Đọc Lịch sử văn hóa biển Việt Nam của Nguyễn Chí Bền

Ngay tại buổi Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử văn hóa biển Việt Nam của Nguyễn Chí Bền ngày 17-10-2024 tại Nhà xuất bản (Nxb) Khoa học xã hội, lật giở từ trang đầu đến hết mục lục của cuốn sách, cảm giác đầu tiên của tôi là sự dễ chịu. Bởi cuốn sách có độ dày vừa phải (hơn 450 trang), bởi lối trình bày sáng sủa, rõ ràng của người làm chế bản chuyên nghiệp, và cũng bởi cách tôn trọng độc giả của Nxb: Đó là tờ giấy rời đính kèm sách mang tên “Chú thích - Đính chính”. Gần đây, nhiều cuốn sách tôi đọc thấy mắc rất nhiều lỗi, nhưng không hề có tờ đính chính, tuy nhỏ, nhưng rất quan trọng và cần thiết.

Trong Lời thưa trước, ta thấy GS, TS Nguyễn Chí Bền là người có nhiều thuận lợi khi viết cuốn sách này. Ông đã từng làm Phó Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu cấp Bộ “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam” (2015-2016); từng làm Chủ tịch Hội đồng biên tập, tham gia chủ biên bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam gồm 9 tập (Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2018, 2019); Tổng Chủ biên bộ sách Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam, 4 tập (Nxb Quân đội nhân dân, 2020, tái bản 2021); có mặt trong nhiều cuốn sách viết về biển đảo với vai trò chủ biên, đồng chủ biên và tác giả. Gắn bó và dành nhiều tâm sức với đề tài này hàng chục năm qua, nên Lịch sử văn hóa biển Việt Nam của ông ra đời là một sự tất yếu.

Các công trình nghiên cứu về biển đảo Việt Nam từ xưa đến nay có rất nhiều, nhưng Lịch sử văn hóa biển Việt Nam là công trình đầu tiên, mang ước vọng lớn của tác giả, phạm vi nghiên cứu rất rộng, có tầm bao quát trên nhiều lĩnh vực, sử dụng kết quả và phương pháp nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội.

Cuốn sách gồm 7 chương và 3 phần Phụ lục, kết cấu của các chương hợp lý, chương trước gợi mở cho sự tiếp nối của chương sau.

Ứng với tên gọi của cuốn sách, tác giả đã dành chương mở đầu rất dài (60 trang) để cung cấp cho độc giả có một cái nhìn tổng thể về Tình hình nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam ở trong nước và nước ngoài (từ trang 12 đến trang 72). Tư liệu của phần này rất phong phú, được giới thiệu tỉ mỉ, cụ thể, rất cần thiết cho độc giả nói chung, cũng như cho những người làm công tác nghiên cứu nói riêng. Chỉ xin có một góp ý nhỏ, chương này nên bổ sung thêm về những người Nga đầu tiên đến Việt Nam bằng nhiều cách, trong đó có đường biển, viết về Việt Nam cuối TK XIX, cũng như các nhà Việt Nam học người Nga đương đại nghiên cứu về biển đảo Việt Nam. Ví dụ như Grigori De Vollan - nhà ngoại giao, nhà hoạt động xã hội, nhà văn và nhà báo người Nga gốc Hà Lan, năm 1891 đã có hành trình một tháng từ Hồng Kông xuyên suốt Việt Nam từ Hải Phòng đến Sài Gòn rồi sau đó đi Phnom Pênh. Hành trình của ông đã được ghi lại dưới dạng bút ký, đăng trên tạp chí Tổng quan Nga đương thời. Cũng năm 1891, Thái tử Nhikolai Romanov (sau trở thành Sa hoàng Nhikolai Đệ nhị - Hoàng đế cuối cùng của nước Nga) đã đến Sài Gòn trên chiến hạm Azov. Bá tước Ukhtomxki (thư ký của Thái tử) ghi chép về chuyến hải hành này của Thái tử và viết về đất nước, con người Việt Nam. Các thủy thủ người Nga đến Việt Nam trên các con tàu Skobelev (cập cảng Sài Gòn năm 1884), tàu Tuần dương Orion (cập cảng Sài Gòn năm 1916), đã ghi chép về tình hình Việt Nam trong các bản báo cáo gửi Bộ Hải quân và Bộ Ngoại giao Nga. Gần đây các nhà Việt Nam học người Nga đương đại cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại Matxcơva về biển đảo Việt Nam…

