Các tác phẩm của nhà văn Mira Lobe ra mắt độc giả Việt Nam

Ngày 1-6-2024, Nxb Kim Đồng tổ chức chương trình giới thiệu sách thiếu nhi của nhà văn Áo nổi tiếng Mira Lobe với độc giả Việt Nam. Chương trình giới thiệu đến độc giả Việt Nam văn học thiếu nhi Áo qua các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Mira Lobe và là cơ hội kết nối giao lưu giữa hai nền văn hóa Áo - Việt.

Chương trình giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Mira Lobe diễn ra tại trụ sở Nxb Kim Đồng

Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Nxb Kim Đồng (1957-2024). Rất đông các độc giả nhỏ tuổi đã cùng cha mẹ tới tham dự buổi ra mắt sách, giao lưu với dịch giả Chu Thu Phương, xem kịch do Câu lạc bộ tiếng Đức - Học viện Ngoại giao biểu diễn và tham quan triển lãm tranh minh họa các tác phẩm của Mira Lobe của hai họa sĩ Susi Weigel và Angelika Kaufmann. Tham gia chương trình còn có hai bạn sinh viên Học viện Ngoại giao - cũng là những người tham gia dịch tác phẩm “Lại đây nào!” Mèo bảo của Mira Lobe.

Nhà văn Mira Lobe (1913-1995)

Các tác phẩm của Mira Lobe được giới thiệu gồm truyện dài Bà ngoại trên cây táo và ba tác phẩm sách tranh “Lại đây nào!” Mèo bảo, Tôi là tôi bé nhỏ, Thành phố quanh vòng quanh. Nhà văn Mira Lobe (1913-1995) sinh ra tại thành phố Görlitz (Đức) và có thời gian sinh sống tại vùng Palestine (khi ấy thuộc Anh). Năm 1951, bà theo chồng là diễn viên, nhà sản xuất kịch Friedrich Lobe về Viên làm việc và nơi đây đã có ảnh hưởng lớn tới các sáng tác của bà. Khi bắt đầu làm mẹ, Mira Lobe viết truyện thiếu nhi. Bà đã viết hơn 100 cuốn sách, các tác phẩm của bà đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng khác nhau và nhờ đó bà nhanh chóng nổi tiếng. Đồng hành chính trong các sách tranh thiếu nhi của bà là họa sĩ Susi Weigel - người đã biến những cuốn sách trở thành tác phẩm giàu nghệ thuật thị giác cho trẻ nhỏ.

Câu lạc bộ tiếng Đức - Học viện Ngoại giao biểu diễn kịch tại buổi ra mắt sách

Tại buổi giao lưu ra mắt sách, dịch giả Chu Thu Phương chia sẻ, Việt Nam và Áo đã có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Đối với trên 5.000 người Việt hiện đang sinh sống, làm việc và học tập ở Áo, đất nước này đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Cộng đồng người Việt tại Áo đã tạo nên một nhịp cầu văn hóa giữa hai nước. Thông qua loạt sách, dịch giả mong muốn góp phần xây dựng và phát triển hơn nữa cầu nối hữu nghị giữa hai đất nước, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, nhằm gắn kết các gia đình gần gũi hơn với những trải nghiệm văn hóa và tuổi thơ của cha mẹ và con cái.

Bên cạnh đó, dịch giả còn muốn góp phần giúp con cái người Việt tại Áo cũng như tại các cộng đồng người Việt sinh sống ở các quốc gia, lãnh thổ nói tiếng Đức có động lực học tiếng Việt nhiều hơn. Chu Thu Phương cũng cho biết, sở dĩ chị chọn chuyển ngữ những tác phẩm của Mira Lobe bởi thấy cách viết cho thiếu nhi của tác giả đơn giản, dễ hiểu nhưng luôn mang một thứ ngôn ngữ tuyệt vời và tràn đầy yêu thương. Dù ở truyện dài hay truyện tranh, Mira Lobe đều thể hiện cái nhìn trân trọng đối với trẻ thơ. Đối với bà, thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn khi những công dân nhí có tiếng nói của riêng mình. Văn chương của Mira Lobe đề cao tinh thần bác ái, hòa bình, nhân văn sâu sắc. Nhà văn Mira Lobe từng tâm sự: “Ý nghĩa sâu sắc của những truyện viết cho trẻ em, theo tôi là giúp trẻ có lòng tự tin. Viết văn là một công việc đẹp đẽ, thật sự rất đẹp, khi viết, người ta cảm thấy mình đang sống. Đấy là cảm giác đẹp đẽ thứ nhì, chỉ sau cảm giác được yêu”.

