“Thị Mầu xuyên không” - mang sân khấu chèo đến gần hơn tới khán giả trẻ

Trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, tối ngày 10-11-2024, tại rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam, Tổ chức giáo dục Edudu, Dự án Chèo nảy chèo nay đem đến một chương trình giáo dục di sản đặc sắc bao gồm vở diễn Thị Mầu xuyên không và các hoạt động trải nghiệm với nghệ thuật chèo. Chương trình là một sự kiện nghệ thuật dân gian độc đáo và thú vị, mang các giá trị truyền thống đến gần hơn cho khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.

"Thị Mầu xuyên không" được mở màn với ca khúc hiện đại, sôi động

Kịch bản vở diễn Thị Mầu xuyên không do VICH phối hợp đầu tư cùng Tổ chức giáo dục Edudu và đạo diễn Ninh Quang Trường nghiên cứu chuyển soạn từ vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, phần biểu diễn do Nhà hát Chèo Việt Nam chỉ đạo dàn dựng với sự tham gia của NSƯT Vũ Bá Dũng và Đoàn Thể nghiệm biểu diễn. Quá trình chuyển soạn từ Quan Âm Thị Kính sang Thị Mầu xuyên không là một nỗ lực sáng tạo của ê-kíp thực hiện, bám sát cốt truyện gốc nhưng có nhiều cải biên để phù hợp với khán giả trẻ. Xây dựng kịch bản dưới góc nhìn từ các nhân vật xuyên không, lời thoại của các nhân vật còn được lồng ghép nhiều câu, từ hiện đại và hài hước, như: “flex”, “nhà có điều kiện”, “lật mặt còn nhanh hơn lật bánh tráng” hay nhân vật vừa uống trà sữa vừa kể chuyện… tạo ra sự gần gũi, cuốn hút các bạn trẻ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam NSND Lê Tuấn Cường cho biết: “Theo dòng chảy văn hóa của dân tộc, nghệ thuật chèo luôn đồng hành cùng đời sống tinh thần của người dân qua biết bao thế hệ. Những vở chèo đã trở thành những bài học triết lý nhân sinh, giàu tình người, giúp người xem hiểu thêm những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Kế thừa biến đổi và tiếp biến văn hóa là vô cùng quan trọng hiện nay, chính vì vậy, nghệ thuật chèo cũng luôn làm mới mình. Và để nghệ thuật chèo đến được gần hơn tới mọi tầng lớp khản giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, thì bắt buộc phải làm mới mình. Quan Âm Thị Kính là một trong 7 vở chèo kinh điển truyền thống của Việt Nam và lần này, được các bạn trẻ kể lại theo cách kể của người trẻ hiện nay. Không làm mất đi hồn cốt, tinh hoa của nghệ thuật chèo truyền thống, chúng tôi luôn quan niệm nghệ thuật chèo luôn cần được bảo tồn và phát triển. Với chương trình này, chúng tôi hy vọng nghệ thuật chèo sẽ thu hút được sự quan tâm, yêu mến của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ”.

Các nhân vật trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính" dần dần xuất hiện với cách giới thiệu độc đáo, sinh động

Mở màn của buổi diễn Thị Mầu xuyên không là không khí sôi động của ca khúc Thị Mầu do nữ ca sĩ trẻ Hòa Minzy thể hiện: “Này thày tiểu ơi! Em là Thị Mầu/ Em không biết đâu/ Em cứ bắt đền/ Gọi mẹ thưa cha, ăn vạ cả làng/ Cho em lấy chàng…”. Nhân vật dẫn chuyện là cô nàng Lucy, đang say sưa luyện tập vai Thị Mầu để tham gia cuộc thi Star Got Talent ở trường. Cậu bạn “giáo sư biết tuốt” Tommy dẫn dắt khán giả cùng xuyên không, quay ngược thời gian, trở về những năm tháng xảy ra câu chuyện Thị Kính - Thị Mầu. Từng nhân vật trong vở chèo cổ bước ra với cách giới thiệu mới lạ, giúp khán giả nhỏ tuổi dễ dàng nhớ tên từng nhân vật: Thị Kính, Thị Mầu, Thiện Sĩ, Mãng Ông và Mẹ Đốp.

Cuộc đối thoại giữa hai nhân vật chính của thời hiện đại được đặt trong bối cảnh câu chuyện của quá khứ, qua đó dễ dàng giúp bày tỏ những suy nghĩ, góc nhìn của giới trẻ trước những vấn đề xảy ra trong xã hội phong kiến xưa. Lucy bất bình trước nỗi oan mà Thị Kính phải chịu vì lễ giáo hà khắc, không được cất tiếng nói minh oan cho bản thân. Hai nhân vật chính dẫn chuyện và cùng giải thích cho các bạn nhỏ nghe vì sao lại ép duyên “cha mẹ đặt đâu con ngồi đầy” (Thị Kính nên duyên với Thiện Sĩ), Thị Kính vì sao phải giả trai xuống tóc quy y cửa Phật? Vì sao lại gọi là Quan Âm Thị Kính? Không những thế, hai bạn trẻ còn đóng vai các cụ già làng để tham gia vào việc làng xét hỏi việc Thị Mầu không chồng mà chửa.

