Kiến tạo nhận thức về lịch sử - văn hóa địa phương tại các bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam

Tóm tắt: Tham chiếu theo vấn đề phản ánh, thể hiện cụ thể, lịch sử - văn hóa địa phương là nội dung giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố (BTTTP). Hiện nay, quan điểm kiến tạo được các bảo tàng chú ý hơn trong hoạt động giáo dục, khuyến khích khách tham quan chủ động tham gia, tự nhận thức, nâng cao hiểu biết bằng trải nghiệm cá nhân. Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết, các hình thức chủ yếu, tác dụng của kiến tạo như một phương thức trao truyền hiệu quả kiến thức về địa phương của BTTTP ở Việt Nam.

Từ khóa: bảo tàng, kiến tạo, nhận thức lịch sử - văn hóa.

Abstract: Referencing the reflection and concrete representation of local history and culture as the educational content of provincial and municipal museums. Currently, the concept of construction is being given more attention in educational activities, encouraging visitors to actively participate, develop self-awareness, and enhance their understanding through personal experiences. This article focuses on analyzing the necessity, main forms, and effects of construction as an effective method of transmitting local knowledge in provincial and municipal museums in Vietnam.

Keywords: museum, construction, historical and cultural awareness.

Học sinh tham quan tại hệ thống trưng bày - Ảnh: baotanglichsu.vn

1. “Bảo tàng kiến tạo” và vai trò giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố hiện nay

Trên cơ sở quan điểm của nhà Tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ - Jean Piaget (1896-1980), thuyết kiến tạo được một số học giả như Jerome Bruner, Lev Vygosky… tiếp tục phát triển. Theo quan điểm cơ bản của thuyết kiến tạo, người học không phải là cái “thùng rỗng” để người dạy rót đầy kiến thức mà là chủ thể nhận thức tích cực; tri thức là sản phẩm của hoạt động tạo ra bởi chủ thể thông qua trải nghiệm cá nhân (người học kết nối thông tin mới với thông tin hiện tại để có kiến thức mới), kết hợp với tương tác xã hội. Do đó, cần tổ chức tương tác giữa người học và đối tượng học tập; đồng thời khuyến khích họ chủ động xây dựng và hình thành kiến thức. Quan điểm kiến tạo mang đến một cách nhìn tích cực về nhận thức, tôn trọng và đặt người học ở vị trí trung tâm; người dạy trở thành người hướng dẫn, chia sẻ chứ không phải người truyền đạt; “người dạy cũng như người học thoát ra khỏi phân vai truyền thống của mình và người này phải cộng tác với người kia” (1).

Thuyết kiến ​​tạo có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giáo dục không chính thức như bảo tàng vì phù hợp với tính chất tự nguyện, không thể chế. Nhất là trong bối cảnh đương đại, các bảo tàng đã và đang thay đổi, hướng tới khả năng tiếp cận một cách dân chủ, thân thiện hơn. Kodi R. Jeffery-Clay (Bảo tàng Centennial, Đại học Texas - Hoa Kỳ) khẳng định, kiến tạo là cách bảo tàng tạo ra môi trường học tập có ý nghĩa, thoải mái, không áp đặt, giúp khách tham quan kết hợp thông tin mới với kiến thức đã được tích lũy. George E. Hein (Chuyên gia giáo dục bảo tàng, Đại học Lesley - Hoa Kỳ) cho rằng bảo tàng kiến ​​tạo là cách tiếp cận phù hợp để chuyển tải nội dung, đồng thời truyền cảm hứng nhận thức từ các hiện vật - di sản. Đây là sự vận dụng thuyết kiến tạo cấp tiến cũng như quan điểm nhận thức văn hóa, xem giáo dục bảo tàng là trải nghiệm có ý nghĩa, bao gồm cả sự thích thú, hài lòng và các kết quả khác có được từ trải nghiệm (tham gia hoạt động, tích lũy kinh nghiệm) của khách tham quan. Có thể hiểu, “bảo tàng kiến tạo là một cơ sở giáo dục không ngừng nâng cao khả năng phục vụ như một thông dịch viên về văn hóa” (2).