Nguyễn Chí Bền khẳng định: Việt Nam là một quốc gia biển (chương 2 từ trang 74 đến trang 97). Điều đó là hiển nhiên, không cần bàn cãi. Tôi tập trung chú ý đến cách ông xác định khái niệm văn hóa biển. Giải quyết được vấn đề này, sẽ xác định hướng đi đúng của cả công trình nghiên cứu. Sau khi dẫn ra rất nhiều quan niệm về văn hóa biển của các nhà nghiên cứu, Nguyễn Chí Bền đã đưa ra quan điểm của mình: “Văn hóa biển là tổng thể những sáng tạo hữu hình và vô hình của con người vùng biển đảo trong quá trình sống, khai phá, thích ứng với môi trường biển đảo Việt Nam, giao lưu, tiếp biến với văn hóa biển đảo của các quốc gia khác, được trao truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau, thể hiện bản sắc của con người vùng biển đảo. Chủ thể sáng tạo văn hóa biển Việt Nam là những ngư dân và tầng lớp cai trị, quản lý xã hội trên dải đất Việt Nam” (1). Công trình nghiên cứu này có kèm danh sách các tỉnh có huyện giáp biển, có Phụ lục dài 64 trang, cung cấp danh sách di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của 28 tỉnh có gắn với biển đảo (từ trang 357 đến trang 415), có Phụ lục 60 ảnh mà trong đó rất nhiều ảnh do tác giả tự chụp, chứng tỏ quá trình đi bền bỉ, sự hiện diện suốt chiều dài đất nước trong nhiều năm của tác giả trong quá trình điền dã, khảo sát về văn hóa biển.

Một điều tôi tâm đắc với Nguyễn Chí Bền, khi ông đề cập tới khái niệm biển tiến biển thoái. Tác giả khẳng định “nghiên cứu văn hóa biển không thể không sử dụng cách tiếp cận biển tiến và biển thoái của các nhà khảo cổ học lẫn các nhà khoa học tự nhiên” (2). Những công trình nghiên cứu của các nhà địa chất, khảo cổ về biển Việt Nam giúp chúng ta sáng tỏ rất nhiều điều. Tôi thấy, lâu nay có hiện tượng, vì không quan tâm tìm hiểu về địa chất và khảo cổ, một số nhà sử học và nghiên cứu văn hóa dân gian đã nhầm lẫn, không rõ từ bao giờ đã dựng nên câu chuyện Vua Triệu Đà sau khi thống nhất nhà nước Âu Lạc, đi tuần thú ở làng Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bây giờ) gặp người con gái tên là Trình Thị, lấy làm vợ và lập làm Hoàng Hậu, rồi xây dựng hành cung ở đây. Thậm chí sau này người ta còn dựng đền thờ Triệu Vũ Đế và Trình Hoàng Hậu, thờ chung với ông tổ nghề chế tác vàng bạc ở Đồng Xâm. Thực tiễn, các nhà địa chất đã chứng minh cách đây 2.000 năm, biển Bắc Bộ vẫn còn tiến vào đến tận vị trí Thường Tín và Phủ Lý bây giờ, đất Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Bình đâu đã hình thành mà Triệu Đà đi tuần thú nơi đây?

Vấn đề xác định chủ thể và khách thể của văn hóa biển Việt Nam, được tác giả miêu tả rất kỹ trong chương 3. Đó là cộng đồng ngư dân và cộng đồng lãnh đạo, cai trị, quản lý xã hội. Người Việt, người Chăm, người Óc Eo Phù Nam, người Hoa và các tộc người Mã Lai - Đa đảo là 5 cộng đồng ngư dân chính, tạo nên văn hóa biển Việt Nam. Điều thú vị của chương này là tác giả giới thiệu 8 “nhà văn hóa biển” tiêu biểu: Đức vương Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Nguyễn Ánh (Gia Long), Vua Minh Mạng, Bùi Viện… Họ là những nhà quân sự, những nhà cai trị, có công chống giặc ngoại xâm và có những trận chiến lừng danh trên biển, có công xác lập chủ quyền về biển đảo, có những chính sách hướng ra biển, mở rộng giao thương với nước ngoài… Tuy nhiên, qua cách lựa chọn của Nguyễn Chí Bền, ta thấy ông xác định tiêu chí “các nhà văn hóa biển” thiên về lĩnh vực quân sự, thiên về các nhà cai trị mà thiếu vắng những nhà nghiên cứu, hoặc những người dân thường am hiểu về biển, biết khai thác và thích ứng với biển. Mong rằng khi tái bản, tác giả sẽ bổ sung thêm Linh mục Philip Bỉnh (1759-1838) vào danh sách các nhà văn hóa biển Việt Nam. Philip Bỉnh là một linh mục Việt Nam thuộc dòng Tên, mất trước khi Bùi Viện được sinh ra. Để tránh sự đàn áp của các giáo phái khác đương thời, Philip Bỉnh đã bỏ trốn sang Ma Cao, rồi từ Ma Cao qua Ấn Độ, sang Lisbon cầu cứu với nhà vua Bồ Đào Nha, người được giáo hội La Mã giao cho quyền bảo hộ Thiên chúa giáo ở các nước phương Đông. Hành trình của ông là những chuỗi ngày lênh đênh trên biển của nhiều quốc gia, được ông ghi chép trong tập “Sách sổ sang chép các việc”. Năm 1796, ông đã từng dừng chân trên đảo Saint Helen, nơi sau này Hoàng đế Napoleong bị lưu đày. Sau khi Philip Bỉnh qua đời, tập ghi chép của ông bằng chữ quốc ngữ được lưu trữ tại Lisbon. Có thể nói Philip Bỉnh là nhà văn Việt Nam đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ, và cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về biển.

