Cộng đồng dân tộc Thái sống tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa có vốn di sản văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc. Từ bao đời nay đồng bào trân trọng biết ơn thiên nhiên, núi rừng “sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, các vị tiền nhân, các vị thần núi, thần sông… trong đó đặc biệt là thần lúa. Người Thái ở Thanh hóa chủ yếu làm nông nghiệp, vì vậy các lễ hội thường gắn với hoạt động nông nghiệp trong đó có Lễ mừng cơm mới.
Trong khuôn khổ chương trình “Chào năm mới 2025”, tại Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Thái huyện Mường Lát đã tái hiện trích đoạn Lễ mừng cơm mới, đây là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh, mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người Thái sinh sống ở tỉnh Thanh Hóa.
Trong lễ cúng cơm mới, mâm cơm cúng rất quan trọng nên luôn được chuẩn bị kỹ càng
Như thường lệ, cứ vào độ cuối tháng 5 và cuối tháng 10 âm lịch sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, đồng bào dân tộc Thái xứ Thanh lại hân hoan tổ chức Lễ mừng cơm mới. Họ thường chọn ngày đẹp, tránh vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong nhà. Thông thường, người Thái mỗi năm chỉ cúng mừng cơm mới một lần. Phong tục này xuất phát từ niềm tin của người Thái, họ cho rằng, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng.
Vì vậy, nhằm cảm ơn tổ tiên và công ơn sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng thắng lợi và cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt nên mỗi gia đình dù có hoàn cảnh khác nhau vẫn thu xếp làm Lễ Mừng cơm mới mời ông bà tổ tiên đến chung vui cùng con cháu.
Trong buổi lễ, thầy Mo đóng vai trò là chủ lễ, là người kết nối giữa cộng đồng với các thần linh, đọc các bài văn khấn gửi tới các thần linh, ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn vì đã cho cộng đồng một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ, thóc lúa đầy bồ, khoai, sắn đầy sân, gia súc đầy chuồng. Đây cũng là dịp để cầu an, cầu phúc cho gia đình, dòng tộc và cho cả cộng đồng, đồng thời cũng để bày tỏ những khát vọng, mơ ước về cuộc sống bình yên, sung túc, xua đi những nhọc nhằn vất vả, lo toan trong cuộc sống hiện tại và cũng là cơ hội để cộng đồng gắn kết, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Đến ngày, giờ lành, thầy Mo sẽ báo với gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng để làm lễ
Để cúng lễ, thì mâm lễ cúng là phần quan trọng nhất, trong đó những bông lúa thật đẹp, hạt mẩy cắt một bó to để chuẩn bị cho ngày cúng cơm mới. Cùng với đó là mâm cúng đủ đầy thịt lợn, cá, rượu cần, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, cua suối, ốc dài, trứng và nấm (nấm theo lời thầy Mo là thể hiện sự vươn lên của lớp trẻ)... Người Thái chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu chọn ngày, chuẩn bị lễ vật cho đến việc sắp xếp các nghi thức.
Các lễ vật được chia làm 3 mâm lễ: 1 mâm cúng thổ địa, 1 mâm cúng tổ tiên và 1 mâm cúng vía lúa để mừng cơm mới (mâm lễ này chỉ gồm các con vật hay phá hoại mùa màng như châu chấu và chuột rừng). Lễ cúng được thực hiện tại bàn thờ thổ địa và bàn thờ tổ tiên trong nhà. Đặc biệt, trong mâm cúng không thể thiếu “Na mẫu” tức là cốm làm từ lúa nếp non, “Mạ cong” tức là gạo giã từ thóc xôi chín đem phơi, rất dẻo và thơm.
Từ sáng sớm tinh mơ, tất cả mọi người đã tập trung đầy đủ, mỗi người một tay chuẩn bị cho Lễ mừng cơm mới. Trong âm vang của tiếng chày giã gạo, tiếng lao xao chuyện trò của các con cháu, tiếng trống chiêng nổi lên. Cùng lúc đó, ông Mo (thầy cúng, chủ lễ) cũng đi vào cùng con cháu, dân làng chuẩn bị cúng lễ.