“Bảo tàng kiến tạo” có sự tương đồng với quan điểm giáo dục trải nghiệm, nhấn mạnh hơn khía cạnh tương tác xã hội. Hiện nay, kiến tạo nhận thức - trải nghiệm văn hóa của khách tham quan là xu hướng thực tế của giáo dục bảo tàng, trong đó có các BTTTP ở Việt Nam. Trên cơ sở diễn giải di sản văn hóa (tổ hợp hiện vật trưng bày trực quan, thuyết minh - kể chuyện và sử dụng trang phục hướng dẫn ẩn chứa thông điệp, “tiếng nói” trực tiếp - hoạt động trình diễn của chủ thể văn hóa…), nội dung về địa phương được chuyển tải đến khách tham quan thông qua các hình thức hoạt động giáo dục có tính chất kiến tạo nhận thức. Từ đó, kiến thức về lịch sử - văn hóa địa phương trở nên cởi mở, dễ tiếp nhận hơn; dung dưỡng, khuyến khích tinh thần học hỏi cũng như phát huy vốn sống của mỗi cá nhân. Việc truyền đạt - thu nhận hiểu biết tại BTTTP là quá trình chia sẻ kiến thức một cách thân thiện, tích cực - hành trình khám phá, trải nghiệm các di sản tiêu biểu của địa phương đầy lý thú trong mối quan hệ tương tác.

2. Các hình thức kiến tạo nhận thức về lịch sử - văn hóa địa phương của BTTTP

Thời gian gần đây, các BTTTP trên cả ba miền thực hiện khá đa dạng, linh hoạt hoạt động giáo dục tương tác, trải nghiệm cho khách tham quan, có thể kể đến một số hình thức tiêu biểu:

Kiến tạo nhận thức - trải nghiệm thông qua hoạt động hoạt náo, trò chơi dân gian

Các trò chơi, hoạt động hoạt náo, sôi nổi rất phù hợp với đối tượng khách tham quan trẻ tuổi. Đây là hình thức tham gia hoạt động thực tế, kết hợp yếu tố học tập và giải trí. Khách tham quan có sự vận động cơ học trên phương diện cá nhân; đồng thời còn khuyến khích sự hợp tác nhóm, tập thể. Mồ hôi có thể rơi, nhưng tiếng cười sẽ cất lên, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, quan niệm (thường thấy) về bảo tàng như là một địa điểm tham quan thuần túy, đơn giản đến chỉ là nghe thuyết minh, xem hiện vật. Để phục vụ trải nghiệm di sản văn hóa - tìm hiểu về địa phương, một hình thức lựa chọn hiệu quả của các BTTTP là tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, trò chơi của các dân tộc trên địa bàn. Ví dụ như Bảo tàng tỉnh Nam Định thường xuyên áp dụng trò chơi cho học sinh, chủ yếu là các trò chơi dân gian phổ biến ở vùng châu thổ Bắc Bộ (bịt mắt đánh trống, kéo co, leo cột lấy cờ...); kết hợp với các trò chơi mới (nhảy bao bố, đi cầu tre…). Hoạt động hoạt náo, trò chơi được triển khai khéo léo, gợi nhớ, gợi cảm cho đối tượng tham gia về cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng; đồng thời còn có ý nghĩa như một bước khởi động đầy tiềm năng, chuẩn bị tâm thế tích cực, chủ động hơn trong hành trình trải nghiệm tại bảo tàng. Bảo tàng Đắk Lắk cũng khai thác trò chơi dân gian đa dạng, phong phú về nguồn gốc, yếu tố văn hóa tộc người để phục vụ khách tham quan vào các dịp lễ Tết (nhảy sạp, đập niêu, ném còn, ô ăn quan, kéo co…). Bảo tàng thành phố Cần Thơ chú ý chuyển tải nội dung về địa phương, đặc biệt là yếu tố văn hóa sông nước, miệt vườn thông qua các trò chơi gắn với một số chủ đề như hái trái ngon, tung hứng, bẹo hàng (Cần Thơ mến yêu); ô chữ xanh, khúc hát biển xanh, nước ngọt về đảo, lá thuyền ước mơ (Chuyện về biển đảo quê hương)...

Kiến tạo nhận thức - trải nghiệm thông qua các cuộc thi, tìm hiểu lịch sử - văn hóa địa phương