Khi xác định Các loại hình, thể loại và thành tố của văn hóa biển Việt Nam, tác giả đã dành số trang rất lớn (81 trang) để phân tích vấn đề thật thấu đáo. Phần Văn hóa thích ứng biển cả, phân tích sự Thiêng hóa các loài vật từ biển và các nhân vật lịch sử chiếm dung lượng nhiều nhất và hấp dẫn nhất trong chương 4. Tục lệ thờ cá Voi và lễ hội Nghinh Ông của cư dân nhiều địa phương Trung Bộ và Nam Bộ là điểm độc đáo, khác biệt của văn hóa biển Việt Nam so với các quốc gia có biển trên thế giới, được tác giả miêu tả kỹ lưỡng, sinh động, khiến tôi tập trung sự chú ý và đọc đi đọc lại. Tiếp đó, tác giả dẫn dắt bạn đọc cùng đồng hành xuyên suốt lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử, sơ sử cho đến hiện tại để tìm hiểu “Diễn trình lịch sử của văn hóa biển Việt Nam” (chương 5).

Chương 6: Sự biến đổi của văn hóa biển Việt Nam trong không gian tuy ngắn (từ trang 288 đến trang 304), nhưng khiến tôi tâm đắc bởi những nhận xét chính xác đặc điểm văn hóa biển của các vùng miền. Tác giả chỉ ra đặc điểm của văn hóa biển vùng Bắc Bộ: “Nghề trồng lúa nước ở châu thổ Bắc Bộ đã tạo cho người Việt “tính cách châu thổ” với “căn tính nông dân” theo hệ giá trị “tấc đất tấc vàng”… nên quá trình làm chủ châu thổ theo hướng từ chân núi ra biển thực chất là quá trình mở rộng các cánh đồng lúa của họ. Và đến khi bị biển “chặn” lại, họ đứng trước không gian này bằng tâm thế của người nông dân châu thổ với lối ứng xử quai đê lấn biển, rồi lại tiếp tục “thau chua rửa mặn” để có đất trồng lúa” (3). Khi tiếp xúc với biển và khai thác biển “dù đã nhận ra giá trị của những sản vật mà biển ban tặng thì cộng đồng cư dân Việt ở nơi biển đảo vẫn chưa bao giờ muốn/ dám “bước cả hai chân” lên thuyền ra đại dương, mà một chân họ vẫn bám chắc vào những ruộng lúa nước” (4).

Trong chương cuối Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam (từ trang 305 đến trang 325), Nguyễn Chí Bền nêu ra thực trạng văn hóa biển trong việc khai thác biển, thích ứng với biển cả, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển hiện nay có nhiều hạn chế và bất cập. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp, các kiến nghị bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển hướng tới phát triển bền vững. Đây là những vấn đề cần phải có sự quan tâm của cả xã hội, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, các cơ quan cấp nhà nước cần xây dựng chiến lược khai thác kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển lâu dài và hữu hiệu.

Lịch sử văn hóa biển Việt Nam là công trình khảo cứu toàn diện, nghiêm túc, công phu, phong phú về tư liệu. Nguyễn Chí Bền thành công trong việc vận dụng tổng hợp các kiến thức của nhiều ngành khoa học trong công trình nghiên cứu của mình. Cuốn sách được viết với giọng văn khúc chiết, mạch lạc. Các thuật ngữ khoa học được diễn giải giản dị, những lý thuyết nghiên cứu được tác giả sử dụng một cách nhuần nhuyễn, cộng với sự miêu tả sinh động, khiến cuốn sách không “khó đọc” đối với độc giả. Đây là cuốn sách rất bổ ích, cần thiết cho những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu tiến trình “Lịch sử văn hóa biển Việt Nam” trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, cũng như có ích đối với các nhà quản lý, hoạch định chiến lược quốc gia về biển đảo. Rất mong cuốn sách Lịch sử văn hóa biển Việt Nam của Nguyễn Chí Bền sớm vượt biên giới, đến với các nhà nghiên cứu quốc tế về văn hóa biển.

_________________________

1, 2, 3, 4. Nguyễn Chí Bền, Lịch sử văn hóa biển Việt Nam (sách chuyên khảo), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2024, tr.97, 82, 292, 293.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 25-11-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 30-11-2024; Ngày duyệt đăng: 2-1-2025.

CHÂU HỒNG THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;