Cầu nối… qua phim

Mỗi dân tộc, cộng đồng tùy vào vị trí địa lý, tập tục, văn hóa… đều có những nét bản sắc riêng. Khi thế giới hội nhập, có nhiều cách để kéo con người xích lại gần nhau trong đó có văn hóa, phim ảnh.

Phim Thu Cúc đi kiện

Với lợi thế về hình ảnh, âm thanh, phim ảnh là một trong những phương tiện hữu hiệu giúp con người có thể xâm nhập, tìm hiểu về thế giới bên ngoài từ phong cảnh, nét văn hóa đến tổ chức xã hội, đời sống, tập tục… của những cư dân ở những xứ sở có thể cách xa hàng ngàn cây số. 

Khác nhau về mầu da, văn hóa, rất nhiều những giá trị, nét bản sắc riêng của từng châu lục, quốc gia, vùng đất… khác biệt với phần còn lại của thế giới. Những lễ hội như tắm băng của người Nga, lễ hội bia của Đức, lễ hội cà chua của Tây Ban Nha… vốn không có trong văn hóa của nhiều quốc gia nhưng qua phim ảnh đã phần nào trở nên gần gũi, mang lại sự hiểu biết cho khán giả, công chúng tại nhiều vùng đất khác.

Cũng chính nhờ phim ảnh, mà các giá trị riêng cũng như những giá trị chung về tình yêu Tổ quốc, tinh thần vì cộng đồng, lòng nhân ái, sự vị tha, đức hy sinh được thể hiện qua những câu chuyện, triều đại, những sự kiện lịch sử riêng của từng dân tộc, vùng đất đến được với khán giả bên ngoài biên giới của quốc gia đó. Bằng những giá trị chung có, riêng có, điện ảnh đã kéo xích lại gần hơn những con người vốn khác nhau về mầu da, quốc tịch, văn hóa, giá trị sống… thông qua những câu chuyện, nhân vật có sức thu hút. 

Ý thức rõ điều đó, nhiều quốc gia đã có những định hướng, chính sách, chiến lược … phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh nhằm lưu giữ, bảo tồn, tôn vinh cũng như quảng bá văn hóa dân tộc một cách rộng rãi ra với thế giới. Điện ảnh Trung Quốc từng có một Thu Cúc đi kiện, Phải sống… giúp khán giả nhìn sâu vào văn hóa, lịch sử của Trung Quốc ở những giai đoạn, bối cảnh lịch sử cụ thể... Hình tượng những Samurai trong các loại hình văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là điện ảnh đã giúp khán giả hình dung về một giai đoạn, một thời kỳ khi những giá trị về chữ tín, lòng trung thành được xem là thước đo, là giá trị của các võ sĩ trong xã hội Nhật Bản. Gần đây, điện ảnh Hàn Quốc gây chú ý tại nhiều Liên hoan Phim quốc tế với những bộ phim như Ký sinh trùng, Nhà môi giới… giúp khán giả hiểu thêm về văn hóa, những thay đổi về hệ giá trị trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Phim Nhắm mắt thấy mùa hè

Việt Nam cũng từng được khán giả biết đến qua một số bộ phim trước đây như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10… Những bộ phim đó đã giúp khán giả quốc tế hiểu hơn về Việt Nam - một đất nước đi ra từ chiến tranh. Những năm gần đây một lớp những nhà làm phim mới, những nhà làm phim trẻ tham dự các Liên hoan phim lớn nhỏ với các bộ phim như Đảo của dân ngụ cư, Cha cõng con, Ròm, Tro tàn rực rỡ… lại mang tới một Việt Nam khác, một Việt Nam của thời hiện đại với những lớp người mới, những vấn đề mới đặt ra với họ trong cuộc sống hiện tại. Nhìn vào các tác phẩm, có thể thấy mỗi giai đoạn, tùy theo sự thay đổi của xã hội, những biến đổi của văn hóa, giá trị sống mà phim ảnh tập trung vào những đề tài, chủ đề, nhân vật khác nhau. Nhưng dù đề cập đến chuyện xưa hay nay, lịch sử hay đời thường thì nét văn hóa thể hiện trong tập tục, nếp suy nghĩ, cách hành xử cho đến trang phục, quần áo, giá trị mà nhân vật theo đuổi cũng phản ánh sâu sắc nét văn hóa của mỗi dân tộc trong từng bối cảnh, giai đoạn, thời kỳ khác nhau. 

Không phải bỗng dưng mà nhắc tới Trung Quốc là nhắc tới những biến động của lịch sử, của thời cuộc phả bóng lên phim ảnh. Nói đến Nhật Bản là giá trị của chữ tín, của niềm tin. Điện ảnh Hàn Quốc là hình mẫu trong việc quảng bá thành công văn hóa của xứ sở mình với nhiều nét ẩm thực đa dạng, những giá trị truyền thống được bảo tồn.

