Trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã trưng bày, giới thiệu về không gian văn hóa của đồng bào Cao Lan, Sán Chí. Trong đó, thu hút du khách là nghề làm giấy dó độc đáo của người Cao Lan.
Nghề làm giấy dó của đồng bào dân tộc Cao Lan tỉnh Bắc Giang có từ lâu đời, đóng vai trò quan trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Giấy dó không chỉ trở thành cuốn gia phả của mỗi gia đình, dòng họ, mà còn được sử dụng để trong các dịp lễ hội, Tết, cúng lễ… của người Cao Lan. Nghề làm giấy dó vẫn được đồng bào Cao Lan lưu giữ, sử dụng cho đến ngày nay.
Ông Dương Văn Quang giới thiệu về sản phẩm giấy dó tới công chúng tại Ngày hội
Ông Dương Văn Quang, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (58 tuổi) là người đã làm giấy dó lâu năm cho biết, để sản xuất ra giấy dó khá kỳ công. Nguyên liệu làm giấy từ vỏ cây dưỡng (người Cao Lan gọi là cây hau pau) và cây vợt pạ mọc trong rừng sâu. Hai loại cây và dây này đều mọc tự nhiên trên những ngọn núi, khu rừng cao, người Cao Lan phải cất công đi tìm kiếm. Trong đó, hau pau được dùng để làm thành bột giấy, còn vạt pạ được ngâm để lấy nước, tạo thành chất hồ của giấy.
Để lấy được vỏ cây dưỡng, người thợ thường vào rừng trong khoảng tháng 3, tháng 7, đó là lúc vỏ cây dưỡng dễ bóc nhất. Sau đó tước bỏ phần đen bên ngoài của vỏ cây dưỡng. Sau khi hau pau được làm sạch vỏ, ngâm với nước vôi trong và ninh trong nước hòa tro bếp. Tiếp theo, vớt ra và làm sạch tro bám trên vỏ cây, sau đó đem đi giã hoặc đập dập. Đây là công đoạn đòi hỏi sự kỳ công, cẩn thận, vì càng làm sạch tạp chất, thì giấy sẽ càng trắng, mịn và bóng” – Ông Quang cho biết.
Vỏ cây dưỡng được giã nát, hòa với nước keo được đun từ cây vợt pạ là chất liệu để làm giấy dó
Còn cây vợt pạ phải cạo sạch lớp vỏ lụa màu nâu bên ngoài, tách lấy vỏ rồi ngâm vào chậu nước sạch để qua đêm. Hôm sau vớt vỏ cây ra sẽ có được nước keo trong vắt. Tiếp đó đổ bột giấy vào, quấy đều là thành hồ để tráng giấy. Công đoạn cuối cùng là đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh để đổ vào khuôn làm giấy.
Theo ông Quang, khung làm giấy dó được ghép từ 4 thanh gỗ, sau đó căng vải màn hoặc vải xô với nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng khổ 60cmx120cm được sử dụng nhiều nhất. Khi bột giấy được đổ vào khuôn, người thợ phải khéo léo, láng bột giấy mỏng, đều và lắc khuôn để tránh cho giấy có chỗ dày, chỗ mỏng. Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng, tìm nơi sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều nắng gió để phơi giấy cho khô. Ông Quang cũng cho biết, nếu trời có nắng, thì trong khoảng hơn 4 tiếng là giấy khô và có thể đem sử dụng.
Bột giấy được đổ vào khuôn và lắc làm cho giấy mỏng và đều
Ông Quang cũng cho biết, trước đây ở làng, thế hệ ông, cha có nhiều người làm nghề giấy dó, chính vì thế ông đã theo học và làm đến ngày hôm nay. Sở dĩ, nghề làm giấy dó vẫn còn được sử dụng, vì trong cộng đồng người Cao Lan mỗi gia đình, dòng họ đều phải có một cuốn gia phả ghi chép từng thành viên trong gia đình từ khi mới sinh ra. Bên cạnh đó, trong các lễ hội, lễ cúng, các thầy cúng sẽ dùng giấy dó để viết bài cúng lễ, vẽ tranh cúng hoặc làm tiền vàng mã… Chính vì thế, giấy dó vẫn tồn tại trong đời sống của người Cao Lan.
“Giấy dó có độ bền và rất dai, có nhiều cuốn sách của các thầy cúng được sử dụng gần trong một thời gian rất dài, tuy đã cũ nhưng giấy vẫn bền và chữ viết vẫn nét, không bị nhòe, mờ. Có những cuốn sách, được các thầy cúng dùng giấy dó xe thành dây để đóng gáy và sử dụng đến ngày nay”- ông Quang chia sẻ.
Giấy được đem phơi, nếu trời nắng thì sau hơn 4 tiếng là khô và có thể sử dụng
Vì làm giấy dó khá kỳ công, tỉ mẩn, nhưng lợi nhuận không cao, chính vì thế, ít người theo đuổi nghề thủ công này. Ông Quang cho biết, ông làm nghề vì đã gắn bó và yêu thích nghề truyền thống của cha ông. Bên cạnh việc gìn giữ, phát huy, ông cũng là người tích cực giới thiệu đến công chúng nghề làm giấy dó, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan.
BÍCH NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH