Một số vũ khí và vật dụng của nghĩa quân Nguyễn Quang Bích do Bảo tàng tỉnh Phú Thọ trưng bày
Vài nét bối cảnh Việt Nam cuối thế kỷ 19
Sau khi chiếm được 6 tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp âm mưu đánh chiếm Bắc Kỳ. Chúng cho giáo sĩ và lái buôn thăm dò khiêu khích. Khi bị triều đình nhà Nguyễn ngăn cản, chúng kiếm cớ tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất ngày 20/11/1873. Sau khi chiếm thành Hà Nội, Pháp tiến đánh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định. Ngày 15/3/1874, nhà Nguyễn ký hòa ước thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Nam Kỳ lục tỉnh và người Pháp được tự do buôn bán ở các cửa biển Quy Nhơn, Hải Phòng, Hà Nội cũng như trên sông Hồng. Theo hiệp ước đã ký này, Pháp trao trả Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định. Năm 1875, Vua Tự Đức cho xây dựng nhiều căn cứ sơn phòng ở Trung Bộ, Bắc Bộ và đề nghị nhà Thanh viện trợ. Ngày 3/4/1882, quân Pháp bất ngờ tiến đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Tổng đốc thành Hà Nội là Hoàng Diệu đã tuẫn tiết khi thành thất thủ. Trong lúc triều đình nhà Nguyễn hoang mang lo sợ trước sức mạnh của kẻ thù thì thực dân Pháp đưa tin sẽ trả thành Hà Nội cho nhà Nguyễn. Do chiêu bài này nên khi nhiều viên quan nhà Nguyễn ở các địa phương dâng kế sách đánh giặc thì triều đình không nghe, chỉ trông mong vào việc thương lượng với Pháp. Hành động không dứt khoát của nhà Nguyễn đã giúp thực dân Pháp lần lượt chiếm được các tỉnh Bắc Bộ, buộc nhà Nguyễn phải ký hiệp ước Hác - măng ngày 25/8/1883 giao quyền kiểm soát cho người Pháp. Hiệp định này bị toàn thể quan lại, sĩ phu và nhân dân Bắc Bộ phản đối, vì thế cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Khi Vua Tự Đức mất năm 1883, triều đình nhà Nguyễn phân hóa thành 2 phái: phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu, phái chủ hòa do Trần Tiễn Thành đứng đầu. Hai ông cùng đại thần Nguyễn Văn Tường được vua Tự Đức chỉ định giúp ấu chúa. Phái chủ hòa lần lượt lập 3 vua là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc nhằm bắt tay thực dân Pháp. Triều đình ký hiệp ước Pa - tơ - nốt ngày 6/6/1884 thừa nhận quyền của Pháp theo 3 kỳ với 3 chế độ: Nam Kỳ thuộc địa, Trung Kỳ bảo hộ, Bắc Kỳ nửa thuộc địa nửa bảo hộ. Bởi vậy, phe chủ chiến lần lượt phế bỏ 3 vua bù nhìn để sau đó lập Vua Hàm Nghi chuẩn bị kháng chiến. Đêm 4/7/1885, Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công tòa khâm sứ Pháp và đồn Mang Cá ở phía Đông Bắc kinh thành Huế. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Quân Pháp nhờ có hệ thống hầm ngầm trong đồn nên cầm cự trong đêm 4/7, sáng 5/7 chúng phản công vào kinh thành Huế và quân triều đinh buộc phải lui binh. Tôn Thất Thuyết phò Vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Quảng Trị. Tại đây, Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và toàn thể nhân dân giúp vua kháng Pháp.
