Sáng 18-12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành VHTTDL năm 2025 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo
Cùng tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ…
Về phía Bộ VHTTDL có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thủy, Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham dự.
Hội nghị được thực hiện trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới trụ sở Bộ VHTTDL và 772 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện. Có gần 16 nghìn đại biểu dự tại các điểm cầu Hội nghị, trong đó có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch các địa phương...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ
Nhiều điểm sáng, điểm nhấn nổi trội
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác ngành VHTTDL năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2024 - năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Trước bối cảnh đó, ngành VHTTDL đã xác định chủ đề công tác năm “Chủ động - Tăng tốc - Về đích”, luôn quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; 8 phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Chính phủ đã kết luận chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành VHTTDL năm 2023; cùng với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, không tự mãn trước những kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là trước những khó khăn, thách thức; vì vậy mà toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có một số mặt công tác đạt kết quả tích cực, sản phẩm công tác đo lường được, có nhiều điểm sáng, điểm nhấn nổi trội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, có được những thành tựu nổi bật đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, các địa phương trong cả nước.
“Cụm từ “văn hóa” đã thường trực xuất hiện trên các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội ngày càng sâu sắc hơn về vị trí vai trò của văn hóa, quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” ngày càng được lan tỏa”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL điều hành Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Văn phòng Chính phủ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL và toàn Ngành đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, hiệu quả cao, với các điểm sáng, trong đó với quyết tâm tạo đột phá trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL; năm 2024, Bộ VHTTDL đã chủ trì báo cáo các cấp có thẩm quyền: thông qua 1 Luật, 1 Chương trình; cho ý kiến 1 Luật; ban hành 5 Nghị định; phê duyệt 2 Quy hoạch, 1 Chiến lược phát triển ngành. Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư.
Điểm nhấn quan trọng là Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ tạo nguồn lực quan trọng cho văn hóa phát triển theo quan điểm: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững ở nghĩa rộng. Ở góc độ hẹp, theo Bộ trưởng, nhìn từ đầu tư công, đúng như ca từ của "Bài ca xây dựng": Đầu tư xây dựng phát triển văn hóa là “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.
Cùng với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2024, có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi tối đa cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, với mục tiêu “biến di sản thành tài sản”, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế- xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được triển khai bài bản, từ làm điểm đến nhân rộng. Tính đến thời điểm hiện nay, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, phát triển được nhiều mô hình nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các nội hàm về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được thực hành và triển khai rộng khắp.
Công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiếp tục được chú trọng. Bên cạnh việc định kỳ tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” và trao giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam”, năm 2024, “Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài” lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đã góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với thế giới.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tóm tắt kết quả công tác ngành VHTTDL năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Năm 2024, thêm 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh. Đặc biệt, Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh.
Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. 4 Ngày hội văn hóa các dân tộc, 10 Liên hoan/Hội diễn toàn quốc và khu vực, 7 Triển lãm do Bộ VHTTDL chủ trì tổ chức, cùng với 125 Liên hoan Hội thi Nghệ thuật quần chúng và Tuyên truyền lưu động, 50 Triển lãm và hàng trăm sự kiện văn hóa, nghệ thuật do các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thực hiện, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành với các địa phương trong xây dựng môi trường văn hóa toàn diện, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế.
Về công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng cho biết, từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12-2023 đã có những dấu ấn đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. Trong lĩnh vực Điện ảnh và Nghệ thuật biểu diễn, đã có nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I - Nha Trang 2024, các đêm diễn “cháy vé” của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi là những minh chứng sống động trong việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, bài bản, chuyển từ tư duy “Gặp gỡ, giao lưu” sang “Hợp tác đích thực”. Năm 2024, Bộ đã ký kết 2 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ, 9 thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ VHTTDL. Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ đã ký kết 19 văn bản hợp tác quốc tế với các đối tác. Tổ chức thành công 11 Tuần văn hóa, Ngày văn hóa, Lễ hội văn hóa- du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Hợp tác về văn hóa góp phần quan trọng quảng bá về đất nước “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển”.
Toàn cảnh Hội nghị
Bộ trưởng cho biết, công tác thể dục, thể thao được tăng cường. Thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột, thể thao cho mọi người với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên tinh thần “Dân cường - Quốc thịnh”. Năm 2024 số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 37,5% (tăng 0,8% so với năm 2023); cùng 27 hội thi và các giải thể thao quần chúng cấp quốc gia tiếp tục được tổ chức trong năm 2024, thu hút trên 20.000 vận động viên tham dự; từ đó phát hiện, tạo nguồn cho thể thao thành tích cao phát triển.
