Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Cải lương truyền thống đang được Nhà nước và ngành Văn hóa Hà Nội đặc biệt quan tâm. Cải lương là do người Việt sáng tạo, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Theo nghĩa Hán - Việt, Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn. Theo đó, muốn Cải lương tốt hơn thì phải thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn và dàn nhạc. Từ khi ra đời, Cải lương đã trở thành môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc, thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm và gần gũi với nhân dân vì ca từ và nhịp điệu dễ hiểu, dễ học. Thực hiện Chương trình 06-CTr/ TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về "Phát triển Văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 -2025", những năm qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã rất chú trọng đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Hằng năm, Nhà hát dàn dựng từ 2 - 3 vở diễn thường xuyên phục vụ nhân dân tại phố đi bộ Hồ Gươm vào mỗi tuần với chủ đề Tiếng quê hương, Vọng mãi khúc ca xưa; xây dựng và biểu diễn hàng chục chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị. Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã biểu diễn 100 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, 79 buổi phục vụ nhân dân vào cuối mỗi tuần…Thực hiện các dự án và đề án của thành phố và Sở VHTT Hà Nội, thời gian qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã dàn dựng được 9 tác phẩm mới, phục dựng 2 tác phẩm cổ và 1 trích đoạn Cải lương. Các vở diễn, trích đoạn sau khi dàn dựng và công diễn đã được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. 3 năm qua là khoảng thời gian mà tập thể cán bộ, diễn viên, nhạc công Nhà hát Cải lương Hà Nội đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Năm 2022, Nhà hát tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô đã giành 1 HCV cho vở diễn Trời Nam. Cũng trong năm này, Nhà hát Cải lương đã giành HCV cho vở diễn Phận má đào tại Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc. Năm 2023, Nhà hát đạt 1 HCV và 1 HCĐ tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc… Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Cải lương, Nhà hát tích cực nghiên cứu, xây dựng giải pháp để giữ gìn và phát huy một cách tốt nhất bộ môn nghệ thuật này. Nhà hát đã phục dựng một số vở diễn truyền thống, như: Kiều, Lý Thường Kiệt, Nàng Phi Yến… Từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của nhà hát, nhất là đội ngũ diễn viên trẻ, kế cận. Qua việc phát huy nghệ thuật truyền thống còn góp phần định hướng thẩm mĩ cho khán giả. Bên cạnh đó, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thực hiện tốt Đề án của thành phố: Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030. Vở Kiều của Nhà hát Cải lương Hà Nội là 1 trong số tác phẩm đó. Thời gian tới, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ tiếp tục phục dựng và biểu diễn các vở diễn kinh điển, đưa các tác phẩm văn học lên sân khấu…
Thật vui khi cuối năm 2024, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, giành HCV với vở diễn Xuân Hương nữ sĩ và giành HCB với vở diễn Lý Thường Kiệt ở Liên hoan Sân khấu Thủ đô.
THANH QUY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024