Khách tham quan cũng có thể nhận thức, trải nghiệm về lịch sử - văn hóa địa phương thông qua các cuộc thi, tìm hiểu tại BTTTP. Hình thức này có xu hướng đòi hỏi khách tham quan phải có sự suy nghĩ, thiên về vận động tư duy khi tham gia hoạt động, gần gũi với quá trình nhận thức lý tính. Biểu hiện cụ thể là các cuộc thi theo các chủ đề về văn hóa, sự kiện, di sản, danh nhân… do BTTTP tổ chức. Việc tham quan bảo tàng, tham gia trả lời câu hỏi (dạng đóng/ mở), xác nhận thông tin, đáp án chính xác là cách thu lượm được nhiều thông tin hữu ích theo các chủ đề về địa phương. Tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, ngoài việc tiếp cận các yếu tố liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, cuộc thi, tìm hiểu về di sản, nhân vật, sự kiện thời Trần mang tính chất phổ biến. Học sinh được hướng dẫn tham quan, tiếp cận hiện vật, đồng thời tham gia các cuộc thi về các chủ đề như văn hóa thời Trần; những người mở nghiệp, các bậc minh quân, danh tướng, nhà khoa bảng thời Trần… Thời gian gần đây, Bảo tàng Đắk Lắk thu hút nhiều học sinh tham gia chương trình thi theo phiên bản Rung chuông vàng, giúp các thí sinh nâng cao kiến thức bằng cơ hội trải nghiệm sôi nổi, hấp dẫn với bộ câu hỏi có nội dung liên quan đến lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương (cuộc đấu tranh của công nhân tại đồn điền cao su, sự kiện thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh, di tích nhà đày Buôn Ma Thuột, chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975…), văn hóa địa phương (âm nhạc cồng chiêng Đắk Lắk). Bảo tàng thành phố Cần Thơ đưa đối tượng học sinh vào hành trình trải nghiệm, tiếp cận tổ hợp trưng bày về địa phương với chương trình thi, thực hành thuyết minh bảo tàng; hoặc thông qua các cuộc thi quy mô nhỏ sau quá trình tham quan trải nghiệm thực tế di sản văn hóa, ví dụ như trả lời các câu hỏi liên quan đến kiến thức về làng nghề dệt chiếu Cái Chanh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng), di tích chùa Ông - Quảng Triệu hội quán, cùng với một số đặc điểm văn hóa của người Hoa (phường Tân An, quận Ninh Kiều)…

Kiến tạo nhận thức - trải nghiệm thông qua tiếp cận trình diễn, tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể

Đây là hình thức có khả năng áp dụng phổ biến nhất đối với các đối tượng đến BTTTP, khách tham quan trải nghiệm qua việc tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể của địa phương một cách chân thực, gắn liền với quá trình trình diễn của chủ thể văn hóa. Với trạng thái đơn giản, khách tham quan trải nghiệm “số ít” di sản văn hóa, tham gia thực hiện hoạt động như đã được chứng kiến chủ thể văn hóa trình diễn hoặc nhân viên bảo tàng giới thiệu. Tiêu biểu như sử dụng lều chõng của sĩ tử tại mô hình Trường thi Hương, làm đồ chơi Trung Thu, điều khiển rối nước (Bảo tàng tỉnh Nam Định); dệt vải, làm gốm đất nung cùng nghệ nhân người Ê Đê, Mnông (Bảo tàng Đắk Lắk); têm trầu cánh phượng, sàng sảy thóc gạo (Bảo tàng thành phố Cần Thơ). Ở trạng thái phức hợp, khách tham quan có cơ hội tiếp cận “số nhiều”, thậm chí là tổ hợp có tính liên kết các di sản văn hóa của địa phương trong một thời gian nhất định, có ý nghĩa như một sự kiện - hoạt động văn hóa của BTTTP. Ví dụ như các chương trình mang thương hiệu - Một thoáng thành Nam của Bảo tàng tỉnh Nam Định, Sắc Xuân miệt vườn của Bảo tàng thành phố Cần Thơ. Tại đây, khách tham quan được tăng cường sử dụng các giác quan, không chỉ giới hạn chủ yếu qua thị giác, thính giác khi chiêm ngưỡng các hiện vật quý, có giá trị; lắng nghe giới thiệu, hình dung theo những gợi mở, mà còn được huy động thêm các giác quan, có thể tiếp xúc trực tiếp, cầm, chạm các dụng cụ, đồ dùng, sản phẩm thủ công, tái thực hiện quy trình (xúc giác), thậm chí nếm, thưởng thức hương vị của các món ăn - đặc sản địa phương, đặc sản của các dân tộc (vị giác), tạo nên cảm nhận mang tính tổng hợp từ các giác quan.

