Cách của người K’Ho lý giải về nhật thực và nguyệt thực

Sử thi của người K’Ho đã lý giải về hiện tượng nhật thực và hiện tượng nguyệt thực như sau: nhật thực là hiện tượng mặt trăng “cắn” mặt trời, nguyệt thực là hiện tượng mặt trời “cắn” mặt trăng. Nó liên quan đến câu chuyện tình yêu giữa Thần mặt trăng (K’Iut) và Nữ thần mặt trời (Ka Nar).

Nghi thức gọi thần Lửa của người K’ho ở Lạc Dương

 

Chuyện xưa kể rằng, K’Iut và Ka Nar là anh em. Cả hai thần đều là con Yàng N’Du (Thần sáng tạo) - vị thần đã dựng nên trời đất và vạn vật, theo tín ngưỡng đa thần của người K’Ho. Yàng N’Du lấy vợ là Ka Bing sơr manh (Thần sao mai) sinh được tất thảy 12 con, gồm: K’Chiêng, K’Chung, K’Chat, K’Teh, K’Krah, K’Krang, K’Tàng, K’Chòng, K’Char, K’Tồng, K’Iut và Ka Nar. Oái oăm ở chỗ, Thần mặt trăng (K’Iut) lại đem lòng yêu Nữ thần mặt trời (Ka Nar). Tức giận vì sự thể trái khoáy này, Yàng N’Du đã trừng phạt K’Iut và Ka Nar, đày xuống trần gian làm người, bắt mỗi người ở một nơi, cấm tiệt việc gặp mặt nhau.

Thần mặt trăng còn bị cha mình thử thách, buộc ở cùng nhà với Ka Glàng - một cô gái mới lớn và đang có chửa. K’Iut hỏi Ka Glàng đã mang thai với ai thì nàng lắc đầu trả lời, mình chỉ đôi lần vui đùa cùng gió và bụng đã mang bầu. Thần mặt trăng bèn dẫn Ka Glàng đến nhà các thầy bói giỏi nhất trong vùng hỏi xem tác giả của cái thai kia là ai nhưng không một thầy bói nào biết Ka Glàng đã mang bầu từ đâu. Sau rốt, K’Iut quyết đưa Ka Glàng đến Me Bing (Mẹ cai quản đất) và Me Glong (Mẹ cai quản sông, biển) để hỏi cho ra nhẽ. Me Bing và Me Glong phán rằng: Trong bụng Ka Glàng là 2 đứa con của K’Teh (Thần gió). Me Bing và Me Glong nói thêm: Nếu sinh con gái thì đặt tên là Ka Gram và Ka Grau, sinh con trai thì đặt tên là K’Du và K’Bot.

Chuyện tác giả cái thai trong bụng Ka Glàng đã rõ (chính là Thần gió) nhưng Yàng N’Du vẫn bắt Thần mặt trăng phải lo liệu chu toàn cho K’Glang sinh nở, sau đó thì nuôi dạy 2 đứa con của K’Teh nên người, mới mãn hạn trừng phạt để K’Iut trở về mặt trăng. Tới ngày sinh nở, Ka Glàng sinh hạ 2 đứa con trai, đặt tên là K’Du và K’Bot. Thời gian như thoi đưa, ngày Thần mặt trăng mãn hạn trừng phạt cũng đã đến, K’Du và K’Bot tiễn Thần mặt trăng trở về mặt trăng bằng giai điệu tiếng cing đôi: “Thơt thơ ri ơ Pàng Iut, ri lah yah cah tơi lai yai. Ri ngăc yơ ngăc yơ Pang Iut” (Về ông nhé, về vui ông nhé. Về ông nhé, tạm biệt ông nhé). Ngày K’Iut trở về mặt trăng, cũng là ngày Ka Nar được mãn hạn trừng phạt. Nữ thần mặt trời liền bay về mặt trời.

Sử thi người K’Ho còn nói rõ, tính từ thời điểm K’Iut bay về mặt trăng và Ka Nar bay về mặt trời, phải 37 năm nữa thì mặt trăng mới “cắn” lại mặt trời và mất thêm 77 năm sau nữa thì mặt trời mới “cắn” lại mặt trăng. Nhật thực và nguyệt thực, nó là cách gọi hiện tượng thiên văn của người hôm nay, cách gọi xưa kia của người K’Ho là mặt trời “cắn” mặt trăng hoặc mặt trăng “cắn” mặt trời. Nói cách khác, đó là hiện tượng mặt trời và mặt trăng yêu nhau.

Từ hiện tượng thiên văn có thực, bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, người K’Ho xưa đã sáng tạo nên một áng văn học dân gian đầy màu sắc, vượt xa những điều thực tại phản ánh. Trong những đêm trăng tròn vành vạnh, bóng một người đàn ông ngồi buồn dưới gốc cây đa, chính là thần K’Iut nhớ thần Ka Nar, ôm k’buốt (kèn bầu) thổi lên những giai điệu nhớ, thay cho lời ru nhớ thương. K’Du và K’Bot đã kể lại câu chuyện này.

 

TRỊNH CHU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;