Thể thao thành tích cao giành được tổng số 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng tại các giải thể thao quốc tế. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương đồng tại Cúp bóng chuyền nữ thế giới và lần thứ 2 giành huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á. Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam xuất sắc đoạt chức vô địch Đông Nam Á.
Phát triển Du lịch theo hướng bền vững, năm 2024, toàn Ngành tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị số 08/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó du lịch đã phục hồi tích cực sau đại dịch và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài 5 nhóm sản phẩm du lịch có thương hiệu, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được phát triển, đưa vào phục vụ du khách như: Chuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng; Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội… Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt chỉ tiêu đề ra từ 17-18 triệu lượt; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”.
Về công tác nội vụ, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21-6-2021 của Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới” và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhằm chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp. Ban Cán sự đảng thực hiện theo quy trình việc điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ diện Ban Cán sự đảng quản lý năm 2024, bước đầu tạo sự đổi mới, động lực phấn đấu, giảm sức ỳ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, khắc phục tình trạng cán bộ không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.
Bộ VHTTDL đã hoàn thiện Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII gửi Bộ Nội vụ; đồng thời nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đề xuất phương án quyết tâm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, đảm bảo giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong theo đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên thì ngành VHTTDL còn nhiều khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng mong muốn Hội nghị sẽ phân tích sâu hơn, rút ra được nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, và quan trọng hơn phải nhận thức một cách thấu đáo những tồn tại, hạn chế, khu trú lại để làm rõ trách nhiệm của Bộ, của ngành.
"Phải nhận thức một cách sâu sắc: Phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nhiệm vụ xây dựng phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, là hồn cốt của dân tộc. Nhiệm vụ của toàn ngành là phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để tự tin bước vào kỷ nguyên mới”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Các tiết mục nghệ thuật chào mừng Hội nghị
Điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng cho biết, năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ VHTTDL sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ VHTTDL sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không làm gián đoạn công việc và các hoạt động bình thường khác. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Ngành VHTTDL.
Thứ hai, tiếp tục tham mưu thể chế hóa toàn diện, kịp thời các chủ trương chính sách mới của Đảng trong lĩnh vực VHTTDL, Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, hạn chế khoảng trống pháp lý. Gắn hoàn thiện pháp luật với tăng cường hiệu quả thực thi. Thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển. Do đó, phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật”. Từ đó, tập trung hoàn thành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa năm 2024, bảo đảm đúng thời hạn được giao và các Nghị định về một số chế độ, chính sách, đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao…
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam; phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chú trọng yếu tố tiên tiến trong phát triển văn hóa mang tính hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ tư, kiên trì kiến tạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là tiền đề vững chắc để xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong từng gia đình, cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các hương ước, quy ước đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, do nhân dân đề xuất, nhân dân tự giác thực hiện.
Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm Nhân dân được đón Tết Ất Tỵ vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thứ năm, triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam có tiềm năng, có dư địa phát triển; khuyến khích sự sáng tạo trong văn hóa, văn học nghệ thuật gắn với đặc trưng của Việt Nam và thời đại. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp giữ vai trò triển khai thực hiện, đội ngũ sáng tạo giữ vai trò thiết kế sản phẩm, nội dung.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đầu tư phát triển thể thao quần chúng. Hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
Tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Ba-Ranh, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.
Thứ bảy, triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ từ 22 đến 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120-130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980-1.050 nghìn tỷ đồng.
"Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng sau Hội nghị, toàn ngành sẽ sẵn sàng nguồn lực, cùng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để phấn đấu thực hiện chức năng: “Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, đóng góp vào GRDP của thành phố. Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ các mô hình phát triển, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố; định hướng phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của thành phố. Thành phố đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch các quỹ đất để xây dựng các phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu biễn, trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa...