Ngày 16/12/1883, thực dân Pháp tấn công thành Sơn Tây, vấp phải sự chống cự quyết liệt của quân lính dưới sự chỉ huy của Bố chính Nguyễn Văn Giáp. Triều đình không cho quân tiếp viện nên sau 3 ngày, thành Sơn Tây bị thất thủ trước sức tấn công vũ bão của quân Pháp có vũ khí hiện đại và số lượng quân áp đảo. Bố chính Nguyễn Văn Giáp và Tán lý Lê Đình Dật cùng mấy trăm quân sĩ rút sang Lâm Thao. Đốc Giang, Đốc Khoát, Đốc Huỳnh rút sang Yên Lạc, Vĩnh Tường. Tại các địa phương trên, họ dựa vào dân xây dựng các căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ngày 12/4/1884, quân Pháp do tướng Negire chỉ huy tiến công thành Hưng Hóa. Quan Tuần phủ Hưng Hóa là Nguyễn Quang Bích lúc này dù đã có lệnh triệu hồi về kinh nhưng vẫn kiên quyết chiến đấu chống giặc. Trước đó, quân của Hoàng Tá Viêm đã phối hợp với quân của Nguyễn Quang Bích chặn đánh quân Pháp một trận cực kỳ ác liệt ở Hạ Bì. Sau đó, Hoàng Tá Viêm rút vào Thanh Sơn đi tắt qua đất Lào về Huế. Lúc này, chỉ còn quân của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích bị vây hãm trong thành Hưng Hóa.
Nguyễn Quang Bích vốn là Chánh sứ sơn phòng Hưng Hóa. Chức này ông được Vua Tự Đức phong từ năm 1875. Ông còn kiêm thêm chức Tuần phủ Hưng Hóa. Với lối sống thanh liêm chính trực, ông rất được lòng nhân dân, bản thân ông kiên quyết chống giặc tới cùng. Khi quân Pháp kéo đến vây thành với số quân đông gấp 7 lần quân giữ thành, ông không hề nao núng, chỉ huy chống trả rất quyết liệt. Song quân địch quá mạnh, lại thêm vũ khí vượt trội nên dù anh dũng chiến đấu, nghĩa quân đã phải nhận thất bại. Lúc nguy cấp, ông đã trèo lên Kính Thiên Đài, điểm cao nhất trên cột cờ thành định noi gương Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết nhưng tả hữu can ngăn, đưa ông lên ngựa phá vòng vây mở đường máu chạy về làng Tứ Mỹ (nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Tam Nông). Ông và quân lính đóng ở đình Cả và các đình nhỏ trong làng, dựa vào luỹ tre dày, hào sâu chống giặc. Thời gian sau, quân sĩ của Nguyễn Quang Bích lần lượt tìm về Tứ Mỹ, hợp sức cùng ông chiến đấu.
Tầm nhìn quân sự và nghệ thuật dụng binh của thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích
Sau khi chiếm được thành Hưng Hóa, quân Pháp truy kích quan quân Nguyễn Quang Bích. Chúng cho tàu chiến và ca - nô theo sông Thao đến bến Tứ Mỹ dùng đại bác bắn vào đình. Mái đình Cả trúng đạn bị sập nhưng Nguyễn Quang Bích không nao núng, ông vẫn chỉ huy quân lính từ phía sau lũy tre dày bắn ra, nhiều lần địch không thể vào được làng. Trước đó, khi chạy về làng Tử Mỹ, ông đã cho mời các vị hương lý, chánh tổng các làng xã xung quanh bàn việc chống giặc, lập các đội nghĩa binh, mua sắm vũ khí, luyện tập võ nghệ. Nhân dân trong vùng nghe tin Nguyễn Quang Bích về Tứ Mỹ đã nô nức ủng hộ lương thực, vũ khí, nhiều người tình nguyện gia nhập đội hương dũng để sát cánh với các nghĩa binh đánh Pháp. Dù đã có chuẩn bị song quân ít, thế cô, địa thế nơi đóng quân không hiểm trở, tiến thoái không thuận lợi nên Nguyễn Quang Bích đành cho rút quân từ Tứ Mỹ qua làng Áo