Tỉnh Thừa Thiên Huế: Nâng cao vai trò tuyên truyền qua các liên hoan nghệ thuật quần chúng

Trong những năm qua, phong trào nghệ thuật quần chúng tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực. Các chương trình tuyên truyền lưu động, liên hoan nghệ thuật quần chúng (NTQC) của các ngành diễn ra sôi nổi. Trong đó, liên hoan NTQC của ngành Văn hóa, Thể thao tổ chức định kỳ 03 năm một lần có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các đường lối - chủ trương của Đảng, chính sách - pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đến từng địa bàn dân cư, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Mục đích các liên hoan, ngoài yếu tố tuyên truyền chính trị theo các sự kiện lịch sử, thì yếu tố bảo tồn các giá trị văn hóa bản sắc vùng, miền, địa phương vẫn đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, bên cạnh việc nâng cao chất lượng về tổ chức các liên hoan, để phát huy, nhân rộng mục đích, ý nghĩa tính chất khác nhau của các kỳ liên hoan, song song với việc nâng cao tính tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, cần chú trọng các yếu tố sau:

Xác định rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa, tránh sự trùng lặp về thể loại trong mỗi kỳ liên hoan

Liên hoan làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa nội dung chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn các làn điệu dân ca đặc trưng của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh, từ đó phát huy giá trị các âm hưởng dân ca độc đáo của địa phương đã được lưu truyền hàng trăm năm qua quá trình lao động, sản xuất của nhân dân. Các tiết mục tham gia liên hoan bắt buộc phải mang âm hưởng dân ca đặc trưng của địa phương (các làn điệu ca Huế, dân ca Huế, các điệu hò của mỗi vùng quê...).

Liên hoan công, nông, binh, trí thức (Liên hoan NTQC tỉnh Thừa Thiên Huế). Liên hoan có quy mô lớn nhất tỉnh, đối tượng tham là các công nhân, nông dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, cán bộ chiến sĩ quân đội, công an nhân dân đến từ các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh. Liên hoan  là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa quan trọng, qua đây nhằm cổ vũ phong trào văn nghệ quần chúng đã và đang phát triển rộng khắp ở các địa phương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, tăng cường sự giao lưu, kết nối. Với chủ đề “Đất nước anh hùng ca” xuyên suốt các kỳ Liên hoan, nội dung chương trình tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, về đề tài chiến tranh cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước...không bắt buộc phải có tiết mục mang âm hưởng dân ca.

Liên hoan đưa thông tin về cơ sở là một hoạt động chuyên ngành, chuyên sâu của công tác thông tin, tuyên truyền cổ động. Các hoạt động tuyên truyền không chỉ góp phần cổ vũ trực tiếp các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của địa phương mà còn phê phán các hiện tượng tiêu cực trên địa bàn, đồng thời phối hợp được nhiều hoạt động của các thành viên ở cơ sở tham gia, vừa thu hút đông đảo người dân đến xem, vừa đạt được mục đích của công tác tuyên truyền. Nội dung chương trình  được chuyển tải đến người xem, người nghe luôn xúc tích và mang tính thời sự, hiệu ứng thông tin được chuyển tải nhanh, dễ nắm bắt để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Chương trình tham gia liên hoan luôn có kịch ngắn, kịch dân ca (câu chuyện thông tin) và chú trọng tuyên truyền thông qua panô, áp phích, số liệu... mang tính thời sự cao của mỗi địa phương, mỗi ngành.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi với cả nước và quốc tế, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong xu thế hội nhập của đất nước. Ngoài các hoạt động như Dệt Zèng, thể thao truyền thống của các đội, chương trình NTQC của các đoàn là các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, các ca khúc nhạc mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước... của các đội nghệ nhân dân tộc Pacô, Tà Ôi, Vân Kiều... đang sinh sống tại miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chú trọng công tác tuyên truyền trong xây dựng chương trình

Có thể khẳng định, công tác truyền thông qua hình thức NTQC là một thể loại tuyên truyền bằng nghệ thuật rất độc đáo trong hoạt động văn hóa của các thiết chế văn hóa. Hoạt động này thể hiện rõ được tính đặc trưng, hiệu quả và thế mạnh của nó trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng trong lĩnh vực văn hóa trong nhiều năm qua. Hoạt động này luôn giữ vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng, là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định vai trò của văn hóa tinh thần trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Xác định mục đích tuyên truyền qua các cuộc liên hoan NTQC gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”  phát huy tối đa tính tuyên truyền qua nội dung tham gia liên hoan, khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương, qua việc tuyên truyền ý thức chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước của nhân dân được nâng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

;