Mọi người cùng tụ tập, ngồi ngay ngắn, nghiêm trang xung quanh thầy Mo làm lễ
Đến giờ đẹp, mọi người ngồi quây quần, ngay ngắn, nghiêm trang xung quanh mâm cúng để lắng nghe thầy Mo hát cúng, thầy Mo là người có uy tín trong bản bắt đầu cúng mời gọi thần linh, thổ địa, tổ tiên về nhận lễ vật và chứng kiến nghi Lễ mừng cơm mới.
Lời của ông mo bắt đầu vang lên: “Ơi con trai, con gái bản ta, nhờ ơn thần linh và tổ tiên năm nay bản ta có một vụ mùa bội thu/ Chúng ta hãy khỏe đôi chân, nhanh đôi tay chuẩn bị làm lúa mới mời ông bà, tổ tiên và các đấng thần linh về mừng cơm mới nào”.
Tiếng trống chiêng nổi lên một hồi, ông Mo sẽ đọc bài khấn: “Các con có biết không, người Thái chúng ta từ khi bắt đầu biết trồng khoai, trồng sắn trên nương thì tổ tiên ta luôn tin rằng có lực lượng siêu nhiên quyết định số phận của họ/ Trên trời luôn có Then là đấng cai quản đất trời, loài người và vạn vật/ Còn dưới đất có các thần linh, muốn mùa màng tươi tốt phải được sự phù hộ của Then, thần linh và của ông bà tổ tiên/ Vì vậy, người Thái ta hằng năm cứ vào 2 mùa lúa nương chín vàng ta lại tổ chức Lễ Mừng cơm mới để nhớ ơn các đấng thần linh đã phù hộ, nhớ ơn ông bà tổ tiên đã “vất vả trông coi” suốt cả mùa vụ để con cháu giờ đây mùa màng tươi tốt…”.
Thầy Mo thực hiện khua Luống và gửi lời chúc
Khi nghi lễ kết thúc, người dân sẽ cùng nhau thưởng thức các món ăn từ gạo mới, thịt lợn và uống rượu cần. Những điệu múa xòe, hát đối, các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, nhảy sạp cũng được tổ chức, tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm và gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.
Đồng thời, thầy Mo sẽ kêu gọi mọi người tiếp tục với phần hội. Tiếng Chiêng, trống vang lên, tiếng khua luống rộn rã, đoàn người bước vào hội: các trò diễn Pôồn Pôông, khua luống, nhảy cá sa… diễn tưng bừng. Ở phần hội, người Thái cùng chơi nhạc cụ Luống. Luống của người Thái được truyền từ đời này sang đời khác. Luống là công cụ để tinh chế lương thực, thực phẩm, ngoài ra nó còn là một loại nhạc cụ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, già trẻ, trai gái ai cũng đều biết chơi nhạc cụ này, đây còn là biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực, giao hòa giữa trời và đất. Nhạc cụ luống của người Thái gồm 12 điệu, được chơi trong những ngày vui, ngày buồn, trong đó có cả điệu luống “mừng cơm mới”.
Sau khi cúng xong, thầy Mo cùng người dân thưởng thức các món ăn từ gạo mới, thịt lợn và uống rượu cần.
Sau đó, người Thái sẽ múa Cây bông, đây được xem là linh hồn trong các lễ hội. Múa cây bông thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn của bà con với người có công trong khai hoang lập bản, chiến đấu bảo vệ dân bản. Những hình hoa văn, màu sắc, con vật trên cây bông đều thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát vọng chinh phục thế giới thiên nhiên của đồng bào Thái...
Lễ mừng cơm mới chứa nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong lễ thức giao cảm với thiên nhiên, tạ ơn đất trời, các vị thần linh đã cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng, vật nuôi tươi tốt; cảm tạ ông bà tổ tiên đã có công khai phá ruộng nương để lại cho cháu con có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Lễ mừng cơm mới là dịp để thắt chặt sự cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm, cầu cho bản mường bình an, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh, chung sức, chung lòng dựng xây bản mường giàu đẹp.
Trong phần hội, người Thái sẽ múa Cây bông, đây được xem là linh hồn của các lễ hội
Du khách cùng chung vui, tham gia múa với đồng bào Thái
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH