Bảo tồn di sản văn hóa trong mối quan tâm chung của Việt Nam và Pháp

Bên cạnh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản kiến trúc mang phong cách Đông Dương được đặt trong mối quan tâm đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam - Pháp, giữa hai địa phương Hà Nội - Vùng Ile-de-France.

Chuỗi sự kiện thu hút được sự quan tâm của các học giả, kiến trúc sư, sinh viên trong nước và quốc tế

Hợp tác nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của di sản kiến trúc

Từ ngày 6 đến 9/6 vừa qua, Trường Ðại học Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các trường đại học, tổ chức giáo dục từ Pháp, Lào và Campuchia, tổ chức chuỗi sự kiện liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và hành nghề kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan bằng tiếng Pháp ở Ðông Nam Á. Chuỗi sự kiện đánh dấu kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Ðại học Kiến trúc Hà Nội. 

Các hoạt động chia sẻ thành tựu đổi mới sáng tạo trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai thực tế về kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan ở Ðông Nam Á; đồng thời, kết nối mạng lưới chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan trong khu vực Ðông Nam Á, thúc đẩy phát triển mạng lưới này gắn kết với thế giới,… Ðiểm nhấn là Hội thảo Liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và hành nghề Kiến trúc, Quy hoạch và Cảnh quan bằng tiếng Pháp ở Ðông Nam Á. Hội thảo đã thu hút được gần 60 bài tham luận của các chuyên gia, các kiến trúc sư, các doanh nghiệp, sinh viên Việt Nam và Pháp,...

 Toàn cảnh biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: Hoàng Việt

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Ðại học Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh: “Hội thảo lần này hướng tới các mục tiêu cụ thể sau: Quy tụ và triển lãm, chia sẻ thành tựu đổi mới sáng tạo trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai thực tế về kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan ở Ðông Nam Á. Kết nối mạng lưới chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan trong khu vực Ðông Nam Á, thúc đẩy phát triển mạng lưới này gắn kết với thế giới. Phát huy giá trị các thành tựu đổi mới sáng tạo đã đạt được, hướng tới phát triển mô hình thực nghiệm đô thị sống Laboratoire vivant (Living Lab) dựa trên 4 nền tảng: chính quyền, người dân, khối hàn lâm và khối kinh tế- xã hội”. 

Mở ra triển vọng mới cho di sản trong mối hợp tác

Bảo tồn, trùng tu các di tích luôn là vấn đề nhận sự quan tâm từ ngành Văn hóa các cấp. Trong những năm qua, ở nhiều địa phương trên cả nước ta đã nhận được sự hợp tác, chuyển giao tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp bảo tồn của chuyên gia đến từ nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hà Nội - thành phố với hàng nghìn di sản văn hóa. Nổi bật trong các tham luận là phần trình bày của TS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam. Trong phần tham luận của mình, TS Cerise nhấn mạnh về vai trò của di sản kiến trúc Pháp - Ðông Dương đóng một thành tố quan trọng trong hệ thống các di sản văn hóa của Việt Nam. Ðây là thành quả cho sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của 2 quốc gia, 2 dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn di sản được đặt trong mối quan tâm rất lớn không chỉ của những người làm công tác quản lý văn hóa tại Việt Nam, mà còn từ phía các chuyên gia người Pháp. 

 Trần nhà bên trong biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo được để hở để du khách có thể quan sát cấu kiện kiến trúc bên trên - Ảnh: Ngọc Thành

“Mối quan hệ giữa Hà Nội và vùng Ile-de-France đã phát triển qua nhiều năm, cho thấy tính hiệu quả cao, là hình mẫu hợp tác giữa các địa phương. Hai bên đều khai thác được thế mạnh của nhau để mang lại lợi ích bổ sung trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa đến xã hội”, ông Emmanuel Cerise nhấn mạnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng như vậy, nên mỗi công trình cần được đánh giá cẩn thận, chỉn chu, để đưa ra phương thức tiến hành khác nhau, sao cho phù hợp.