Hai nhân vật chính Lucy và Tommy còn được hóa thân thành các cụ già làng cùng tham gia xét hỏi việc Thị Mầu không chồng mà chửa

Một điểm đặc biệt của vở diễn là dù không diễn liền mạch so với bản chèo gốc mà sẽ có phân đoạn nhân vật đứng hình để hai bạn trẻ xuyên không đối thoại nhưng các nghệ sĩ không bị chênh, phô từ hành động, cử chỉ đến câu hát, luôn giữ được nhịp điệu, cảm xúc, nét mặt, cử chỉ… Việc kết cấu, dàn dựng lại vở diễn theo cách kể chuyện mới mẻ này hoàn toàn phù hợp với sở thích, nhu cầu của các khán giả trẻ, nhất là các em học sinh.

Sau khi vở diễn kết thúc, khán giả được tiếp tục trải nghiệm với nhiều hoạt động thú vị mang tên Tích tịch tình tang qua cách dẫn dắt dí dỏm của đạo diễn Ninh Quang Trường. Các khán giả trẻ, đặc biệt các em nhỏ có cơ hội được tìm hiểu cặn kẽ về dàn nhạc của sân khấu chèo. Các nhạc công của Nhà hát Chèo Việt Nam vừa trình diễn ngẫu hứng, vừa giải thích cho các em nhỏ hiểu hơn về tên gọi và cách sử dụng các loại nhạc cụ như: đàn bầu, đàn nhị, đàn thập lục, sáo, trống, đàn nguyệt.

Các nhạc công đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam giới thiệu tên gọi, cấu tạo, hình dáng, cách chơi các nhạc cụ dân tộc

Các bạn nhỏ tích cực tham gia tương tác, tìm hiểu về các loại nhạc cụ

Khán giả được tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm với nghệ thuật chèo trong không gian trưng bày Chèo nảy chèo nay. Các trải nghiệm được thiết kế thành hoạt động game trí tuệ, game tương tác giúp khán giả được khám phá di sản văn hóa một cách năng động và sinh động. Khán giả, đặc biệt là các bạn nhỏ đã có những phút giây thư giãn nhưng cũng vô cùng bổ ích và bất ngờ khi được nghe dàn nhạc của sân khấu chèo truyền thống thể hiện các bản nhạc hiện đại như: Happy birthday, nhạc phim Doraemon hay chơi cả nhạc hot trend Đừng làm trái tim anh đau của Sơn Tùng… Em Nguyễn Đăng Khoa (9 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được đi xem chèo. Hôm nay em đã biết đàn nhị có thể bắt chước âm thanh của các con vật xung quanh em như tiếng chim hót, tiếng mèo kêu… Qua cách giải thích về cấu tạo, hình dáng, chức năng của từng loại đàn, em cảm thấy nhạc cụ dân tộc Việt Nam thực sự thú vị, phong phú và em mong muốn sẽ có cơ hội được học thử các nhạc cụ này”.

Các em nhỏ được mời lên sâu khấu, chia thành các đội và cùng tham gia trò chơi tiết tấu âm nhạc. Nhạc công chơi các đoạn nhạc ngắn và yêu cầu các bạn nhỏ gõ trống theo đúng nhịp phách đó. Trò chơi đã thu hút sự thích thú và được các em nhỏ hăng hái, nhiệt tình hưởng ứng. Tiếp đó là trò chơi nhảy theo nhạc. Các nhạc công chơi ngẫu hứng một giai điệu và bạn khán giả nào nhảy tốt nhất, đẹp nhất sẽ giành giải.

Các khán giả nhỏ tuổi háo hức tham gia trò chơi tiết tấu âm nhạc

"Thị Mầu xuyên không" mang lại cho khán giả nhiều trải nghiệm, tương tác thú vị với nghệ thuật chèo truyền thống

Bằng cách kết hợp các phương pháp giáo dục với trình diễn nghệ thuật, tương tác cộng đồng, ê-kíp sản xuất chương trình mong muốn sẽ giúp các em học sinh cảm nhận được nét đẹp của những làn điệu chèo và tăng thêm vốn hiểu biết về sự khác biệt giữa xã hội phong kiến xưa và cuộc sống hiện đại ngày nay. Vượt lên ý nghĩa giải trí tinh thần, chương trình Thị Mầu xuyên không là bước khởi đầu trong hành trình đưa khán giả nhỏ tuổi đến với nghệ thuật truyền thống, góp phần nuôi dưỡng tình yêu và ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Được biết kế hoạch sân khấu học đường của Nhà hát Chèo Việt Nam đã, đang thực hiện ở rất nhiều trường học và chương trình Thị Mầu xuyên không sẽ được biểu diễn liên tục tại Nhà hát Chèo Viêt Nam trong thời gian tới.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;