Ngày nay, những giá trị mềm như văn hóa, ẩm thực, phim ảnh… đang được nhiều quốc gia chú trọng. Không chỉ tập trung bảo tồn nét riêng biệt, đặc sắc của từng dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa mà nhiều quốc gia còn muốn quảng bá rộng khắp nét văn hóa riêng đó tới mọi người, tới công chúng toàn cầu. Trong xu hướng ấy, không chỉ các giá trị cũ được bảo tồn, tôn vinh mà những thay đổi của thời đại, các thang giá trị mới cũng được nhiều quốc gia cập nhật, quảng bá bởi văn hóa là một dòng chảy và có tiếp nhận, chuyển hóa cùng sự phát triển của xã hội theo dòng thời gian, những biến động lớn của thời cuộc, của lịch sử. Trong những hoạt động ngoại giao văn hóa, không hiếm các tuần phim, vệt phim theo chủ đề, theo tác giả được trình chiếu như một sự quảng bá văn hóa giữa các nước trong mối quan hệ bang giao, nhân các lễ kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, các sự kiện ký kết giữa hai bên… 

Phim Cha cõng con

Nhìn vào các hoạt động ngoại giao văn hóa, phim ảnh từ lâu đã trở thành một cầu nối để kết nối giữa các dân tộc, châu lục, các nền văn hóa. Trong sự kết nối ngày càng sâu rộng ấy, công chúng ngày càng hiểu rõ hơn về văn hóa, nét bản sắc, những lễ hội, tập tục riêng biệt của các dân tộc, cộng đồng khác nhau. Trong sự kết nối ấy, giá trị, bản sắc văn hóa của một vài dân tộc, quốc gia thông qua phim ảnh có sự lan tỏa rõ nét hơn ngoài chính sự hấp dẫn từ giá trị nội tại thể hiện trong câu chuyện, nhân vật, bối cảnh, tình huống… còn do nét riêng thể hiện đậm đặc trong tác phẩm. Càng hội nhập, ý thức về giữ gìn và xây dựng nét riêng cho mỗi sản phẩm văn hóa, trong đó có phim ảnh càng được chú trọng để không bị hòa tan, mờ nhạt trong làn sóng, xu thế hội nhập chung của toàn thế giới.

Thông qua phim ảnh, không chỉ phong cảnh, kiến trúc mà trang phục, những nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực cũng được quảng bá mạnh mẽ. Những trang phục như Kimono của người Nhật, Hanbok của phụ nữ Hàn hay tà áo dài của Việt Nam là những nét riêng mà thông qua nó một đất nước, một dân tộc được nhận diện. Qua phim ảnh những món ăn mang đậm mầu sắc dân tộc cũng được biết đến và quảng bá nhiều hơn. Nhiều nhân vật trong phim ảnh đã trở thành hình mẫu chung để công chúng, khán giả hướng tới. Trong xu thế hội nhập, không hiếm những nhân vật trên phim đã vượt ra khỏi biên giới của quốc gia để trở thành thần tượng của cả một lớp công chúng đông đảo.

Và để phim ảnh thật sự kết nối và lan tỏa, quảng bá văn hóa thì ngoài những chính sách, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các điều luật, các nghị định… mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim… đều cần có ý thức về sự gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa bản sắc, nét riêng của dân tộc trong từng tác phẩm, cách xây dựng nhân vật, cốt truyện. Tâm thế ấy cần được nuôi dưỡng, bồi đắp không ngừng để nó thấm sâu vào các hoạt động, trong mỗi thế giới quan của người nghệ sĩ từ khi lên ý tưởng sáng tạo, tìm kiếm đề tài, chủ đề cho bộ phim. Có như thế sự quảng bá về đất nước, con người, văn hóa ra với bên ngoài mới được thực hiện một cách mạnh mẽ, rộng khắp. 

 Phim Ký sinh trùng

Với phim ảnh, mọi sự kết nối và lan tỏa đều phải ẩn sâu trong mỗi đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, tình huống để sao cho mỗi bộ phim khi đến với công chúng mọi người đều có thể nhận ra nét đặc trưng của quốc gia đó không chỉ qua bối cảnh mà cả cách hành xử, những giá trị mà nhân vật theo đuổi. Tuy khắc họa cái riêng nhưng vấn đề phim đặt ra nếu với tới được những vấn đề mang tính khu vực, toàn cầu như sự đấu tranh vì hòa bình, nỗ lực vì lẽ phải, vì công bằng, vì môi trường… thì các câu chuyện riêng ấy có khá nhiều cơ hội để vượt ra khỏi mỗi quốc gia khi nó chứa đựng vấn đề của cả thế giới, cả khu vực cùng quan tâm. 

Trong hành trình phát triển, hội nhập, nếu mỗi tác phẩm điện ảnh cân bằng, hài hòa được giữa cái chung với cái riêng, dân tộc với toàn cầu thì bản thân mỗi tác phẩm đã có thể trở thành những đại sứ văn hóa, bắc nên những chiếc cầu kết nối và lan tỏa văn hóa. Trong muôn vàn những cách kết nối và lan tỏa thì văn hóa, trong đó có phim ảnh là cách kết nối lâu bền và mạnh mẽ nhất. Mỗi nghệ sĩ sẽ có những sáng tạo mang phong cách riêng để mỗi tác phẩm tuy cùng hướng tới sự kết nối, lan tỏa nhưng mỗi bộ phim là một bức tranh riêng. Tất cả cùng tạo thành một bức tranh đa sắc trong đó ngoài cái chung vẫn có cái riêng, để hòa nhập mà không hòa tan. Khi đó, mỗi bộ phim sẽ đúng nghĩa là một đại sứ văn hóa đại diện cho mỗi dân tộc, quốc gia trong hành trình kết nối và lan tỏa. Trong xu hướng hội nhập, trong sự gia tăng, hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật… quảng bá văn hóa qua phim ảnh chắc chắn sẽ càng ngày càng phát triển và trở thành một kênh hữu hiệu trong kết nối, giao lưu giữa các nước, các nền văn hóa và các khu vực trên thế giới.

NGÔ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;