Đánh thức di sản nghìn năm tuổi bằng công nghệ 3D Mapping

Ứng dụng mỹ thuật đa phương tiện, đặc biệt sử dụng công nghệ 3D Mapping trong thiết kế trưng bày các di sản tại các quốc gia phát triển trên thế giới đang được áp dụng rộng rãi và đa dạng. Bài viết phân tích vai trò quan trọng của công nghệ 3D Mapping trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Việc kết hợp mỹ thuật đa phương tiện và công nghệ số vào quá trình trưng bày di sản sẽ tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trình chiếu 3D Mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo chủ đề “Tinh hoa đạo học” - Nguồn: internet

Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang bước vào kỷ nguyên số đã tác động sâu rộng chưa từng có trong vấn đề bảo tồn, phát huy và giới thiệu di sản đến với công chúng. Để xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn, để “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt hội tụ thành khối sức mạnh quốc gia, trong quá trình tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc không thể thiếu vắng sự trợ giúp hữu hiệu của mỹ thuật đa phương tiện trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại. Đặc biệt tháng 8-2022, Hội đồng bảo tàng Quốc tế (ICOM) đã điều chỉnh những điểm mới về công tác diễn giải, trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể, nhấn mạnh “tính chất dễ tiếp cận và hòa nhập, giúp thúc đẩy sự đa dạng và bền vững”, nhấn mạnh “hoạt động và tương tác với công chúng theo chuẩn mực đạo đức, đảm bảo chuyên nghiệp và bao gồm sự tham gia của cộng đồng và tính bền vững”.

Từ năm 2010, ứng dụng mỹ thuật đa phương tiện trong thiết kế trưng bày các di sản tại các quốc gia phát triển trên thế giới được áp dụng rộng rãi và đa dạng. Mỹ thuật đa phương tiện tham dự với vai trò hỗ trợ, tôn tạo giá trị di sản về mặt nội dung, thẩm mỹ, nâng cao giá trị, chất lượng, chiều sâu và sự hấp dẫn trong công tác tiếp cận di sản của các tầng lớp quần chúng xã hội. Không gian trưng bày di sản với sự kết hợp của mỹ thuật đa phương tiện trở thành những không gian nghệ thuật tương tác mang tính thời đại. Thời gian qua, công nghệ 3D Mapping được sử dụng trong các khu di tích tại Thủ đô Hà Nội đã mang lại sức hấp dẫn rất lớn đối với người dân ở mọi tầng lớp, lứa tuổi.

1. Khái niệm 3D Mapping

Về mặt cấu trúc, mỹ thuật đa phương tiện bao gồm tập hợp âm thanh và các hình ảnh, văn bản ở dạng tĩnh - động được kết hợp với nhau có tính thẩm mỹ. Tùy theo các đặc tính kỹ thuật hỗ trợ của máy tính và công nghệ, hiện nay xuất hiện một số hình thức mỹ thuật đa phương tiện được ứng dụng hiệu quả trong nghệ thuật trưng bày bảo tàng, có thể kể đến như: 3D Mapping (tạm dịch: Bản đồ 3D). 3D Mapping là công nghệ lĩnh vực nghệ thuật thị giác mới mẻ trong lĩnh vực bản đồ. 3D Mapping là giải pháp về mặt công nghệ máy tính sử dụng quang học định hình các đối tượng theo hình thức không gian 3 chiều. Công nghệ này cho phép tái hiện từ quang cảnh cho đến các đối tượng được miêu tả rõ nét và chân thực so với thực tế thông qua các ánh xạ. Công nghệ 3D Mapping sẽ thể hiện được chủ đề, nội dung thông qua kỹ thuật sử dụng ánh sáng để tạo ra các hiệu ứng dạng 3D hình thành lên các khối hình ảnh tương tác trong một không gian 3 chiều thay vì chỉ là 2 chiều một cách truyền thống. Công nghệ này hỗ trợ việc tái hiện chính xác nhất hiện trạng của các vật thể, thảm thực vật, công trình, với khả năng dựa trên các thông số tính toán và đo đạc kích thước cụ thể và chính xác.

