Thực trạng nguồn tài năng trẻ của nước ta hiện nay và những giải pháp tạo nguồn nhân lực trẻ

 

Trong những năm gần đây, nhiều cuộc thi tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như Tuồng, Dân ca kịch, Chèo, Múa rối, Múa và Kịch nói đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với các Hội chuyên ngành tổ chức và đạt được những thành tích đáng kể. Thế nhưng, sau khoảnh khắc thăng hoa, sau những tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc được trao, thì những tài năng nghệ thuật ấy sẽ tiếp tục cống hiến như thế nào, đó là một câu hỏi lớn khi các ngành nghệ thuật biểu diễn đang rơi vào tình trạng “già hóa” và thiếu vắng tài năng.

Thực trạng đáng suy ngẫm

“Thầy già, con hát trẻ” vốn là đặc thù của nghệ thuật truyền thống Việt Nam nhưng hiện nay ở hầu hết các loại hình, tre đã già nhưng măng chưa mọc, và nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ trong một thời gian nữa ngành nghệ thuật sẽ có nguy cơ bị đứt nguồn.

Có một điều khá nhận thấy rõ rệt ở một số đơn vị, có một số vai diễn chưa giao đúng cho độ tuổi diễn viên. Cho dù có hóa trang nhưng vẫn chưa thể xóa tan được nỗi lo về độ tuổi. Có một số dàn múa thì có sự chênh lệch rõ rệt… khiến người xem nhìn vào nhận rõ ngay được sự khác nhau này.

Ở tại các trường đào tạo về nghệ thuật như Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, có một số năm còn “trắng tay” trong việc tuyển sinh diễn viên, đặc biệt là diễn viên thi tuyển đầu vào của các ngành truyền thống như Chèo, Tuồng, Cải lương. Trong khi các ngành “hot” như Điện ảnh, Truyền hình vẫn giữ được “phong độ" đầu vào thì các chuyên ngành kịch hát dân tộc lại rơi vào tình trạng báo động. Năm học 2023, Nhà trường không thông báo tuyển sinh diễn viên Tuồng bởi trong khoảng 10 năm nay thí sinh không đăng ký dự thi chuyên ngành này. Như vậy, đối với kịch hát dân tộc, việc tuyển sinh đầu vào vẫn gặp khó khăn nhất. Còn đối với Chèo, số lượng đăng ký dự thi diễn viên chèo nhiều hơn và gần đủ để có thể mở được 1 lớp. Chuyên ngành diễn viên Cải lương “trắng tay” và đây là năm thứ 2 không có thí sinh đăng ký dự thi.

Không chỉ riêng gì tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, ở tại một số Trường khác như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng bị tơi vào tình trạng tương tự, các chuyên ngành đặc thù như kèn, gõ, nhạc giao hưởng, âm nhạc dân tộc cũng thưa vắng người học. Vì vậy Nhà trường phải “gạn đục khơi trong”, cố gắng gạn lọc để lấy được thí sinh sau đó sẽ chọn lọc trong quá trình học, đào thải dần. Làm sao trong 100 em theo học, sau đó có 20-30 em ra làm được nghề đã là quý rồi.

Với một thực trạng như vậy, thì việc một diễn viên 40-45 tuổi vẫn phải hóa trang thành công chúa 18, 20 tuổi ở các vở diễn là một điều hoàn toàn… phải bình thường.

