Diễn giải di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc: Từ góc độ kinh tế nghi lễ

Tóm tắt: Ngày nay, cách tiếp cận kinh tế nghi lễ để diễn giải di sản chạm khắc đá cổ đã trở nên thịnh hành trong nhân học hiện đại trên khắp thế giới. Người xưa quan niệm mọi nguồn lực vật chất đều do các vị thần cai quản. Con người sử dụng các nguồn lực ấy để tạo ra các giá trị kinh tế bằng cách ứng xử sùng kính theo đúng nghi lễ với thần linh. Ẩn ý đó được thể hiện rất phổ biến trên các di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam. Vì vậy, việc diễn giải các tác phẩm chạm khắc đá dưới lăng kính kinh tế nghi lễ giúp làm sáng tỏ ý nghĩa và góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn của loại. hình di sản vô giá này.

Từ khóa: kinh tế nghi lễ, phương thức sản xuất gia đình, diễn giải di sản.

Abstract: Nowadays, the economic approach to interpreting ancient rock carving heritage has become popular in modern anthropology worldwide. Ancient people believed that all material resources were governed by gods. Humans used those resources to create economic values by behaving respectfully and ritually towards the deities. That implied meaning is very commonly expressed in the ancient rock carving heritage of Northern Vietnam. Therefore, interpreting rock carving artworks through the lens of ritual economy helps to clarify their meaning and significantly contributes to the preservation and promotion of the great values of this priceless heritage.

Keywords: ritual economy, family mode of production, heritage interpretation.

Họa tiết khắc trên bề mặt hòn đá thiêng tại Mù Cang Chải, Yên Bái - Ảnh: Lê Hài Đăng

Tại miền núi phía Bắc Việt Nam, lần đầu tiên, di sản chạm khắc đá cổ được người Pháp phát hiện vào năm 1924 tại thung lũng Mường Hoa, Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Năm 1925, GS Victor Goloubev là người đầu tiên công bố bài Đá có hình khắc ở khu vực Sa Pa (Roches gravées dans la région de Chapa) nghiên cứu về những khối đá chạm khắc ở vùng Sa Pa. Trong bài viết, ông đã liên tưởng các hình tượng chạm khắc trên đá với những con đường, lạch nước, ruộng bậc thang, các ngôi nhà, bản làng. Ngoài ra, ông còn đối chiếu các hình khắc trên đá với các họa tiết trên đồ thêu của người dân tộc thiểu số, trên các đồ đồng Đông Sơn để diễn giải các hình chạm khắc Sa Pa (1). Sau đó, nhà dân tộc học Paul Levy của Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội đã công bố một bài viết Mối quan hệ giữa các hình khắc trên đá ở Chapa (Bắc Kỳ) và một số sự kiện dân tộc học và tiền sử (Rapport entre les gravures rupestres de Chapa (Tonkin) et certain faits ethnologiques et prehistoriques) về các hình khắc trên đá Sa Pa. Theo ông, chủ nhân của nó đến từ nước ngoài và liên tưởng một số hình khắc với hồ sơ về địa bạ và quang cảnh đô thị (2). Gần đây, vào năm 2014, TS Sử học người Pháp Philippe Le Failler đã có những đóng góp quan trọng cho diễn giải di sản Sa Pa, coi đó là các bản đồ tổng thể về bản làng nơi đây (3).

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), nhiều nhà khảo cổ học, dân tộc học và văn hóa học Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu di sản chạm khắc đá tại Sa Pa. Tiếp đó, vào năm 2002, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tiến hành cuộc nghiên cứu khảo cổ học chính thức tại bãi đá cổ Tả Phìn, tại khu vực rừng cấm Tả Van. Vào năm 2006, có hội thảo quy mô do các nhà nghiên cứu mỹ thuật chủ trì. Năm 2007, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Viện Mỹ thuật thực hiện các nghiên cứu liên ngành địa chất học, khảo cổ học và nghệ thuật. Ngoài ra, ở Sơn La còn phát hiện được hàng loạt di tích chạm khắc đá ở Pá Màng, Khe Hổ xã Hang Chủ, huyện Bắc Yên (4). Tại Hà Giang di tích chạm khắc đá Xín Mần được phát hiện và năm 2007 được xếp hạng di tích quốc gia (5). Tại Yên Bái, năm 2015, các di tích chạm khắc đá cũng được tìm thấy ở hai bản Tà Ghênh và Hồng Nhì Pá của xã Lao Chải (6). Cuối cùng, cần phải nói đến phát hiện mới nhất về di tích chạm khắc đá ở Suối Cỏ xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (7).

