Thực tế, con người vẫn sử dụng các loại giấy tờ tùy thân (GTTT) như một phương tiện hữu hiệu, nhưng hiếm khi quan tâm nó được thiết kế như thế nào. Vai trò của đường nét đóng vai trò gì trong sự hình thành các loại GTTT như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân (CMND), huân huy chương, tiền... Bài viết đặt vấn đề tìm hiểu về vai trò của yếu tố đường nét trong nghệ thuật thiết kế GTTT ở Việt Nam nhằm giải mã sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Khả năng biểu hiện của đường nét
Trong nghệ thuật thiết kế GTTT cho thấy chỉ bằng một nét viền xung quanh tài liệu đặc thù đã gợi sự liên tưởng tới hình thể kết hợp với chữ hiện ra trong không gian có phạm vi là bề mặt phẳng. Mặt khác sự đối xứng về nét vẽ hoa văn hoặc logo có kích thước khác nhau được thực hiện bằng kỹ thuật in nét khi được đặt cạnh nhau thường gợi ra khoảng cách về không gian. Trên CMND đường viền chu vi xung quanh nhằm xác định giới hạn nội dung chữ và hình quốc huy được bố cục hợp lý. Hình sao in nổi trên quốc huy là sự hội tụ của các đường nét xiên, biểu hiện sự chuyển động của điểm nhấn trong vòng tròn nhỏ. Nhiều đường cong dài ngắn xếp cạnh nhau tạo thành biểu tượng riêng cho sự thiêng liêng của người Việt. Hình quốc huy được thấy trên hầu khắp các loại GTTT, nhưng ở CMND hình tròn với nhiều nét gạch chéo, song song tạo ra vòng lan tỏa chìm dưới phần chữ. Những đường xiên trên hình ngôi sao và các vòng tròn đồng tâm chia cắt phân giải các bộ phận của hình như biểu hiện mặt khối. Như vậy tổ hợp của đường nét trên CMND gồm nét ngắn, dài, cong thẳng tạo ra đường hướng cho bố cục chính và chỉ ra sự vận động của hình thể. Nếu đường kẻ bao xung quanh là tĩnh, thì những tổ hợp đường nét là động. Các dạng đường nét này chính là một tổ hợp tạo thành loại GTTT mang giá trị sử dụng của mỗi công dân Việt Nam. Việc lựa chọn các đường nét cong thẳng, ngắn dài kết hợp với nhau nhằm tạo ra những biểu tượng mang tính đặc thù, mang lại cảm giác chuyển động và linh hoạt, điều đó hoàn toàn phù hợp với chức năng của một loại giấy thông hành khi cần xuất trình. Tuy nhiên, hình quốc huy ở CMND có màu sắc khác với màu của đồng tiền polymer. Điều này cũng là đặc biệt trong kỹ thuật sử dụng mảng, nét để tạo nên một biểu tượng riêng. Trên thực tế, việc thiết kế GTTT không thể sử dụng triệt để phương pháp phối cảnh của thời phục hưng là hình thể ở gần được vẽ to, rõ, còn những hình phía sau trở thành nhỏ và mờ dần. Vì vậy, trong nghệ thuật thiết kế GTTT mang nhiều đặc điểm tương đồng với quan điểm vẽ tranh trừu tượng của các họa sĩ phương Tây, đó là xây dựng đường nét và hình thể theo chu vi hoặc khối. Sự so sánh có phần khiên cưỡng nhưng khi xét chi tiết sẽ tìm thấy quan điểm chung khi thiết kế. “Với Kandinsky những đường nét uyển chuyển như được thấy lại trong các tác phẩm của ông, nhưng những đường nét này vẫn bao quát lấy các yếu tố trang trí là chính chứ không có cách vẽ sắc thái”(1). Như vậy, trong thiết kế tài liệu bảo an các họa sĩ Việt Nam đã sử dụng yếu tố đường nét để từ đó nhường chỗ cho sự xuất hiện của chữ và màu sắc. Tất cả tạo ra loại không gian đồng hiện làm tăng thêm khả năng biểu hiện của yếu tố đường nét trong mỗi loại bố cục có chu vi chữ nhật lớn bao xung quanh.
