Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa ở Lạng Sơn

Lạng Sơn là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn nhờ sở hữu phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và di sản văn hóa đặc sắc. Những năm gần đây, để thúc đẩy du lịch, tỉnh Lạng Sơn đã đổi mới và sáng tạo trong việc thiết kế các sản phẩm du lịch, nhằm tạo ra những trải nghiệm mới lạ, độc đáo, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa cũng được chú trọng để giữ gìn bản sắc văn hóa riêng độc đáo của cộng đồng dân cư bản địa bao gồm các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông…

Hồ Vũ Lăng trong khu du lịch sinh thái Vũ Lăng thu hút nhiều du khách

Lạng Sơn có vị trí chiến lược khi nằm ở cửa ngõ giao thương với Trung Quốc. Ðây là điểm dừng chân quan trọng trên các tuyến đường du lịch từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tới Trung Quốc, giúp thu hút nhiều du khách quốc tế. Không chỉ có các hoạt động thương mại, Lạng Sơn còn là điểm đến du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như đỉnh Mẫu Sơn, động Tam Thanh - Nhị Thanh, chợ Kỳ Lừa, và các di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử. Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên và nền văn hóa đặc sắc, các điểm đến du lịch tại Lạng Sơn có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và những di sản văn hóa, lịch sử phong phú.

 Lạng Sơn được bao phủ bởi các dãy núi đá vôi và núi đất hùng vĩ, tạo ra những khung cảnh ngoạn mục. Ðiển hình là núi Mẫu Sơn, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, le núi, và khám phá thiên nhiên. Vào mùa đông, Mẫu Sơn còn có hiện tượng băng tuyết, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm. Ngoài ra Lạng Sơn còn có những khu rừng nguyên sinh, nơi bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm như rừng Hữu Liên. Bên cạnh đó, các hang động Tam Thanh, Nhị Thanh cũng là những điểm đến được yêu thích bởi vẻ đẹp huyền bí và lịch sử lâu đời.

Hoạt động trải nghiệm rừng hồi tại huyện Văn Quan

 Lạng Sơn còn là vùng đất có bề dày văn hóa và lịch sử, nổi bật với nhiều di sản quan trọng. Thành nhà Mạc là di tích phòng thủ thời nhà Mạc, còn chùa Tam Thanh nổi tiếng với tượng Phật và thơ cổ. Ðền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ là những nơi thờ cúng linh thiêng, gắn với lễ hội lớn của tỉnh. Ải Chi Lăng là di tích lịch sử nổi tiếng, nơi diễn ra những trận chiến oanh liệt chống ngoại xâm. Lạng Sơn cũng có lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng, cùng văn hóa dân tộc đặc sắc. Chợ phiên truyền thống như chợ Kỳ Lừa và Ðồng Ðăng góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa và thu hút du khách. Các yếu tố văn hóa này có thể trở thành nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách quốc tế.

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của du khách như tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực... Ðồng thời, khách du lịch còn quan tâm và tìm hiểu thái độ ứng xử, cách tổ chức thực hiện các chương trình du lịch cũng như được học hỏi và trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân bản địa. Các mục đích hướng tới của Du lịch văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc. 

Thác Đăng Mò còn được gọi với cái tên khác là thác Mũi Bò là nơi tiếp giáp của 3 xã vùng cao Mông Ân, xã Thiện Thuật và xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

 Du lịch văn hóa là một trong hai loại hình quan trọng nhất trong các loại hình du lịch (xét theo phân loại tài nguyên du lịch). Theo Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism), du lịch văn hóa là “một loại hình hoạt động du lịch trong đó động lực cơ bản của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể tại điểm đến du lịch. Những điểm du lịch hay /sản phẩm này liên quan đến một tập hợp các đặc điểm vật chất, trí tuệ, tinh thần và cảm xúc đặc biệt của một xã hội bao gồm nghệ thuật và kiến ​​trúc, di sản lịch sử và văn hóa, di sản ẩm thực, văn học, âm nhạc, các ngành công nghiệp sáng tạo và các nền văn hóa với lối sống, hệ giá trị, tín ngưỡng và truyền thống của người dân”.

Hội đồng quốc tế các di chỉ và di tích (ICOMOS) đánh giá “Du lịch văn hóa mang lại những ảnh hưởng tích cực bằng việc đóng góp vào việc duy tu, bảo tồn. Loại hình này trên thực tế đã minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng vì những lợi ích văn hóa - kinh tế - xã hội”.

Khoản 17, điều 3 Luật số Du lịch số 09/2017/QH14 cũng cho rằng “Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.”

Nhìn chung, Du lịch văn hóa là loại hình du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của du khách như tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực... Hơn nữa, du khách còn quan tâm đến thái độ ứng xử, cách tổ chức thực hiện các chương trình du lịch cũng như được học hỏi và trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân bản địa. Các mục đích hướng tới của du lịch văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc. Nó là một trong những phương thức phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa trong quá trình phát triển. Ðây là phương thức bảo tồn di sản văn hóa gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phương pháp bảo tồn này là hình thức, là biện pháp hữu hiệu đặt văn hóa trong môi trường mà nó được sáng tạo và trao truyền. Hoạt động này nhằm phát huy tốt nhất các giá trị của di sản văn hóa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa.

