Bản hòa tấu đại nhạc Mã Vũ xàng xê do sinh viên Trường Đại học FPT trình diễn - Ảnh: Nguyễn Hiếu
Sáng tạo nghệ thuật nói chung, giới trẻ nói riêng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong xã hội. Bên cạnh những yếu tố con người, môi trường thì sự phát triển của công nghệ thông tin mang đến cả cơ hội và thách thức trong sự phát triển sáng tạo. Việc đưa ra những định hướng thẩm mỹ và khuyến khích sáng tạo thông qua các cuộc thi được coi là giải pháp không thể thiếu.
Âm nhạc là một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của người sáng tạo trẻ với mong muốn trở thành những ca sĩ, nhạc sĩ, người sáng tạo nội dung số, nhà sản xuất âm nhạc...
Giới trẻ hiện nay có khả năng tiếp cận dễ dàng với các hình thức, thể loại âm nhạc khác nhau ở trong nước và trên toàn cầu nhờ công nghệ thông tin. Bản thân công nghệ cũng đang là cơ hội để nghệ sĩ và giới trẻ tiệm cận gần hơn với xu hướng phát triển của VHNT nói chung, âm nhạc nói riêng trên thế giới. Bằng những công nghệ tiên tiến, người sáng tạo, nhất là giới trẻ thỏa sức sáng tạo trên những phần mềm thu âm, hòa âm - phối khí, chỉnh sửa âm thanh, đến các nền tảng chia sẻ âm nhạc trực tuyến. Điều này cho phép họ tự do sáng tạo mà không bị giới hạn bởi không gian phòng thu truyền thống, dàn nhạc hay rào cản về tài chính.
Nhờ công nghệ, công chúng có thể khám phá, khai thác, lồng ghép nhiều thể loại, phong cách, ngôn ngữ khác nhau như một trải nghiệm của bản thân và cũng nhờ công nghệ, các sản phẩm khi được truyền tải đến công chúng có thể được đẩy lên thành hit (Ở đây cần nhấn mạnh, có những bản hit thực sự xuất sắc cả về tư duy âm nhạc, ngôn ngữ biểu đạt, giá trị nghệ thuật để tác phẩm trở thành sản phẩm trở nên hit, nhưng cũng có những bản hit lại do sự khác thường, dị biệt gây tò mò, hiệu ứng đám đông chứ chưa hẳn đã là những sáng tạo có giá trị).
Phần lớn xu hướng khám phá và sáng tạo của giới trẻ đang tập trung vào khai thác phong cách: Pop, Rap, Hiphop đến nhạc điện tử (eDM), indie hay acoustic. Sự kết hợp giữa các thể loại từ âm nhạc dân gian kết hợp các yếu tố âm nhạc hiện đại, tạo ra những xu hướng âm nhạc độc đáo, mới lạ. Đồng thời, sự sáng tạo đó mang dấu ấn cá nhân rất cao, phản ánh bản sắc, trải nghiệm riêng biệt của người sáng tạo (ê-kíp sáng tạo).
Âm nhạc của giới trẻ còn thể hiện được sự đa dạng, phong phú thông qua các chủ đề sáng tác như: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, cuộc sống xã hội, môi trường, sức khoẻ tâm lý, chính trị, bản sắc... Họ sử dụng âm nhạc để thể hiện quan điểm cá nhân và góp tiếng nói của mình vào những vấn đề nổi cộm của xã hội như: ma túy, tình trạng học đường, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và những vấn đề khác của xã hội đương thời. Các ca khúc thể hiện rõ sự phóng khoáng, tự do và có chút “ngông” của tuổi trẻ.
Với những sáng tác như vậy, họ không chỉ dừng lại ở việc biểu đạt cái tôi cá nhân mà còn mang sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Họ có thể sử dụng âm nhạc để kết nối các thế hệ, truyền cảm hứng và tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội. Rất nhiều những phong trào âm nhạc như “Rửa tay thời COVID”, “Music dập dịch”, “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, “Áo dài Việt Nam”… đã lan toả và có sức ảnh hưởng tích cực, sâu rộng tới cộng đồng, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn trong các lĩnh vực khác như thời trang, phong cách sống và tư duy văn hoá.
Mạng xã hội Facebook, Tiktok, YouTube,… là những công cụ, phương tiện giúp giới trẻ có cơ hội tiếp cận và lan toả nhiều dòng âm nhạc, nội dung và phong cách âm nhạc với thế giới, từ nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc, Âu - Mỹ, Thái Lan,.. cho đến những dòng nhạc ít phổ biến hơn.