1. Diễn giải di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc từ góc độ kinh tế nghi lễ

Khái niệm kinh tế nghi lễ

Các nhà khảo cổ học Mỹ Patricia McAnany và Christian Wells đã đề xuất khái niệm kinh tế nghi lễ là “quá trình cung cấp và tiêu thụ nhằm vật chất hóa và chứng minh thế giới quan để quản lý ý nghĩa và định hình diễn giải”, nhằm làm rõ hệ thống ý nghĩa tiềm ẩn của các hoạt động kinh tế liên quan đến các thế lực siêu nhiên giữa con người và vạn vật. Hai tác giả trên cũng đề xuất ba lĩnh vực chủ chốt: thực tiễn hoạt động kinh tế mang tính nghi lễ (cầu xin, tôn thờ đất đai, cây cối, đá, nước...); các kết quả vật chất hóa thành vật dụng, đồ ăn, thức uống và chứng minh các thực hành đó dưới hình thức nghi lễ; vai trò xã hội quan trọng của thực hành nghi lễ trong việc xác lập ý nghĩa và diễn giải kinh nghiệm sống (8). Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng phân đôi và mâu thuẫn giữa nghi lễ và kinh tế, các nhà khoa học đã đề xuất tính xã hội kết nối giữa nghi lễ và kinh tế thông qua các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng và các giá trị chung; kinh tế nghi lễ có thể giúp hồi sinh các gắn kết nhóm trong các hình thức hoạt động cộng đồng (9).

Cho đến nay, kinh tế nghi lễ đều nhấn mạnh đến việc thực thi quyền lực thông qua hệ thống biểu tượng và chứng minh các điều kiện tiên quyết của việc trình diễn nghi lễ (10). Chẳng hạn, trong nhiều cộng đồng Đông Nam Á, hình tượng công cụ sản xuất trong kinh tế là cái chàycái cối luôn được diễn giải là biểu trưng của bộ phận sinh dục nam và nữ, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Về phương diện xã hội, chúng lại có giá trị cao hơn bất kỳ giá trị thực dụng hoặc giá trị trao đổi nào nhờ vào ý nghĩa được mã hóa trong các nghi lễ, giúp diễn đạt rõ ràng hành động của con người (11). Do đó, kinh tế nghi lễ giống như một phương tiện quy ước hóa thể hiện trong việc sử dụng các nguồn lực vào sản xuất, tiêu dùng hàng hóa và trình diễn sản phẩm kinh tế nghi lễ cùng hệ thống biểu tượng và ý nghĩa mà các lợi ích, các thỏa thuận kinh tế, xã hội và tín ngưỡng được thể hiện rõ ràng.

Phương thức sản xuất gia đình trong kinh tế nghi lễ

Phương thức sản xuất là khái niệm do Karx Marx đề ra trong tác phẩm Phê phán Kinh tế Chính trị. Theo Marx: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định quá trình đời sống xã hội, chính trị và trí tuệ nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ (thực tiễn của họ), mà ngược lại, tồn tại xã hội (thực tiễn của họ) quyết định ý thức của họ (lý thuyết của họ)” (12). Trên cơ sở quan niệm về phương thức sản xuất được Marx đề xuất, Rappaport cho rằng: có tồn tại một phương thức sản xuất nghi lễ, trong đó, mọi quan hệ xã hội đều mang đậm niềm tin vật linh giáo trong các xã hội có quy mô cộng đồng, phi nhà nước (13). Khái niệm này liên quan mật thiết với mô hình lý tưởng về tình trạng kém sản xuất cố hữu trong “phương thức sản xuất gia đình”, chế độ tự túc của hộ gia đình và sự phụ thuộc lẫn nhau trong một phương thức sản xuất nghi lễ như vậy (14).

