Nếp sống, sinh hoạt, đặc điểm tính cách, văn hóa… của con người Việt Nam đã được quan tâm, ghi lại từ rất sớm, chủ yếu ở trong lĩnh vực sử học. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, một trong những đặc điểm lịch sử quan trọng quyết định tính cách người Việt chính là sự tồn tại dai dẳng của xã hội tiểu nông, hệ sinh thái thổ tạp, có mọi thứ nhưng đều manh mún. Những giá trị tiểu nông trong văn hóa làng xã đã góp phần vào việc dung dưỡng tâm lý, tính cách, đặc điểm tư duy, lối sống và nếp sống chưa tốt của người Việt. Trong Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Đào Duy Anh cho rằng: “Văn hóa là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người”. Cách sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau nên văn hóa của các dân tộc cũng khác nhau.
Nhìn lại lịch sử như vậy để chúng ta hiểu thêm việc ra đời tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả nghiên cứu và đi đến khẳng định những đặc điểm tốt, xấu trong văn hóa người Việt, những giá trị riêng của người Việt trong hệ giá trị chung của nhân loại. Từ đó, Người thấy rằng cần phải mở ra một giai đoạn lịch sử mới cho văn hóa vừa phù hợp với hệ giá trị chung của nhân loại vừa phải gắn với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xây dựng đời sống mới, bởi nó không chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng một nền văn hóa mới mà còn góp phần đẩy nhanh cách mạng giải phóng dân tộc.
Tháng 3-1947, Người viết cuốn sách Đời sống mới để hướng dẫn việc xây dựng “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới”. Theo Người, thực hành đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính; cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, ví dụ: tính lười biếng, tham lam; cái gì cũ, không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, ví dụ: đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi; cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, ví dụ: tương thân, tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước; cái gì mới mà hay thì phải làm, ví dụ: ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho ngăn nắp. Đối với gia đình, về quan hệ thì trên dưới thuận hòa, bình đẳng, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, không thiên tư, thiên ái; về vật chất từ ăn mặc đến việc làm đều chi tiêu có kế hoạch, ngăn nắp. Đối với làng xã, về văn hóa, phải làm cho cả làng biết chữ, biết đạo đức, biết trách nhiệm của công dân; về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút sách, trộm cắp, đĩ điếm. Đối với trường học, phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi, có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, không chịu làm nô lệ. Đối với bộ đội, thì kỷ luật phải cực kỳ nghiêm, siêng tập luyện, phải biết chữ, biết chính trị ít nhiều, phải tăng gia sản xuất, biết tiết kiệm, vệ sinh, ăn ở cho dân tin, dân phục, dân yêu và đánh được nhiều giặc, lấy được nhiều súng. Đối với công sở, nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Đối với xưởng máy, tăng gia sản xuất chẳng những lợi riêng cho chủ và thợ, mà còn lợi chung cho nền kinh tế của Tổ quốc.
Thấm nhuần tinh thần thực hành đời sống mới của Người, trong văn kiện Đại hội IV của Đảng đã dùng khái niệm “nếp sống mới có văn hóa”, đưa cái đẹp vào đời sống hằng ngày, lao động sản xuất. Đến Đại hội V, văn kiện dùng khái niệm “lối sống”, đó là “cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa cái mới và cái cũ, tiên tiến với lạc hậu, tiến bộ với phản động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và lối sống, đang diễn ra hằng ngày rất phức tạp”.
Sau năm 1986 đến nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Với quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước ta đã khởi xướng và tổ chức thực hiện đời sống mới - lối sống văn minh bằng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hơn 20 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng nông thôn mới đã tập trung chỉ đạo và thực hiện 4 chương trình mục tiêu cơ bản là: quy hoạch, phát triển sản xuất hàng hóa; phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa, phát triển đô thị; lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực.
Với tinh thần sáng tạo trong công cuộc đổi mới của đất nước, Đà Nẵng sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đã tập trung khai thác và phát triển quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch với hàng trăm dự án. Số hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa lên đến 100 nghìn hộ, chiếm 40% số hộ. Các dự án đã làm Đà Nẵng thay đổi từng ngày, khang trang, to đẹp, đàng hoàng, có dáng dấp một đô thị hiện đại. Với vị thế được xác định là trung tâm kinh tế, xã hội của khu vực, Đà Nẵng đã đón nhận quá trình chuyển cư mạnh mẽ trong nội bộ đất nước giai đoạn 2005-2009, tỷ lệ tăng dân số cơ học của Đà Nẵng là 16%. Đây là những kết quả để Đà Nẵng từng bước tạo được vóc dáng một đô thị có lối sống văn minh. Đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, lối sống văn minh trong thời kỳ mới, Đà Nẵng đã phát động và đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể qua các chương trình an sinh xã hội giàu tính nhân văn, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị Đà Nẵng như: chương trình “5 không” (1), chương trình “3 có” (2).
Trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn xây dựng lối sống văn minh, đô thị hiện đại, ngày 25-12-2014, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/T.Ư về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Mục tiêu chính là “tăng cường đầu tư cho văn hóa, xây dựng kỷ cương, trật tự và nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân Đà Nẵng”.
