Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật Đình Ba Nóc

Đình Ba Nóc thuộc khu Hiền Đa 1 là một trong 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Đình Ba Nóc tọa lạc trên một khu đất sát với đê sông Hồng, thế đất rộng rãi, bằng phẳng, mặt quay về hướng Tây, kết cấu theo kiểu chữ Tam, gồm ba tòa nằm song song nên có tên nôm là Đình Ba Nóc.

Theo Ngọc phả, Đình Ba Nóc được xây dựng năm 1572. Trải qua thời gian, đình đã nhiều lần phải đại tu. Hiện nay, kiến trúc của ngôi đình có 3 tòa, mỗi tòa ba gian, mái lợp ngói Sông Cầu. Tòa tiền tế là nơi hội họp của dân làng. Tòa Hậu cung mặt chính diện còn lưu được câu đối cổ trên nền cột tường cũ, gian giữa của tòa hậu cung là khám thờ, trong khám thờ có đủ long ngai, mũ áo và đồ thờ tự. Toàn bộ sân đình lát gạch vuông đỏ. Đình Ba Nóc là di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật có giá trị, nơi ghi dấu tích chống giặc ngoại xâm oai hùng của dân tộc. Năm 1998, đình Ba Nóc Hiền Đa được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh.

Căn cứ vào cuốn Ngọc phả được lập vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn và được Nguyễn Hiền sao lại vào năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), hiện đang lưu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm thì khi nhà Nguyên đem hàng vạn quân đến xâm lược nước ta, vua Trần cử Hà Lang Công làm thượng tướng, đem 1 nghìn binh mã phòng ngự ở khu vực sông Thao (trong đó có vùng Cẩm Khê), sông Lô, sông Đà để cùng với quân dân địa phương mai phục đánh quân Nguyên và lập nhiều công lớn. Sau khi đất nước thái bình, Hà Lang Công dâng biểu xin nhà vua cho về nghỉ ở trang Hiền Đa, một trong những nơi ngài đã đóng đại bản doanh. Vua Trần Thái Tông đồng ý, sắc ban cho ngài “Ngụ lộc ở trang Hiền Đa - huyện Hoa Khê. Sau khi chết được chôn cất và thờ cúng ở đây, cho phép dân làng Hiền Đa được phụng thờ”. Sau khi Hà Lang Công mất, Vua Trần Nhân Tông đã truy phong ngài là “Chủ soái hộ quốc tối linh đại vương”. Đình Ba Nóc chính là ngôi đình được xây dựng để thờ phụng Hà Lang tướng công. Theo Ngọc phả của đình, Hà Lang tướng công sinh vào ngày 12 tháng Giêng; hóa vào ngày 12 tháng 9. Vì vậy, hằng năm, nhân dân Hiền Đa xuân thu nhị kì tế lễ vào ngày 12 tháng Giêng và 12 tháng 9 âm lịch.

Lễ hội đình Ba Nóc làng Hiền Đa là một trong những lễ hội rất nổi tiếng ở vùng Cẩm Khê xưa với nghi thức tắm ngựa (để ghi nhớ việc dân làng tắm cho ngựa chiến của Tướng công mỗi khi Tướng công thắng trận trở về). Hiện nay, trong 2 ngày lễ hội, bà con đều thực hiện nghi thức rước kiệu, rước ngựa quanh làng Hiền Đa; nghi lễ dâng hương; tổ chức các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng… Trước và trong lễ hội, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được tổ chức trang trọng trong niềm vui phấn khởi của nhân dân trong làng và du khách thập phương. Lễ hội là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ chúc phúc, cùng nhau cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi nhà được bình an, hạnh phúc.

Là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhưng Đình Ba Nóc hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Những năm gần đây, nhân dân và chính quyền địa phương đã góp công, góp của để phục dựng lại ngôi đình (lần sửa chữa gần nhất là năm 2018) nhưng kinh phí của xã còn khó khăn, chỉ có thể  làm từng đợt nhỏ lẻ và chắp vá một số hạng mục trên nền đất cũ; tòa Trung bái và tòa Hậu cung của Đình bị hư hại nhiều; vòm nhà, kết cấu mái nhà một số chỗ đã bị mối mọt, đứt gãy, tường bị bong tróc, rêu mốc, mùa mưa ẩm thấp, rễ cây dây leo bò lan vào cả phần trong mái và tường chính…

Để giữ gìn và phát huy giá trị của di tích, xã Hùng Việt đã có kế hoạch phục dựng lại ngôi đình. Theo đó, xã sẽ xin phép các cơ quan chức năng xây mới 2 tòa Trung bái và Hậu cung theo nguyên bản cũ. Tuy nhiên, kinh phí phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích là rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và của nhân dân sở tại, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, chung tay đóng góp của các nhà hảo tâm và du khách thập phương để di tích lịch sử văn hóa Đình Ba Nóc sớm được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đến các thế hệ mai sau.

 

MẠNH THUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;