BÚP SEN VÀNG 2016 VÀ TÌNH YÊU ĐIỆN ẢNH CỦA LỚP TRẺ

Trải qua chặng đường gần 7 năm xây dựng và trưởng thành từ một tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ cho các hoạt động phát triển điện ảnh, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) đã khẳng định được vị trí là nơi ươm mầm những tài năng trẻ của điện ảnh Việt Nam. TPD đã tạo ra một cộng đồng làm phim trẻ với tư duy làm phim hoàn toàn mới mẻ. Cũng chính từ đây đã xuất hiện những đạo diễn cá tính của dòng phim độc lập như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Bùi Kim Quy… Hơn bao giờ hết, trung tâm TPD đang dần đổi mới về cơ cấu tổ chức, tư duy làm phim, khai thác tiềm năng của lớp trẻ trong việc sáng tác phim đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Điều này được thể hiện rõ qua số lượng học viên và số lượng phim của trung tâm TPD sản xuất trong những năm qua. Những thành công của trung tâm không chỉ được khán giả, những người nghiên cứu điện ảnh công nhận, mà nhiều tác phẩm của trung tâm còn nhận được giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc tế. Và phải chăng một trong những bài học thiết thực, có giá trị nhất mà trung tâm TPD mang lại, đó là bài học về đào tạo nguồn nhân lực với một ý hướng lâu dài và tầm nhìn xa trông rộng.

Điều làm nên sự thành công của mỗi mùa liên hoan phim Búp sen vàng là sự mới mẻ trong ý tưởng, sáng tạo, phương thức truyền tải nội dung mới lạ, thể hiện sự tìm tòi, cách kể chuyện cảm động, thể hiện cái nhìn và cuộc sống trẻ của các bạn học viên trung tâm TPD. Vì vậy, các tác phẩm không chỉ đi theo lối mòn quen thuộc với những đề tài gia đình, nhà trường, bản thân… các nhà làm phim đã không ngại dấn thân vào nhiều vấn đề xã hội có tính chất sâu rộng, gay cấn hơn như bạo lực gia đình, giới tính, tảo hôn...

Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010, cho đến nay, giải thưởng Búp sen vàng được coi là giải thưởng thường niên lớn nhất trong năm của TPD nhằm tôn vinh các nhà làm phim ở lĩnh vực phim tài liệu, phim truyện ngắn, góp phần nâng cao thẩm mỹ và nhận thức về nghệ thuật điện ảnh cho thanh thiếu niên, đồng thời, tạo nên một diễn đàn để những người trẻ tìm thấy tiếng nói chung, cùng nhau chia sẻ tình cảm, khát vọng, hoài bão và niềm đam mê, thông qua nghệ thuật điện ảnh… Tiếp nối những thành công của các mùa liên hoan trước, Búp sen vàng 2016 với chủ đề Những đứa trẻ thiên đường đã diễn ra vào tối ngày 21- 8 - 2016 tại rạp Công nhân, số 42 Tràng Tiền, Hà Nội. Phát biểu tại lễ ra mắt, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không giấu được niềm vui và tự hào khi nói về chủ đề của liên hoan, bởi cộng đồng làm phim dường như ngày càng trẻ ra khi có sự góp mặt của những nhà làm phim nhỏ tuổi. Đạo điễn khẳng định Búp sen vàng không phải là nơi để thi thố, mà là sự sẻ chia đam mê điện ảnh vì mỗi bộ phim là tình cảm, là bài học để các bạn trẻ hoàn thiện bản thân. Tinh thần ai cũng có thể làm phim, làm phim vì niềm vui đã đưa lứa tuổi rất nhỏ tới TPD, khiến giải thưởng năm nay mang một lăng kính trong trẻo và đầy sức sống. Điều này cũng đúng với ý nghĩa của chủ đề năm nay, đó là sự khơi gợi tình yêu hồn nhiên, thuần khiết nhất đối với điện ảnh của các nhà làm phim trẻ, từ đó tôn vinh những giá trị nguyên bản nhất của điện ảnh.