3D Mapping còn được cụ thể hóa thông qua các phương tiện công nghệ đặc thù khác nhau với các thuật ngữ tiếng Anh như 3D Projection Mapping, 3D Video Mapping tùy thuộc vào công nghệ và quá trình thực hiện đối tượng. Đây là ý tưởng độc đáo kết hợp giữa công nghệ 3D và công nghệ làm phim, là nghệ thuật chiếu video lên các bề mặt khác nhau thông qua các thiết bị trình chiếu (projector) để tạo ảo giác 3D, sử dụng không gian, vật thể vật lý làm bề mặt cho phép chiếu, thay vì một màn hình thông thường. Kết quả cuối cùng là một hiệu ứng trực quan ấn tượng. Kỹ thuật công nghệ trên phù hợp với đa dạng các hình thức bề mặt trình chiếu, không gian nội thất, đồ vật, cảnh quan thiên nhiên… là một trong những kỹ thuật chiếu phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Công nghệ Video Mapping cho phép các nhà thiết kế sử dụng không gian và vật thể vật lý đa dạng làm bề mặt để chiếu thay vì sử dụng màn hình thông thường. Trên thực tế, hiệu quả vượt trội của quá trình này mang lại hiệu ứng bao trùm trực quan và ấn tượng.

Về cơ bản có thể thấy 3D Mapping là kỹ thuật dựng mô hình có tỷ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, sau đó thông qua mô hình trên máy tính sẽ có những hiệu ứng về ánh sáng, âm thanh 3D, tiến hành trình chiếu cho người xem thông qua nội dung và kịch bản định sẵn. Thời gian gần đây, tại Việt Nam có khá nhiều đơn vị thiết kế và thi công sử dụng 3D Mapping như công cụ hỗ trợ tạo cảnh quan không gian cho các trưng bày bảo tàng.

2. 3D Mapping đánh thức các di sản

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở vị trí trung tâm Hà Nội, được xem như biểu tượng cho truyền thống văn hiến lâu dài của đất nước. Những tấm bia đá trong quần thể di tích này ghi tên tuổi những học giả kiệt xuất của dân tộc được lưu danh muôn thuở, tượng trưng cho ý chí hiếu học của người Việt. Mặc dù là niềm từ hào của Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng, nhưng hiện tại, khu di tích chỉ đông đúc vào những dịp Tết Nguyên Đán hay những dịp trước kỳ vượt cấp quan trọng. Vào các ngày thường, nơi đây thỉnh thoảng mới có đoàn khách du lịch nước ngoài ghé thăm, các buổi tối thì trở nên tĩnh mịch, ít người.

Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay chia làm 5 khu lần lượt từ cổng vào, đó là: sân nhập đạo, sân Đại Trung, Vườn bia, sân của các bậc hiền nhân và Quốc Tử Giám. Để “đánh thức” không gian di tích về đêm, Ban Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tìm những giải pháp từ công nghệ, cụ thể là sử dụng 3D Mapping. Chương trình thử nghiệm tour đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực sự đã đem lại cho khánh tham quan cảm xúc đặc biệt.

“Tinh hoa đạo học” là chủ đề xuyên suốt của chương trình tour đêm trong khu di tích, người tham quan bắt đầu từ sân nhập đạo. Qua cửa Đại môn quan là sân đầu tiên: sân nhập đạo, chính giữa sân là con đường thẳng, hai bên có hồ sen và cây đại thụ tượng trưng cho đức hạnh và tài năng là chìa khóa cho lộ trình đến với đạo học. Tại đây, khách tham quan thưởng thức câu chuyện về “tứ linh huấn tử” kết hợp ánh sáng và âm thanh nhẹ nhàng giới thiệu về gia đạo trong văn hóa người Việt.