Sự ảnh hưởng của văn hóa đại chúng, đặc biệt là qua các nền tảng Tiktok đã biến các ca khúc trở thành xu hướng lan truyền nhanh chóng, khiến các nhạc sĩ trẻ có thể dễ dàng gây tiếng vang và tạo sự ảnh hưởng trong một khoảng thời gian ngắn. Cùng với kho dữ liệu (data) khổng lồ trên không gian mạng cũng là kho tài liệu phong phú và có khả năng kết nối nhanh chóng, rộng rãi mà giới trẻ ngày nay có thể thông qua đó để học hỏi, sáng tạo từ: sáng tác âm nhạc, sản xuất âm nhạc với các lớp học online miễn phí, mất phí, hay thậm chí là học hỏi kết nối từ cộng đồng mạng xã hội. Khả năng tự phát triển và làm chủ quy trình sáng tạo giúp nhiều tác giả trẻ trở thành nghệ sĩ độc lập, không phụ thuộc vào công ty quản lý hay các hãng sản xuất âm nhạc.
Tuy nhiên, chính sự tự do sáng tạo là những thách thức, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường âm nhạc và hoạt động thương mại hoá của ngành công nghiệp âm nhạc. Có không ít những bài hát “mì ăn liền”, ca từ dễ nghe, dễ hiểu, đơn giản, thậm chí “thô” nhanh chóng bắt trend (xu hướng) bằng nhiều hình thức pha trộn ngôn ngữ âm nhạc, remix, thu hút người nghe một cách “rẻ tiền”. Điều này dẫn đến sự hỗn loạn thị trường âm nhạc, đặc biệt trên nền tảng số, không chỉ làm mất cân bằng giá trị nghệ thuật và những yếu tố thương mại thấp kém cũng đang có nguy cơ phát triển mạnh.
Những yếu tố tác động đến sáng tạo của giới trẻ
Có rất nhiều những yếu tố tác động đến sự sáng tạo của giới trẻ, trong đó phải kể đến đời sống kinh tế, xã hội và các giá trị văn hóa. Một xã hội cởi mở và đa dạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo phát triển, thông qua các yếu tố như khuyến khích tự do biểu đạt, tôn trọng sự khác biệt, hỗ trợ thử nghiệm, tiếp cận với nguồn tài nguyên phong phú và mở rộng khả năng hợp tác.
Một xã hội cởi mở cho phép mọi người tự do bày tỏ suy nghĩ, ý tưởng và cảm xúc, khuyến khích giới trẻ dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm những ý tưởng mới mà không lo sợ bị phán xét. Môi trường này giúp các ý tưởng sáng tạo được phát triển mạnh mẽ và tự nhiên. Khi xã hội cởi mở, những người sáng tạo trẻ như được tiếp thêm động lực để thử nghiệm các ý tưởng mới mà không ngại khó khăn, thất bại, mà với nhiều người trẻ thì “thất bại” lại không phải là rào cản mà chính là một phần của quá trình học hỏi, trải nghiệm để phát triển, giúp tăng khả năng sáng tạo và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề. Từ đó, cởi mở hơn với nhiều phong cách, ý tưởng độc lạ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ nghệ thuật, mà còn cả trong khoa học, công nghệ… Nhờ công nghệ internet với nhiều nên tảng và cả công nghệ trí tuệ nhân tạo là cơ hội để người sáng tạo tiếp cận với kiến thức toàn cầu. Điều này giúp họ học hỏi những ý tưởng và kiến thức mới từ khắp nơi trên thế giới để áp dụng và phát triển từ sự hiểu biết và sáng tạo.
Trong một xã hội cởi mở và hợp tác, kết nối đa ngành, giới trẻ có được nhiều hơn nữa những góc nhìn và kỹ năng khác nhau, từ đó tạo ra những sản phẩm sáng tạo đột phá. Không chỉ vậy, việc giao lưu văn hóa và học hỏi từ các nền văn hóa khác trên thế giới cũng giúp họ mở rộng tầm nhìn và có thêm nhiều cảm hứng sáng tạo. Một môi trường đa dạng về quan điểm và giá trị sẽ giúp giới trẻ tự do lựa chọn con đường phát triển của riêng mình mà không bị ràng buộc bởi những định kiến xã hội. Điều đó cũng thúc đẩy thêm sự tự do sáng tạo và phát triển những khả năng tiềm ẩn.