 Chính vì vậy, mùa Búp sen vàng năm nay chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà làm phim trẻ với những cách làm phim mới mẻ dưới sự hỗ trợ của dự án chúng ta làm phim. Trong số 127 bộ phim được thực hiện, qua vòng sơ loại, 25 bộ phim lọt vào danh sách đề cử gồm 10 phim tài liệu ngắn, 10 phim truyện ngắn và 5 phim do các học viên lớp Teen Film Makers thực hiện. Và vượt qua hàng loạt tác phẩm khác, bộ phim Khi sóng vỗ bờ (Nguyễn Xuân Hoàng Minh), Rito Rito (Nguyễn Ngọc Thảo Ly), XX2061 (Phạm Thu Thủy), Chanh đào (Trang Đào), Người bảo vệ (Lớp T12) đã nhận được giải thưởng cao quý do ban giám khảo và khán giả bình chọn. Cụ thể các phim đạt giải: Khi sóng vỗ bờ (Phim tài liệu xuất sắc nhất do giám khảo bình chọn), Rito Rito (phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn), XX2061 (Phim truyện xuất sắc nhất do giám khảo bình chọn), Chanh đào (phim truyện xuất sắc nhất do khán giả bình chọn), Rito Rito (phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất), Chanh đào (phim truyện đầu tay xuất sắc nhất), Người bảo vệ (phim teen xuất sắc nhất). Có lẽ không cần phải nói, đạo diễn của các phim nhận giải đã vui mừng thế nào khi giành được giải thưởng cao quý của trung tâm TPD. Tuy nhiên, đây không chỉ là vinh dự của cá nhân mà còn là vinh dự của cả tập thể làm phim và đặc biệt là trung tâm TPD, nơi đã có công lớn tạo điều kiện để các bạn học viên làm phim.

Hai giải thưởng quan trọng nhất của mùa giải Búp sen vàng 2016 do ban giám khảo chấm thuộc về bộ phim tài liệu Khi sóng vỗ bờ của đạo diễn Nguyễn Xuân Hoàng Minh và XX2061 của đạo diễn Phạm Thu Thủy đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc mạnh mẽ.

Khi sóng vỗ bờ mang đến cho khán giả câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình. Một người chồng, người cha phải đi nước ngoài làm kinh tế, nhưng sau thời gian dài ở nước ngoài quen với cuộc sống nơi xa lạ, ông hoàn toàn lạc lõng trên chính quê hương của mình. Tất cả những gì ông có thể làm là trông cậy nơi người vợ vẫn luôn yêu thương và chung thủy trong suốt những năm ông vắng mặt. Nhưng liệu sự hiểu biết và tình yêu của bà có đủ để ông rời khỏi cuộc sống thường nhật nơi viễn xứ. Cuộc sống tràn đầy những mối bận tâm riêng và ông phải chọn lựa việc bỏ lại sau lưng cơ hội làm giàu. Gần 60 tuổi đầu, liệu ông có thể ở lại quê nhà và một lần nữa trở lại với vai trò của người chồng, người cha… Bộ phim không có các sự kiện lớn lao, tình tiết ly kỳ, thay vào đó là câu chuyện giản dị và cảm động, nhưng lại là khởi đầu của những suy nghĩ sâu sắc và cảm xúc tinh tế mà nhân vật đang trải qua. Lấy hình tượng người đàn ông trung niên bị lạc lõng trên chính quê hương của mình là trung tâm, tác giả đã xây dựng được một kết cấu gọn chặt, tập trung và hài hòa: giữa con người và cảnh vật, giữa bình diện sinh hoạt đời sống với bình diện tâm lý để khắc họa được sự đấu tranh trong suy nghĩ của nhân vật: ở hay đi. Đó là những điều, theo tôi nghĩ, tác giả muốn gửi gắm vào phim của mình.

