Vang vọng mã la của đồng bào Raglai

Trong lễ hội Katê của người Chăm, bên cạnh sự rộn ràng, bập bùng của tiếng trống Ghinăng, Paranưng, réo rắt của kèn Saranai… còn có âm thanh vang vọng của mã la từ dân tộc Raglai. Mã la được coi là nhạc cụ thiêng, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Raglai.

Mã la là nhạc cụ gõ bằng đồng,  được coi là vật thiêng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần, luôn xuất hiện trong tất cả những lễ hội quan trọng của cộng đồng người Raglai. Mã la được ví như bảo vật minh chứng cho ý nghĩa lịch sử, sự đoàn kết, nghĩa tình và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Raglai.

Đối với người Raglai, dàn mã la không chỉ là nhạc cụ đơn thuần mà được coi là nhạc cụ thiêng do ông bà để lại. Họ thường gọi mã la là “ông bà” (Char muk – kei), luôn được để ở nơi trang trọng nhất trong nhà sàn nên mỗi lần lấy xuống để sử dụng đều phải làm lễ cúng.

Những khu vực có đồng bào Raglai sinh sống, hầu như làng nào cũng có dàn mã la. Vì người Raglai sống theo chế độ mẫu hệ, nên mã la cũng được gọi theo mã la mẹ, mã la con. Mã la được sử dụng theo bộ, mỗi bộ có ít nhất là 2 chiếc, gọi là mã la mẹ con. Bộ mã la 4 chiếc được gọi là 1 mẹ và 3 con (con trưởng, con giữa, con út). Với những bộ mã la có 7, 9 hoặc 12 chiếc thì sẽ có nhiều mẹ: mã la mẹ cả, mã la mẹ hai, mã la mẹ ba… Mẹ cả được hiểu là bà tộc trưởng đã có chồng và con, là người có quyền thế cao nhất. Còn các mẹ khác là em ruột của mẹ cả, cùng với đó là các mã la con…

 

Các nghệ nhân dân tộc Raglai biểu diễn mã la tại Lễ hội Katê tháp Pô Klong Garai

Mã la của người Raglai được diễn tấu theo hình thức tập thể, trong dàn mã la, chiếc mã la mẹ bao giờ cũng cất tiếng đầu tiên, đồng thời còn có vai trò giữ nhịp chính, các mã la con sẽ hòa theo. Nếu là bộ mã la nhiều mẹ thì mã la mẹ cả sẽ đảm nhiệm vai trò này. Mỗi nghệ nhân sẽ đảm trách một mã la, cùng hòa với nhau để thành một điệu và mỗi điệu lại được dành riêng cho một buổi lễ.

Hầu như làng Raglai nào cũng có nhiều nghệ nhân biết đánh mã la. Bên cạnh việc phải thuộc bài bản, nghệ nhân còn phải biết kết hợp đánh mã la bằng tay phải và điều tiết âm độ bằng bàn tay trái, đồng thời phải phối hợp nhịp nhàng giữa các mã la. Chính vì thế, để đánh được trong dàn mã la, bên cạnh học nghề từ các nghệ nhân thì người sử dụng cũng phải dày công luyện tập.

Chia sẻ về nhạc cụ mã la, Nghệ nhân ưu tú Chamale’a Thơm thuộc đội Mã la xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cho biết, ông biết sử dụng mã la từ năm 10 tuổi. Ông học hỏi chơi mã la từ những người trong xã và gắn bó với nhạc cụ này đến ngày nay. Mã la được sử dụng nhiều trong đời sống văn hóa của người Raglai, trong lễ bỏ mả và lễ cưới, lễ ăn đầu lúa mới...

Nghệ nhân ưu tú Chamale’a Thơm cũng cho biết, mã la sử dụng trong lễ bỏ mả thường được các nghệ nhân đánh với những tiết tấu buồn để thể hiện tình cảm và chia tay với người đã khuất. Còn trong lễ cưới, mã la là nhịp điệu vui nhộn, sôi nổi để cầu chúc cho đôi bạn cuộc sống hạnh phúc, sung túc, đông con nhiều cháu; Trong lễ ăn đầu lúa mới, tiếng mã la hòa nhịp cùng với tiếng hát của già trẻ, trai gái trong buôn làng, cùng nhau ca hát, nhảy múa quanh cây nêu suốt đêm. Men say của rượu cần khiến các điệu hát, trò chơi của người Raglai càng thêm sôi nổi.

Đặc biệt trong lễ bỏ mả được kéo dài suốt ba ngày đêm, số lượng nghệ nhân đánh mã la cũng đông hơn để có thể thay thế. Trong quá trình thực hành lễ, mã la đóng vai trò chủ đạo, là công cụ truyền tải thông tin hai chiều với thế giới thần linh…

Hiện nay, tại 26 xã, 78 thôn vùng dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận có khoảng 220 bộ mã la, với 1.772 chiếc. Không chỉ có các nghệ nhân, mà hiện nay đông đảo những người trẻ đã học và sử mã la. Những thanh âm trầm bổng của mã la xuất hiện trong các ngày lễ hội quan trọng của đồng bào Raglai nói riêng, ngày hội chung của đồng bào các dân tộc ở trong khu vực, không chỉ tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống, mà còn gắn kết và nâng cao tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

AN NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH

;