Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ

Trong quá trình hình thành và phát triển, người Khmer ở Nam Bộ đã không ngừng tiếp thu, sáng tạo nhiều nhạc cụ, thể loại dân ca để thể hiện tâm tư tình cảm cá nhân, thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng… Âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người, cố kết cộng đồng, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Có thể nói, âm nhạc dân gian đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc, giá trị văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

     1. Các nghiên cứu ở Việt Nam

     Trước năm 1975, các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp đã thực hiện nhiều nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ nhưng chỉ dừng ở mức giới thiệu, ghi chép khái quát về phong tục tập quán của họ. Đến Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy (1972), âm nhạc dân gian của người Khmer mới được nhắc đến một cách cụ thể thông qua nhạc cụ, nhạc ngữ và các thể nhạc.

     Sau khi đất nước thống nhất (1975), các nghiên cứu về con người, văn hóa, nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ tiếp tục được kế thừa và phát triển. Đối với âm nhạc dân gian của người Khmer, chúng tôi chia các công trình nghiên cứu trong nước thành bốn nhóm vấn đề chính.

     Các nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam có đề cập đến âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ

      Tuy các nghiên cứu về âm nhạc dân tộc được thực hiện từ rất sớm nhưng thường tập trung vào một số loại hình tiêu biểu như: ca trù, quan họ, hát xoan, dân ca ví giặm, bài chòi, đờn ca tài tử… Vì vậy, nhiều dòng nhạc của các dân tộc thiểu số chưa được nghiên cứu sâu. Điều này thể hiện rõ qua thống kê từ ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam được tiến hành thu thập trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 8-1999 của Viện Âm nhạc. Theo đó, các dân tộc Khmer Nam Bộ, Chăm và Hoa chỉ có 919 bài dân ca, 667 bài dân nhạc, số lượng này còn rất ít so với các dân tộc ở các vùng miền khác (1).

     Nước ta có kho dữ liệu các luận văn, luận án, các hội thảo khoa học chuyên ngành bàn về âm nhạc dân gian. Đặc biệt là các hội thảo khoa học chuyên ngành của Viện Âm nhạc Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam… Các tham luận tại hội thảo đã góp phần khẳng định sự đa dạng của âm nhạc cổ truyền và những giá trị quan trọng của nó đối với nền nghệ thuật nước nhà. Một số công trình có giá trị như: Nhạc khí truyền thống Việt Nam của Lê Huy, Minh Hiển (1994); Vấn đề nghiên cứu và đào tạo âm nhạc dân tộc học Việt Nam do Lê Văn Toàn chủ biên (2016); bài viết Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam của Nguyễn Thủy Tiên (2013)... đề cập đến những giá trị, thực trạng và biện pháp bảo tồn các giá trị âm nhạc dân gian các dân tộc ở Việt Nam.

     Bên cạnh đó, còn những nghiên cứu tập trung vào sưu tầm, phân loại và xác định giá trị của các thể loại âm nhạc dân gian. Tiêu biểu cho nhóm này là các công trình: Âm nhạc dân gian một số dân tộc thiểu số phía bắc Việt Nam do Nông Thị Nhình, Hồng Thao sưu tầm, biên dịch, giới thiệu (2011); Âm nhạc dân gian xứ Nghệ của Lê Hàm, Hoàng Thọ, Thanh Lưu (2012); Âm nhạc dân gian dân tộc Mông ở Nghệ An của Dương Hồng Từ (2010); Âm nhạc dân gian của người Bố Y ở Việt Nam và những vấn đề văn hóa liên quan của Trần Quốc Việt (2015), Âm nhạc dân gian Thanh Hóa của Lê Văn Hòe (2015)... Có thể nói, những nghiên cứu này là nguồn tư liệu quan trọng giúp chúng tôi có cái nhìn đối sánh giữa âm nhạc Khmer và âm nhạc của các dân tộc khác ở Việt Nam.

     Qua các nghiên cứu trên, chúng ta nhận thấy, công tác sưu tầm, thống kê và nghiên cứu các di sản âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ tuy đã được đề cập đến nhưng còn rất hạn chế so với các dân tộc khác ở Việt Nam. Số lượng các tác phẩm âm nhạc dân gian Khmer trong ngân hàng dữ liệu âm nhạc Việt Nam còn rất ít, chưa phản ánh đúng thực tế các tác phẩm đang lưu truyền trong dân gian.

