Kỹ năng giao tiếp hiệu quả không chỉ giúp mỗi người tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân mà còn khẳng định vị thế trong môi trường đa văn hóa, đồng thời thúc đẩy hòa nhập và tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Điều này tăng cường hiểu biết và đồng cảm giữa các thành viên trong cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết và thấu hiểu. Nắm vững kỹ năng giao tiếp ứng xử trở thành yêu cầu không thể thiếu, đặc biệt khi mỗi nền văn hóa đều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố riêng biệt như giá trị, niềm tin và truyền thống. Bài viết phân tích và làm rõ những giá trị “chân, thiện, mỹ” và các cặp phạm trù trong giao tiếp, giúp tăng cường hiệu quả tương tác và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, cũng như giải quyết mâu thuẫn do khác biệt văn hóa.
1. Khái niệm và các yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp ứng xử
Các khái niệm: Giao tiếp, ứng xử và giao tiếp ứng xử văn hóa là vấn đề đề cập đến cách con người tương tác và truyền đạt thông tin dựa trên các quy tắc, giá trị và quan điểm của xã hội.
Giao tiếp thường được hiểu là quá trình trong đó con người chia sẻ thông tin, ý niệm và cảm xúc qua ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (ngôn ngữ, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt và các yếu tố phi ngôn ngữ khác).
Ứng xử là cách con người lựa chọn để đối xử với nhau trong giao tiếp nhằm đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình huống cụ thể. Trong bài viết này, giao tiếp ứng xử được xem như quá trình truyền và nhận thông tin giữa các chủ thể, với sự tuân thủ các quy tắc ứng xử nhằm thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Giao tiếp ứng xử văn hóa là quá trình giao tiếp, trong đó các yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến cách thức giao tiếp và ứng xử giữa các cá nhân từ các nền văn hóa khác nhau. Nó đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh văn hóa, bao gồm giá trị, niềm tin và quan điểm sống của người tham gia.
Giao tiếp ứng xử văn hóa là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin mang tính chuẩn mực cao giữa người trao và người nhận hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ nhằm đem lại hiệu quả và phát triển bền vững các mối quan hệ giao tiếp.
Như vậy, giao tiếp ứng xử văn hóa không chỉ là trao đổi thông tin mà còn hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ” nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ nhất định: quyền được tôn trọng, được lắng nghe, diễn đạt ý kiến, quan điểm. Cùng với đó là sự tôn trọng người giao tiếp với mình, lắng nghe và chia sẻ những quan điểm hướng tới mục đích chung. Việc hiểu rõ quyền và nghĩa vụ này giúp mỗi cá nhân ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình giao tiếp.
Các yếu tố ảnh hưởng/ tác động đến giao tiếp ứng xử: Giao tiếp ứng xử không phải lúc nào cũng là những cuộc tương tác hiệu quả, đạt được mục đích giao tiếp. Quá trình này đôi khi sẽ gặp phải một số những rào cản, như:
Rào cản văn hóa: Sự khác biệt về giá trị, phong tục, ngôn ngữ và cách biểu đạt giữa các nền văn hóa có thể dẫn đến hiểu lầm, gây khó khăn trong việc truyền tải thông điệp, xây dựng mối quan hệ và giải quyết mâu thuẫn.
Định kiến: Những suy nghĩ, niềm tin tiêu cực về một nhóm người hoặc cá nhân dựa trên chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch... có thể dẫn đến hiểu lầm và phân biệt đối xử. Định kiến cản trở khả năng lắng nghe cởi mở và tôn trọng, khiến giao tiếp trở nên không hiệu quả và có thể dẫn đến xung đột.
Cảm xúc: Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp, ảnh hưởng đến cách truyền đạt thông tin, diễn giải lời nói và hành động, cũng như tương tác trong các tình huống xã hội.
Sự khác biệt về ngôn ngữ: Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng trong giao tiếp và khi sử dụng ngôn ngữ khác nhau, có thể gây khó khăn trong việc hiểu thông điệp.
Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, kinh nghiệm sống, hay quan điểm giá trị hướng đến đều có thể ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp ứng xử. Do đó, việc hiểu và nắm bắt các giá trị văn hóa chung, các nguyên tắc và các cặp phạm trù trong giao tiếp ứng xử, hiểu được những ảnh hưởng của sự khác biệt giúp chúng ta vượt qua rào cản, xây dựng được các cuộc giao tiếp hiệu quả, từ đó thiết lập và duy trì các mối quan hệ tốt trong cuộc sống.