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết, TP.HCM tập trung triển khai thực hiện: Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư các phim trường, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa.... Gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng, cộng đồng quốc tế để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng các sản phẩm đặc trưng, thường niên tầm vóc quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa. Gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn hóa cả trong và ngoài nước. Có cơ chế thích hợp để phát huy tài năng, tâm huyết của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, cộng đồng người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài và cộng đồng lưu học sinh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy trình bày tham luận tại Hội nghị
Phát biểu tham luận vấn đề phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa như “Đêm thiêng liêng” tại nhà tù Hỏa Lò; Giải mã Hoàng thành Thăng Long; Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu… gắn với phát triển du lịch đêm đã thu hút rất đông du khách. Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo hằng năm, mỗi năm quy mô đều được mở rộng, thu hút được nhiều nhà sáng tạo trẻ tham gia xây dựng được nhiều sản phẩm thiết kế sáng tạo… Thành phố nâng cao năng lực để tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Năm 2024, thành phố đã tổ chức hơn 3.000 sự kiện, thu hút đông đảo các chuyên gia, các nhà sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ và du khách…
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, cụ thể hóa Luật Thủ đô, bên cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, phát huy lợi thế về không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch; ngoài ra sẽ xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số trong du lịch để tạo lợi thế cạnh tranh trong nước và khu vực; làm tốt công tác xây dựng môi trường du lịch gồm điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch, vệ sinh môi trường làm nền tảng để phát triển du lịch bền vững…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chúc mừng ngành VHTTDL đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong năm 2024. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành VHTTDL và Nông nghiệp trong năm 2024 đã có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện phát triển các làng nghề thủ công, du lịch bản địa. “Trong từng sản phẩm nông nghiệp nơi làng quê đều chứa những câu chuyện văn hóa và được tái hiện lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật, quảng bá đến bạn bè trong nước, quốc tế” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng lấy ví dụ từ video Gia Lai - Miền sử thi, ca khúc Rock hạt gạo của ca sĩ Phương Mỹ Chi, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các tác phẩm đã khơi dậy sự tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa Tây Nguyên, cũng như nền văn minh lúa nước.
Trong phát triển du lịch nông nghiệp, năm 2024, giữa hai ngành đã có sự trao đổi, hợp tác để phát triển, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo dựa trên bản sắc văn hóa; lấy sức mạnh văn hóa để tạo nên sức mạnh về nông nghiệp; lấy nền tảng nông nghiệp để phát triển du lịch. Cùng với đó, đã có nhiều loại hình du lịch cộng đồng mang đậm dấu ấn giữa văn hóa và nông nghiệp. Nhiều làng du lịch ở những miền quê của Việt Nam được vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới.
Về một số giải pháp tăng cường hợp tác giữa Ngành VHTTDL và Nông nghiệp trong thời gian tới, theo Bộ trưởng, cần chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Các lĩnh vực cần phát triển dựa trên nền tảng lịch sử, tri thức bản địa và văn hóa sáng tạo. Nếu kết hợp được những yếu tố trên, cộng với huy động được sức sáng tạo của người dân, đặc biệt là đội ngũ những người trẻ, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức sự kiện, thể hiện rõ tầm quan trọng của văn hóa và tinh thần hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm.
Theo Thủ tướng, qua lĩnh vực VHTTDL, chúng ta thấy sự kết tinh của quá khứ, hiện tại và điểm đến tươi sáng, hấp dẫn của tương lai. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc; thể thao là sức khỏe của đất nước, con người Việt Nam; du lịch là hình ảnh, sự quảng bá, tạo động lực, truyền cảm hứng về đất nước, con người, dân tộc Việt Nam ra bạn bè quốc tế.
Chúng ta mạnh lên, khỏe lên, tự tin hơn, vững vàng hơn nhờ truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc - Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định- Chúng ta có cơ sở, tiềm lực để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, giải trí nhờ truyền thống văn hóa, lịch sử, đất nước Việt Nam xinh đẹp, sự sáng tạo của con người Việt Nam.
Thủ tướng nhắc lại, từ hơn 80 năm trước, bản Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa với ba nguyên tắc "dân tộc", "đại chúng", "khoa học". Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: "Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Marx- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng".
Nhìn lại năm 2024, Thủ tướng cho biết chúng ta dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó nổi bật là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 7%, giúp tăng quy mô nền kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng năng suất tổng hợp.
Chính trị - xã hội ổn định, tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm với quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ba đột phá chiến lược được đẩy mạnh thực hiện.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng. Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và Đề án 06 được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực…
Văn hóa muốn phát triển được phải có ổn định chính trị, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, Thủ tướng nêu rõ và cho biết trong những thành tựu chung của đất nước, ngành VHTTDL có nhiều đóng góp quan trọng và nổi lên nhiều điểm sáng.
