Biển Hồ Tơ Nưng lộng gió

Phố núi Gia Lai còn được gọi là “phố núi đầy sương”, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng; sự mộc mạc, nghĩa tình của cư dân bản xứ. Trong đó, Biển Hồ Tơ Nưng (còn gọi hồ Ea Nueng) nguyên là một miệng núi lửa ngừng hoạt động đã hàng trăm triệu năm. Hồ có hình bầu dục, diện tích gần 300 ha, độ sâu trung bình 16 - 19m, nơi sâu nhất có thể tới 40m. Biển Hồ Tơ Nưng là vùng đất huyền thoại được ví như hạt ngọc của Pleiku và cả Tây Nguyên.

Theo truyền thuyết, ngày xưa, nơi đây là buôn làng trù phú, dân làng hiền hòa sống yên vui bên những cánh rừng đại ngàn xanh thẳm, bên dòng suối nước trong veo. Hằng ngày, tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã, vang dội khắp núi rừng. Thế rồi, một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng (Yàng) ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng Giàng. Lễ xong, mọi người đang ăn uống vui say, bỗng dưng mặt đất rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn ngập, không còn một ai sống sót.

Để đến Biển Hồ Tơ Nưng, từ thành phố Pleiku, du khách theo QL 14 đi về thị xã Kon Tum, đến km 7  sẽ có nhiều quán bán nước mía và hàng trăm cái võng “sẵn sàng” đưa du khách vào giấc Nam Kha. Tuy nhiên, du khách chưa nên ngủ vội (mặc dầu ở đây đã có những làn gió mát lồng lộng từ mặt hồ thổi đến) mà rẽ về tay phải, theo con đường mòn dẫn đến hồ, hai bên là thông reo trong gió. Cả một biển nước mênh mông lung linh dưới ánh mặt trời hiện ra trước mắt.

Xung quanh là những bãi lau sậy, những quả đồi đất đỏ bazan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả, những doi ruộng bậc thang đang thì con gái. Những ngôi nhà Rông của đồng bào các dân tộc ẩn hiện trong màu lam sương khói xa mờ trong trập trùng núi đồi màu lam sương khói mênh mông. Hồ Tơ Nưng còn là nơi ẩn náu của các loài chim, như chim sin sít lông tím, mỏ hồng, sớm chiều kêu vang lảnh lót như tiếng kèn đồng; chim bói cá có màu lông xanh biếc mỏ đỏ như son...

Những chú chim Kơ túc, Kơ vông thấp thoáng bay lượn trên hồ. Trên mặt hồ xanh biếc điểm xuyết những cụm hoa sen, hoa súng. Các con le le, ngỗng trời lặn ngụp trong những bãi lau sậy bồng bềnh giữa mặt hồ gợn sóng. Bầu trời rất xanh, những đám mây bàng bạc trắng xóa bay ngập ngừng. Biển Hồ Tơ Nưng thật đẹp, thật quyến rũ, nhất là vào những ngày đẹp trời. Chung quanh bờ hồ có thể nói là cả một vườn hoa đầy màu sắc. Nhiều nhất là hoa ê ban màu sữa, chấm phá lung linh giữa khoảng không gian xanh biếc; hoa mua rừng màu tim tím; hoa ngải màu phơn phớt trắng hồng...

Khách phương xa đến thành phố Pleiku nhất định phải đi thăm Biển Hồ. Tại đây, khách có thể dùng thuyền độc mộc dạo chơi trên mặt nước mênh mông. Đẹp nhất là khi màn đêm buông xuống, du khách có dịp khám phá trăng đêm tuyệt diệu không kém gì “Trăng đêm Dương Tử - mây chiều Giang Nam” huyền ảo, lung linh với bóng trăng như dát vàng lồng trong bóng ngàn thông trập trùng, lăn tăn theo sóng gợn. Bên mạn thuyền, sóng vỗ ì oạp, khiến ta như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Trong mơ màng giấc điệp, bạn có thể nghe làn gió hú qua những rặng thông già, tiếng côn trùng hòa tấu, tiếng đàn cá quẫy ăn đêm…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nữ (du khách từ Đà Nẵng) chia sẻ: “Gia Lai là vùng đất rất thú vị pha màu huyền bí từ cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu, con người và những món ăn không thể quên. Tôi chắc chắn sẽ quay lại nơi này, không chỉ một lần.”

Gia Lai, vùng đất Tây Nguyên với trên 50% dân cư là người dân tộc thiểu số: BaNa, Jrai, Ê Đê, Xê Đăng... Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần thì rất vô tư và phóng khoáng. Sự hào sảng thể hiện qua từng hành động, ánh mắt và nụ cười. Nhờ tính cộng đồng và cuộc sống gắn với rừng nên bà con luôn nêu cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan khu vực Biển Hồ. Cũng nhờ các chương trình, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà bà con có thu nhập ổn định từ việc làm nghề rừng, có thêm động lực để giữ gìn cho chúng ta “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”.

Tác giả: Tiên Sa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

Nghe nói độ sâu của biển hồ không chỉ 40m mà còn hơn nữa, sở dĩ vào năm 1972 người Mỹ cho trực thăng UH 1 ra dò bằng dây cáp buộc cục đá lớn nhưng đến 200m vẫn không chạm đáy !

Mão trần
;