3. Ý nghĩa của phương thức kiến tạo trong hoạt động giáo dục của BTTTP

Sinh động hóa môi trường giáo dục, bối cảnh học tập về địa phương tại các BTTTP

Theo phương thức truyền thống, tập trung và lấy hiện vật gốc làm cơ sở, hoạt động giáo dục của BTTTP thể hiện tính trực quan trong quá trình truyền đạt kiến thức về địa phương; nhân viên thuyết minh thực hiện vai trò giới thiệu, cung cấp thông tin, là cầu nối quan trọng cho khách tham quan. Diễn giải cũng được coi là phương thức mới, mang tính gợi mở, có tác dụng làm cho thông điệp từ BTTTP dễ hiểu hơn; đặc biệt với sự xuất hiện, trình diễn của chủ thể văn hóa - người sáng tạo và bảo tồn các yếu tố văn hóa phi vật thể đến từ các cộng đồng sở hữu di sản của địa phương. Với phương thức kiến tạo nhận thức - giáo dục trải nghiệm gắn liền với các di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương (vật thể và phi vật thể), môi trường giáo dục của BTTTP sinh động hơn, hiệu quả tăng cường bằng sắc thái của tự học trên nền tảng giao lưu. Khách tham quan được khuyến khích tính chủ động, truyền cảm hứng tìm hiểu, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục di sản. BTTTP có thể coi là một bộ “bách khoa toàn thư”, một “ngôi nhà của ký ức” về địa phương, chuyển tải một cách linh hoạt thông qua các di sản văn hóa. Do vậy, không chỉ dừng lại ở vị trí bổ sung cho giáo dục học đường, BTTTP thể hiện được ưu thế và khả năng thực hiện giáo dục suốt đời tại địa phương, tạo cơ hội kết nối và lĩnh hội kiến thức về lịch sử - văn hóa một cách đơn giản, cụ thể nhưng sinh động, hấp dẫn, không phải cách thức truyền đạt hàn lâm, nhận thức thụ động.

Đa dạng hóa hoạt động giáo dục, tăng cường cơ hội tiếp cận và nắm bắt kiến thức về địa phương

Hiện nay, chương trình giáo dục của BTTTP được tổ chức với rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có thể kể đến như các buổi học, các cuộc thi; hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể; hoạt động thực hành, tìm hiểu, khám phá… Khách tham quan có thể tham gia hoạt động; nhập vai, tái thực hiện quy trình, thể hiện khả năng sáng tạo cá nhân, cũng như trực tiếp thưởng thức đặc sản/ sử dụng sản phẩm thủ công truyền thống… Do đó, hiệu quả nhận thức về lịch sử - văn hóa địa phương sâu sắc và cụ thể hơn, đúng như ý nghĩa câu châm ngôn nhấn mạnh tác dụng của trải nghiệm, thực hành đối với nhận thức: Tôi nghe và tôi quên, Tôi nhìn và tôi nhớ, Tôi làm và tôi hiểu, Tôi sáng tạo và trí tuệ khai sáng, Tôi đổi mới và thế giới mở ra trước mắt (I hear and I forget, I see and I remember, I do and I understand, I create and my mind opens, I innovate and the world opens). Có thể nói, kiến tạo mở rộng cách thức chuyển tải nội dung về địa phương, không giới hạn ở hướng dẫn tham quan trưng bày mà còn thông qua các phương diện tiếp cận khác với di sản tại BTTTP, gia tăng mức độ hứng thú cho đối tượng tiếp nhận. Từ đó, khả năng thích ứng của BTTTP với nhu cầu xã hội đa chiều, đa dạng được hiện thực hóa, đáp ứng tốt hơn mong muốn hưởng thụ văn hóa đa giác quan và đa xúc cảm của công chúng đương đại. Mọi người đều được chào đón, có thể tham gia các hoạt động giáo dục tại BTTTP, nhưng công chúng trẻ - khách tham quan của “ngày mai” - luôn là đối tượng mục tiêu của các chương trình giáo dục theo phương pháp kết hợp học mà chơi, chơi mà học, vui vẻ mà hiệu quả nhận thức cao.