Triển lãm tranh của hai họa sĩ Susi Weigel và Angelika Kaufmann

Một trong số những tác phẩm tiêu biểu nhất của Mira Lobe đã được dịch giả Chu Thu Phương lựa chọn để giới thiệu với độc giả Việt là tập truyện dài Bà ngoại trên cây táo - tác phẩm đã đoạt giải thưởng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu nhi Áo năm 1965 và được xếp trong Danh sách danh dự Giải thưởng Nhà nước Áo năm 1971.

Bà ngoại trên cây táo kể về khao khát có một người bà của cậu bé Andi. Nỗi khao khát ấy đã đưa cậu đến với những trò chơi tuyệt đẹp, hiện thực hóa giấc mơ của cậu và gắn kết cậu với một người bà có thực. Những ước mơ, khát khao chính là con đường dẫn tới cuộc sống tốt đẹp hơn và nhân văn hơn. Cuốn sách nhận được giải thưởng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên Áo năm 1965 và được xếp trong Danh sách danh dự Giải thưởng Nhà nước Áo năm 1971.

Truyện dài "Bà ngoại trên cây táo"

Ba cuốn sách tranh “Lại đây nào!” Mèo bảo, Tôi là tôi bé nhỏ, Thành phố quanh vòng quanh của Mira Lobe cũng là những tác phẩm tiêu biểu của bà với rất nhiều giải thưởng và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Dịch giả Chu Thu Phương đánh giá, Mira Lobe có khả năng viết những câu chuyện cập nhật, thời đại, bằng giọng văn rất giản dị. Ví như cuốn Thành phố quanh vòng quanh (minh họa Susi Weigel), dù câu chuyện diễn ra 50 năm trước, song tính thời sự của nó vẫn còn đến ngày nay, là câu chuyện nhiều thành phố phải đối mặt. Đồng thời, câu chuyện cũng truyền tải thông điệp hay về môi trường cho thiếu nhi. Mira Lobe có thể nói về một vấn đề rất phức tạp bằng giọng văn đơn giản, dễ hiểu cho trẻ em. Bà xử lý vấn đề làm cho ta cảm thấy dường như không ai có lỗi, thật ra do nhận thức mỗi người.

Cuốn sách “Lại đây nào!” Mèo bảo (minh họa Angelika Kaufmann) do tác giả Mira Lobe viết lời đã đoạt hai giải thưởng danh giá: Giải thưởng Văn học thiếu nhi và thanh niên thành phố Viên và được xếp vào Danh sách danh dự Giải thưởng Văn học thiếu nhi và thanh niên quốc gia Áo năm 1975. Tác phẩm rất lôi cuốn với chuyến phiêu lưu trên cây gỗ của chú Mèo thông minh, đáng yêu. Qua chuyến phiêu lưu kỳ thú và cũng đầy cảm động của Mèo, các bạn nhỏ sẽ có thêm một bài học về tình yêu thương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

3 ấn phẩm truyện tranh do tác giả Mira Lobe viết lời, minh họa Susi Weigel và Angelika Kaufmann

Tôi là tôi bé nhỏ (minh họa Susi Weigel) cũng là cuốn sách được yêu thích nhất của Mira Lobe. Cuốn sách xoay quanh một con vật tác giả tưởng tượng, toàn thân đủ các sắc màu sặc sỡ, mà độc giả có thể cắt dán thủ công theo hướng dẫn kèm theo trong sách. Một chú ếch tò mò hỏi con vật vui vẻ ấy nó là con gì, và con vật đó không thể trả lời nổi câu hỏi này. Cảm thấy hoang mang, nó lên đường tìm hiểu xem mình là giống loài gì, nhưng vẫn bế tắc như trước. Mãi cho đến khi nó tự chấp nhận bản thân "Tôi là tôi”, nó mới nhận được sự tôn trọng của các loài vật khác. Qua câu chuyện, các em nhỏ học được việc cần phải chấp nhận bản thân mình như vốn có, bởi chỉ khi ấy chúng mới có được sự tự tin trong cuộc sống - dịch giả Chu Thu Phương chia sẻ.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;