Bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh

Lịch sử hình thành, phát triển của mỗi vùng đất đều để lại dấu ấn qua những di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH). Trải qua thời gian, các di tích thể hiện vai trò, ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng, dân tộc. Bài viết tập trung làm rõ ý nghĩa và đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của DTLSVH Quận 11, TP.HCM.

1. Ý nghĩa của DTLSVH

Mỗi DTLSVH là một minh chứng rõ nét cho một giai đoạn lịch sử, thậm chí là một thời kỳ lịch sử. Bởi một lẽ hiển nhiên, bất kỳ DTLSVH nào cũng có sự hình thành, vận động trong xã hội. Trong quá trình đó, có nhiều di tích chỉ còn là dấu tích, phế tích, nhưng cũng có nhiều DTLSVH còn tồn tại đến ngày nay. Dù ở trạng thái nào thì các DTLSVH “bao giờ cũng gắn liền, phản ánh, ghi nhận, chứng minh một sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc biệt là những sự kiện lịch sử quan trọng” (1).

DTLSVH “phản ánh những hoạt động, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục tập quán của con người qua các thời đại hay phản ánh cả một thời kỳ lịch sử dài” (2). Các DTLSVH không chỉ phản ánh quá trình lao động sáng tạo, sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của các thế hệ cha ông mà còn thể hiện tâm tư, tình cảm, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... của cộng đồng, dân tộc.

DTLSVH góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho cộng đồng. Hệ thống DTLSVH là hiện thân của quá khứ, phản ánh lịch sử một cách chân thực. Vì vậy, nó có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, hình thành tri thức lịch sử, kiến thức văn hóa cho cộng đồng, góp phần vào giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Các kỳ lễ hội, kỷ niệm tại các DTLSVH là dịp nhắc nhở truyền thống, lịch sử, cội nguồn dân tộc, củng cố tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái cho mỗi người dân và cho cả cộng đồng. Điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho họ trong học tập, lao động, sản xuất.

DTLSVH tác động đến đào tạo nguồn nhân lực, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về tinh thần và vật chất, bảo vệ môi trường thiên nhiên, cảnh quan văn hóa. Bảo tồn, phát huy giá trị DTLSVH không chỉ là hoạt động chuyên môn hay nhiệm vụ hành chính mà còn làm cho di sản phát huy giá trị trong đời sống thường ngày, tác động đến từng người và cộng đồng. Những công việc như nghiên cứu, tìm hiểu giá trị của DTLSVH, giám định niên đại, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản hay phục hồi, tu bổ, tôn tạo đều đòi hỏi tính khoa học, toàn vẹn, nguyên gốc, hệ thống của di sản. Điều đó đòi hỏi chuyên gia phải am hiểu về di sản, có nền kiến thức rộng, có kinh nghiệm chuyên môn. Mặt khác, DTLSVH cần được cộng đồng khai thác, bảo tồn, phát huy nên nó sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao lòng tự hào về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Từ đó, ý thức trách nhiệm của người dân đối với di sản được nâng lên. Sự xuất hiện của du khách cũng kích thích người dân quan tâm đến ngoại ngữ, văn hóa của các dân tộc khác, mở rộng tri thức của mỗi người và cả cộng đồng.

DTLSVH góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. DTLSVH không chỉ là những minh chứng rõ nét về lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng mà ngày nay, các DTLSVH còn trở thành nguồn lực cho phát triển du lịch như cố đô Huế, di sản Mỹ Sơn, Hội An… Thông qua phát triển du lịch trên cơ sở khai thác nguồn lực văn hóa, giá trị của các DTLSVH, nhiều nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian được giữ gìn, phục hồi, phát triển, nhiều nghề mới ra đời.

2. Bảo tồn giá trị của DTLSVH tại Quận 11, TP.HCM

Tính đến năm 2020, TP.HCM có 185 di tích lịch sử, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 56 di tích cấp quốc gia (3). Các di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật chiếm phần lớn (gần 55,8%) với các loại hình đa dạng như đình, chùa, miếu, đền, từ đường... mang đậm dấu ấn văn hóa của từng giai đoạn lịch sử.

 Hiện nay, các di tích lịch sử của TP.HCM đã được quy hoạch và tôn tạo. Những công trình kiến trúc bằng gỗ đã được trùng tu, tôn tạo theo nguyên tắc nguyên mẫu nhằm giữ gìn giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Việc quy hoạch các di tích lịch sử nhằm đảm bảo không gian tồn tại của di tích, tránh việc xâm phạm hay ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Điều này góp phần quan trọng đối với việc giữ gìn giá trị di tích, tạo cơ sở cho việc quản lý các di tích lịch sử đạt hiệu quả tốt hơn.