Tích cực hóa, thúc đẩy tương tác giữa các nhân tố trong hoạt động giáo dục về địa phương của BTTTP

Hiện nay, phương thức thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức ngày càng trở nên bất cập, người học nói chung cần được đưa vào vị trí trung tâm của hoạt động giáo dục, với một thái độ tích cực và chủ động. Hơn nữa, khách tham quan đến bảo tàng bao giờ cũng mang theo một lượng nhất định thông tin đã tích lũy từ trước cùng với mong muốn, mục đích riêng cần được thỏa mãn. Bảo tàng kiến tạo phù hợp với bối cảnh và nhu cầu vì khuyến khích cho những trải nghiệm cá nhân trong mối quan hệ tương tác, tạo cơ hội bổ sung kiến thức chứ không phải sự tiếp nhận một chiều trên một nền tảng “trống trơn” về mặt hiểu biết. Những ví dụ điển hình từ hoạt động giáo dục của BTTTP hiện nay cho thấy, đây không chỉ là quá trình truyền đạt - lĩnh hội kiến thức về địa phương một cách thuần túy, một chiều với sự tác động của chủ thể (nhân viên bảo tàng) đến khách thể (khách tham quan) trong môi trường của một thiết chế giáo dục không chính thức mà là trạng thái tổng hòa, đan xen hoạt động, đồng thời là quá trình tiếp xúc và tương tác văn hóa của các nhân tố tham gia, trên cơ sở các tổ hợp hiện vật trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể. Vai trò của BTTTP trong quá trình chia sẻ kiến thức về địa phương đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, mang tính kết nối, thân thiện hơn với cả đối tượng - khách tham quan và đối tác - chủ thể văn hóa. Khách tham quan có tâm thế chủ động trong quá trình hoạt động thực tế, tương tác với các thành tố, nhân tố khác, từ đó có thể tự đúc kết, thu nhận thông tin về lịch sử - văn hóa địa phương phù hợp với khả năng nhận thức cũng như nền tảng hiểu biết vốn có. Quan hệ hợp tác mang tính chất “cộng sinh” tích cực được thiết lập giữa BTTTP và cộng đồng sở hữu di sản, các chủ thể văn hóa tại địa phương. Chủ thể văn hóa có thêm không gian để thực hành, mở rộng tiếp xúc với khách tham quan; BTTTP có điều kiện thể hiện các nội dung về địa phương một cách trực tiếp, sống động hơn qua sự trình diễn, giới thiệu của chủ thể văn hóa. Có thể nói, trạng thái “độc quyền” giáo dục của BTTTP có sự chuyển mình tích cực, phù hợp với tinh thần hợp tác và chia sẻ kiến thức được nêu bật trong định nghĩa bảo tàng mới nhất được ICOM (Hội đồng Bảo tàng quốc tế) thông qua năm 2022.

Kết luận

Đối với BTTTP, kiến tạo nhận thức về địa phương có thể mang lại những bài học thực tế vô cùng quý giá, góp phần phát triển kiến thức (phông văn hóa), kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Đặc biệt, khách tham quan BTTTP có thể tích cực hóa quá trình nhận thức, tự tìm hiểu, khám phá theo nhu cầu, mong muốn cụ thể, trở nên chủ động, thoải mái hơn khi tiếp cận và lĩnh hội kiến thức. BTTTP không chỉ là một thiết chế giáo dục không chính thức, mà còn trở thành địa điểm lý tưởng cho việc học tập suốt đời - không gian văn hóa sinh động, hấp dẫn của địa phương.

______________________

1. Nguyễn Quang Thuấn, Từ lý thuyết kiến tạo đến lý thuyết kiến tạo xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, tập 33, số 4, 2017, tr.146-147.

2. George E. Hein, Learning in the museum (Học tập trong bảo tàng), Routledge, 2000, tr.178.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Nâng cao chất lượng trưng bày và trải nghiệm trong bảo tàng, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia, Hà Nội, 2023.

2. John H. Falk & Lynn D. Dierking, Learning from Museums: Visitor Experiences and the Making of Meaning (Học từ bảo tàng: Trải nghiệm của khách tham quan và ý nghĩa), Rowman & Littlefield Publishers, 2000.

3. Kodi R. Jeffery-Clay, Constructivism in Museums: How Museums Create Meaningful Learning Environments (Lý thuyết kiến tạo trong bảo tàng: Cách bảo tàng tạo ra môi trường học tập có ý nghĩa), Journal of Museum Education, Volume 23, Issue 1, 1998, tr.3-7.

4. Nguyễn Hải Ninh, Định nghĩa mới của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế - ICOM về “Bảo tàng” - Nội dung và quá trình xây dựng định nghĩa, Đặc san Di sản văn hóa, số 4 (12), 2022, tr.79-86.

5. UNESCO, Phương pháp học qua trải nghiệm, Chương trình Dạy và học vì một tương lai bền vững, Văn phòng UNESCO Hà Nội dịch, 2010, tr.450-458.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 2-11-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 19-11-2024; Ngày duyệt đăng: 2-1-2025.

 TS PHẠM THU HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;