Đây chính là thời điểm mà sự ràng buộc lẫn nhau về phương diện nghi lễ trong các hoạt động kinh tế bắt đầu linh thiêng hóa việc sản xuất và trao đổi hàng hóa. Ở quy mô kinh tế hộ gia đình tự cấp và sự phụ thuộc lẫn nhau, thì phương diện nghi lễ của kinh tế lại cung cấp một nền tảng linh thiêng hóa cho tính xã hội rộng lớn hơn khi chưa có được một hệ thống thể chế nhà nước tập trung. Đồng thời, kinh tế nghi lễ còn có thể tạo ra các mối quan hệ quyền lực phân tầng thông qua các mặt hàng biểu trưng cho quyền lực thiêng liêng khiến xã hội phải tòng phục nhằm kiểm soát các mối quan hệ sản xuất ngày càng khác biệt tạo ra giữa những người sản xuất, trao đổi và tiêu dùng (15). Điều đó biểu hiện rất rõ ràng trong việc linh thiêng hóa các mối quan hệ xã hội nhân danh gia đình, ràng buộc con người và tự nhiên bằng các nghi lễ linh thiêng như thờ thần lúa, thần đất, thần nước, thần rừng…; ràng buộc giữa con người và con người bằng các thế lực vô hình như linh hồn tổ tiên, ma quỷ, mang tính gia đình (16).

Khái niệm và nguyên tắc diễn giải di sản

Diễn giải di sản là một quá trình tìm cách giảng giải, phân tích, làm sáng tỏ ý nghĩa của sự vật, hiện tượng nào đó thuộc lĩnh vực di sản về phương diện tự nhiên và văn hóa, giúp nâng cao tri thức, hiểu rõ giá trị, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các địa điểm di sản (17). Trong lĩnh vực diễn giải di sản, Freeman Tilden đóng vai trò là một nhân vật chủ chốt và những ý tưởng mà ông thể hiện đã trở thành các nguyên tắc mang tính “kinh điển” nhưng lại rất hiện thực và thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn ngày nay. Thông qua các nguyên tắc này, ý nghĩa của di sản được truyền tải tới công chúng một cách hệ thống, dễ hiểu, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị của nó. Dưới đây là các nguyên tắc đó.

Nguyên tắc thứ nhất, “Bất kỳ diễn giải nào vì lý do nào đó không liên kết những gì đang được trưng bày hoặc mô tả với điều gì đó trong tính cách hoặc trải nghiệm của khách thăm thì đều trở nên vô ích”. Điều đó giúp cho du khách cảm thấy được nhập cuộc, được cung cấp thông tin, nâng cao tri thức và được trải nghiệm sống. Du khách không muốn chỉ nghe thấy mà họ còn muốn được trò chuyện với di sản (18).

Nguyên tắc thứ hai: “Diễn giải phải là sự bộc lộ ý nghĩa dựa trên thông tin, mọi diễn giải đều bao gồm thông tin”. Mọi du khách đều có khả năng hiểu được thông điệp, qua đó quá trình diễn giải luôn mang tính liên ngành; tính xác thực và đạo đức của diễn giải dựa trên sự kết hợp cân bằng giữa khoa học và đạo đức nghề nghiệp (19).

Nguyên tắc thứ ba, diễn giải di sản là một nghệ thuật, kết hợp nhiều nghệ thuật, bất kể loại chất liệu nào được xử lý; và mục đích cuối cùng của diễn giải là mang lại trải nghiệm đáng nhớ hơn là chỉ hướng đến giáo dục du khách bằng mọi giá. Chính vì vậy, việc gửi thông điệp một cách nghệ thuật là sự kết hợp tốt nhất để đào tạo, giáo dục và đồng thời gây được ấn tượng và chức năng giải trí là cơ bản (20).