Môi trường xung quanh, bao gồm gia đình, trường học, xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích hoặc kìm hãm sự sáng tạo. Gia đình, trước hết là nơi hình thành các thói quen, giá trị và phong cách sống. Nền tảng giáo dục từ gia đình có thể giúp phát triển tiềm năng sáng tạo, trong khi gia đình quá bảo thủ hoặc quá áp đặt có thể làm kìm hãm sự sáng tạo. Con cái được nuôi dưỡng trong sự khuyến khích của gia đình, chẳng hạn như sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc thì sẽ dễ dàng thẩm thấu âm nhạc, khả năng lắng nghe và nhận biết âm nhạc sẽ tốt hơn và ngược lại.
Trường học, là ngôi nhà thứ hai, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển tư uy và khuyến khích sự sáng tạo thông qua phương pháp giáo dục, chương trình học tập và không gian cho học sinh thử nghiệm ý tưởng mới. Một môi trường giáo dục khuyến khích đặt câu hỏi, thử nghiệm và sáng tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển năng lực học của học sinh, sinh viên. Ví dụ như đối với hệ thống trường FPT, mỗi học sinh ra trường đều phải biết một loại nhạc cụ dân tộc và họ tổ chức các gala âm nhạc để tìm kiếm tài năng, trao học bổng, khuyến khích nhân tài (bên cạnh các cuộc thì trong các lĩnh vực khác). Dự án nhạc kịch thường niên của Thôn Nghệ thuật Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam; Hay như Sân khấu UEH Theatre ở Trường ĐH Kinh tế TP HCM; và nhiều dự án nghệ thuật của hệ thống các trường liên cấp quốc tế... đã chú trọng đến việc giáo dục thẩm mỹ, giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chính từ những dự án như thế đã phát hiện nhiều tài năng trẻ trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, tổ chức sự kiện, nhà sản xuất tương lai.
Một yếu tố nữa tác động, ảnh hưởng không ít tới sự sáng tạo của giới trẻ đó chính là phương pháp giảng dạy và chương trình học có thể thúc đẩy hoặc hạn chế sự sáng tạo của giới trẻ. Cách mà giáo viên tổ chức bài giảng, nội dung chương trình học và các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên không chỉ ảnh hưởng đến sự tiếp thu kiến thức mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy sáng tạo.
Việc học tập và được thực nghiệm dự án cho phép người học tiếp cận kiến thức thông qua việc tham gia các dự án thực tế, khuyến khích tư duy độc lập và giải quyết vấn đề, từ đó phát triển kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy đa chiều. Tư duy mở, giúp người trẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại, cũng như khả năng tò mò và nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, là những yếu tố quan trọng giúp phát triển sự sáng tạo ở giới trẻ. Họ có thể vượt qua những giới hạn của bản thân, dám bước ra khỏi "vùng an toàn" để thử nghiệm những giải pháp mới.
Nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã áp dụng tư duy mở bằng cách kết hợp các yếu tố truyền thống với âm nhạc hiện đại, nhằm tạo nên những bản nhạc mang tính đột phá và mới mẻ. Như ca sĩ, nghệ sĩ Hoàng Thuỳ Linh là một ví dụ cho việc áp dụng lối tư duy, không vì thị phi mà dám bứt phá khẳng định mình bằng những sáng tạo nghệ thuật mới, kết hợp âm nhạc dân gian như Ca trù, Hò, Chèo, sử dụng điển tích văn học, thơ Đường cổ,… với những thể loại nhạc hiện đại để tạo ra những bản hit. Tất nhiên ở góc độ nghệ thuật còn cần phải bàn nhiều, song ở một khía cạnh nào đó cũng cho thấy sự bứt phá của cá nhân.
Sau gia đình và nhà trường, thì xã hội là môi trường có ảnh hưởng được coi là lớn nhất đến sự phát triển của cá nhân. Các giá trị xã hội, các xu hướng văn hoá, môi trường sống hàng ngày đều có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với sự sáng tạo của giới trẻ. Khi giới trẻ có khả năng nhìn nhận vấn đề đa chiều, họ sẽ dễ dàng tìm ra các giải pháp sáng tạo hơn. Thay vì chỉ tập trung vào một hướng suy nghĩ, họ có thể kết hợp nhiều ý tưởng khác nhau để tạo ra các giải pháp mới mẻ và hiệu quả hơn. Khả năng này cũng giúp họ nhìn thấy tiềm năng sáng tạo ở những lĩnh vực mà người khác có thể bỏ qua, từ đó dẫn đến những phát minh hoặc sáng kiến đột phá.