Là một quận nội thành của TP.HCM, Quận 11 chính thức thành lập năm 1969. Đến nay, quận vẫn giữ được những DTLSVH tiêu biểu như: khu khảo cổ mộ cổ Phú Thọ, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn, chùa Gò Mai, đình Bình Thới, đình Cầu Tre, đình Minh Phụng, đình Phú Giáo… Ngoài ra, quận cũng lưu giữ được những điểm là căn cứ địa kháng chiến, cơ sở sở cách mạng như địa danh đồn Cây Mai, trường đua Phú Thọ, chợ Thiếc, cầu Tre, Bình Thới… Quận 11 có 2 di tích được công nhận là DTLSVH cấp quốc gia, đó là chùa Giác Viên và chùa Phụng Sơn.

Chùa Giác Viên là một trong những ngôi chùa cổ tại TP.HCM, còn có tên gọi khác là chùa Hố Đất, Tổ Đình Giác Viên. Chùa được hình thành vào khoảng thời gian 1798-1804, tiền thân là am thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, sau sửa thành Viện Quan Âm, năm 1850 trùng tu lại và đổi tên thành chùa Giác Viên. Hiện nay, chùa Giác Viên tọa lạc tại số 161/35/20 Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11. Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là DTLSVH cấp quốc gia theo quyết định số 43 - VH/QĐ, ngày 7-1-1993.

Chùa Giác Viên từng là một trung tâm ứng phú của vùng Gia Định vào cuối TK XIX do thiền sư Hải Tịnh đứng ra tổ chức. Thiền sư được triều đình Huế mời ra kinh đô dạy đạo cho hoàng gia, được phong Tăng cang, ban cho võng, lọng, trang phục… Một phần trong những di vật này còn được lưu giữ tại chùa. Có thể nói, đây là nơi lưu giữ các giá trị nghệ thuật độc đáo về điêu khắc tượng thờ, chạm lộng trên bao lam… Chùa Giác Viên đã góp phần minh chứng cho một nền Phật giáo nhập thế, mang tính thực tiễn cao, đi vào cuộc đời, một đạo Phật đã được dân gian hóa, trở về gần gũi hơn với cuộc sống con người.

Chùa Phụng Sơn, tên chữ là Phụng Sơn Tự, còn có tên là chùa Gò. Chùa được thiền sư Liễu Thông (1754-1840) tạo dựng vào đầu TK XIX, dưới triều Vua Gia Long trên nền của một ngôi chùa Chân Lạp cổ (tương tự như chùa Giác Lâm và chùa Cây Mai), nằm trên đồi nhỏ, bao quanh là ao Bàu Chuông trồng sen. Hiện nay, chùa tọa lạc ở số 1408, Đường 3 tháng 2, Phường 2, Quận 11. Ngôi cổ tự này đã được xếp hạng là DTLSVH cấp quốc gia vào ngày 16-11-1988. Chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa cổ, còn in đậm nét tín ngưỡng dân gian, mang dấu ấn của quá trình sinh sống và cộng cư của nhiều dân tộc tại vùng đất này. Bên hành lang chính điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, một trong những vị nữ thần được tôn kính và thờ tự phổ biến ở miền Nam. Chùa có ngôi miếu nhỏ thờ Ông Tà (Neak Tà), bên những ngôi tháp Tổ. Đó là nét văn hóa phổ biến của cư dân Khmer. Chùa Phụng Sơn xây theo kiểu chữ “Quốc”, dài trên 40m, rộng gần 20m, có bảng hiên chạy quanh bốn phía. Hệ thống thờ phụng được bố trí kiểu “tiền Phật, hậu Tổ”. Điện Phật có nhiều tượng phật xưa bằng gỗ, thiết vàng chạm trổ mỹ thuật. Tổng cộng chùa có khoảng 40 pho tượng thờ, nhiều pho do nhóm thợ từ Sa Đéc (hoàng thượng Huệ Minh mời) tạo tác vào những năm đầu TK XX. Có nhiều pho tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện… Chùa Phụng Sơn thể hiện giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống phong phú, đa dạng trong dòng phát triển của văn hóa Phật giáo tại Nam Bộ. Chùa đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn in đậm nét sự có mặt của tín ngưỡng dân gian.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là việc bảo tồn các DTLSVH trên địa bàn, hằng năm, UBND quận luôn quan tâm theo dõi, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều mặt để giữ gìn và phát huy giá trị di tích, như: kiện toàn Ban quản lý 2 di tích kiến trúc, nghệ thuật chùa Phụng Sơn và chùa Giác Viên. Đến nay, Ban quản lý có 15 thành viên do Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách khối văn hóa, xã hội làm Trưởng ban và Trưởng phòng Văn hóa Thông tin làm Phó Trưởng ban thường trực.