Nguyên tắc thứ tư, mục đích chính của việc diễn giải “không phải là hướng dẫn mà là khiêu khích” cái cá nhân trong du khách. Bằng cách này, du khách trải nghiệm cảm giác hài lòng với cảnh quan, ý nghĩa, giá trị của di sản, kích thích du khách quay trở lại. Các địa điểm di sản phải trở nên hấp dẫn thông qua sự tương tác giữa con người và môi trường trong địa điểm di sản (21).

Nguyên tắc thứ năm, cách tiếp cận toàn diện để diễn giải sẽ làm tăng khả năng hiểu và tiếp thu thông điệp, củng cố mối liên hệ giữa du khách và không gian di sản, bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của địa điểm, giúp du khách thấu hiểu từ quá khứ đến hiện tại. Việc hiểu rõ nhu cầu của du khách ngày càng trở nên quan trọng (22).

Nguyên tắc thứ sáu, việc giải thích cho trẻ em không nên làm loãng đi cách trình bày dành cho người lớn mà phải theo một cách tiếp cận khác. Trẻ em thường ưa thích những gì được phóng đại và liên quan đến các giác quan đặc biệt như chạm, ngửi và tương tác với đồ vật. Điều đó làm nảy sinh các kỳ vọng về giá trị, bản sắc xã hội của di sản cho cả trẻ em và người lớn (23).

2. Gợi ý diễn giải di sản đá cổ miền núi phía Bắc từ góc độ kinh tế nghi lễ

Sử dụng hợp lý các nguyên tắc của Tilden

Nhà diễn giải tự nhiên và văn hóa - Tilden, đã xây dựng các nguyên tắc diễn giải di sản trong không gian, thời gian và đối tượng diễn giải hầu hết khác biệt với Việt Nam chúng ta. Vì vậy, để sử dụng hợp lý các nguyên tắc của ông vào việc diễn giải các di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam, chúng ta cần làm rõ, thậm chí diễn giải lại các nguyên tắc đó sao cho phù hợp với điều kiện và bối cảnh của đất nước. Chẳng hạn, nguyên tắc thứ nhất, “Bất kỳ diễn giải nào vì lý do nào đó không liên kết những gì đang được trưng bày hoặc mô tả với điều gì đó trong tính cách hoặc trải nghiệm của khách thăm thì đều trở nên vô ích”. Về phương diện văn hóa, rõ ràng nguyên tắc này thích hợp với việc đề cao vai trò của cá nhân, thậm chí còn được nâng lên thành “chủ nghĩa cá nhân”, trong khi đó, đối với chúng ta, nguyên tắc này hoàn toàn có thể được tái diễn giải hoặc bổ sung như sau: Bất kỳ diễn giải nào không liên kết những gì đang được trưng bày hoặc mô tả với điều gì đó trong tính cách hoặc trải nghiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, tộc người, dân tộc, quốc gia của khách thăm thì đều trở nên vô ích. Đặc biệt, trong bối cảnh tình cảm và nhận thức về gia đình, cộng đồng, tộc người, dân tộc, quốc gia của người dân miền núi phía Bắc bao giờ cũng vượt lên khỏi cái cá nhân. Trong khi đó, ý thức cộng đồng tộc người của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Thái, Mường… tại các khu di sản chạm khắc đá cổ lại rất cao.

Cũng trên cơ sở chủ nghĩa cá nhân, nguyên tắc thứ 2 của Tilden cho rằng, “diễn giải phải là sự bộc lộ ý nghĩa dựa trên thông tin, mọi diễn giải đều bao gồm thông tin” thông qua kinh nghiệm và nhận thức cá nhân của người diễn giải về chủ đề được đề cập. Trước hết “thông tin” là một khái niệm có nội hàm rất rộng rãi và nó được thu nhận qua các giác quan là: thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác của mỗi cá nhân để trở thành nhận thức. Tuy nhiên, đối với tình cảm và nhận thức giá trị của người dân miền núi phía Bắc thì nhận thức cá nhân của người diễn giải về chủ đề được đề cập là không đầy đủ và đôi khi không tránh khỏi lệch lạc. Vì vậy, nguyên tắc này có thể và cần được bổ sung thêm ý nghĩa sau: “Diễn giải phải là sự bộc lộ ý nghĩa dựa trên thông tin, mọi diễn giải đều bao gồm thông tin” thông qua kinh nghiệm và nhận thức cá nhân của người diễn giải trên cơ sở tình cảm và nhận thức rõ giá trị về gia đình, cộng đồng, tộc người, dân tộc, quốc gia của người Việt Nam.

