Công tác tôn giáo của quân đội ở miền Đông Nam Bộ

Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng khóa IX đã xác định: “Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, của các cấp, các ngành và các địa bàn, là một trong những nhân tố tạo nên động lực cho sự ổn định, phát triển đất nước. Vì vậy, làm tốt công tác chính sách tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo” (1). Tiến hành công tác tôn giáo đối với đồng bào theo đạo là nhiệm vụ chính trị của các đơn vị quân đội trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Qua thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định địa bàn.

Ở nước ta hiện có trên 25.000 cơ sở thờ tự tôn giáo, với 24 triệu tín đồ, chiếm gần 27% dân số cả nước. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo đều có tại Việt Nam, cùng chung sống hòa bình, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, chung sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Miền Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược quan trọng về mọi mặt đối với đất nước, khu vực. Nơi đây có nhiều tôn giáo, đồng bào theo đạo cùng hoạt động, sinh sống, với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình hình địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đời sống của nhân dân còn khó khăn. Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, kích động, lôi kéo đồng bào thực hiện mưu đồ của chúng, càng gây phức tạp tình hình trên địa bàn. Vì thế, vận động đồng bào theo đạo chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương là nhiệm vụ chính trị của bộ đội Cụ Hồ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.

Trong những năm qua, các đơn vị quân đội đã tích cực quán triệt, tổ chức thực hiện tốt quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, nhất là các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đặc biệt là thường xuyên tổ chức các đợt hành quân dã ngoại, kết hợp làm công tác vận động, tuyên truyền, vận động đồng bào có tôn giáo chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc của các thế lực thù địch.

Cùng với các nội dung trên, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, lực lượng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; phòng, chống, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chỉ huy chưa thực sự coi trọng công tác vận động đồng bào tôn giáo, năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế, sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có việc còn thiếu chủ động, có mặt còn mang tính hình thức, nội dung, biện pháp còn nghèo nàn, chưa huy động được sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng trên địa bàn cùng tham gia. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi còn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên phát sinh một số vụ việc, vấn đề phức tạp. Tình trạng vi phạm trong xây dựng cơ sở thờ tự, lấn chiếm đất đai liên quan đến tôn giáo còn xảy ra, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở còn bất cập, hạn chế...

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tôn giáo đối với đồng bào theo đạo ở địa bàn miền Đông Nam Bộ cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản.

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về công tác tôn giáo với đồng bào theo đạo trên địa bàn. Nội dung giáo dục tập trung làm cho bộ đội nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, quân đội về công tác tôn giáo, dân vận. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bộ đội về vai trò của quần chúng tín đồ tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tình đoàn kết giữa người theo đạo, không theo đạo; các quy định của pháp luật về thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chính sách, pháp luật về đất đai… của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hai là, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tích cực đổi mới nội dung, biện pháp vận động; thường xuyên bồi dưỡng năng lực công tác vận động cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chuyên trách. Hằng năm, trên cơ sở quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực tiễn địa phương, các đơn vị cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tiến hành công tác vận động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Bồi dưỡng về phương pháp, tác phong công tác gần dân, trọng dân, yêu thương dân, bảo vệ dân. Chủ động biên soạn chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng phương pháp tiến hành tuyên truyền, vận động đồng bào, nhất là kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm tiếp cận, thuyết phục, cảm hóa các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo; phương pháp, cách thức xử lý các vấn đề nảy sinh...

Ba là, tích cực tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Để thực hiện thắng lợi, hiệu quả nội dung này thì một mặt, các đơn vị cần tiến hành khảo sát, nắm vững tình hình, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở. Mặt khác, tích cực trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, rèn luyện, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Tham mưu, giúp địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, các tín đồ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật, giải quyết có hiệu quả các hiện tượng truyền đạo, xây dựng cơ sở thờ tự trái pháp luật, mâu thuẫn giữa các tôn giáo, trong nhân dân ngay từ cơ sở. Phối hợp giúp Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở cơ sở tập hợp, động viên tín đồ theo đạo làm tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia vào hoạt động của chính quyền, các đoàn thể. Với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, các bệnh viện, nhà trường quân đội, thông qua các đợt hành quân dã ngoại, các hoạt động phối hợp khác để giúp đỡ nhân dân làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa hệ thống kênh mương, xây dựng trạm y tế, trường học, các công trình phúc lợi xã hội; xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, động viên con em đồng bào dân tộc theo đạo Công giáo, Tin lành ở vùng sâu đến trường... Đối với các doanh nghiệp, đoàn kinh tế, quốc phòng, thông qua việc liên doanh, liên kết với địa phương, cần coi trọng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào về vốn, cây giống, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm; thu hút nguồn nhân lực tại chỗ, tạo việc làm cho đồng bào theo đạo... Tích cực tuyên truyền rộng rãi luật pháp, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; tham gia có hiệu quả việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo.

Bốn là, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật. Điều này thể hiện sự kế thừa, tầm nhìn mới của Đảng đối với các tổ chức tôn giáo hợp pháp. Tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt chính là tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển lành mạnh, tiền đề để chúng ta đoàn kết được họ vào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những hoạt động tôn giáo trái quy định của pháp luật. Điều này thể hiện thái độ kiên quyết, không khoan nhượng của Đảng, Nhà nước ta đối với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại cách mạng. Bởi chỉ có như vậy mới đảm bảo được quyền tự do chân chính của đồng bào có đạo hoạt động tôn giáo tự do, bình đẳng, đúng pháp luật; có bảo đảm quyền ấy mới làm cho đồng bào có đạo tự giác chống lại những thế lực lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mưu đồ xấu.

Các địa phương cần phát hiện sớm, chủ động đấu tranh với những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục; đồng thời, hướng họ đi vào hoạt động lành mạnh, không vi phạm pháp luật. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo. Cùng với quá trình triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp nêu trên thì cần kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại về dân tộc, tôn giáo, giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta nói chung, thực tế tình hình đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn miền Đông Nam Bộ nói riêng. Làm tốt công tác này sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, huy động sự đóng góp của đồng bào các tôn giáo trong củng cố, tăng cường đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

_____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7, BCH T.Ư khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.57.

Tác giả: Đỗ Mạnh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019

;