Tháng 9 vừa qua, bộ phim điện ảnh Mưa trên cánh bướm (tựa tiếng Anh: Don’t Cry, Buttefly) thu hút sự chú ý lớn từ giới truyền thông và cả những khán giả yêu điện ảnh khi chiến thắng 2 giải thưởng tại Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 81. Phim cũng tham dự gần 20 LHP lớn nhỏ trên toàn cầu và giành về nhiều giải thưởng quan trọng khác. Bộ phim đã chính thức ấn định lịch khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 3/1/2025. Đạo diễn Dương Diệu Linh trả lời phỏng vấn xoay quanh bộ phim này và hành trình làm phim của chị.
●Trước khi nổi tiếng với phim dài đầu tay Mưa trên cánh bướm, chị đã có một hành trình khá dài đi từ những bộ phim ngắn. Nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam cũng từng trưởng thành từ phim ngắn, liệu phim ngắn có phải là sự mở đầu tất yếu mà một nhà làm phim nên trải qua?
Bất kì loại hình nghệ thuật nào cũng cần những sự rèn luyện, mài dũa kĩ năng, tìm tòi chủ đề sáng tạo. Đặc biệt với điện ảnh, một loại hình đặc biệt đứng giữa lằn ranh nghệ thuật và thương mại, với những ràng buộc trách nhiệm cao cả về mặt sáng tạo lẫn chi phí sản xuất, thì người làm phim buộc phải tự trau dồi bản thân để có thể gánh đỡ được những trọng trách gắn với tác phẩm của mình. Phim ngắn là cơ hội tốt để người làm phim có thể trải nghiệm điều này.
Một bộ phim ngắn yêu cầu chi phí thấp hơn nhiều so với phim dài, quá trình sản xuất cũng ít ngày hơn, ngoài ra thời lượng của phim thường chỉ từ 15-20 phút, cho phép người làm phim được kể một câu chuyện súc tích với thông điệp rõ ràng. Nói vậy không có nghĩa là phim ngắn thì “dễ” làm hơn phim dài - tôi luôn quan niệm phim ngắn là một thể loại riêng, và có những câu chuyện đắt giá chỉ có thể kể qua phim ngắn chứ không nên làm thành phim dài. Việc truyền tải một thông điệp có ý nghĩa trong thời lượng giới hạn cũng là thử thách khó nhằn với các nhà làm phim. Cá nhân tôi dù đã làm xong phim dài đầu tay thì vẫn tiếp tục viết kịch bản phim ngắn, nếu như tôi cảm thấy câu chuyện và thông điệp đó phù hợp với thời lượng và thể loại phim ngắn.
Cảnh phim Mưa trên cánh bướm
Quan trọng hơn hết, việc có trong tay một “bảng thành tích” phim ngắn đã sản xuất sẽ khiến quá trình kêu gọi vốn và hỗ trợ cho phim dài dễ dàng hơn rất nhiều, vì thường thì các nhà đầu tư sẽ muốn nhìn vào các tác phẩm trước đó để đánh giá khả năng và trình độ của một nhà làm phim. Đối với các bạn làm phim độc lập có nguyện vọng xin tài trợ từ các quỹ điện ảnh quốc tế thì việc có một hoặc vài phim ngắn tham gia các LHP danh tiếng sẽ là một lợi thế, thậm chí với một số quỹ thì đó gần như là yêu cầu bắt buộc.
●Nhiều nhà làm phim trẻ thành danh từ những bộ phim ngắn tham gia Dự án phim ngắn CJ, ở góc độ một nhà làm phim, chị đánh giá thế nào về Dự án phim ngắn này?