Tuy nhiên, nguyên tắc thứ tư cho rằng, diễn giải không phải là hướng dẫn mà là “khiêu khích” cái cá nhân trong du khách. Mục đích chính của phương thức diễn giải đó làm cho địa điểm di sản hấp dẫn trải nghiệm cá nhân của du khách. Nguyên tắc “khiêu khích” của Tilden có thể thích hợp với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa Phương Tây, tuy nhiên, đối với Việt Nam thì nguyên tắc này chắc chắn sẽ khiến cho kết quả của hành động diễn giải không khỏi rơi vào thiên lệch. Do đó, nguyên tắc này có thể và cần được bổ sung thêm ý nghĩa sau: phương thức “khiêu khích” của người diễn giải di sản không thể thay thế cho việc hướng dẫn nhận thức của du khách trên cơ sở tình cảm và nhận thức rõ giá trị về gia đình, cộng đồng, tộc người, dân tộc, quốc gia của người dân miền núi phía Bắc nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung.

Ứng dụng hiệu quả nội hàm kinh tế nghi lễ trong diễn giải di sản

Để có thể ứng dụng hiệu quả nội hàm kinh tế nghi lễ trong diễn giải di sản thì cần phải hiểu đúng bản chất của kinh tế nghi lễ dựa trên một nguyên tắc chung với kinh tế học, đó là khoa học về các nguồn lực khan hiếm. Nói một cách đơn giản: nguồn lực khan hiếm là thứ mà mọi người thường mong muốn có được nhiều hơn mức hiện có. Vì vậy, tình trạng khan hiếm biểu hiện một mối quan hệ nhất định giữa các nhu cầu và khả năng đáp ứng được các nhu cầu đó, trong khi các nhu cầu và mong muốn của con người thì vô tận, mà các nguồn lực lại luôn hữu hạn. Trong thực tế thì xã hội không thể nào có đủ các nguồn để đáp ứng được một cách đầy đủ các nhu cầu và mong muốn đó (24).

Theo cách nhìn hiện đại thì hoàn toàn có thể phân tích kinh tế nghi lễ như một quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng, như một sự phân bổ các nguồn lực khác nhau trong quá trình sản xuất. Nhưng bản chất của các nguồn lực trong kinh tế nghi lễ lại khác với các nguồn lực trong kinh tế học duy lý hiện đại. Trong kinh tế nghi lễ, mọi nguồn lực tạo ra giá trị vật chất như đất, nước, rừng cây, nương rẫy, hạt giống… không hề vô tri, mà đều do thần đất, thần nước, thần rừng, thần cây, thần hạt giống cai quản. Do đó, muốn sử dụng các nguồn lực ấy để tạo ra các giá trị kinh tế thì người ta phải cư xử với các nguồn lực đó theo đúng nghi lễ cư xử với các vị thần. Và chính sự khác biệt đó khiến cho kinh tế nghi lễ đã được xây dựng trên một hệ thống tín ngưỡng của riêng mình, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ nhưng linh thiêng giữa nhân tố kinh tế và nhân tố nghi lễ thông qua các “nguồn lực” khan hiếm mang tính thần linh.