Cuối cùng, sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin tác động tới sự sáng tạo của giới trẻ một cách đầy mạnh mẽ, mang lại không chỉ những cơ hội mà cả những thách thức. Trước hết, phải thừa nhận rằng, công nghệ thông tin là công cụ sáng tạo phong phú, dễ tiếp cận, cung cấp cho giới trẻ vô số công cụ sáng tạo tạo kỹ thuật số, từ các phần mềm thiết kế, âm nhạc, video cho đến công nghệ thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo. Nhắc đến các phần mềm làm nhạc chuyên nghiệp, ta không thể điểm mặt những cái tên nổi đình nổi đám như FL Studio, Logic Pro, hay đơn giản hơn là những phần mềm dễ dàng sử dụng, hoàn toàn miễn phí nhưng công năng sử dụng cao như Garageband, Cubase,… Internet đã mở ra rất nhiều những cơ hội sáng tạo nội dung cá nhân mà không cần đến các cơ sở hạ tầng truyền thống. Ví dụ như mạng xã hội Tiktok, nhiều người trẻ đã trở thành những nhà sáng tạo nội dung số nổi tiếng chỉ với những công cụ hết sức đơn giản, sẵn có, như một chiếc điện thoại di động. Mặc dù công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có những thách thức liên quan đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, có thể làm giảm khả năng sáng tạo thực tế và sự tương tác trực tiếp. Khi quá lệ thuộc vào các công cụ kỹ thuật số, có thể làm giảm sự phát triển của một số kỹ năng sáng tạo phi kỹ thuật, mất đi cảm xúc và những rung động thực của trái tim. Vì thế, để phát triển một cách bền vững, cần biết cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và duy trì những kỹ năng sáng tạo thực tế, truyền thống.
Đôi điều gợi mở
Trước những thực trạng và các yếu tố tác động đến sự sáng tạo của giới trẻ trong nghệ thuật, chúng ta cần cấp thiết đưa ra những giải pháp kịp thời, lâu dài như: định hướng tư tưởng thẩm mỹ, nhân cách; tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác nhằm khuyến khích sự sáng tạo; đồng thời đảm bảo quyền tác giả để thúc đẩy sáng tạo.
Định hướng tư tưởng thẩm mỹ và nhân cách là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của giới trẻ. Khi nghệ sĩ trẻ nhận thức rõ ràng và định hình được phong cách, họ sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang lại những giá trị văn hóa, xã hội và nhân văn sâu sắc. Việc định hướng này bao gồm các khía cạnh như xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ, phát triển nhân cách sáng tạo, và khả năng thể hiện tư tưởng, quan điểm cá nhân qua nghệ thuật. Giới trẻ cần được định hướng để phát triển hệ giá trị thẩm mỹ cá nhân, từ đó giúp họ không chỉ tạo ra những tác phẩm đẹp mà còn có tính triết lý, phản ánh những giá trị văn hóa, xã hội và cá nhân. Nhân cách của một nghệ sĩ không chỉ được phản ánh qua tác phẩm mà còn qua cách họ tiếp cận và ứng xử với nghệ thuật. Định hướng nhân cách sáng tạo giúp giới trẻ phát triển đạo đức nghệ thuật, lòng tự trọng và trách nhiệm với tác phẩm của mình cũng như với xã hội.
Nghệ thuật có sức mạnh tác động to lớn đến cộng đồng, vì vậy, nghệ sĩ trẻ cần được định hướng để tạo ra những tác phẩm không chỉ thỏa mãn cái tôi cá nhân mà còn có trách nhiệm với xã hội. Những tác phẩm phản ánh chân thực đời sống, đấu tranh vì công lý hay nâng cao ý thức xã hội sẽ mang lại giá trị lâu dài và bền vững. Định hướng nhân cách còn giúp giới trẻ tránh xa những cám dỗ của việc chạy theo lợi ích kinh tế hay xu hướng thương mại hóa nghệ thuật một cách cực đoan. Đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ phải chân thành với chính mình, trung thực với nghệ thuật và không ngừng hoàn thiện bản thân. Dễ thấy trong “Nấu ăn cho em”, “Mang tiền về cho mẹ” của ca sĩ trẻ Đen Vâu đã truyền tải thông điệp về sự bình dị, cố gắng trong cuộc sống, qua đó sức mạnh về tình yêu thương, tình đồng bào, dân tộc được lan toả. Với ca từ giản dị, tính chất âm nhạc và những câu Rap rất “đời”, các ca khúc của Đen Vâu không chỉ phản ánh quan điểm cá nhân mà còn động viên giới trẻ sống chân thực, có ý nghĩa và không chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh giá trị nghệ thuật thì còn nhiều điều cần phải bàn.