Lộc (nay là xã Tuy Lộc, Cẩm Khê), làng Sơn Tình, sau lùi sang Tiên Động (Tiên Lương) dựa vào địa hình đầm rộng, lầy thụt bao quanh chỉ có đường độc đạo vào làng để xây dựng căn cứ. Từ chiến khu Tiên Động và sau này là Văn Chấn, Yên Bái uy tín của cuộc kháng chiến do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo đã thu hút nhiều đội nghĩa binh, phong trào Cần Vương ở nhiều vùng như Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao ở Thanh Hóa, Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, Đàm Chí Trạch ở Nam Định tạo nên địa bàn kháng chiến rộng khắp, lại có sự phối hợp, liên kết với nhau nên đã nhiều lần chống trả thắng lợi các cuộc tấn công của quân Pháp. Không chỉ có con mắt quân sự mà Nguyễn Quang Bích còn là nhà ngoại giao biết tranh thủ mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để các quan lại nhà Thanh ủng hộ tiền bạc, súng ống, đạn dược cho cuộc kháng chiến. Với ông, ngoại giao cũng là mặt trận góp phần đánh quân thù dù ông biết lúc này nhà Thanh đã bắt tay với Pháp ký hiệp ước Thiên Tân. Hai lần đi sứ sang Trung Quốc, ông đã được Sầm Dục Anh và một số quan lại khác ở miền Nam Trung Quốc ủng hộ 600 khẩu súng, đạn dược và bạc nén. Tuy số viện trợ này so với yêu cầu của cuộc kháng chiến là bé nhỏ, song ở vào tình thế vô cùng khó khăn lúc bấy giờ rất đáng quý. Nghệ thuật dụng binh của Nguyễn Quang Bích còn phải kể đến việc thu phục và sử dụng Lưu Vĩnh Phúc là chỉ huy quân Cờ đen, vốn là một tướng của đảng Thái Bình Thiên Quốc thất bại chạy sang Việt Nam chuyên cướp bóc quấy rối khiến nhân dân nhiều nơi cơ cực nhưng sau khi được Nguyễn Quang Bích cảm hóa đã theo triều đình. Trước hết, Lưu Vĩnh Phúc có công tiễu phỉ dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ông đã đánh tan bọn Cờ Trắng do Bàn Văn Nhị cầm đầu, tiếp đến bọn Cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh chỉ huy. Nguyễn Quang Bích đã làm sớ tâu lên Vua Tự Đức phong chức “Bảo Thắng Phòng ngự sử” cho Lưu Vĩnh Phúc. Khi quân Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ, đội quân Cờ đen do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đã 2 lần chiến thắng ở trận Cầu Giấy giết 2 chỉ huy Gác- ni-ê (năm 1873) và Hăng - ri - vie (1883); đến tháng 3/1885, đánh một trận lớn ở Lạng Sơn. Một người Trung Hoa nữa là Chu Thiết Nhai chán ghét chế độ nhà Thanh và có cảm tình với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta nên đã đi theo Nguyễn Quang Bích làm tham mưu tư vấn và là đầu mối giao thiệp với nhà Thanh, sau này Chu Thiết Nhai hy sinh trên đường làm nhiệm vụ ngoại giao. Rất nhiều tướng giỏi dưới trướng của Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích như Đề Kiều, Tán Áo, Lãnh Hoan, Đề Thành, Đề Dị, Lãnh Mai, Đề Tường, Lãnh Hậu, Đốc Bốn, Đốc Khoát… được ông sử dụng đúng với sở trường từng người. Trong Ngư Phong Tướng công hành trạng có nhắc tới 3 vị tướng giỏi của Nguyễn Quang Bích là Đề Thành, Đề Mạc, Đốc Dị tham gia nhiều trận đánh lớn. Đề Thành người xã Xuân Quang tổng Tứ Mỹ, Tam Nông theo Nguyễn Quang Bích từ khi thành Hưng Hóa thất thủ. Ông