     Những nghiên cứu về văn hóa Khmer Nam Bộ có đề cập đến âm nhạc dân gian Khmer

      Tiêu biểu cho nhóm nghiên cứu này là các công trình Người Khmer tỉnh Cửu Long (1987), Tìm hiểu vốn văn hóa Khmer Nam Bộ (1998), Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn từ năm 1920 đến năm 2000) do Sơn Lương chủ biên (2012), Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - thực trạng và những vấn đề đặt ra của Trần Văn Bính chủ biên (2004), Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long do Đinh Lê Thư chủ biên (2005), Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ của Mạc Đường, Phan Xuân Biên, Trần Hồng Liên (2006), Văn hóa Khmer Nam Bộ - nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam do Phạm Thị Phương Hạnh chủ biên (2012)...

     Chúng ta có thể kể đến một số luận văn, luận án đề cập đến văn hóa của người Khmer Nam Bộ như Loại hình công xã của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long của Nguyễn Khắc Cảnh (1997), Sự phản ánh phong tục cưới hỏi trong tục ngữ, ca dao, dân ca Khmer Nam Bộ của Thạch Chanh Đa (2014), Chủ thể sân khấu dù kê tỉnh Trà Vinh của Lâm Thị Ngọc Giàu (2014), Sân khấu rôbăm của người Khmer tỉnh Trà Vinh của Từ Thị Kim Loan (2014)... Các hội thảo khoa học chuyên đề về văn hóa nghệ thuật Khmer Nam Bộ như: Về sân khấu truyền thống Khmer Nam Bộ do Sở VHTT Sóc Trăng và Phân viện Nghiên cứa Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM tổ chức (1998), Xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam Bộ do Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức tại Hà Nội (2004), Nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa dân tộc do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Trà Vinh và Đài Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức tại Trường Đại học Trà Vinh (2013)...

     Ở nhóm các nghiên cứu này, âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ chỉ được nhắc đến như là một thành tựu, sự đa dạng của văn hóa Khmer Nam Bộ. Các nhà nghiên cứu chưa có những thống kê, phân loại và đánh giá về kho tàng văn hóa âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ.

     Những nghiên cứu, sưu tầm về dân ca, nhạc khí Khmer Nam Bộ

      Đáng chú ý nhất trong nhóm này là một seri sách nghiên cứu, sưu tầm về dân ca của các dân tộc ở Nam Bộ được thực hiện trong những năm 70, 80 TK XX: Dân ca Nam Bộ của Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nguyễn Văn Hoa (1978); Dân ca Bến Tre của Lư Nhất Vũ, Lê Giang (1981); Dân ca Hậu Giang của Lê Giang, Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Minh Luân (1986)... Bước sang TK XX, chúng ta có các công trình sưu tầm, tuyển chọn văn học dân gian Nam Bộ, trong đó ít nhiều đề cập đến dân ca Khmer Nam Bộ như Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long của tập thể giảng viên, sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Cần Thơ (1997), Văn học dân gian Bạc Liêu của Chu Xuân Diên (2011)... Về cơ bản, sách về dân ca các tỉnh ở Nam Bộ được cấu trúc làm hai phần: một là tiểu luận nghiên cứu, trình bày khái quát về diện mạo dân ca các dân tộc và hai là tuyển chọn các văn bản dân ca.

     Về nhạc khí, tiêu biểu nhất là hai công trình nghiên cứu Nhạc khí dân tộc Khmer Nam Bộ của Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị (2005) và Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng của Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị (2007). Hai công trình là một tập hợp có hệ thống kho tàng nhạc khí của dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Nam Bộ nói chung. Cùng với sự phân loại khoa học, từng loại nhạc khí đã được các tác giả tiếp cận và giới thiệu một cách chi tiết, từ nguồn gốc ra đời, phát sinh phát triển đến cấu tạo, chất liệu, màu âm, tầm âm, kĩ thuật diễn tấu, vai trò của nhạc khí trong đời sống cộng đồng và so sánh nó với các loại nhạc khí trong vùng.