Vì vậy, để có thể ứng dụng khái niệm kinh tế nghi lễ trong diễn giải di sản, chúng ta cần nhận thức rõ: Một, kinh tế nghi lễ với thể chế mang tính thần linh đòi hỏi phải có các giao tiếp chuẩn mực với bản thân, gia đình, cộng đồng, môi trường và mọi nguồn lực theo đúng cách hành xử với thế giới hữu thần luận; Hai, các nguồn lực khan hiếm trong kinh tế nghi lễ chính là yếu tố thần linh đòi hỏi phải thiết lập các mối quan hệ chuẩn mực thông qua hàng loạt công cụ nghi lễ nhằm gắn kết với thế giới thần linh; Ba, kinh tế nghi lễ được xây dựng ở quy mô gia đình, sản xuất ra các sản phẩm vật chất trên cơ sở giao tiếp nghi lễ chuẩn mực với thần linh. Đó là giấc mơ của các cộng đồng nhỏ, chưa đạt đến trình độ phát triển của các thể chế nhà nước tập trung. Vì vậy, họ mong muốn xây dựng được các hệ thống, trật tự theo lý tưởng nguyên hợp nhằm thoát khỏi tình trạng hỗn mang đầy biến động đối với các tộc người vẫn còn ở quy mô và trình độ phát triển thấp.

Trong bối cảnh kinh tế nghi lễ, mọi hệ thống biểu tượng, hình tượng đều được quy ước thành các ý nghĩa và được sử dụng làm công cụ giao tiếp với bản thân, gia đình, cộng đồng, môi trường theo nghi lễ chuẩn mực với thần linh. Tùy theo trường hợp, bối cảnh văn hóa, lịch sử mà cái tôi hoặc chúng ta được đồng nhất với cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng... Môi trường xã hội với mọi tác nhân quan trọng nhất đều chỉ gắn bó, liên quan mật thiết đến đời sống gia đình, dòng họ, cộng đồng tộc người là chính. Đối với họ, thế giới bao gồm cõi trời, cõi đất, cõi nước, cõi rừng thiêng, cõi chết, địa ngục… Đó là mọi thực tại hữu hình và vô hình bên trong gia đình, cộng đồng, xung quanh cộng đồng, trong đó có thần linh, ma quỷ, vạn vật có linh hồn và đặc biệt là các gia đình, cộng đồng khác có thể là đồng minh, nhưng cũng có thể là thù địch.

3. Kết luận

Hệ thống di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc là một loại hình thống nhất về phong cách nghệ thuật và kỹ thuật, là loại hình di sản độc nhất trong khu vực và cả phạm vi thế giới. Cho đến nay, dù đã có nhiều thành quả nghiên cứu liên quan, nhưng không ít vấn đề hệ trọng về nội dung, ý nghĩa hiện thực và biểu trưng các hình chạm khắc của các di sản vẫn còn là những khoảng trống. Vì vậy, các công cụ lý thuyết mới của ngành văn bản học, ký hiệu học, các nguyên tắc diễn giải di sản cập nhật đòi hỏi phải được ứng dụng rộng rãi hơn nữa. Đặc biệt, cách tiếp cận diễn giải di sản bằng nội hàm các khái niệm của bộ môn kinh tế học nghi lễ trên cơ sở phương thức sản xuất gia đình ngày càng trở nên phổ biến, chắc chắn sẽ góp phần làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa và giá trị của loại hình di sản chạm khắc đá độc đáo này.

____________________

1. Goloubew V., Roches gravées dans la région de Chapa (Đá có hình khắc ở khu vực Sa Pa), In Bulletin de l’École française d’Extrême - Orient Année, 1925, tr.423-434.

2. Lévy P., Rapport entre les gravures rupestres de Chapa (Tonkin) et certain faits ethnologiques et prehistoriques (Mối quan hệ giữa các hình khắc trên đá ở Chapa (Bắc Kỳ) và một số sự kiện dân tộc học và tiền sử), In Bulletin de l’Institut indochinois pour l’Étude de l’Homme, Ha Noi, Taupin, 1938, tr.37-49.

3. Le Failler, Philippe, Đá cổ Sa Pa, Bài nghiên cứu giới thiệu cuốn Ca-ta-lốc về bãi đá có hình khắc cổ ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, Nxb Tri Thức - EFEO, 2014, tr.95-96.