Còn đối với XX2061, tác giả đã tìm được một câu chuyện độc đáo để có thể gói gọn cả đề tài lẫn chủ đề trong một cốt truyện tưởng đơn giản, nhưng lại đặt ra một vấn đề không đơn giản chút nào trong bối cảnh thế giới hiện đại. XX2061 lấy bối cảnh ở thế giới tương lai, khi các hộ gia đình đều thuê người máy giúp việc. Cô ôsin robot tên Vi được giao nhiệm vụ chăm sóc mẹ già của một cặp vợ chồng trẻ bận bịu công việc. Trong lúc họ đi làm, hàng loạt rắc rối xảy ra với nàng robot trong việc chăm sóc người già. Một câu chuyện không quá đặc biệt, nhưng cách làm phim của đạo diễn đã biến nó trở thành bộ phim độc đáo, truyền tải được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem: đó là lời nhắc về tình đoàn viên và gắn kết gia đình.

Mỗi bộ phim tham dự Búp sen vàng là những cái nhìn khác nhau của các tác giả trẻ với từng vấn đề nổi trội trong cuộc sống. Cùng với những câu chuyện cá nhân, gần gũi, chân thực, các bộ phim kể cho người xem về hiện trạng của cuộc sống xã hội Việt Nam, đặc biệt với những người trẻ. Đồng thời, nó cũng tuyên bố quan điểm và nhận thức của chính giới trẻ với các vấn đề còn tồn tại trong xã hội mà họ phải đối mặt.

Ít người biết rằng để làm ra những bộ phim, các bạn học viên TPD đã phải chạy đua với thời gian và nguồn kinh phí eo hẹp. Chưa bao giờ có đến chục triệu để làm phim, đến thời điểm này tối đa cũng chỉ chi 5 triệu đồng/phim, nhưng các bạn trẻ TPD vẫn không ngừng khiến người xem ngạc nhiên. Vì ít tiền nên các bạn học viên phải tính thời gian cực kỳ sít sao, tận dụng làm hết công suất, cũng nhờ thế mà họ học được kỹ năng sản xuất phim, tôi luyện tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau. Và thành quả đạt được là họ đã cùng cho ra những sản phẩm xuất sắc, gây ngạc nhiên đối với cả những người chuyên nghiệp.

Nhưng có lẽ khó khăn hơn cả trong việc làm phim đó là cách tiếp cận vấn đề. Khi đề cập đến các vấn đề của xã hội đưa vào điện ảnh, nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ là đơn giản, chỉ cần có đạo diễn, diễn viên... là làm thành bộ phim, nhưng thật ra không đơn giản vậy. Đơn cử bây giờ nếu có ai đó muốn làm một bộ phim về cuộc sống của một nhân vật chẳng hạn, có thể tạo ra một cốt kịch bản phim về nhân vật này phải căn cứ vào những gì chúng ta biết về họ. Thử hỏi làm cách gì để có thể biết được về họ, đó là rất nhiều vấn đề khó khăn trong làm phim, mà nếu không trực tiếp tiếp cận dấn thân vào vấn đề thì thật khó để lột tả hết được sự thật và không truyền đạt được thông điệp tới khán giả. Với mục đích tạo ra phim chất lượng, các bạn trẻ TPD không ngại khó khăn, dám dấn thân vào thực tế cuộc sống xã hội để tìm những đề tài hấp dẫn. Và để đi đến cùng vấn đề họ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như bị từ chối, bị đuổi, bị đe dọa đập máy… Nhưng vượt lên trên tất cả, những nhà làm phim trẻ đã tạo ra các bộ phim ấn tượng và khẳng định được tên tuổi của mình đối với khán giả yêu điện ảnh.

Những bộ phim của các bạn trẻ trung tâm TPD dù được giải hay không cũng đã có những đóng góp to lớn cho phát triển của nền điện ảnh trẻ Việt Nam và nhận được nhiều lời đánh giá khác nhau. Nhưng trước hết người xem quý trọng các đạo diễn trẻ với tâm huyết của người làm phim.

Bằng nhiều nỗ lực và đổi mới, giải thưởng Búp sen vàng ngày càng khẳng định được uy tín. Nhưng trên hết, giải thưởng này cũng chính là bệ phóng khích lệ các tài năng trẻ khẳng định bản thân và có cơ hội tỏa sáng ở các giải thưởng điện ảnh danh giá trong và ngoài nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : TUỆ SAM

;