     Bên cạnh đó, âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ cũng được nhiều học viên, nghiên cứu sinh chọn làm đối tượng cho các luận văn, luận án nghiên cứu của mình. Tiêu biểu như luận án Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer Sóc Trăng của Sơn Ngọc Hoàng (2016); luận văn Dàn nhạc Ngũ âm (Pin Peat) trong đời sống văn hóa người Khmer Trà Vinh của Trần Anh Duy (2014), Dân ca trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer Trà Vinh của Nguyễn Thị Trúc Phương (2014), Dàn nhạc Pinpeat của người Khmer Sóc Trăng của Nguyễn Lê Trần (2014)...

     Đặc biệt, trong những năm gần đây, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thực hiện dự án Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững 2005-2009 do Quỹ Sida Thụy Điển tài trợ. Cùng với việc nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật âm nhạc các dân tộc khác, âm nhạc dân tộc Khmer cũng được nhóm nghiên cứu thực địa tại một số tỉnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

     Qua các công trình nghiên cứu, chúng ta có thể nhận thấy, âm nhạc của người Khmer Nam Bộ đã được chú trọng hơn. Nếu nhạc khí Khmer Nam Bộ đã được nghiên cứu và có chuyên luận riêng thì dân ca Khmer Nam Bộ lại chưa được nghiên cứu, sưu tầm nhiều. Chúng tôi chỉ thống kê được 243 tác phẩm dân ca thuộc những thể loại khác nhau đan xen trong các bộ sách sưu tập về dân ca của các tỉnh ở Nam Bộ. Như vậy, từ những công trình sưu tầm, nghiên cứu chung của các dân tộc Việt Nam đến những công trình sưu tầm nghiên cứu chuyên biệt về người Khmer ở Nam Bộ, dân ca Khmer Nam Bộ vẫn chưa có một công trình riêng, số lượng các tác phẩm được sưu tầm còn rất hạn chế.

     Những nghiên cứu đánh giá về thành tựu, thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ

      Từ đổi mới đến nay, xuất phát từ thực tiễn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer Nam Bộ, nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến việc tổng kết thành tựu, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy nền âm nhạc dân gian của tộc người này. Tiêu biểu cho nhóm nghiên cứu này là các bài viết: Nghệ thuật Khmer ở Nam Bộ từ 1975 đến nay: thành tựu và triển vọng của Nguyễn Đăng Hai và Phạm Thị Tố Thy (2015), Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật Khmer Nam Bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trường hợp ngành Biểu diễn Nhạc cụ Truyền thống Khmer Nam Bộ tại Đại học Trà Vinh) của Nguyễn Đăng Hai, Phạm Thị Tố Thy (2014), Giữ gìn và phát huy nghệ thuật chầm riêng chà pây của người Khmer của Thạch Thị Út Linh (2014)...

     Như vậy, nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ cũng đã được các nhà nghiên cứu trong nước thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay ở trong nước, chúng ta vẫn chưa có một công trình riêng nào thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá âm nhạc dân gian của người Khmer Nam Bộ.