Sống Khủng long đường lên đỉnh núi Cha (Phjia Pò) thuộc địa phận xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn thu hút nhiều du khách

 Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới và sáng tạo trong thiết kế sản phẩm du lịch để thu hút khách trong và ngoài nước. Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từng bước phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 139 di tích được xếp hạng các cấp; hơn 100 câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng hằng trăm tổ, đội văn nghệ cơ sở; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Việc thực hiện Dự án 6 trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch, còn tạo nên những sản phẩm du lịch mới vô cùng hấp dẫn, khác biệt so với các điểm đến truyền thống.  Sự đổi mới và sáng tạo còn giúp ngành du lịch Lạng Sơn nắm bắt và khai thác các xu hướng du lịch mới. Ví dụ, xu hướng du lịch xanh và du lịch bền vững đang ngày càng được nhiều khách quốc tế quan tâm. Việc đổi mới các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, chú trọng đến bảo vệ thiên nhiên và văn hóa bản địa sẽ thu hút những du khách có ý thức cao về bảo vệ môi trường. Sự sáng tạo giúp các điểm đến du lịch xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo nên sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh toàn cầu. Những điểm đến nổi bật với sự sáng tạo trong kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa hoặc các sự kiện du lịch đặc sắc thường có khả năng thu hút sự quan tâm của khách quốc tế hơn so với những điểm đến truyền thống không có nhiều đổi mới. Ðiều này giúp nâng cao vị thế của điểm đến trên bản đồ du lịch quốc tế.

 Việc phát triển du lịch cộng đồng giúp kết nối du khách quốc tế với văn hóa, đời sống của người dân địa phương. Các tour trải nghiệm thực tế cuộc sống tại làng quê, học làm thủ công mỹ nghệ, tham gia lễ hội dân gian là những cách thức sáng tạo giúp du khách quốc tế có những trải nghiệm chân thực và gần gũi hơn, đồng thời phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương. Du lịch phát triển bền vững không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và  giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, từ đó mang lại sự phát triển bền vững cho Lạng Sơn.

Du lịch trải nghiệm văn hóa là một xu hướng ngày càng phổ biến, đặc biệt là đối với du khách quốc tế muốn khám phá và tương tác với các nền văn hóa bản địa. Lạng Sơn có nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc biệt là các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao. Ðiều này mở ra tiềm năng lớn cho việc phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên sự kết hợp giữa văn hóa và cộng đồng địa phương.

Trong tour du lịch cộng đồng tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, du khách có thể tham gia vào các hoạt động hằng ngày của người dân bản địa, như trồng lúa, thu hoạch hoa màu, dệt thổ cẩm và chế biến các món ăn truyền thống. Một phần của tour sẽ là tham gia vào các lễ hội truyền thống, như lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng), nơi du khách được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người dân tộc Tày. Cách tiếp cận du lịch cộng đồng này không chỉ mang lại trải nghiệm chân thực cho du khách mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương. Du khách được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và tái chế rác thải nông thôn, góp phần vào du lịch bền vững.

Còn Tour “Một ngày làm nông dân tại làng Văn hóa Hữu Liên” lại giúp du khách  được sống như một nông dân thực thụ, tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại làng Hữu Liên. Hoạt động này không chỉ giúp du khách hiểu thêm về văn hóa nông nghiệp truyền thống của người Tày mà còn khuyến khích giao lưu giữa du khách và người dân địa phương thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Ðây là tour du lịch kết hợp giữa trải nghiệm văn hóa và bảo tồn môi trường. Du khách được giới thiệu về nông nghiệp hữu cơ và tham gia vào các hoạt động sinh thái, như trồng cây và thu gom rác thải.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gia tăng, du lịch xanh và bền vững đã trở thành xu hướng toàn cầu. Lạng Sơn với hệ sinh thái phong phú và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ có tiềm năng lớn để phát triển du lịch xanh. Trong tour leo núi khám phá đỉnh Mẫu Sơn kết hợp bảo vệ môi trường. Du khách sẽ được khám phá hệ sinh thái với các loài cây cổ thụ và động vật hoang dã của đỉnh Mẫu Sơn, với độ cao gần 1.600m so với mực nước biển.  

Khu bảo tồn thiên nhiêu Hữu Liên

Tham gia tour Du lịch sinh thái khám phá rừng nguyên sinh Hữu Liên, du khách sẽ có cơ hội khám phá rừng nguyên sinh trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, cắm trại giữa thiên nhiên hoang dã và tham gia vào các hoạt động bảo tồn động thực vật. Các sản phẩm du lịch sinh thái này đều hướng đến việc giữ gìn sự đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên. Các tour này kết hợp các hoạt động sinh thái và giáo dục bảo vệ môi trường, với sự tham gia của các chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên, giúp du khách hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ các hệ sinh thái.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;