Từ sân nhập đạo qua Đại Trung môn sẽ vào đến khu tiếp theo là sân Đại Trung. Đây là ghép tên hai cuốn sách do học trò Khổng Tử soạn là Đại họcTrung dung. Cổng Đại Trung gồm 3 gian nhà, bên trên nóc có đôi cá chép chầu bình rượu tiên chứa tinh hoa của Khổng giáo, cá chép là biểu tượng của nho sinh trên con đường đạo học. Truyền thuyết bên Trung Quốc kể rằng, ở sông Hoàng Hà có một khối đá hình vòm cung gọi là Vũ Môn. Vào tháng ba, khi triều cường, những con cá nào nhảy qua được Vũ Môn sẽ hóa rồng, vì vậy, người ta thường ví những nho sinh đi thi chính là cá chép vượt vũ môn. Tại sân Đại Trung, đề tài trình chiếu là “Cá chép hóa rồng”, biểu tượng của tinh thần vượt qua khó khăn, bền bỉ phấn đấu để vươn tới vinh quang.

Sự thích thú của người tham quan sẽ tăng lên khi bước sang khu Vườn bia, ở đây, mỗi bia đá trở thành một cuốn sách với nhiều thông tin về lịch sử khoa cử trong các triều đại phong kiến. Từ Vườn bia, qua Đại Thành Môn, gồm 3 gian lắp cửa gỗ sơn son trang trí rồng mây vào tới sân của các bậc hiền nhân. Đây là nơi hội tụ các yếu tố của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo để hoàn thiện kiến thức của một nhà Nho. Qua sân Đại Bái hình vuông sẽ đến tòa Bái Đường và điện Đại Thành. Tòa Bái Đường gồm 9 gian với 40 cây cột đỡ, trên nóc là đôi rồng chầu mặt nguyệt. Nhà Bái Đường là nơi xưa vua làm lễ tế Khổng Tử và các vị tân khoa tiến sĩ tới quỳ lễ để bày tỏ lòng tôn kính. Tại sân Đại Bái, khách tham quan sẽ được trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo qua các trò chơi thú vị và bổ ích. Có thể thấy, ứng dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng đã dẫn dắt người xem hòa mình vào không gian di sản về đêm đầy thú vị và huyền ảo, những câu chuyện vốn nằm im trong sách sử giờ như hiện lên đầy sống động, hiện thực, kích thích niềm tự hào, tình yêu của người xem với văn hóa dân tộc.

Điểm cuối của tour du lịch là Bái Đường, lúc này đã biến thành một màn hình khổng lồ để trình chiếu 3D Video Mapping với chủ đề “Tinh hoa đạo học”, câu chuyện ở đây thật xúc động khi được thấy những hình ảnh trong quá khứ được tái hiện như trường thi, các sĩ tử ngày xưa lều chõng đi thi với ước mơ đỗ đạt thành danh vinh thân phì gia… Câu chuyện xa xưa về những giá trị tinh túy trong đạo học của người Việt được kể bằng những công nghệ hiện đại, nội dung chắt lọc và xúc tích đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem trong nước và quốc tế.

Toàn bộ câu chuyện về đạo học của người Việt trong quá khứ đã được kể lại nhờ công nghệ 3D Video Mapping, khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, sinh động lạ thường. Ánh sáng từ đèn chiếu, đồ họa 3D Video Mapping và không gian yên tĩnh tạo ra một không khí thật khác biệt. Hình ảnh, các mảng miếng đồ họa chuyển động, các hiệu ứng màu sắc kết hợp với âm thanh sống động, trang nghiêm góp phần làm lay động tình cảm và sự khâm phục của người xem đối với “Tinh hoa đạo học”. Du khách có thể thưởng thức khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc cổ với thiên nhiên tuyệt đẹp, yên tĩnh giữa lòng Thủ đô sôi động, cùng cảm nhận những giá trị tinh hoa dân tộc bắt nguồn từ gia đạo, gia phong, tinh thần hiếu học, kiên trì, bền bỉ, nỗ lực vươn lên của tầng lớp Nho sĩ Việt trong quá khứ.

