thành sức mạnh chống chọi thiên nhiên, giữ gìn bảo vệ non sông bờ cõi, đó chính là hạt nhân của văn hóa Việt. Chính nhờ sức mạnh diệu kỳ của nền văn hóa ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta đã không bị đồng hóa mà còn liên tiếp dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược bạo tàn giành lại độc lập, chủ quyền.

Trải qua gần chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ta bước vào cuộc quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ trong bối cảnh tương quan lực lượng, không cân sức. Quân Pháp xây dựng Ðiện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm lớn, được bao bọc bởi những dãy núi cao, đó chính là bức tường thành thiên nhiên vững chắc, bố trí phòng thủ chặt chẽ trong các công sự hầm ngầm kiên cố. Trước giờ nổ súng, lực lượng địch có 10.871 tên, gồm 12 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly với 24 khẩu, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly với 20 khẩu và 1 đại đội xe tăng 18 tấn với 10 chiếc. Ngoài ra, còn có 2 trung đội súng máy 12 ly 7, 7 máy bay khu trục, 5 máy bay trinh sát, 4 máy bay vận tải và 1 máy bay thường trực, đó là chưa kể địch có ưu thế về vận tải đường không, nên suốt quá trình diễn ra chiến dịch chúng đã đưa số quân lên đến 16.200 tên. Về phía ta, quân số tham gia chiến dịch là 51.445 người, được biên chế trong 9 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn sơn pháo 75 mm với 15 khẩu, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly với 24 khẩu, 4 đại đội súng cối 120 ly với 16 khẩu, 1 trung đoàn cao xạ 37 ly với 24 khẩu, 2 tiểu đoàn công binh. Hoàn toàn không có sự yểm hộ của xe tăng và máy bay, phương tiện tác chiến cực kỳ cần thiết trong thực hành tiến công. Với tương quan như vậy, dưới con mắt của các nhà quân sự phương Tây, việc tiến công của Việt Minh là không thể, nếu phát động tiến công chỉ là hành động tự sát... (5).

Tuy nhiên, các tướng lĩnh của quân đội thực dân đã không tính đến yếu tố quan trọng nhất làm nên sức mạnh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đó chính là nhân tố con người. Khi cả dân tộc cùng dốc sức ra trận, trên dưới đồng lòng, chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng được phát huy cao độ đã làm nên sức mạnh vô địch, chiến thắng sức mạnh binh khí kỹ thuật, chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. 

Thực tế chiến trường Điện Biên Phủ đã chứng minh: Người Pháp cho rằng, với địa hình đồi dốc, đường sá xa xôi, không có xe kéo, Việt Minh khó có thể triển khai được pháo hạng nặng, nên họ đã bất ngờ khi pháo ta nã đạn vào Điện Biên Phủ, khiến viên chỉ huy pháo binh phải tự sát. Vấn đề chính mà người Pháp không thể tưởng tượng được, đó là chỉ bằng sức người, kết hợp tời quay, các chiến sĩ pháo binh Việt Nam và dân công đã đưa pháo vượt qua những quãng đường lầy lội, đầy đèo dốc, có nơi dốc 600. Chỉ bằng đôi vai trần, những cuộn dây thừng, các chiến sĩ pháo binh và dân công đã đưa được những khẩu pháo nặng hàng tấn nhích dần từng mét, nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong khi kéo pháo. Chỉ có lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí chiến đấu vì độc lập tự do mới tạo nên sức mạnh “kinh khủng”, như vậy, làm nên những người lính pháo binh “chân đồng vai sắt” để hoàn thành nhiệm vụ.

Về vấn đề bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, kẻ địch không thể ngờ rằng chúng ta đã huy động tổng lực của hậu cần chiến tranh nhân dân. Cùng với các đơn vị tiến quân lên Điện Biên Phủ là hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, phối hợp với công binh mở hàng trăm km đường. Huy động 261.461 dân công với gần 20 triệu ngày công phục vụ chiến dịch, vận chuyển hơn 27 nghìn tấn gạo. Cuộc ra quân tiếp vận cho chiến trường Ðiện Biên đã nổi bật lên những tấm gương cao đẹp như anh hùng phá thác Phan Tư, kỷ lục xe thồ Ma Văn Thắng (Phú Thọ) với 352 kg, gấp bảy lần trọng lượng của cơ thể. Sức mạnh tập thể được nhân lên từ những nghị lực phi thường được hình thành nên từ lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bộ chỉ huy quân Pháp cho rằng, họ hoàn toàn nắm giữ ưu thế chiến dịch, làm chủ hoàn toàn trên không, ưu thế tuyệt đối về xe tăng, vượt trội về pháo binh, có công sự hầm ngầm vững chắc và một thế bố trí liên hoàn chặt chẽ. Nhưng họ lại không thể ngờ rằng, bộ đội Việt Nam đã thọc sâu, đánh họ từ trong lòng đất. Hệ thống giao thông hào dài hàng trăm km, tiến dần vào lòng chảo, trở thành “thòng lọng” thít chặt tập đoàn cứ điểm đã hạn chế được ưu thế về mặt quân sự của đối phương, bảo đảm cho cách đánh tiến chắc, thắng chắc.

Rõ ràng, những con người với lòng yêu nước, “gan không núng, chí không mòn” đã làm nên những điều kỳ diệu, những điều không hề có trong sách giáo khoa của các học viện quân sự lừng danh trên thế giới. Tên tuổi của các anh hùng Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Phan Ðình Giót... là những điển hình cho tinh thần và sức mạnh đó. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch khẳng định “dân tộc ta đã thắng, trước hết là do sức sống mãnh liệt của nền văn hóa lâu đời, của truyền thống yêu nước hàng nghìn năm” (6).