Trước một thực trạng đáng báo động như vậy, trong những năm qua, nhà nước và một số Bộ, ngành đã có những cơ chế chính sách đào tạo hấp dẫn cho thí sinh đăng ký dự thi vào các chuyên ngành nghệ thuật để họ được hưởng những ưu đãi. Cụ thể như ngày 30-7-2023, Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chính thức có hiệu lực, mở ra hy vọng về việc thu hút được nhân tài trong các ngành nghệ thuật đặc thù bởi chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Theo đó, có 26 ngành nghề nghệ thuật được xếp vào danh mục độc hại, nguy hiểm. Đây đều là những ngành học đặc thù với yêu cầu khắt khe từ tuyển chọn, đào tạo đến công việc biểu diễn sau khi ra trường. Việc được đưa vào nhóm ngành nghề độc hại, nguy hiểm sẽ tác động tới quyền lợi của người lao động, liên quan đến chế độ hằng năm, ốm đau, chế độ nghỉ hưu. Nhiều người kỳ vọng rằng, chính sách mới sẽ mang lại tín hiệu khả quan hơn trong mùa tuyển sinh của các ngành nghệ thuật biểu diễn năm nay, nhưng thực tế chưa được như mong muốn.

Thực tế, từ nhiều năm qua, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống đã nhận được sự hỗ trợ tốt về vật chất trong quá trình học. Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật. Theo đó, học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập được giảm 70% học phí. Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề với mức bằng 40% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng. Bên cạnh đó, sinh viên các ngành này còn được hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn, kinh phí làm đề tài tốt nghiệp...

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có quy định về hỗ trợ chi phí đào tạo tài năng, bao gồm: Học phí, học bổng, chính sách ưu đãi học sinh, sinh viên tài năng trong quá trình học tập; tổ chức tuyển sinh, đào tạo, thực tập ngắn hạn; thực hiện chính sách đãi ngộ giảng viên, giáo viên, chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia đào tạo tài năng; khen thưởng học sinh, sinh viên tài năng đoạt giải thưởng, có thành tích cao.

Cần cùng nhìn về một tương lai xa hơn…

So với mặt bằng chung hiện nay, những chính sách ưu đãi trong các ngành nghệ thuật truyền thống, đặc thù là vô cùng hấp dẫn. Vậy, tại sao số lượng thí sinh đăng ký học các ngành này vẫn èo uột?

Nếu đi dạo một vòng quanh các Nhà hát - là nơi làm việc của các nghệ sĩ, diễn viên hiện nay thì sẽ tìm được ra nguyên nhân tại sao người ta lại ít làm nghề hoặc bám trụ lại được với nghề? Đáp án chính là một câu trả lời chung: Nỗi lo cơm áo gạo tiền! Tiền thu nhập của một người diễn viên không đủ để họ trang trải cuộc sống. Công việc thì vất vả mà thu nhập thì không đủ sống - đây chính là nỗi lo lớn nhất khiến các ngành này ngày càng khó tuyển sinh. Chỉ cần so thu nhập của người nghệ sĩ với thu nhập của một công nhân là đã thấy có sự khác xa nhau. Lao động đơn thuần ở khu công nghiệp của tỉnh cũng có thể nhận mức lương tháng 6 triệu đồng, so sánh với thu nhập của một diễn viên chỉ hơn 3 triệu đồng, thì có thể hiểu được câu trả lời vì sao…

Một thực trạng đáng báo động ở một số các Nhà hát hiện nay là vì thu nhập không đủ nên phần lớn các diễn viên, nghệ sĩ đều “nửa đường đứt gánh” với sự nghiệp của mình. Có một số người ở lại là vì có hậu phương vững chắc, hoặc phải bươn chải bằng đủ nghề để tồn tại cùng nghiệp diễn. Có một số người phải lựa chọn một trong hai: sự nghiệp và tồn tại, và cuối cùng vẫn là “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Trong dòng chảy của kỷ nguyên số, khi mà việc tiếp cận thông tin và giao lưu xuyên biên giới trở nên phổ biến và dễ dàng cũng đã tạo điều kiện cho quá trình giao thoa văn hóa, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Ở thời đại ngày nay, thế hệ trẻ như GenZ là đối tượng “cảm thụ” nhanh nhất quá trình thay đổi này. Mãnh lực của Al, sự đổi thay chóng mặt của công nghệ giải trí có nguy cơ đã, đang và sẽ “xâm lấn” những giá trị văn hóa truyền thống vốn là hồn cốt của một quốc gia, một dân tộc. Làm thế nào để thế hệ trẻ biết tới và trân trọng nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc luôn là băn khoăn, trăn trở? …

