Tọa đàm và ra mắt sách về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) cùng Phạm Lê Collection và gia đình cố họa sĩ Trần Phúc Duyên đã tổ chức buổi Tọa đàm và ra mắt sách “Duyên: Hiện thực, trừu tượng, thiền họa - Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên" vào sáng ngày 4-1-2025, tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Toàn cảnh buổi Tọa đàm ra mắt sách

Cuốn sách do hai nhà sưu tầm với bút danh Phạm Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh) biên soạn, ra đời sau 6 năm chuẩn bị nhờ vào một cơ duyên tình cờ phát hiện ra “kho báu” các tác phẩm đồ sộ của họa sĩ Trần Phúc Duyên tưởng như đã bị lãng quên ở ngoại ô Thủ đô Bern, Thụy Sĩ - nơi ông sống và làm việc từ năm 1968 cho đến khi qua đời năm 1993. Với mong muốn giới thiệu tới công chúng Việt Nam di sản nghệ thuật đặc biệt của Trần Phúc Duyên, năm 2023, hai nhà sưu tập Phạm Lê đã tổ chức triển lãm “Họa Duyên tương ngộ” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) tại TP.HCM và cho ra đời cuốn sách này vào năm 2024, nhân kỷ niệm 100 thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Cuốn sách cung cấp cái nhìn toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ, từ thời kỳ học tập tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đến những năm tháng sáng tác tại châu Âu, gồm 100 tác phẩm tiêu biểu được chọn lọc kỹ lưỡng, in màu trên giấy cao cấp, tái hiện chân thực màu sắc của các tác phẩm.

Bìa cuốn sách

Chương trình Tọa đàm ra mắt sách có sự tham gia của bà Trần Tường Vân - cháu gái họa sĩ Trần Phúc Duyên; nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh - Giám đốc Viet Art View; tác giả, nhà sưu tầm Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, những người yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là hội họa sơn mài và muốn tìm hiểu lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Duyên: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa là cuốn sách giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và các tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) - người họa sĩ thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cùng là họa sĩ Đông Dương sống và làm việc tại châu Âu (gồm: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Trần Phúc Duyên, Phạm Tăng…), nhưng chỉ duy nhất Trần Phúc Duyên đã chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt trong suốt sự nghiệp sáng tác. Ông cũng tự nhận là một “artiste laqueur” (họa sĩ sơn mài) từ những năm đầu 1950, khi còn ở Hà Nội. Ông ghi danh hiệu đó đằng sau các bức tranh sơn mài của mình. Trên thực tế, ông đã tiếp tục và kết thúc sự nghiệp nghệ thuật của mình ở chính vai trò đó.

Trần Phúc Duyên không lập gia đình và trong cuộc đời 70 năm của mình, ông dành trọn 50 năm cho nghệ thuật sơn mài với những đề tài thấm nhuần tâm hồn Việt, nghiên cứu, thử nghiệm và thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật. Mặc dù có đến 40 năm ông sinh sống tại nước ngoài, sự thiếu thốn về vật liệu không làm ông chùn bước, mà ngược lại, thúc đẩy ông nghiên cứu, tìm tòi, và thử nghiệm với những chất màu và kỹ thuật mới. Ông kết hợp kỹ thuật và cảm quan nghệ thuật của cả phương Đông và phương Tây.  

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng phát biểu tại buổi Tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, nhà sưu tầm Phạm Quốc Đạt cho biết, khi tìm hiểu về phong cách nghệ thuật của họa sĩ Trần Phúc Duyên, anh thấy điểm nổi bật nhất là sự kết hợp Đông-Tây đặc trưng trong cả kỹ thuật, đề tài và triết lý. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương với lối vẽ thủy mặc và Thiền họa của Đông phương trong tranh sơn mài Việt. Ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm sơn mài phi hình và trừu tượng, với âm vọng của hội họa trừu tượng hậu hiện đại và trường phái New York.  Để tiếp tục sáng tác với sơn mài tại Pháp và Thụy Sĩ, Trần Phúc Duyên đã dành nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm nhiều kỹ thuật chất liệu khác nhau từ loại gỗ làm vóc, tới chất kết dính, chất pha, các chất màu. Ông sử dụng nhiều loại vàng với màu sắc độ tuổi và nguồn gốc khác nhau để tạo nên những bức tranh mới thoạt nhìn tưởng như đơn sắc nhưng khi ngắm kỹ ta thấy được sự chuyển động tinh tế của các gam màu nhẹ nhàng và thơ mộng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh - Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết, bà được xem tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên năm 2016 và bất ngờ bởi những bức tranh sơn mài có màu vàng, xám, ghi. Trong hội họa Đông Dương, họa sĩ Trần Phúc Duyên học vào thời kỳ cuối cùng, lúc ấy sơn mài đã khá hoàn thiện về bảng màu. Nhưng từ khi sang Pháp, sơn mài của ông đã có nhiều tìm tòi đổi mới. Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể...

Bản in một số tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên được trưng bày trong khuôn khổ buổi Tọa đàm

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét, nhìn lại sự nghiệp của Trần Phúc Duyên, chúng ta có thể nhận ra ba lối tranh rõ rệt: tranh kiểu Đông Dương, chủ yếu là tranh phong cảnh và sinh hoạt với phong cách vẽ tranh sơn mài ảnh hưởng mạnh mẽ từ họa sĩ Hoàng Tích Chù; tranh Trừu tượng tối giản thuần túy; tranh sơn thủy (thủy mặc) và Thiền họa. Nếu tranh trừu tượng của ông có nghiên cứu lối tranh hình học của Mỹ và gửi vào đó chất thiền phương Đông thì tranh phong cảnh sơn thủy, Thiền họa lại phản ánh những suy nghĩ nội tâm, ông thiền bằng chính hội họa của mình khi áp dụng quan niệm sắc - không của Phật giáo vào Thiền họa. Nếu chỉ theo đuổi lối hội họa sơn mài phong cảnh thì phong cách Trần Phúc Duyên cũng chỉ dừng lại ở những điểm chung của dòng tranh Đông Dương. Nhưng ông đã rẽ sang hướng khác, không phải vì muốn khác biệt hoặc hay hơn, mà vì toàn bộ những gì ông trải qua, cuộc sống thực tại của chính ông đã đưa ông đến trừu tượng và Thiền họa. Vào những chặng cuối đời, ông đã vượt qua nỗi nhớ quê hương để đi tìm một nghệ thuật phản ánh đời sống nội tâm cho mình, bày tỏ tình cảm con người nói chung - đó là con người đối diện với tự nhiên, với đời sống tâm linh mà tự nhiên ban cho mình.

Phát biểu trong buổi Tọa đàm, bà Trần Tường Vân - người cháu gái mà họa sĩ rất yêu quý khi sinh thời, đã bày tỏ niềm xúc động vì những di sản nghệ thuật của họa sĩ Trần Phúc Duyên đã được trở lại với quê hương. Bà cũng chia sẻ, cuốn sách như một sự tưởng nhớ và lời tri ân sâu sắc với họa sĩ Trần Phúc Duyên - người đã góp phần trong hành trình phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;