2. Giao tiếp ứng xử văn hóa của người Việt từ các giá trị “chân, thiện, mỹ” và qua các cặp phạm trù
Các giá trị “chân, thiện, mỹ” trong giao tiếp ứng xử của người Việt
“Chân” trong giao tiếp ứng xử: Trong văn hóa Việt, đạo lý “trọng lẽ thật” là nền tảng cho mọi hoạt động giao tiếp, từ việc trao đổi thông tin hằng ngày đến xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội. Sự trung thực và minh bạch không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác mà còn củng cố niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Để làm được điều này đòi hỏi sự chính trực, không phóng đại hay bóp méo thông tin và cần có sự kiểm chứng thông tin để đảm bảo tính xác thực. Sự rõ ràng và chính xác trong ngôn ngữ cũng là yếu tố thiết yếu, giúp tránh hiểu lầm và tạo điều kiện cho sự thấu hiểu và hợp tác.
“Thiện”trong giao tiếp ứng xử: Trong giao tiếp “thiện” được biểu hiện qua sự tôn trọng và đồng cảm sâu sắc với người khác. Việc chú trọng đến tác động của lời nói và hành động là cần thiết, sử dụng ngôn ngữ tôn trọng và tránh gây tổn thương. Lắng nghe tích cực và đồng cảm giúp xây dựng mối quan hệ sâu sắc và bền vững. Ngôn ngữ cơ thể cũng phản ánh mức độ chú tâm và tôn trọng đối với người khác, những cử chỉ chân thành có thể nói lên nhiều điều hơn lời nói. Trước khi phát ngôn, cần cân nhắc tác động lời nói để tạo ra môi trường giao tiếp tích cực. Nhìn chung, “thiện” đòi hỏi sự yêu thương, bao dung và chân thành, tạo nên môi trường giao tiếp lành mạnh và nhân văn, cải thiện mối quan hệ và góp phần vào truyền thống văn hóa tốt đẹp.
“Mỹ” trong giao tiếp ứng xử: Trong giao tiếp “mỹ” không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ mà còn thể hiện sự tinh tế trong cách kết nối và truyền đạt ý tưởng. Đề cao giá trị “mỹ” tạo ấn tượng bền vững và khẳng định giá trị người nhận thông điệp. Ngôn ngữ cần hấp dẫn, rõ ràng, sáng tạo, tránh quá kỹ thuật hoặc khó hiểu, giúp người nghe cảm thấy kết nối và quan tâm. “Mỹ” còn phản ánh sự nhạy bén và tinh tế trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, cử chỉ, đảm bảo sự hài hước được sử dụng đúng mức để phù hợp ngữ cảnh mà vẫn giữ được tính nghiêm túc của thông điệp. Giá trị “mỹ” yêu cầu các hành vi không chỉ đúng mà còn đẹp và phù hợp, thể hiện sự tôn trọng người khác và sự tự trọng của chính mình. Giao tiếp hiệu quả đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chuẩn mực trong bối cảnh đa văn hóa, biến những hành vi tốt thành thói quen, phản ánh và tôn vinh các giá trị văn hóa và nhân văn trong quá trình tương tác.
Các cặp phạm trù trong giao tiếp ứng xử
Để giao tiếp ứng xử hiệu quả, cần nắm được các cặp phạm trù quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam. Một số cặp phạm trù trong giao tiếp ứng xử như:
Phạm trù “Tình lý vẹn toàn” nhằm nói đến sự cân bằng và hòa quyện giữa cảm xúc và lý trí, hay giữa tình cảm và lý do. “Tình” đại diện cho cảm xúc, tình cảm và trái tim. Đó là những trạng thái nội tâm mà chúng ta cảm nhận và trải qua trong cuộc sống hằng ngày. “Lý” biểu thị lý trí, lý do và sự logic. Lý trí đề cập đến khả năng suy luận, phân tích và đánh giá một cách khách quan và có hệ thống; Vẹn toàn là sự kết hợp lại một cách hoàn hảo và cân đối giữa hai yếu tố tình và lý.
Vì vậy, trong cuộc sống và các mối quan hệ giao tiếp, nếu chúng ta biết cân bằng và kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và lý trí sẽ tạo ra hiệu quả cao. Tuy nhiên, không nên quá phụ thuộc vào một trong hai khía cạnh mà cần dung hòa giữa trái tim và lý trí để đạt được sự thịnh vượng và hoàn thiện trong cuộc sống.