Nghệ thuật không chỉ phản ánh cái đẹp mà còn có thể là phương tiện truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc, giúp thay đổi nhận thức và làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Các tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn có thể tạo ra tác động lớn đến xã hội, góp phần xây dựng một cộng đồng nhân ái và tốt đẹp hơn. Định hướng tư tưởng nhân văn trong sáng tạo giúp giới trẻ biết cách sử dụng nghệ thuật để đấu tranh cho các giá trị cao cả như công bằng, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm… Không chỉ vậy, giới trẻ cũng cần được trang bị kiến thức văn hóa sâu rộng để làm giàu tư duy sáng tạo và phát triển hệ tư tưởng thẩm mỹ độc đáo. Nền tảng văn hóa giúp họ hiểu rõ giá trị truyền thống và biến chúng thành nguồn cảm hứng trong quá trình sáng tạo.
Khuyến khích sự sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ thông qua việc tổ chức các cuộc thi và cuộc vận động sáng tác âm nhạc là một cách hiệu quả để nuôi dưỡng tài năng và tạo động lực phát triển cho các nghệ sĩ trẻ. Các cuộc thi nên khuyến khích sự đa dạng về thể loại âm nhạc, từ truyền thống đến hiện đại, từ dân gian đến nhạc điện tử, để giới trẻ có thể thỏa sức sáng tạo trong không gian âm nhạc mà họ yêu thích. Điều này giúp khuyến khích việc thử nghiệm những thể loại mới. Thông qua cuộc thi, như “Sing My Song Việt Nam” nhiều tài năng được phát hiện. Một số nghệ sĩ trẻ đã nổi tiếng sau chương trình như Cao Bá Hưng, Lộn Xộn Band hay Bùi Công Nam. Hay rất nhiều người thành công sau cuộc thi “The Voice”, “Việt Nam Idol”.
Các cuộc thi không chỉ tập trung vào sáng tác mà còn tạo cơ hội để giới trẻ trau dồi kỹ năng. Ngoài giải thưởng và danh tiếng, các cuộc thi và cuộc vận động sáng tác còn giúp người tham gia có cơ hội tiếp cận với các nhà sản xuất âm nhạc, công ty giải trí, và các nghệ sĩ nổi tiếng. Điều này mở ra cánh cửa để họ phát triển sự nghiệp chuyên nghiệp và có chỗ đứng trong ngành âm nhạc.
Một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là quyền tác giả. Đảm bảo quyền tác giả là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là với giới trẻ. Khi quyền lợi của nghệ sĩ được bảo vệ, họ sẽ có thêm động lực và sự tự tin để sáng tạo, phát triển tác phẩm của mình mà không lo ngại việc bị sao chép hoặc sử dụng trái phép.
Khi một nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm, họ có quyền kiểm soát việc sử dụng, phát hành, sao chép, và khai thác thương mại trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, YouTube, Facebook… Quyền tác giả không chỉ bảo vệ quyền lợi kinh tế mà còn đảm bảo quyền nhận dạng, giúp các nghệ sĩ trẻ được công nhận đúng đắn về đóng góp sáng tạo của mình. Điều này giúp họ có nguồn thu nhập ổn định từ các tác phẩm của mình, khuyến khích sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới. Tuy nhiên, sao chép trái phép và vi phạm bản quyền là những thách thức lớn đối với nghệ sĩ. Khi họ bị xâm phạm bản quyền, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập mà còn làm giảm giá trị sáng tạo. Bằng cách đảm bảo quyền tác giả, luật pháp giúp ngăn chặn những hành vi vi phạm bản quyền, tạo ra một môi trường sáng tạo lành mạnh và công bằng hơn. Bảo vệ quyền tác giả cũng tạo điều kiện để nghệ sĩ trẻ tự do chia sẻ tác phẩm của mình mà không lo ngại về việc mất quyền kiểm soát.
Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.
TRẦN LỆ CHIẾN
Nhà Lý luận phê bình, Ủy viên BCH Hội LHVHNT Hà Nội, Ủy viên BCH Hội Âm nhạc Hà Nội