Thể thao Việt Nam năm 2024: Những kết quả khích lệ đạt được

Trong năm qua, ngành Thể dục Thể thao (TDTT) đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia và các địa phương, Cục Thể dục Thể thao đã tích cực triển khai kế hoạch công tác được giao trong năm 2024, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2024 - Ảnh: Bùi Quý Lượng
 

Năm 2024 là khoảng thời gian toàn ngành TDTT tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị và tham dự vòng loại Olympic, Paralympic 2024 tại Paris, Pháp cùng nhiều sự kiện thể thao trong nước, quốc tế quan trọng, đồng thời tăng cường công tác tham mưu quản lý nhà nước, rà soát xây dựng thể chế, chính sách trong lĩnh vực thể dục, thể thao, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý, tháo gỡ những điểm nghẽn, những vụ việc nổi cộm trong lĩnh vực thể dục, thể thao... và đạt được nhiều kết quả.

Đối với công tác xây dựng thể chế, chính sách, kết quả nổi bật trong năm 2024 là việc ngành TDTT đã tham mưu phối hợp trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, đồng thời xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số
70-KL/TW ngày 31-1-2024 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 70-KL/TW đã xác định những nhiệm vụ mới, có tính chất đột phá, định hướng phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong giai đoạn tới. Cùng với việc triển khai Kết luận số 70-KL/TW, Cục TDTT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sự đột phá trong Chiến lược phát triển TDTT lần này là sự đổi mới về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thể dục, thể thao và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực. Trong năm 2024, ngành TDTT cũng đã tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TDTT, xây dựng Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Thể dục, thể thao; xây dựng các Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và hướng dẫn cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước và nhiều đề án, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TDTT.

VĐV Châu Tuyến Vân ghi dấu ấn HCV tại  giải quyền taekwondo vô địch thế giới 2024 - Ảnh:  World Taekwondo
 

Phong trào TDTT cho mọi người trong năm qua có nhiều chuyển biến. Phong trào tập luyện TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, số lượng người tập TDTT thường xuyên, số câu lạc bộ TDTT ngày càng tăng. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh, tạo thành phong trào rèn luyện TDTT sôi nổi trong nhân dân. Nhiều hoạt động TDTT quần chúng tạo tiếng vang lớn, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia hưởng ứng, như: Chương trình Bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, các giải chạy marathon, bóng đá, bóng chuyền hơi, pickeball, các hoạt động thể thao gắn các lễ hội truyền thống... Hoạt động phối hợp giữa ngành TDTT với các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Trong năm 2024, ngành TDTT đã tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X tại Hải Phòng; phối hợp với Công đoàn viên chức Viên chức Việt Nam tổ chức Hội thao Công đoàn viên chức Việt Nam năm 2024; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi nhằm phòng, chống đuối nước quy mô quốc gia...

Có thể thấy rằng trong giai đoạn vừa qua, phong trào TDTT đã phát triển sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn cả nước; các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT, từ đó tăng cường chỉ đạo, đầu tư và chăm lo phát triển phong trào TDTT. Người dân đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tác dụng, vai trò của hoạt động TDTT đối với việc nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó ngày càng có nhiều người tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động TDTT.

Về thể thao thành tích cao, trong năm 2024 ngành TDTT đã tăng cường đầu tư, chuẩn bị lực lượng vận động viên trọng điểm để tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế trong giai đoạn tới, trọng tâm là chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic Paris 2024. Kết quả có 16 vận động viên giành suất tham dự Thế vận hội. Tuy nhiên, qua thi đấu tại Olympic Paris, Thể thao Việt Nam chưa đạt mục tiêu phấn đấu có huy chương, thành tích của một số vận động viên còn có khoảng cách so với thế giới. Sau khi kết thúc Thế vận hội, Đoàn Thể thao Việt Nam đã tổng kết, đánh giá, phân tích, làm rõ những hạn chế kết quả không đạt được, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp khắc phục để chuẩn bị cho kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic tiếp theo. Đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự ASIAD lần thứ 20, Olympic lần thứ 34.