Phạm trù “Động tĩnh tùy thời” diễn tả sự linh hoạt và khả năng thích ứng của con người trong mọi tình huống hoặc điều kiện khác nhau. “Động” biểu thị hoạt động, chuyển động và sự biến đổi. Trong ngữ cảnh này, “Động” có thể đại diện cho sự năng động, sự chủ động và khả năng thích ứng với những thay đổi. “Tĩnh” tượng trưng cho sự yên bình, tĩnh lặng và ổn định. Trong trạng thái tĩnh, con người thường tỏ ra bình tĩnh và kiên nhẫn, có thể tập trung và suy nghĩ sâu hơn về một vấn đề. “Tùy thời” có nghĩa là tùy thuộc vào thời điểm hoặc tình huống cụ thể. “Tùy thời” đề cập đến việc con người có khả năng điều chỉnh hành vi và phản ứng của mình dựa trên hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể trong thời gian. Phạm trù này nhấn mạnh rằng, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần phải biết cân nhắc và điều chỉnh hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của mình tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Khả năng linh hoạt và sự thích ứng là quan trọng để vượt qua những thách thức và tận dụng những cơ hội trong cuộc sống.
Phạm trù “Bao biếm chuẩn mực” (khen chê chuẩn mực) thường diễn tả việc đánh giá một cá nhân, một tác phẩm hoặc hành động dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc rõ ràng và công bằng. “Bao” (khen) biểu thị sự tán dương, ca ngợi hoặc đánh giá tích cực về một cá nhân hoặc một tác phẩm. Khi một ai đó được khen ngợi, họ nhận được sự công nhận/ ghi nhận về thành tựu, phẩm chất hoặc hành động tích cực của mình. “Biếm” (chê) biểu thị sự phê phán, chỉ trích hoặc đánh giá tiêu cực về một cá nhân hoặc một tác phẩm. Khi một ai đó bị chê trách, họ nhận được phản hồi về các điểm yếu, hạn chế hoặc sai sót của mình. “Chuẩn mực” là các tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc cho việc đánh giá. Các chuẩn mực này thường được xác định trước và có thể dựa trên quy định, truyền thống hoặc các giá trị cốt lõi của một cộng đồng hoặc tổ chức.
Phạm trù này nhấn mạnh rằng, việc khen ngợi hoặc chỉ trích nên được thực hiện dựa trên các chuẩn mực rõ ràng và công bằng, không phụ thuộc vào sự chủ quan hoặc thiên vị. Khi áp dụng các chuẩn mực này, việc đánh giá sẽ trở nên công bằng và đáng tin cậy hơn.
Phạm trù “Trí ngu hợp cảnh” thường được sử dụng trong triết học phương Đông để diễn đạt ý nghĩa của sự kết hợp giữa trí tuệ và sự ngu dốt trong một bối cảnh cụ thể hoặc trong một tình huống nhất định. “Trí” biểu thị trí tuệ, sự thông minh và khả năng hiểu biết sâu sắc về một vấn đề hoặc một tình huống. “Ngu” tượng trưng cho sự ngu dốt, sự thiếu hiểu biết hoặc sự đơn giản trong suy nghĩ và hành động. Tuy nhiên trong cặp phạm trù này, “ngu” ở đây không phải là sự không hiểu biết mà là biết giấu đi sự thông minh của mình. Biết giấu sự thông minh của mình cũng là một kỹ năng quan trọng. Biết dùng trí thông minh đúng thời điểm, biết giả ngu theo triết lý phương Đông “đại trí nhược ngu” cũng một cách ứng xử văn hóa và khôn ngoan. Hợp cảnh đây là bối cảnh hoặc tình huống cụ thể mà mọi người đang trải qua hoặc được đề cập đến.
Phạm trù “Trong ấm ngoài êm” đề cập tới một thực tế là sự cân đối trong ngoài, đối nội và đối ngoại. Nhiều khi con người ta luôn quan tâm tới những thứ ngoài mình mà lại chưa thực sự quan tâm đến những thứ bên trong mình, gần gũi với mình. Tư tưởng Nho giáo dạy chúng ta phải “tu thân, tề gia” rồi mới “trị quốc, bình thiên hạ” có ý phải ổn định được yếu tố bên trong, những thứ gần gũi với mình. Gia đình có ấm êm thì mới tính những chuyện đại sự khác. Trong giao tiếp ứng xử hằng này, việc trọng yếu đầu tiên phải xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp bên trong trước rồi mới hướng ra mối quan hệ bên ngoài, trong có ấm thì ngoài mới êm theo quan điểm của cặp phạm trù này.