Mặc dù có những khó khăn nhưng phải khẳng định một điều là nhân tài thời nào cũng có, không chỉ từ các cuộc thi về văn hóa nghệ thuật. Vấn đề là làm sao để thu hút tài năng cho nghệ thuật biểu diễn, nhất là loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong đó, điều quan trọng là chính sách đãi ngộ nhân tài của nhà nước để các nghệ sĩ yên tâm làm nghề và theo đuổi đam mê. Các cuộc thi tài năng đã giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ mới có tài, nhưng để duy trì niềm đam mê, nhiệt huyết của họ rất cần những chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Ngành Sân khấu rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của Nhà nước, cần những cơ chế đặc thù cho nghệ thuật biểu diễn, đảm bảo đời sống và giảm bớt khó khăn cho nghệ sĩ. Ngành Sân khấu nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung cần những cơ chế, chính sách đặc thù chứ không áp chung cho tất cả công chức nhà nước. Đặc biệt, với những tài năng hé lộ, phát hiện từ các cuộc thi hay từ đời sống, chúng ta nên có chính sách phát triển, nuôi dưỡng và phát triển tài năng, thậm chí gửi họ đi nước ngoài đào tạo, tạo điều kiện tối đa để họ có thể làm nghề, cống hiến, tạo ra những sáng tạo độc đáo. Ở lĩnh vực sân khấu truyền thống đang dần mai một, cần sự xả thân và truyền lửa của thế hệ đi trước cho tầng lớp kế cận và những chính sách bảo tồn, phát triển tài năng thiết thực thay vì các dự án, hô hào. Lĩnh vực này bị già hóa và cơ nguy cơ biến mất nếu không có những chính sách kịp thời từ phía nhà nước.

Có lẽ bài toán đầu tiên từ chính các nghệ sĩ, nếu họ thực sự có tài năng và tình yêu nghề, họ sẽ có cách để tồn tại và nuôi dưỡng tình yêu đó. Nhiều nghệ sĩ sống được bằng nghề, nhiều nghệ sĩ thấy hạnh phúc khi được làm nghề, điều này tỷ lệ thuận và công bằng với đúng tài năng, chất xám, sức lao động và lòng nhiệt huyết, cống hiến của họ với loại hình nghệ thuật mà họ đang theo đuổi và gây dựng.

Tài năng chỉ là điểm đầu khởi phát, các nghệ sĩ phải trải qua quá trình tự rèn luyện, tiếp tục học hỏi, trưởng thành, tạo ra giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa cống hiến cho cộng đồng qua tài nghệ của mình, lúc đấy mới được gọi là: Người tài. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ và phát triển từ cơ quan quản lý nhà nước là một yếu tố không thể thiếu được. Các tài năng bước ra từ một cuộc thi sẽ đi về đâu, cống hiến như thế nào, có lộ trình được đào tạo chuyên sâu hơn, nâng cao hơn hay không? Đối với những tài năng đang hoạt động trong các đơn vị công lập nếu đạt huy chương trở về đơn vị có được nâng lương, vào biên chế, được đảm nhận các vai chính trong các vở diễn lớn như thế nào.

Đây là những vấn đề mấu chốt để chúng ta đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài và bền bỉ cho ngành nghệ thuật đặc thù, không chỉ là ngành nghệ thuật truyền thống mà còn là của nghệ thuật đương đại. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục lắng nghe, sát sao và quan tâm, cùng ngồi lại với các đơn vị nghệ thuật để tìm ra giải pháp, kiến nghị với Bộ chủ quản và các cơ quan có thẩm quyền thì bài toán về tìm kiếm tài năng và trọng dụng người tài trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ được giải mã trong một tương lai không xa.

 

LÊ TRINH

Phó Trưởng phòng Nghệ thuật - Nhà hát Kịch Việt Nam

 

;