Nhiều người cũng cho rằng: chí căm thù giặc là một sức mạnh to lớn. Chẳng thế mà câu hò kéo pháo lên Điện Biên Phủ năm nào vẫn còn khắc ghi lòng người: “Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù”. Căm thù kẻ xâm lược đã đặt ách thống trị trên đất nước ta hơn 80 năm, lại âm mưu cướp nước ta một lần nữa nên gây ra cuộc chiến tranh 1945-1954. Không có chí căm thù làm sao có động lực chiến đấu. Nhưng nếu đi sâu vào lòng người, tình người và cội nguồn văn hóa, ta sẽ thấy cái lớn lao hơn, thiêng liêng hơn lại là tình yêu - yêu đất nước, yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu những thân phận bị đọa đầy đau khổ.

Hòa bình là khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta. Lịch sử đã ghi nhận đức hiếu sinh, lòng khoan dung của cha ông và nhân dân, ngay cả khi kẻ thù buộc chúng ta phải cầm gươm, cầm súng tự vệ… Tinh thần nhân đạo ấy được kết tinh trong lời dụ của Bình Định Vương Lê Lợi: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là từ tâm của bậc đại đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì đó là điều xấu không hay. Nếu vì hả nỗi căm hận trong chốc lát, mà mang tiếng giết kẻ đầu hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho vạn ức người để dập tắt mầm mống chiến tranh cho đời sau, sử xanh sẽ ghi chép, tiếng thơm để lại muôn đời, như vậy há chẳng tốt đẹp hay sao?” (7).

Tinh thần nhân đạo sâu sắc được truyền nối ngàn đời đã thấm nhuần trong tư tưởng giữ nước của dân tộc và tỏa sáng rực rỡ trong ứng xử của chúng ta với tù binh Pháp khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Đánh giặc để giữ nước nhưng giặc tan rồi thì không giữ mãi mối căm thù với kẻ bại trận. Hàng nghìn tù binh đã được đối xử nhân đạo, khoan dung, những tướng tá đầu hàng không ai bị làm nhục.

Tướng Đờ Cát-xtơ-ri (được phong tướng một ngày trước khi thua trận), sáng 7-5, đã cấp báo về Bộ chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội rằng lực lượng của ông ở Điện Biên Phủ đã không còn khả năng chống cự, chỉ còn cách hạ vũ khí. Đại tá Lăng-gle kể lại: lúc đó là 1 giờ chiều ngày mồng 7. Các sĩ quan đứng vây quanh sở chỉ huy chờ đợi... Đúng 5 giờ, cửa hầm sở chỉ huy bật nắp. Lúc đó chúng tôi đều nghĩ đến trái lựu đạn. Lạy Chúa! Rất có thể một trái lựu đạn liệng xuống chỗ bậc hầm và sẽ nổ tung hết. Nhưng trường hợp này đã không xảy ra. Các binh sĩ chiến thắng Việt Nam đội mũ nan, lưỡi lê đầu súng bước vào chỉ nói: “Đứng dậy” (8).

Ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), tại trung tâm Điện Biên Phủ vẫn còn khu thương binh của địch với trên 800 thương binh nặng. Với tinh thần nhân đạo, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: hãy cứu chữa họ, vì họ là người thua trận. Vì thế, trong các ngày 8 và 9-5, quân đội ta cho Pháp dùng máy bay trực thăng xuống lấy thương binh.

Với cả vạn hàng binh ở Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là không được đánh đập, đối xử tệ với tù binh, chúng ta đã giành cho họ một sự “tiếp đãi” không thể tốt hơn trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó. Dù bữa ăn của bộ đội ta còn thiếu thốn, nhưng ngược lại, tù binh Pháp lại được đối xử rất tốt khi được ăn suất ăn tốt hơn cả bộ đội ta, những người ốm còn được điều trị như bộ đội...

Nhờ chính sách khoan hồng của Đảng, sự nhân ái, cao thượng của một dân tộc đã từng thả hàng vạn tù binh xâm lược qua hàng ngàn năm giữ nước, chúng ta đã tiếp tục giữ cho bao cuộc đoàn tụ với gia đình, quê hương cho những người lính Âu - Phi bại trận ở Điện Biên. Đó cũng là bản chất của một dân tộc bất khuất, của quân đội anh hùng, biết gác lại hận thù để quê hương của những kẻ xâm lược bớt đi nước mắt khổ đau, dập tắt lửa chiến tranh muôn đời, tiếp nối tư tưởng nhân đạo cha ông:

Nghĩ kế nước nhà trường cửu

Tha cho mười vạn hàng binh

Gây lại hòa hảo hai nước

Dập tắt chiến tranh cho muôn đời

 (Chí Linh sơn phú - Nguyễn Trãi)

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy vai trò to lớn của sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam đã huy động tối đa những tiềm năng sức mạnh vật chất và tinh thần cho việc thực hiện mục đích hòa bình, độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Từ Điện Biên Phủ, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta lại được nhân lên và được lan tỏa không chỉ trong nước, mà còn trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đức hy sinh cao cả của toàn dân tộc đoàn kết một lòng, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là bài ca hùng tráng về tầm cao văn hóa Việt Nam.

______________

1. Viện Văn hóa - Thông tin, 60 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2003) - Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội, 2004.

2. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.

3. Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn Lịch sử, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2000

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.480.

5. Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.

6. Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006

7. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.

8. Điện Biên Phủ, Hợp tuyển công trình khoa học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

Tác giả: Nguyễn Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;