Có thể thấy rõ, việc xây dựng lối sống văn minh đi đôi với phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền của Đà Nẵng đã đi đầu trên từng lĩnh vực với các tiêu chí hết sức cụ thể. Trong văn hóa học đường, đối với học sinh phải biết xưng hô lịch sự, lễ phép, biết chào thưa, xin lỗi, cảm ơn, không nói dối, huyênh hoang, khoác lác, biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; trong thái độ phải biết tôn trọng, tiếp thu, không ghen tỵ, đố kỵ, không tự cao, tự đại, biết sẻ chia, giúp đỡ, nhường nhịn, biết bảo vệ cảnh quan môi trường, không gây gổ, không nói tục, không có hành vi bạo lực, không cờ bạc, không sử dụng đồ uống có cồn, chất gây nghiện. Đối với nhà giáo phải biết xưng hô đúng mực với học sinh, không nói xấu đồng nghiệp, có thiện chí tạo sự trao đổi gần gũi với nhà trường; về thái độ phải nghiêm túc, tận tâm, tận tình; về hành vi phải đoàn kết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh, không xúc phạm thân thể và tinh thần học sinh… Trong nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng ở Đà Nẵng, người có trách nhiệm quản lý khu vực công cộng phải biết tiếp thu ý kiến của người dân, có thái độ thân thiện, lịch sự, nhiệt tình hướng dẫn, cung cấp thông tin khi người dân cần, không lạm dụng chức quyền; người dân và du khách khi sinh hoạt nơi công cộng, khu dân cư, các điểm tham quan du lịch cần có thái độ thân thiện, văn minh, lịch sự, tôn trọng mọi người, biết xếp hàng khi tham gia các dịch vụ, giữ gìn vệ sinh chung, biết bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn các công trình công cộng. Trong gia đình và cộng đồng khu dân cư, các quy tắc ứng xử mà người Đà Nẵng hướng đến, đó là, hòa thuận, hiếu thảo, gương mẫu, lời nói đúng mực, trang phục lịch sự khi đến công sở, nơi tôn nghiêm, thân thiện, tương thân, tương ái, không mở âm thanh quá lớn gây ảnh hưởng đến hàng xóm, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ, trưng bày hàng hóa, không thả động vật nuôi phóng uế nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh chung, không đặt miếu thờ và các vật thờ cúng trên đường phố, khu dân cư; không rải gạo, muối, vật cúng ra đường, vàng mã phải đốt trong thùng, tham gia trồng cây làm đẹp cảnh quan khu dân cư, không hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ, tham gia tháo gỡ quảng cáo, rao vặt trên cột điện, trên cổng ngõ trước nhà mình và trong khu dân cư.
Trong văn hóa công sở, người cán bộ, công chức Đà Nẵng với nhân dân phải lịch sự, hòa nhã, lắng nghe; với cấp trên phải tôn trọng, phục tùng, trung thực, đóng góp ý kiến; với cấp dưới phải dân chủ, tạo niềm tin; với đồng nghiệp phải chân thành, nhiệt tình, thân thiện, hợp tác. Đi đôi với những việc phải làm là những việc cán bộ, công chức không được làm trong văn hóa ứng xử nơi công sở; cụ thể, không quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, không vụ lợi trong hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, tân gia, thăng chức, không sử dụng tài sản, phương tiện công vì mục đích cá nhân, không hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn nơi công sở, không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không đối phó, phô trương, bệnh hình thức, lãng phí, thực hiện “5 xây, 3 chống” (3) trong thi hành công vụ. Trong văn hóa du lịch, các tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ các hoạt động du lịch phải biết phát huy những phong tục truyền thống tốt đẹp, có đạo đức nghề nghiệp, có thái độ tôn trọng, thân thiện, niềm nở khi phục vụ khách, niêm yết giá công khai, giữ uy tín với khách hàng, không đeo bám, chèo kéo khách du lịch, đặc biệt phải luôn sẵn sàng nói “xin chào”, “xin lỗi”, “xin mời”, “cảm ơn” và “hẹn gặp lại”.
Trong văn hóa lễ hội, Đà Nẵng thực hiện khá tốt lễ hội không có trộm cắp, cướp giật, móc túi; không có lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng; không xả rác bừa bãi; không có thức ăn mất vệ sinh, vi phạm an toàn thực phẩm; không nâng giá giữ xe; không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, hoạt động mê tín dị đoan. Người Đà Nẵng nhận thức đúng và hành động đúng như những yêu cầu trên, có nghĩa là đã thực hành tốt đời sống mới theo chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đi cùng với việc xây dựng đô thị văn minh, các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới cũng tiến lên từng ngày ở Đà Nẵng. Nhiều cách làm sáng tạo, nhiều cách làm hay thể hiện qua các mô hình “thôn văn hóa - văn minh nông thôn mới”, mô hình “3 không trong tang lễ” (4), “Tộc họ tham gia quản lý con cháu không vi phạm pháp luật”, “Giáo họ không có người vi phạm an ninh trật tự”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Đội xe thồ tự quản”, “Tiếng mõ an ninh”, “Không để mất tài sản, không để mất tình làng nghĩa xóm” và rất nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế.
Có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện các mô hình trên đã tạo nên phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tính tự giác của cán bộ và nhân dân được nâng lên trong phong cách ứng xử, giao tiếp nơi công cộng; tuân thủ các quy định của Nhà nước trong chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, thể hiện được nếp sống văn hóa, văn minh của cư dân đô thị.
______________
1. Không có hộ đói, không có người lang thang xin ăn, không có người mù chữ, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của.
2. Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị.
3. 5 xây: trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu; 3 chống: chống quan liêu, chống tiêu cực, chống bệnh hình thức.
4. Không sử dụng thuốc lá, không thuê đàn nhạc lễ, không để quá 48 tiếng đồng hồ.
Tác giả: Nguyễn Thu Phương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019