Câu lạc bộ múa hát Khmer - sân chơi lành mạnh vùng đồng bào dân tộc

Thời gian gần đây, nhiều ngôi chùa ở tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh hoạt động tôn giáo, với sự quan tâm, vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đã thành lập các câu lạc bộ, nhóm văn nghệ nhằm phát triển văn hóa truyền thống của người Khmer.

Câu lạc bộ múa Rom Vong, xã An Thạnh Nam tham gia biểu diễn phục vụ vào dịp lễ Sen Dolta năm 2024 của đồng bào Khmer

 

Chúng tôi có dịp đến thăm chùa Đay Ta Suốs, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Những năm qua, nhà chùa cùng Hội Phụ nữ xã đã vận động chị em phụ nữ tham gia vào Câu lạc bộ văn nghệ múa hát Khmer (CLB) chùa Đay Ta Suốs.

Chị Tăng Thị Son, Chủ nhiệm CLB chùa Đay Ta Suốs, người hướng dẫn múa cho nhóm bày tỏ: “Vợ chồng tôi là diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, khi về hưu muốn đóng góp vào công tác bảo tồn các điệu múa của dân tộc Khmer nên tham gia truyền dạy lại cho chị em có đam mê các điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, nhóm múa có hơn 20 thành viên tham gia, sau thời gian thành lập, nhóm múa được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ trang phục và tạo điều kiện cho nhóm biểu diễn trong các dịp lễ hội của chùa và của địa phương”.

Em Thạch Kim Thy, thành viên CLB chùa Đay Ta Suốs cho biết: “Em yêu văn hóa của dân tộc Khmer. Sau những buổi phụ giúp mẹ buôn bán, làm việc nhà xong, em tranh thủ đến chùa để tham gia tập luyện văn nghệ cùng các chị. Sau thời gian tập luyện thuần thục, em được tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer, em rất vui”.

Trong quá trình hoạt động, các thành viên trong CLB múa Rom Vong xã An Thạnh Nam đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động của CLB

 

Thực hiện Dự án 6, năm 2023 Câu lạc bộ múa Rom Vong (CLB) của hội viên, phụ nữ Khmer xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) được thành lập, ban đầu với 25 thành viên. Nhờ sự quan tâm của cộng đồng nên đến nay Câu lạc bộ đã có 28 thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, CLB đã phát huy rất hiệu quả các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian của đồng bào Khmer. Chị Lâm Thanh Hoa, Chủ nhiệm CLB xã An Thạnh Nam hào hứng chia sẻ: Các thành viên của CLB đã được những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên múa (Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng) có trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật múa truyền thống Khmer dạy. Các giáo viên tập trung giảng dạy 2 phần: những vấn đề cơ bản trong loại hình múa sinh hoạt truyền thống Khmer; hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng thực hành động tác múa Rom Vong, Saravan...

“Hiện nay, chúng tôi đã thuần thục, có thể tự tin trình diễn trước đám đông. Thời gian qua, có nhiều nơi mời chúng tôi đi biểu diễn cho khách du lịch là người Khmer. Được múa những giai điệu Khmer là niềm vui lớn với chúng tôi và nay có thể tăng thêm thu nhập, làm kế mưu sinh từ nghề thì không còn gì phấn khởi bằng” – chị Hoa chia sẻ.

Trong quá trình hoạt động, với niềm đam mê, trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các thành viên CLB đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động.

Chị Trần Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam cho biết: Để hỗ trợ CLB phát huy truyền thống văn hóa văn nghệ của đồng bào Khmer, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch xã Nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025 trình UBND huyện. Đồng thời, đề xuất Sở VHTTDL hỗ trợ trên 250 triệu đồng, mua các trang thiết bị, dụng cụ, nhạc cụ cho CLB hoạt động.

“Hiện nay, CLB được xem là đơn vị nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của xã An Thạnh Nam. Hằng năm, CLB tham gia dàn dựng chương trình để biểu diễn phục vụ nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch của xã An Thạnh Nam không hề đơn giản, cần lắm sự quan tâm tiếp sức...” – chị Hằng nói.

Ông Lâm Hoàng Viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, các CLB sẽ chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của các thành viên Ban Chủ nhiệm; chú trọng đến công tác phát triển thành viên mới, đặc biệt quan tâm tới việc truyền dạy cho các cháu thiếu niên có đam mê, sở thích với nghệ thuật truyền thống của dân tộc; mở rộng giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các CLB khác trong và ngoài xã để nâng cao chất lượng hoạt động của CLB, tạo ra một môi trường sinh hoạt lành mạnh, sôi nổi, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. 

Câu lạc bộ văn nghệ múa hát Khmer chùa Đay Ta Suốs tham gia sinh hoạt, luyện tập vào buổi tối hai ngày cuối tuần với các bài hát, điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer

 

PHƯƠNG NGHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024

;