Công nghệ và ánh sáng trong tour du lịch đêm, góp phần làm nổi bật giá trị mỹ thuật của kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nghệ thuật chạm khắc hoa văn trang trí trên những bia đá mấy trăm năm tuổi rất tinh tế, trang nhã. Mỗi chi tiết trang trí ở đây đều thấm đẫm những ý nghĩa thâm sâu, tinh túy trong đạo học của người Việt trải dài hàng nghìn năm.

Có thể thấy, cách tiếp cận di sản mới này đã mang lại hiệu quả rất lớn, đặc biệt, khi Việt Nam đang cần xây dựng những sản phẩm phục vụ công nghiệp văn hóa. Trước đó, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng đã kết hợp triển lãm đồ gốm khai quật được tại khu Di sản “Báu vật Hoàng cung” với trình chiếu 3D Mapping “Từ mặt đất đến bầu trời” cũng thu hút sự quan tâm của du khách. Và còn nhiều khu di tích, bảo tàng đã sử dụng công nghệ 3D vào trình chiếu thu hút rất đông khách tham quan.

Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nằm đối diện với Hoàng thành Thăng Long qua trục phố Hoàng Diệu, tại đây cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam đã được tiến hành từ tháng 12-2002. Dưới lòng đất nơi đây đã tìm thấy rất nhiều các loại hình di tích kiến trúc và đặc biệt là những đồ gốm chồng xếp lên nhau qua suốt 1.300 năm từ thời Đại La (TK VII-IX), qua thời Đinh - Tiền Lê (TK X), thời Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Hồ (1400-1407), Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527-1592), Lê Trung hưng (1592-1789) và Nguyễn (1802-1945). Tháng 9-2022 đã khánh thành không gian trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”. Trưng bày giới thiệu 29 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc trong suốt chiều dài lịch sử. Không gian trưng bày được cấu trúc gồm 3 phần chính: Không gian giới thiệu các hiện vật thời Lý - Trần; Không gian giới thiệu hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng; Không gian phía ngoài tạo điểm nhấn với các hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng như: chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, mô hình kiến trúc men xanh thời Lê sơ... Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, những ký ức vàng son về Kinh đô Thăng Long đến nay phần lớn chỉ còn lưu lại trong sử sách. Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D Projection Mapping trong trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” đã tạo nên hiệu ứng bất ngờ, độc đáo.

Công nghệ trình chiếu 3D Projection Mapping mô phỏng những hoa văn độc đáo được trình chiếu trực tiếp lên hiện vật phục chế để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và sự tinh xảo của đồ gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long. 3D Projection Mapping giúp công chúng tiếp cận rõ hơn vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung giúp tái tạo những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long qua các triều đại. Bên cạnh đó, những vật dụng quan trọng phục vụ sinh hoạt thường nhật đến các buổi yến tiệc trong Hoàng cung Thăng Long vào các dịp đại lễ, đăng quang hay sinh nhật nhà vua; các tự khí trong các tôn miếu hay vật trang hoàng nội thất, một số đồ trang sức, mảnh vàng trang trí trên đồ dùng, vật dụng, thanh gươm cẩn tam khí biểu trưng quyền lực hay lệnh bài của hoàng cung... Trải nghiệm các không gian trưng bày, người xem có thể hiểu được một phần thông điệp lịch sử, giá trị văn hóa của các loại hình di vật ở đây dù chưa nhiều như những phát hiện của khảo cổ học, nhưng với sự tương tác của 3D Projection Mapping phần nào cung cấp cho công chúng một cái nhìn trực quan hơn về các loại đồ dùng, vật dụng cùng với những sắc thái văn hóa rất đa dạng và riêng biệt của đời sống trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