Phạm trù “Thưởng phạt phân minh” diễn đạt việc sử dụng sự khôn ngoan và công bằng trong việc xác định các biện pháp khen ngợi và phạt trừ. “Thưởng” đại diện cho việc thưởng, khen ngợi hoặc động viên. Các biện pháp thưởng thường được áp dụng để khuyến khích và tăng cường các hành vi tích cực hoặc thành công. “Phạt” biểu thị sự trừng phạt, kỷ luật hoặc trừng trị. Các biện pháp phạt thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc giảm bớt các hành vi tiêu cực hoặc không mong muốn. “Phân minh” tượng trưng cho sự khôn ngoan, công bằng và suy nghĩ sâu sắc. Trong ngữ cảnh này, “phân minh” biểu thị việc đánh giá tình huống một cách công bằng và thông minh để đưa ra quyết định thích hợp.
Phạm trù này nhấn mạnh, trong quản lý và điều hành, việc sử dụng sự phân minh để đưa ra các biện pháp thưởng và phạt là rất quan trọng. Bằng cách đó, các biện pháp này có thể được thiết kế một cách công bằng và hiệu quả, khuyến khích hành vi tích cực và kiểm soát hành vi không mong muốn.
Phạm trù “Cương nhu hài hòa” là một nguyên tắc trong triết học phương Đông, thường được sử dụng để diễn đạt ý nghĩa của sự cân bằng và hòa hợp, giữa sự cứng rắn và mềm mại, mạnh mẽ và nhân từ. “Cương” đại diện cho sự cứng cáp, mạnh mẽ và quyết đoán, thể hiện sức mạnh, quyền lực và sự kiểm soát. “Nhu” biểu thị sự mềm mại, linh hoạt và nhân từ. Nó biểu hiện sự linh hoạt, lòng khoan dung và khả năng thích ứng. “Hài hòa” là trạng thái của sự cân bằng và hòa hợp, khi hai yếu tố trái ngược nhau nhưng lại tương thích với nhau một cách tự nhiên và hài hòa.
Phạm trù này nhấn mạnh rằng, để đạt được sự cân bằng và hài hòa trong cuộc sống và các mối quan hệ, cần kết hợp hài hòa giữa cương và nhu. Việc này cho phép chúng ta thích ứng linh hoạt và khôn ngoan với các tình huống khác nhau, đồng thời duy trì sự mềm mại và nhân từ trong giao tiếp và hành động.
Phạm trù “Thân sơ hữu biệt” miêu tả sự phân biệt và sự khác biệt giữa các quan hệ cá nhân và quan hệ công việc. “Thân” biểu thị mối quan hệ cá nhân, như gia đình, bạn bè, người thân, người yêu và những người quan trọng trong cuộc sống cá nhân. “Sơ” biểu thị sự sở hữu, quản lý hoặc điều khiển. “Biệt” biểu thị cho sự khác biệt, phân biệt hoặc phân chia. Trong ngữ cảnh này, “biệt” thường ám chỉ đến sự phân chia giữa các mặt của cuộc sống hoặc quan hệ khác nhau.
Phạm trù này nhấn mạnh sự cần thiết của việc phân biệt rõ ràng giữa các vấn đề cá nhân và công việc trong mối quan hệ cá nhân. Sự phân biệt này giúp duy trì ranh giới rõ ràng, cho phép mỗi khía cạnh phát triển độc lập và lành mạnh. Từ đó, chúng ta có thể nhận biết mối quan hệ nào là gần gũi, mối quan hệ nào chưa bền chặt để ứng xử một cách hợp lý trong quan hệ xã hội.