Các DTLSVH cũng thường xuyên được đầu tư cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo. Năm 2015, UBND TP.HCM đầu tư 51 tỷ đồng cho dự án trùng tu, tôn tạo chùa cổ Giác Viên trong 2 năm (2015-2016). Tháng 12-2022, dự án trùng tu chính điện chùa Giác Viên sẽ được thực hiện với kinh phí 50 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương của TP.HCM trong việc quy hoạch các DTLSVH, Quận 11 đã hoàn thành quá trình khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ các DTLSVH trên địa bàn (toàn bộ các di tích đã và chưa được xếp hạng).

Mặc dù rất chú trọng đến công tác bảo tồn DTLSVH, song hiện nay, công tác này gặp không ít khó khăn. Các thành viên của Ban quản lý di tích chủ yếu kiêm nhiệm nên việc theo dõi, nắm bắt và xử lý các vấn đề phát sinh tại các DTLSVH có phần hạn chế.

Do ảnh hưởng của tình trạng ngập úng diễn ra phổ biến ở TP.HCM, nhiều DTLSVH đang có nguy cơ bị hủy hoại.

Việc hình thành những khu đô thị mới, những khu nhà hiện đại, cao tầng đang lấn áp và che mờ đi những DTLSVH có giá trị đã tồn tại hàng trăm năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những ngôi nhà cao tầng đang làm thay đổi không gian, môi trường của các DTLSVH, tác động không tốt đến việc bảo tồn các di tích.

Mặc dù đã được công nhận là DTLSVH cấp quốc gia, có quy hoạch trong hệ thống DTLSVH, khuôn viên của một số di tích vẫn bị lấn chiếm, tình trạng trộm cắp hiện vật quý hiếm vẫn diễn ra, tự ý tu sửa, xây dựng mới một số hạng mục trong di tích... cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn di tích.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn DTLSVH trên địa bàn Quận 11

 Để công tác bảo tồn DTLSVH trên địa bàn Quận 11 đạt hiệu quả như mong muốn, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền các giá trị, ý nghĩa của DTLSVH trên địa bàn quận đến các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể và nhân dân trên địa bàn. Thông qua đó, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể và nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tích cực hỗ trợ, cùng giám sát, cùng giữ gìn giá trị của DTLSVH, giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường xung quanh di tích.

Hai là, nâng cao hơn nữa trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành chức năng đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của DTLSVH. Các cán bộ chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn các giá trị DTLSVH trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích thông qua Ban quản lý di tích một cách thường xuyên hơn, kịp thời hơn, nhất là tăng cường vai trò của UBND phường, nơi có DTLSVH. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo DTLSVH. Việc sửa chữa, trùng tu, xây dựng phải được cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhà nước đối với các hoạt động tại các DTLSVH.

Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác văn hóa, phụ trách các vấn đề văn hóa của quận. Chỉ khi đội ngũ này có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được nhiệm vụ thì mới có thể làm tốt công tác tham mưu, quản lý các hoạt động văn hóa, đặc biệt là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của DTLSVH.

Bốn là, quận cần tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau (kinh phí từ Trung ương, thành phố, quận, từ xã hội hóa) nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DTLSVH của địa phương.

Năm là, thực hiện quan điểm bảo tồn phát triển đối với các DTLSVH. Đó là vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản hiệu quả, toàn diện. Trong quá trình bảo tồn vẫn tiếp tục sáng tạo các các giá trị mới, đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của xã hội đương thời. Bảo tồn phát triển vừa gìn giữ được các giá trị của DTLSVH, vừa tạo sức sống, sinh khí mới cho các DTLSVH, gắn các giá trị đó với đời sống thực tiễn.

Công tác bảo tồn các DTLSVH tại Quận 11 luôn có những vấn đề mới, phát sinh và cần phải được giải quyết một cách kịp thời. Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan cần phối hợp một cách nhịp nhàng, nhanh chóng nhằm gìn giữ, phát huy hiệu quả giá trị của di tích, trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

______________

1. Hoàng Thanh Hải, Sử dụng di tích lịch sử trong dạy học lịch sử dân tộc ở Trường Trung học cơ sở, Luận án Tiến sĩ Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, tr.16.

2. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Phương pháp dạy học Lịch sử, tập 2, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.126.

3. Ngọc Tuyết, TP.HCM trao bằng xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa, hcmcpv.org.vn, 23-11-2020.

Ths CAO HOÀNG KHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;