Tính ứng dụng của yếu tố đường nét
Nghệ thuật thiết kế GTTT được xem là sản phẩm đặc biệt được số đông người dân sử dụng và là phương tiện lưu hành không thể thiếu trong cuộc sống. Ngày nay, công nghệ vi tính đã hỗ trợ khá đắc lực cho các họa sĩ thiết kế, thể hiện ý tưởng và logo mang tính biểu trưng của từng loại giấy tờ. Tuy nhiên, để thiết kế một loại giấy tờ tùy thân mang lại hiệu quả sử dụng cần đáp ứng các yếu tố như: tính định hướng nhằm hướng vào đối tượng sử dụng, tính tập trung để giới hạn vào một vài thông tin có chọn lọc, tính hấp dẫn để tạo ra đặc điểm riêng.
Một loại GTTT đẹp, có giá trị sử dụng không chỉ giữ vai trò phục vụ cuộc sống mà còn là sản phẩm mang tính thẩm mỹ, phản ánh phong cách thời đại của dân tộc. Ngày nay, công nghệ in ấn hiện đại giúp cho việc trình bày các loại giấy tờ đẹp và hấp dẫn hơn. Song tính ứng dụng của đường nét được thấy không chỉ ở nội dung phần chữ viết mà còn được biểu đạt bằng hình, nét phối hợp với chữ và ảnh chụp. Khả năng ứng dụng của loại GTTT chứa đựng, cung cấp đầy đủ thông tin tới người sử dụng. Vì vậy, yếu tố đường nét trong thiết kế GTTT được chọn lựa thông tin sử dụng tùy theo đối tượng mà đưa ra những logo, mẫu mã thiết kế bằng đường, nét, mảng, chấm, vạch kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức.
Nghệ thuật thiết kế GTTT thuộc lĩnh vực của nghệ thuật thị giác, thể hiện biểu cảm thông qua cái nhìn nhưng có đặc thù riêng. Ngôn ngữ tạo hình của đồ họa có tính ứng dụng, sáng tạo và lý trí nhiều hơn cảm xúc, cho nên yếu tố kỹ thuật khi thể hiện cũng được đặc biệt chú ý. Hiện nay kỹ thuật in ấn kết hợp với khắc, vẽ, mạ, in, ghép bản, nhằm tạo ra những sản phẩm của nghệ thuật đồ họa phù hợp với giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật. Vì vậy, loại hình nghệ thuật này đôi khi còn được gọi là ngành trang trí thực dụng.
Như vậy, vai trò của thiết kế GTTT mang lại cuộc sống thẩm mỹ và hoàn thiện đến con người. Khác với các ngành nghệ thuật khác, ngành thiết kế GTTT được nảy sinh từ yêu cầu của cuộc sống và phục vụ trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của con người. Cùng với chức năng thẩm mỹ thì GTTT rất quan trọng với mọi con người. Trong quá trình lưu thông chúng như được truyền đi dưới hình thức thẩm mỹ cao. Chúng chịu sự tác động trực tiếp đến cảm nhận của con người thông qua thị giác. Đây chính là sự riêng biệt, độc đáo, hấp dẫn của loại hình nghệ thuật mang tính ứng dụng cao này.
Nhìn chung trong nghệ thuật thiết kế GTTT cho thấy đường nét là một trong những thủ pháp biểu hiện đa năng. Thị giác của con người đã biết kết hợp cảm quan của đường nét cùng với tính năng ứng dụng của từng loại giấy tờ nhằm hướng tới chân - thiện - mỹ.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển và tồn tại nguồn tài liệu bảo an GTTT được thiết kế bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Thành tựu đó không thể không nhắc đến vai trò của ngành thiết kế đồ họa nói chung và yếu tố đường nét nói riêng. Các sáng tác thuộc lĩnh vực đồ họa ứng dụng trong đó có GTTT đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nó không chỉ có chức năng pháp lý mà còn có chức năng thẩm mỹ. Việc thiết kế các tài liệu bảo an GTTT còn phục vụ cho cuộc sống tinh thần và vật chất của quần chúng nhân dân. Vì vậy, cùng với sự phát triển của ngành mỹ thuật ứng dụng, thiết kế GTTT cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an ninh, bảo mật chống làm giả hoặc tạo độ bền khi lưu hành. Từ góc nhìn về tạo hình cho thấy yếu tố đường nét góp phần tạo nên tính thẩm mỹ nhằm tôn vinh vẻ đẹp của truyền thống dân tộc Việt qua các loại GTTT hiện đang được lưu hành ở Việt Nam.
______________
1. Trường Đại học Xây dựng, Giáo trình lịch sử nghệ thuật, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2013, tr.150.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : NÔNG THẾ LINH