     2. Các nghiên cứu ở Campuchia

     Ngoài lãnh thổ Việt Nam, hoạt động nghiên cứu về âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ chủ yếu được thực hiện ở Campuchia, do các tương đồng về tộc người, văn hóa, nghệ thuật giữa hai quốc gia. Tiêu biểu là các nghiên cứu của Chap Pinh, Pich Tum Kravel, Pich Tum Krovil, Hung Sa Rinh, Meach Ponna... Tác phẩm Múa dân gian Khmer của Chap Pinh (1964) chủ yếu giới thiệu về tên gọi, nguồn gốc xuất xứ, vật dụng, đạo cụ. Âm nhạc được nhắc đến như một yếu tố không thể thiếu của nghệ thuật múa. Tương tự, trong công trình Dì kê và sân khấu Bassac (1997), Pich Tum Kravel đã trình bày những đặc điểm cơ bản của hai loại hình sân khấu là dì kê và dù kê. Công trình này mô tả nguồn gốc, quá trình hình thành, cách thức biểu diễn, trang phục, mỹ thuật sân khấu và một số bài bản, bài hát dân gian Khmer thường được sử dụng biểu diễn. Tuy còn sơ lược nhưng đây là cơ sở để người nghiên cứu so sánh với âm nhạc dân gian trong nghệ thuật sân khấu của người Khmer Nam Bộ. Bên cạnh đó, âm nhạc trong nghệ thuật múa cổ điển Khmer còn được đề cập trong công trình Sân khấu mặt nạ Khmer của Pich Tum Kravel (2000). Tiếp đến, năm 2003, công trình Nghệ thuật biểu diễn Khmer của Ủy ban Nghiên cứu Nghệ thuật Văn hóa giới thiệu khái quát về lịch sử, nguồn gốc của các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer: múa cổ điển, múa dân gian, múa truyền thống, xiếc, sân khấu dì kê, sân khấu dù kê, sân khấu mô hô ri, hát a day, chầm riêng chà pây, chầm riêng kse điêu. Cùng với đó, trong một số loại hình nghệ thuật biểu diễn, các tác giả giới thiệu khái quát về vai trò, ý nghĩa, các bài hát dùng trong các dàn nhạc như a răk, nhạc cưới, ngũ âm, mô hô ri, cồng trống, trống chhay dam, muôn khrum, skô chhas hoặc skô dôn, các loại dàn nhạc của các dân tộc thiểu số (trong đó có cả dân tộc Stiêng). Công trình trực tiếp đề cập đến âm nhạc dân gian Khmer là Âm nhạc, múa và sân khấu Khmer của Pich Tum Krovil (2000) và Dàn nhạc Khmer của Hun Sa Rinh (2004). Pich Tum Krovil dành 18 trang để mô tả về âm nhạc Khmer: tên gọi các dàn nhạc, nhạc cụ, cách phối âm, phối khí trong từng dàn nhạc cụ thể. Còn Hung Sa Rinh trình bày vai trò, ý nghĩa, nghi lễ cúng tổ, cách thức hòa âm, phối âm, những thay đổi của dàn nhạc từ quá khứ đến hiện tại, những lời hát cùng sử dụng trong quá trình biểu diễn các dàn nhạc.

     Nhìn chung, các nghiên cứu về âm nhạc dân gian Khmer tại Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu, cung cấp cái nhìn đa diện về các loại hình. Qua đó giúp chúng ta nhận diện những nét tương đồng và dị biệt giữa âm nhạc dân gian Khmer ở Campuchia và âm nhạc dân gian Khmer ở Nam Bộ. Tuy nhiên, hầu như các công trình này chưa đề cập chi tiết đến âm nhạc dân gian Khmer ở Nam Bộ, dù chỉ dừng lại ở góc độ so sánh, đối chiếu về văn bản.

     Điểm qua các công trình sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ thời gian qua, chúng tôi nhận thấy:

     Tuy âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ đã được quan tâm sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu nhưng nhìn chung các công trình nghiên cứu còn tản mạn. Hầu hết các tác phẩm được sưu tầm chủ yếu thực hiện trong những thập niên 70, 80 TK XX. Về thể loại, các công trình sưu tầm chủ yếu tập trung vào một số thể loại dân ca tiêu biểu. Số lượng các tác phẩm sưu tầm rất hạn chế so với thực tế các tác phẩm đang lưu truyền trong dân gian. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có những nghiên cứu vận dụng các lý thuyết nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống trong việc nghiên cứu âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ.

     Việc sưu tầm, thống kê và giới thiệu một cách có hệ thống, toàn diện các thể loại âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ cần tiếp tục thực hiện; phục dựng các tác phẩm âm nhạc, các loại nhạc khí dân gian đã bị mai một; hệ thống và phân loại âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ dựa trên những cơ sở lý thuyết khoa học phù hợp.

     Chúng ta cần phân tích đặc trưng, giá trị; quy luật vận động, phát triển âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ.

     Song song với công tác sưu tầm, nghiên cứu, chúng ta cần tổ chức đào tạo lực lượng kế thừa trên các phương diện: sáng tác, trình diễn, nghiên cứu âm nhạc Khmer Nam Bộ.

     Cần tổng kết, đánh giá việc xây dựng và thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu, đào tạo cần đề xuất những chính sách, giải pháp nhằm phát triển bền vững loại hình âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ trong thời gian tới.

____________

1. Phương Thảo, Hội thảo khoa học về công tác thống kê vốn di sản âm nhạc cổ truyền, 2017, nhandan.com.vn.

Tác giả: Phạm Tiết Khánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

;