3D Projection Mapping góp phần tái tạo không gian trưng bày thông qua mô phỏng hình ảnh cổng, bức tường cung điện thời Lý. Tại không gian trưng bày này, hệ thống máy chiếu lặp đi lặp lại tạo nên không gian màu hết sức uyển chuyển khắc họa quang cảnh tươi đẹp bốn mùa của cung điện xưa. Các họa sĩ thiết kế đã trung thành tuân thủ dữ liệu khảo cổ, tái tạo hình thể kiến trúc cổng và tường bao cung điện, họa tiết, màu sắc hài hòa phối hợp cùng sự uyển chuyển của cây cối, tiếng chim hót… đã tạo nên một cảnh tượng thiên nhiên đầy cảm xúc thú vị về mặt thị giác.

Thông qua đa dạng cách thức trưng bày hiện đại, đã tạo nên không gian sinh động vừa có khung cảnh chuyển động của thiên nhiên, vừa có sự phối kết hợp của âm thanh ánh sáng hợp lý cục bộ tại vị trí các hiện vật và ánh sáng chiếu sáng chung. Trong không gian khiêm tốn của khu trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”, người xem thực sự phấn khích trước sự tái tạo bối cảnh hoàng cung nhà Lý, góp phần mang lại cảm xúc ấn tượng về các đồ dùng vật dụng của Hoàng cung Thăng Long xưa.

3. Kết luận

Khoa học và công nghệ càng tiến xa bao nhiêu thì nghệ thuật trưng bày tại các bảo tàng càng có cơ hội phát triển thông qua những sáng tạo vô bờ bến của những nhà thiết kế. Ngày nay, những nhà thiết kế hình thức nghệ thuật trưng bày bảo tàng không còn chỉ là tập hợp đội ngũ thiết kế: kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thiết kế như trước đây, mà còn có sự tham dự của các kỹ sư IT, nhà làm phim, nhà toán học… họ góp phần thực thi nội dung trưng bày theo hướng tiếp cận mới: đa dạng, hấp dẫn, tương tác và đầy biến ảo. Mỹ thuật đa phương tiện được sự tiếp sức bởi công nghệ hiện đại, có khả năng chiếm lĩnh và làm chủ bố cục không gian trưng bày. Người xem không chỉ bị cuốn hút bởi thị giác như những bảo tàng thông thường, mà còn bị cuốn hút bởi thính giác và xúc giác. Những yếu tố mới này đã lôi cuốn người xem vượt lên trên khái niệm “tham quan bảo tàng” thông thường và người xem đã trở thành yếu tố tham dự, lôi cuốn vào cái gọi là “cuộc chơi nghệ thuật”. Bên cạnh đó, xu thế ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật của công nghệ số vào thiết kế nội thất bảo tàng đã biến không gian bảo tàng thành những không gian tương tác của những “cuộc chơi công nghệ” trong xã hội hiện đại. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những triển lãm đặc sắc như vậy để người dân Việt vừa được tiếp cận với công nghệ hiện đại vừa được quay trở về với văn hóa, tinh thần Việt để hiểu thêm và yêu đất nước, dân tộc mình.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thịnh, Thiết kế trưng bày di sản - Lý thuyết và thực hành, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2012.

2. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học Bản sắc và hội nhập trong mỹ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội, 2019.

3. What is 3D Mapping - Draw & Code (3D Mapping là gì? - Vẽ & Mã), drawandcode.com.

4. 3D Mapping là gì? Lợi ích, ứng dụng về 3D Projection Mapping, filmciti.com.vn.

5. 3D Mapping là gì? Ứng dụng và chi phí 3D Mapping trong tổ chức sự kiện - Hoàng Minh JSC, hmico.vn.

6. Công nghệ 3D Mapping - Cuộc cách mạng của thế giới bản đồ, vr360.com.vn.

7. Trinh Nguyễn, “Chạm vào” báu vật hoàng cung Thăng Long, thanhnien.vn, 10-9-2022.

8. H.T, Trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”, hanoi.gov.vn, 12-9-2022.

TS LÊ THANH HƯƠNG - TS HỒ NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;