Tôi rất biết ơn Dự án phim ngắn CJ vì đã là bệ phóng cho không chỉ tôi mà rất nhiều nhà làm phim trẻ khác tại Việt Nam. Đây là một trong những quỹ hiếm hoi tài trợ cho phim ngắn không chỉ ở nước mình mà còn trong toàn khu vực Đông Nam Á. Khi tôi trao đổi với các đồng nghiệp ở những nước lân cận, bài toán luôn làm người trẻ đau đầu đó là tìm kinh phí để làm phim ngắn. Những nhà đầu tư thường chỉ quan tâm đến phim dài, nhưng như tôi đã trao đổi ở trên, nếu không có những phim ngắn đã làm từ trước thì thật khó để nhận được sự hỗ trợ, dù ý tưởng phim dài của bạn có hay đến đâu.
Đạo diễn Dương Diệu Linh và ê kíp làm phim Mưa trên cánh bướm vui mừng đón nhận hai giải thưởng tại LHP Venice 2024
Tôi đã từng làm những bộ phim ngắn có chi phí thấp - 8 triệu, 15 triệu hay 100 triệu. Dù điều quan trọng nhất vẫn là ý tưởng và ngôn ngữ điện ảnh, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng kinh phí làm phim cao hơn thì cho phép người làm phim có nhiều tự do và điều kiện để tạo ra chất lượng hình ảnh tốt hơn. Hiện giờ mức hỗ trợ của CJ là 300 triệu cho một phim ngắn, một con số không hề nhỏ nhưng đã phản ánh quyết tâm và tầm nhìn của ban tổ chức về việc vun đắp cho nền điện ảnh Việt Nam. Mong rằng các nhà làm phim trẻ sẽ trân trọng và nắm bắt cơ hội này.
●Những bộ phim ngắn của chị như Mother, Daughter, Dreams (Mẹ, con gái và những giấc mơ); Ngọt và mặn; Thiên đường gọi tên… đều xoay quanh những người phụ nữ ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trung niên. Đời sống tinh thần của phụ nữ có gì hấp dẫn với chị - một nữ đạo diễn thế hệ 9X?
Việc bắt đầu viết về chủ đề những người phụ nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau dựa trên những quan sát của tôi từ một cô gái vị thành niên còn dựa dẫm vào gia đình, cho đến khi thành một người phụ nữ trưởng thành và độc lập. Tôi cảm nhận thấy ở mỗi giai đoạn thì những người phụ nữ sẽ trải qua những trăn trở, băn khoăn và gánh nặng khác nhau về gia đình, xã hội và tình yêu. Khi bắt đầu đào sâu vào tâm lý phụ nữ ở các lứa tuổi và mối quan hệ của chúng với lịch sử cũng như điều kiện xã hội, tôi nhận ra nó phức tạp hơn những thứ chúng ta nhìn thấy ở trên bề mặt rất nhiều. Đó cũng là lí do vì sao tôi thực hiện một chuỗi phim ngắn về cùng một đề tài, với mong muốn tìm hiểu điều gì ẩn đằng sau những bất hạnh của một người phụ nữ hiện đại.
●Bộ phim Mưa trên cánh bướm được nhận xét là mang đến góc nhìn mới mẻ về phụ nữ. Chị có thể chia sẻ về cảm hứng sáng tạo nên tác phẩm này cũng như những thông điệp mà chị muốn gửi gắm?
Tôi lấy cảm hứng từ tất cả những gì xảy ra xung quanh mình trong cuộc sống thường nhật, kể từ những người tôi từng gặp và tiếp xúc lâu dài, cho đến các cuộc đối thoại vu vơ ở quán cafe, trong nhà hàng, các video clip viral trên mạng... Mỗi khi quan sát được một điều gì thú vị hoặc khiến mình suy ngẫm tôi lại ghi nhớ trong đầu hoặc viết vào list ý tưởng của mình. Đôi khi nó là những câu thoại đời sống, hoặc một hình ảnh lặp đi lặp lại thu hút sự chú ý của cá nhân tôi. Mưa trên cánh bướm cũng như tất cả các bộ phim ngắn trước đó đều được ra đời từ những mảnh kí ức như vậy.