Phạm trù “Tiến thoái đúng độ” là một nguyên tắc trong quản lý và hành xử, nhấn mạnh về việc lựa chọn và điều chỉnh hành động, phản ứng hoặc quyết định một cách phù hợp và cân nhắc dựa trên hoàn cảnh cụ thể. “Tiến” đại diện cho sự tiến bộ, tiến lên và tiến triển. Trong ngữ cảnh này, “tiến” có thể ám chỉ đến việc tiến hành, triển khai hoặc tiến bộ trong một tình huống hoặc mục tiêu nhất định. “Thoái” biểu thị sự rút lui, giảm bớt hoặc chấp nhận sự thua thiệt. “Thoái” có thể ám chỉ đến việc rút lui khỏi một tình huống không thuận lợi hoặc có thể lùi lại để chờ cơ hội khác tốt hơn. “Đúng độ” là khía cạnh của sự cân nhắc, tính toàn diện và sự khôn ngoan trong quyết định hoặc hành động. “Đúng độ” ám chỉ đến việc lựa chọn và điều chỉnh một cách cân nhắc, không thái quá, không bất cập.
Phạm trù này nhấn mạnh rằng, để thành công và duy trì sự ổn định trong cuộc sống cũng như công việc, chúng ta cần cân nhắc và điều chỉnh hành động phù hợp với hoàn cảnh. Đôi khi, tiến lên là cần thiết, nhưng rút lui đúng lúc cũng có thể là quyết định sáng suốt để đạt được mục tiêu và bảo vệ lợi ích của bản thân hoặc cộng đồng.
Phạm trù “Trọng khinh tỏ tường” diễn đạt ý nghĩa của việc đánh giá các mối quan hệ hoặc sự quan tâm dựa trên sự nhận thức về sự xa gần, sự quan trọng hoặc sự khác biệt giữa họ và người khác. “Trọng” (nặng) đại diện cho sự quan trọng, đánh giá cao hoặc sự chú ý đặc biệt đến một ai đó hoặc một vấn đề nào đó. Đối với những điều quan trọng, người ta thường dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn. “Khinh” (nhẹ) biểu thị sự xem nhẹ đối với những việc, vấn đề chưa thực sự quan trọng cấp thiết. Đối với những điều không quan trọng, cấp thiết người ta thường không dành quá nhiều tâm trí hay quan tâm. “Tỏ tường” tượng trưng cho việc hiểu biết hoặc nhận thức sâu sắc về một tình huống hoặc người khác. “Tỏ tường” có thể ám chỉ việc nhìn thấu sự thật hay hiểu biết sâu sắc về một vấn đề nào đó.
Phạm trù này nhấn mạnh rằng trong cuộc sống, con người thường đánh giá mức độ quan trọng của các mối quan hệ hoặc vấn đề dựa trên nhận thức và hiểu biết của họ. Những việc quan trọng thường được quan tâm đặc biệt, trong khi những việc ít quan trọng có thể bị xem nhẹ. Trong giao tiếp, mỗi người cần xác định rõ công việc nào cần ưu tiên dành thời gian và nguồn lực, còn những việc chưa cấp thiết có thể thực hiện vào thời điểm thích hợp sau.
3. Kết luận
Giao tiếp ứng xử văn hóa không chỉ là phương tiện trao đổi thông tin mà còn là cách thể hiện tình cảm, quan điểm và hành vi giữa con người, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa hiện nay. Dựa trên việc xác định và hiểu rõ các khái niệm về giao tiếp ứng xử và giao tiếp ứng xử văn hóa, bài viết đã phân tích sâu sắc các yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp, giá trị “chân - thiện - mỹ” và các cặp phạm trù trong văn hóa Việt Nam. Từ đó, người đọc có thể lựa chọn cách giao tiếp và ứng xử phù hợp với từng nền văn hóa khác nhau, nâng cao hiệu quả giao tiếp. Điều này, không chỉ thúc đẩy sự phát triển cá nhân mà còn hỗ trợ quá trình hòa nhập văn hóa, khuyến khích học hỏi, tôn trọng sự đa dạng, tăng cường sự hiểu biết và đồng cảm giữa các thành viên trong cộng đồng, tạo nên sự đoàn kết và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp.
__________________
Tài liệu tham khảo
1. Hữu Đạt, Đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa giao tiếp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2000.
2. Nguyễn Thừa Hỷ, Văn hóa Việt Nam truyền thống - một góc nhìn, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2012.
3. Nguyễn Quang, Giao tiếp phi ngôn từ qua các nền văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
4. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.
5. Nguyễn Thanh Tuấn, Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay, Nxb Từ điển Bách khoa, 2008.
TS ĐỖ TRẦN PHƯƠNG - TS NGUYỄN THỊ THANH MAI - Ths LÊ AN NA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024