Quảng Ninh là tỉnh ven biển, biên giới thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có diện tích đất liền trên 6.100km2 và diện tích biển trên 6.100km2 với 2.077 hòn đảo đá, đất, 250km bờ biển; điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng; có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện); 177 xã, phường, thị trấn; 1.452 thôn, bản, khu phố. Quảng Ninh là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi đây sớm được cư dân tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống, sáng tạo nên Văn hóa Soi Nhụ và Văn hóa Hạ Long.
Đền Cửa Ông
Di sản văn hóa là những tài sản vật chất tinh thần có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo thống kê đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, di tích nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút đông đảo nhân dân và du khách là Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, hai lần được UNESCO ghi danh là di sản thế giới với các giá trị về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo với vẻ đẹp và cảnh quan làm say đắm lòng người khi đặt chân đến vịnh Hạ Long. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt. Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).
Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định liên quan, đạt được kết quả như sau:
Quan tâm, tích cực xây dựng hồ sơ, bổ sung số lượng các di tích, di sản được xếp hạng trên địa bàn tỉnh góp phần làm giàu giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất, con người Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với 2 địa phương: Bắc Giang, Hải Dương hoàn thành công tác xây dựng Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” để trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Hồ sơ hiện nay đã được nộp cho UNESCO vào tháng 1-2024. Chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) đã vào thẩm định thực địa hồ sơ từ ngày 5-8 đến ngày 15-8-2024. Hiện nay, Hồ sơ đã thực hiện hoàn thiện bổ sung thông tin theo phản hồi của ICOMOS và tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Đoàn công tác đối thoại (cấp chuyên gia) với ICOMOS tại Pháp về Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới từ ngày 22-11 đến ngày 28-11-2024. UBND tỉnh ban hành kế hoạch xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lần thứ 4 năm 2025.
Đình Bình Lục được tu bổ, tôn tạo - Ảnh: Nguyễn Ngọc Lâm
Công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích di sản, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Trong năm, tỉnh đã thực hiện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn bảo quản, tu bổ di tích cho các địa phương sau bão số 3. Theo đó, thực hiện thẩm định, tham gia ý kiến một số quy hoạch, dự án: (lập 4 quy hoạch di tích và phê duyệt 2 dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; phê duyệt 1 nhiệm vụ lập quy hoạch di tích; quyết định và lựa chọn chủ đầu tư lập 3 dự án tu bổ di tích (1); tham gia ý kiến 20 quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (2).
Trình Bộ VHTTDL thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo Bộ VHTTDL thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức, thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng Quy định về quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích và quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC.
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương về các biện pháp thực hiện quản lý nhà nước đối với lễ hội, sự kiện văn hóa, tín ngưỡng, thể thao và du lịch tập trung đông người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan chuyên môn của tỉnh đã khảo sát và đang hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 4 hồ sơ: Trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán tỉnh Quảng Ninh; Trang phục truyền thống dân tộc Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Lễ cầu Mùa dân tộc Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Hát đối, hát giao duyên vùng biển tỉnh Quảng Ninh; xin ý kiến đối với các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng cơm mới người Tày, lễ cấp sắc.
Công tác bảo tàng: trong năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức trưng bày chuyên đề: Sắc màu di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Ninh trong văn hóa phi vật thể Việt Nam; Sắc xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam (Mừng Đảng - mừng Xuân và đón tết Nguyên Đán Giáp Thìn, năm 2024) và Chuyên đề Độc đáo Lễ cấp sắc dân tộc Dao Thanh Y, tỉnh Quảng Ninh”; thực hiện chỉnh lý, bổ sung chú thích cho Không gian trưng bày ngoài trời và Không gian trưng bày ngành Than; phối hợp với Trường Đại học Hạ Long tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh thông qua hiện vật Bảo tàng năm 2024; thiết kế tờ gấp giới thiệu sơ lược về Bảo tàng; chỉnh lý, bổ sung hiện vật, eticket các không gian trưng bày Bảo tàng; Phối hợp với Bảo tàng Binh chủng hóa học tổ chức trưng bày chuyên đề Mệnh lệnh từ trái tim; tham gia trưng bày ảnh 13 bảo vật quốc gia tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh trong Hội thảo Văn hóa năm 2024; hoàn thiện chỉnh lý, bổ sung hiện vật, eticket các không gian trưng bày và Thiết kế tờ gấp giới thiệu sơ lược về Bảo tàng; cố vấn, hỗ trợ thực hiện công tác trưng bày không gian phòng truyền thống dân tộc Dao Thanh Y, thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Trong 9 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 6-9-2024), Bảo tàng đã đón 681.398 lượt khách; tổng vé bán là 622.361 lượt (trong đó, khách nước ngoài là 19.388 lượt), số tiền thu phí tham quan là 19.995.210.000 đồng, đạt 89%.
Tỉnh ban hành Kế hoạch Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, (triển khai năm 2024-2025) với một số nội dung cụ thể tại Quyết định số 1105/QĐ-UBND, ngày 28-4-2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án: Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua các biện pháp quản lý, bảo tồn của tỉnh, các di sản văn hóa đã và đang khẳng định vị thế, vai trò không chỉ trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, mà còn là nguồn tài nguyên du lịch bền vững, là những điểm đến thu hút khách du lịch, ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nơi có di sản.
Lễ hội đền Cửa Ông năm 2024
1. Quy hoạch Quần thể Thương cảng Vân Đồn; Quy hoạch cụm di tích: Danh lam thắng cảnh núi Mằn; Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập - chùa Lôi Âm, Di tích lịch sử Đình - Miếu Yên Cư; Quy hoạch cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức; Quy hoạch đền Cửa Ông - Cặp Tiên; Phê duyệt Dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích chùa Lái, thị xã Quảng Yên; Phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Bình Lục, phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều; Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ, thành phố Hạ Long; Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều (giai đoạn II); Quyết định và lựa chọn chủ đầu tư lập dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng đền Vua Lê Thái Tổ, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long; Tham mưu UBND tỉnh đối với nội dung đề nghị của Ban Quản lý vịnh Hạ Long tại Văn bản số 548/BQLVHL-KTTC ngày 4-6-2024 về việc sửa chữa Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long; Chủ trương thực hiện cắm mốc giới trên thực địa đối với di tích đã xếp hạng trên địa bàn thành phố Hạ Long.
2. Một số quy hoạch, dự án như: tu bổ miếu thờ Thôn 2, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô; xây dựng hạng mục nhà Chánh Pháp Đường, thuộc dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu di tích chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm; điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái danh thắng thác Khe Vằn tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh; tham mưu Dự án bảo quản, tu bổ Cụm di tích đình, chùa Tiêu Dao, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long; trình Bộ VHTTDL thẩm định Hồ sơ Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích: Cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; tham mưu nhiệm vụ lập Quy hoạch Di tích Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ, thành phố Hạ Long...
SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO TỈNH QUẢNG NINH
Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"