Đạo diễn Dương Diệu Linh và diễn viên Tú Oanh tại LHP QT Busan 2024
Tôi lớn lên trong một giai đoạn khá thú vị, khi mà xã hội có sự chuyển giao từ những tư tưởng phong kiến phụ hệ sang việc tiếp cận những giá trị phương Tây, bao gồm cả sự giải phóng phụ nữ. Tôi nghĩ những người phụ nữ cùng thế hệ với tôi đều ít nhiều có khát vọng được bứt ra khỏi những ràng buộc và kỳ vọng của xã hội từng bó buộc các thế hệ đi trước, bằng cách tốt nhất trong khả năng của mình.
Tuy nhiên, những “nỗi đau liên thế hệ” (generational trauma) không phải là thứ có thể biến mất trong ngày một ngày hai, và nó không chỉ áp dụng đối với phụ nữ mà cả những người đàn ông. Tôi quan tâm tới những khuôn mẫu từ một xã hội vốn đã sẵn phức tạp khiến những cá nhân trong một gia đình luôn phải gồng mình lên để đáp ứng chúng, thay vì thực sự kết nối với nhau và ngay chính bản thân mình bằng những cảm xúc thuần khiết của một con người.
●Với nhiều nhà làm phim, điều quan trọng nhất khi làm phim là cảm xúc mà nó mang lại cho người xem, vậy điều gì chị chú trọng nhất khi làm một bộ phim?
Cảm xúc chính là kim chỉ nam của tôi, kể từ khi viết kịch bản cho đến khi hoàn thành bộ phim. Tôi để cho mạch câu chuyện đi theo mạch cảm xúc của nhân vật, thay vì cố gắng nhét các nhân vật của mình vào một công thức mà người ta thường dùng trong quá trình biên kịch, dựng phim hay hòa âm. Với mỗi cảnh phim, cuộc đối thoại giữa tôi và các cộng sự không bao giờ là về việc quay thế nào cho hoàng tráng, cho gây ấn tượng một cách máy móc vô hồn, mà nó luôn xoay quanh hai từ “cảm xúc” - cảm xúc của từng nhân vật, của nhịp điệu, của màu sắc, của góc quay.
Tôi tin chỉ cần bộ phim của mình đủ chân thành về mặt cảm xúc thì sẽ có thể chạm đến trái tim của khán giả, dù họ đến từ bất cứ đâu trên thế giới.
●Hiện nay nhiều nhà làm phim trẻ đã ghi dấu ấn của điện ảnh Việt Nam qua các giải thưởng tại các LHP danh tiếng trên thế giới, liệu có thể hy vọng về một thế hệ đạo diễn mới của điện ảnh Việt?
Tất nhiên là hi vọng chứ! Và tự hào nữa.
Tôi nhớ hồi nhỏ đọc được ở đâu đó một câu: “Nếu muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những nhà làm phim với cá tính riêng, sắc màu và thanh âm riêng, để tạo nên chiếc cầu vồng đa sắc kết nối những tầng văn hóa phức tạp và rực rỡ của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
●Công ty Barunson E&A của Hàn Quốc đã mua quyền phân phối toàn cầu cho bộ phim Mưa trên cánh bướm, phim cũng phát hành tại Việt Nam từ ngày 3/1/2025. Chị có kỳ vọng gì về doanh thu của bộ phim ở thị trường Việt không?
Đứng trên cương vị một người làm sáng tạo thì thực ra điều khiến tôi hạnh phúc nhất là khi có thể kết nối được với khán giả. Tôi mong khi xem phim thì mọi người có thể thấy bản thân mình, hay những người thân của mình thấp thoáng ở đâu đó qua các nhân vật trong phim. Vậy là tôi đã mãn nguyện lắm rồi.
Nhưng như tôi đã nói phía trên thì điện ảnh là một nền công nghiệp đứng giữa nghệ thuật và thương mại, vậy nên không thể không quan tâm đến doanh thu. Tôi mong phim sẽ được đón nhận ở quê nhà và phần nào phá vỡ lời nguyền “phim nghệ thuật thì kén khán giả”!
●Xin cảm ơn chị và chúc chị luôn thành công!
LÊ KHÁNH LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024