chỉ huy đội quân độc lập tác chiến vùng núi Đọi Đèn, Cẩm Khê dùng kế trá hàng để dụ địch vào cánh đồng Lốc đánh một trận thắng lớn. Quân Pháp phải gọi viện binh từ Ngọc Tháp đến cứu viện. Đề Mạc ở Xuân Áng, Hạ Hòa cùng Lãnh Khanh, Lãnh Đa hoạt động ở Mai Tùng, Ấm Thượng tổ chức chống càn nhiều trận, năm 1886 rút lên bảo vệ căn cứ Văn Chấn Nghĩa Lộ, sau đó về căn cứ Tôn Sơn - Mộ Xuân - Yên Lập. Đốc Dị ở Thạch Đồng, Lãnh Thuỷ là võ tướng từng bảo vệ thành Hưng Hóa. Đội quân của ông hoạt động dọc sông Thao. Đêm 30/12/1888, ông chỉ huy 400 quân tiến đánh phủ Lâm Thao, sau đó ông phối hợp với Đề Kiều phá nhà ngục Sơn Tây giải phóng 200 tù nhân, chủ yếu là nghĩa quân bị Pháp bắt giam. Trận đánh tiêu biểu diễn ra vào đêm 7/1/1889: ông chỉ huy 200 quân đánh đồn Cẩm Khê thu được nhiều thắng lợi. Để động viên tướng sĩ, thổ hào tham gia kháng chiến khi lập công, Nguyễn Quang Bích phong cho họ những chức như đề đốc, lãnh binh, tán lý. Đây là những phần thưởng mang tính động viên khích lệ những người cùng ông đánh giặc cứu nước. niên hương (dịch nghĩa là: Nam thần ở nước Nam nghìn xưa vẫn còn tồn tại / Cốt tiên ở Tiên Châu triệu năm còn lưu hương). Phần mộ cụ Đề Cắng có khắc đôi câu đối trên đặt ở đất Chùa Thông nay thuộc khu 2 xã Chí Tiên. Dân làng Hạ Mạo đã lập miếu thờ cụ Đề Cắng phía bờ sông Hồng gần Cống Sấu, sau đưa bát nhang thờ cụ vào đình. Hằng năm vào các ngày 17, 18 tháng Giêng làng mở hội, tế lễ rất long trọng.
Như vậy, những năm cuối thế kỷ 19, thế trận chiến tranh nhân dân mà Nguyễn Quang Bích xây dựng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về quân sự và nghệ thuật dụng binh rất tài tình của ông. Cho nên, địa bàn hoạt động của ông liên tục được mở rộng, có sự liên hệ, kết nối tạo thêm sức mạnh từ các thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở các địa phương khác với Nguyễn Quang Bích đã khiến kẻ thù nhiều phen nguy khốn. Mu-ni-ê chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ trong một báo cáo gửi về nước ngày 30/1/1887 viết: “Viên Tuần phủ Hưng Hóa có một ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong lãnh hạt cũ của ông ta”. Đó là sự thừa nhận của kẻ thù đối với người mà bản lĩnh, ý chí sắt son không một thứ cường quyền hay bả vinh hoa có thể lung lạc được. Cuộc đời của người thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích hào hùng mà bi tráng, giữa lúc nghĩa quân đang tích cực chuẩn bị cho những trận đánh lớn thì ông đột ngột lâm bệnh mất tại doanh trại trên núi Tôn Sơn, Mộ Xuân, Yên Lập. Tuy sự nghiệp còn dang dở, nhưng tấm gương tận trung hy sinh quên mình vì đất nước quê hương và lòng thương yêu vô hạn người dân của Nguyễn Quang Bích luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam; trong lịch sử đấu tranh bất khuất của dân tộc. Thế trận chiến tranh nhân dân mà ông đã xây dựng là bài học xương máu để các thế hệ sau này tiếp nối, phát huy làm nên những chiến thắng oanh liệt trước những kẻ thù hung bạo, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
BÙI THỊ SINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024