Những năm trước đây, di sản liên quan tới tài liệu lưu trữ ít được người ta chú ý tới. Thế nhưng, đại diện vùng Ile-de-France tại Hà Nội đã khéo léo lồng ghép những tài liệu đó vào trong một triển lãm ảnh có tên Hanoi 2013. Triển lãm diễn ra cách đây hơn 10 năm trước đã giới thiệu tới công chúng Thủ đô rất nhiều bức ảnh có giá trị được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy. Các bức ảnh phần lớn đều có liên quan tới kỹ thuật xây dựng. Nhờ đó, khơi gợi trong mối quan tâm của khán giả tới thưởng lãm hướng tới di sản tư liệu ký ức nhiều hơn. Ðể bạn bè Pháp có thể tiếp cận gần hơn với những nét đẹp văn hóa Việt Nam, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và đô thị cổ Provins đã khai trương Không gian quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tại Tu viện Saint-Ayoul, một di tích nổi tiếng của Provins, vùng Ile-de-France vào năm 2022. Ðây không chỉ là sự gặp gỡ của hai di sản thế giới, mà còn là mô hình hợp tác mẫu mực giữa hai địa phương trong lĩnh vực văn hóa. 

Hình ảnh Hoàng thành Thăng Long đến gần hơn với bạn bè quốc tế trong một triển lãm tại Pháp năm 2022 - Ảnh: Quang Dũng

Bắt tay vào trùng tu di sản văn hóa, dự án đầu tiên được phía chuyên gia Pháp lựa chọn thực hiện là tại làng cổ Ðường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). TS Cerise chia sẻ, làng cổ Ðường Lâm là một trong những điển hình cho kiểu mẫu nông thôn truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây không chỉ lưu giữ được nhiều kiến trúc cộng đồng, nếp nhà truyền thống, mà còn có lợi thế kết nối với khu vực Hoàng thành. Chính vì vậy, đội ngũ chuyên gia Pháp khi tôn tạo cảnh quan làng mạc đã cải tạo trục đường giao thông chính trong làng. Từ đó, hỗ trợ tăng cường giá trị di sản văn hóa cho khu vực xung quanh Hoàng thành.

Dự án nhận được nhiều sự quan tâm cũng như nhiều tranh cãi nhất trong thời gian gần đây là dự án bảo tồn biệt thự ở số 49 Trần Hưng Ðạo (quận Hoàn Kiếm). Trước khi tiến hành trùng tu, đội ngũ chuyên gia Pháp đã đánh giá rất kỹ lưỡng hiện trạng của công trình, đồng thời, đối sánh với các tư liệu hình ảnh chụp ngôi nhà cách đây cả thế kỷ. Trong quá trình đánh giá hiện trạng, các chuyên gia tìm thấy dấu vết của vôi và rơm trên trần nhà. Như vậy có thể thấy, trước đây ở Việt Nam không sử dụng kỹ thuật xây dựng trần thạch cao, bởi không phù hợp với điều kiện thời tiết. Bởi điều kiện khí hậu ở nước ta có độ ẩm cao, chính vì vậy độ ẩm hay hơi nước xâm nhập từ bề mặt tấm thạch cao kích thích các vi khuẩn nấm mốc sinh sôi nảy nở. Trong quá trình trùng tu kiến trúc biệt thự cổ, kỹ thuật đáng được lưu tâm nhất trong suốt quá trình là chính là liên quan tới trần nhà - trần vôi rơm.  Trần nhà có màu trắng và nhẵn mịn được làm bằng hỗn hợp vôi rơm trát lên latti được cố định bằng các dầm gỗ. Các thanh dầm đều được gối vào đầu bờ tường. Kỹ thuật này tương tự như ở Pháp, nhưng ở đây, hỗn hợp vôi và rơm thay thế cho thạch cao truyền thống Pháp, bởi sẽ có tác dụng chống ẩm hiệu quả hơn trong điều kiện khí hậu có độ âm cao tại Hà Nội. 

Tuy nhiên, sau khi được trùng tu, vấn đề đặt ra đối với mỗi di sản văn hóa là phải quản lý làm sao, để di sản ấy có thể phát huy tốt giá trị của chúng. Ðã nửa năm kể từ ngày biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Ðạp mở cửa chào đón khách tham quan, nhiều triển lãm ảnh, tác phẩm nghệ thuật cũng được tổ chức trong không gian này, nhằm tạo sức hấp dẫn với khách tham quan. Vì lẽ đó, trùng tu, bảo tồn di sản kiến trúc và phát huy giá trị của di sản sau khi trùng tu cũng được Trường Ðại học Kiến trúc Hà Nội đặc biệt quan tâm và xem xét đưa vào chương trình đào tạo ở các hệ trong nhà trường. Xét thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, không chỉ thúc đẩy hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa, mà hơn thế nữa, còn thể hiện sự trân trọng của thành quả hợp tác của cả hai phía Hà Nội và Vùng Ile-de-France.

NAM PHONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024

 

;