4. Nguyễn Khắc Sử và cộng sự, Khảo sát bãi đá cổ ở Khe Hổ, tỉnh Sơn La. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2014, Tài liệu Bảo tàng Sơn La 2014.

5. Trình Năng Chung, Chu Mạnh Quyền, Những bãi đá có hình khắc cổ ở Hà Giang: tư liệu và nhận thức, Thông báo Khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.19-29.

6. Nguyễn Văn Quang, Nhóm đá chạm khắc ở Mù Cang Chải qua tìm hiểu và nghiên cứu, baoyenbai.com.vn, 7-2016.

7. Nguyễn Việt, Niên đại và chủ nhân của những hình khắc trên đá ở Sa Pa, Bãi đá cổ Sa Pa dưới con mắt tạo hình, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Viện Mỹ thuật, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007.

8. McAnany, Patricia A., and E. Christian Wells, Towards a Theory of Ritual Economy, Dimensions of Ritual Economy (Hướng tới một lý thuyết về nền kinh tế nghi lễ, Các chiều kích của nền kinh tế nghi lễ), Tập đoàn xuất bản Emerald, Bingley, Vương quốc Anh, 2008, tr.1-16.

9. Gudeman, S., & Hann, C., Introduction: Self-sufficiency as reality and as myth, Oikos and Market: Explorations in Self-Sufficiency after Socialism (Giới thiệu: Tự cung tự cấp như thực tế và như huyền thoại, Oikos và thị trường: Khám phá về tự cung tự cấp sau chủ nghĩa xã hội), Berghahn Books, tập 2, 2005, tr.1-23.

10. Watanabe, John M., Ritual Economy and the Negotiation of Autarky and Interdependence in a Ritual Mode of Production, Mesoamerican Ritual Economy - Archaeological and Ethnological Perspectives (Kinh tế nghi lễ và đàm phán về sự tự cung tự cấp và sự phụ thuộc lẫn nhau trong một chế độ sản xuất nghi lễ, Kinh tế nghi lễ Trung Mỹ - Quan điểm khảo cổ học và dân tộc học), Nxb Đại học Colorado, 2007.

11. Geertz, Clifford, Religion as a Cultural System, The Interpretation of Cultures (Tôn giáo như một hệ thống văn hóa, Việc giải thích các nền văn hóa), Basic Books, New York, 1973, tr.87-125.

12. Marx, Karl., Kritik der politischen Ökonomie, Marx-Engels-Werke, (Phê phán kinh tế chính trị, Marx-Engels-Werke Toàn tập), Berlin, 1956.

13. Rappaport, Roy A., Ritual and Religion in the Making of Humanity (Nghi lễ và tôn giáo trong quá trình hình thành nhân loại), Cambridge Studies in Social and Cultural Anthropology, No. 110, Nxb Đại học Cambridge, 1999.

14. Sahlins M., The Domestic Mode of Production: The Structure of Underproduction, Stone Age Economics (Phương thức sản xuất trong nước: Cơ cấu sản xuất thiếu hụt, Kinh tế thời kỳ đồ đá), Công ty xuất bản Aldine, New York, 1972, tr.41-99.

15. Wolf, Eric R., Europe and the People without History (Châu Âu và những con người không có lịch sử), The World, 1997.

16. Hà Hữu Nga, Diễn giải Di sản và Du lịch gợi ý ứng dụng cho Sapa, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Sa Pa - Hành trình từ Trạm Nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia, UBND Thị xã Sa Pa, Lào Cai, 2023, tr.64-74.

17, 18, 19, 20, 21, 22, 23. Tilden F., Interpreting Our Heritage (Diễn giải di sản của chúng ta), Nxb Đại học Bắc Carolina, 1967.

24. Mankiw, N. G., The Savers - Spenders Theory of Fiscal Policy (Lý thuyết về chính sách tài khóa của người tiết kiệm-người chi tiêu), American Economic Review 90 (2), 2000, tr.120-125.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 14-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 18-1-2025; Ngày duyệt đăng: 6-2-2025.

TS HÀ HỮU NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;