Năm 2025, Thể thao Việt Nam tập trung phân nhóm, đầu tư trọng điểm cho các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic - Ảnh: Bùi Quý Lượng
 

Năm 2024, cũng là năm đánh dấu sự nổi bật của công tác đối ngoại về thể dục thể thao. Với vai trò là chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 15 (SOMS 15). Tại Hội nghị, các thành viên ASEAN cùng các đối tác đã trao đổi và chia sẻ những thông tin về các lĩnh vực như: Chương trình hành động ASEAN về thể thao theo từng giai đoạn, tập trung vào phát triển thể thao chuyên nghiệp, khoa học thể thao, kinh tế thể thao; bình đẳng giới trong thể thao; bảo tồn và phát huy các môn thể thao và trò chơi truyền thống; thành lập trung tâm thể thao thành tích cao ASEAN, thể thao và sức khỏe, thể thao hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Bên cạnh đó, phối hợp với các đối tác là cơ quan quản lý thể thao của Nhật Bản và Trung Quốc tổ chức các cuộc họp ASEAN ++, nhằm thúc đẩy hợp tác thể thao và các hoạt động có liên quan đến thể thao giữa các quốc gia thành viên ASEAN với các nước đối tác Nhật Bản, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế khác có liên quan.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm qua, nhìn lại ngành TDTT cũng còn một số hạn chế, khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trước hết có thể thấy rằng, việc không đạt được huy chương tại Olympic Paris 2024 đã cho thấy công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trọng điểm để tranh chấp huy chương tại cấp độ thế giới chưa đạt yêu cầu đề ra. Bóng đá đang trong giai đoạn chuyển đổi thế hệ nên thành tích chưa đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Trong công tác quản lý, đào tạo vận động viên chưa đột phá ứng dụng cộng nghệ thông tin, chuyển đổi số nên chưa bao quát, quản lý chặt chẽ, còn xảy ra một số lỗ hổng cần phải khắc phục. Việc xử lý, tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế huy động nguồn lực, phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bảo tồn, phát huy các môn thể thao và trò chơi truyền thống được chú trọng - Ảnh: Bùi Quý Lượng

 

Năm 2025 được dự báo là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành TDTT, song cũng có không ít những thuận lợi trong bối cảnh triển khai Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển thể dục, thể thao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát huy những thành quả đã đạt được, ngành TDTT sẽ phải đổi mới mạnh mẽ, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, tham mưu thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam trong giai đoạn mới. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, đưa thể thao Việt Nam vươn cao trên trường quốc tế, ngành TDTT sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển TDTT; bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, kế hoạch công tác của đơn vị để triển khai và hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao. Năm 2025 là năm bản lề triển khai hàng loạt các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trung hạn, dài hạn của đất nước. Trong lĩnh vực TDTT, đây cũng là năm đầu tiên xây dựng các đề án, văn bản thành phần để triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện hành về TDTT, nhất là các chính sách đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và triển khai tổng kết thi hành Luật Thể dục, Thể thao, làm cơ sở đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật để phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn tới.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện TDTT, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện TDTT ở cơ sở. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào TDTT với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” với “Chương trình xây dựng nông thôn mới”; quan tâm phát triển phong trào TDTT người cao tuổi, người khuyết tật và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang, thể thao trường học. Phối hợp với các ngành triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Ba là, tập trung phân nhóm, đầu tư trọng điểm cho các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic; xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm trong giai đoạn 2026-2046 trình Thủ tướng Chính phủ. Song song với việc tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh các giải pháp xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo vận động viên; phát huy vai trò của các Hội thể thao quốc gia, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, sửa đổi chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên theo hướng nâng chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ trọng điểm đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ Olympic, ASIAD; chế độ cho vận động viên nữ... và các chế độ đặc thù khác.

Bốn là, tiếp tục tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực TDTT; đẩy mạnh truyền thông, tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội để khơi thông nguồn lực, phát triển sự nghiệp TDTT.

Chương trình Bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước được hưởng ứng rộng rãi  - Ảnh: Bùi Quý Lượng

 

CỤC THỂ DỤC THỂ THAO

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"

;