Trong đó, nổi bật là tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"; xây dựng hệ giá trị văn hóa, khẳng định sức mạnh, vai trò của văn hóa. Cùng với đó, việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế, cơ chế, chính sách về VHTTDL được bổ sung, phát triển mới, ngày càng hoàn thiện, toàn diện, sâu sắc hơn.
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới, nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công, huy động được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Người dân ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn, tốt hơn các thành quả VHTTDL.
Nhiều di sản văn hóa có giá trị của Việt Nam được UNESCO ghi danh, tô sáng thêm hình ảnh Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới… Hệ thống thiết chế văn hóa đã cơ bản được hình thành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền.
Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tiếp tục có bước phát triển đáng ghi nhận, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, vừa quảng bá các giá trị nhân văn sâu sắc, bản sắc đậm đà của văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc tới đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Các hoạt động đối ngoại về VHTTDL, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh.
Du lịch tiếp đà phục hồi mạnh và là điểm sáng. Năm 2024 đã phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách nội địa; đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8%.
Công tác xây dựng, phát triển con người Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về tầm vóc, thể lực và trình độ. Thể thao quần chúng tiếp tục phát triển mạnh, lan tỏa ở các lứa tuổi, trên các vùng miền. Thể thao thành tích cao đạt được một số kết quả tích cực.
Chỉ số hạnh phúc được nâng lên (Năm 2024 xếp thứ 54, tăng 29 bậc so với năm 2020); Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà ngành VHTTDL trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước.
Đồng tình với các tồn tại, hạn chế mà các báo cáo, các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân và bài học kinh nghiệm: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh nội sinh, chủ động, sáng tạo, nắm chắc, đánh giá đúng tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; con người, nhất là người đứng đầu phải say sưa, đam mê, có trách nhiệm, nhiệt huyết; hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, sâu rộng; làm sao để người dân hưởng thụ thành quả của ngành một cách thỏa đáng nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, cần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hệ giá trị Việt Nam thông qua VHTTDL, đồng thời Việt Nam hóa những tinh hoa của thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng và sứ mệnh của ngành VHTTDL là lực lượng xung kích, chủ công trên mặt trận này.
7 nhiệm vụ, giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước. 2025 cũng là năm tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy; tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Do đó, chúng ta phải nỗ lực đạt kết quả cao hơn mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP khoảng 8%, các bộ, ngành, địa phương đều phải theo tinh thần này, trong đó có ngành VHTTDL. "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, mà trước hết là tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VHTTDL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.
Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực. Do đó, cần tích cực suy nghĩ, đề xuất chính sách để phát huy các hình thức hợp tác công tư rất phong phú, dư địa còn rất lớn để khai thác các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các sân vận động như Mỹ Đình…
"Chúng ta đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhưng nếu chỉ trông chờ nguồn lực Nhà nước thì rất khó phát triển. Phát triển ngành VHTTDL, ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải huy động nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực xã hội, nguồn lực doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.
Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…
Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VHTTDL.
"Tóm lại, ngành phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024" - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng nhắc lại và lưu ý, phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc; phát triển ngành Thể thao để nâng cao thể lực, sức khỏe người dân, trong đó phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, nhưng thể thao thành tích cao phải theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá, là ngành mũi nhọn, gắn với văn hóa, thể dục thể thao.
Thủ tướng nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa Thế giới đã từng khẳng định: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Vì vậy, ngành VHTTDL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng.
Phát biểu tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy chính quyền địa phương và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm cho ngành VHTTDL.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đất nước đang trong giai đoạn phát triển, kỷ nguyên mới cũng đang mở ra, ngành VHTTDL ý thức được trách nhiệm của mình là cần phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn để hoàn thành được trách nhiệm của mình, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
“Những người làm văn hóa hết sức tự hào khi nhìn lại trong tiến trình lịch sử phát triển của đất nước, dù trong bối cảnh nào, thì văn hóa cũng luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự điều hành của chính quyền và sự đồng tình của nhân dân” – Bộ trưởng khẳng định.
“Toàn ngành văn hóa hứa với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào thực hiện với phương châm lao động cần cù, chịu khó, đẩy mạnh yếu tố sáng tạo, hợp tác. Để trên cánh đồng nghệ thuật, từng lĩnh vực sẽ được đơm hoa, kết quả bội thu trong lĩnh vực VHTTDL, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, khi chúng ta đã nhìn thấy con đường phía trước đang rộng mở và đón chào” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng mong muốn cán bộ toàn ngành quyết liệt, nỗ lực và cầu thị hơn để vững tin thực hiện trọng trách mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH