Đầu tháng bảy theo lịch Chăm (tức khoảng cuối tháng chín hoặc đầu tháng mười dương lịch) hằng năm là thời điểm diễn ra lễ hội Katê, một lễ hội truyền thống lâu đời và lớn nhất trong năm của người Chăm.
Tôi đến với Ninh Thuận lần này vào một ngày đầu tháng mười năm 2024. Rời sân bay Cam Ranh, chúng tôi di chuyển bằng ô tô qua những cung đường hai bên trải dài cát trắng, những ghềnh đá, những triền đồi và rừng cây chắn sóng để về thành phố Phan Rang - Tháp Chàm rồi từ đó đến với các xóm làng của người Chăm trong mùa lễ hội.
Khác xa với cái heo heo lạnh mùa thu Hà Nội, Ninh Thuận những ngày này rực nắng và khô nóng. Từ mờ sáng đã thấy khắp làng trên xóm dưới có một không khí náo nức lạ thường. Người Chăm, trẻ, già, trai gái với trang phục áo dài truyền thống đủ màu, khăn vấn, gương mặt rạng rỡ đi lại khắp nơi trong làng. Tiếng trống, tiếng kèn vang vọng gợi thức một cảm giác linh thiêng hướng về cội nguồn.
Người Chăm sống ở Ninh Thuận hiện có khoảng hơn 70 nghìn người, chiếm gần 40% số người Chăm trên cả nước. Trong đó có hai cộng đồng đông đúc nhất là người Chăm Ahier theo tôn giáo Bà La Môn và người Chăm Awal theo tôn giáo Bà Ni. Họ thường sinh sống thành làng. Mỗi làng thường có một ngành nghề truyền thống như nghề gốm, nghề dệt vải. Người dân nơi đây chân thật, nồng nhiệt, sống chan hòa, đậm tình làng nghĩa xóm.
Sản phầm gốm Bàu Trúc
Chị Đệ Tài Công Thùy Diễm, một người Chăm, cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tại Ninh Thuận đã đưa chúng tôi tham dự lễ trao trả y trang từ người Raglai cho người Chăm trong dịp lễ Katê tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
Đấy là một nét phong tục thiêng liêng, khởi đầu cho lễ Katê. Đúng mười ba giờ, dưới cái nắng hừng hực, các chức sắc người Chăm cùng người Raglai và nhân dân trong làng tiến hành lễ rước y trang lên đền tháp. Trên một bãi rộng ven đường, người Raglai tập trung đầy đủ, ông từ giữ đền và những vị chức sắc dâng cúng lễ vật như: trầu, cau, rượu… xin phép Thần cho rước y trang về tháp cúng lễ. Khoảng 30 phút trôi qua, lễ cúng kết thúc và đoàn đón rước bắt đầu diễu hành. Dẫn đầu đoàn người rước y trang là những người Raglai vừa đi vừa đánh mã la, tiếp đến là vị chủ trì đền tháp; người kéo đàn Kanhi; các chức sắc Chăm; đội múa, các nhạc công dân gian; và nhiều thanh niên cầm cờ, khiêng kiệu đựng y phục của vua; theo sau là những người phụ lễ và dân làng. Trên đường, các thiếu nữ mặc trang phục truyền thống, vừa đi vừa múa quạt trong nhịp trống Ginăng, kèn Saranai... Khi đoàn rước kiệu đưa y trang về đến đền tháp, nghi lễ xin phép các thần linh cho mở cửa tháp để đưa y trang vào tháp được bắt đầu. Lúc này, những người bên ngoài Tháp cũng vào khấn tế mời vua nhận lễ và cầu xin vua thần phù hộ cho con cháu. Ở sân vận động của làng, một chương trình văn nghệ hoành tráng với hàng trăm người tham gia múa quạt, hát và nhảy múa, tiếng loa vang động cả một vùng.
PV Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật với nghệ nhân người Chăm
Ngày đầu của lễ Katê là lễ cúng tế được thực hiện ở các đền tháp với sự có mặt của các vị chức sắc tôn giáo và các vị lãnh đạo địa phương cùng hàng ngàn người dân lũ lượt từ các dân làng. Hiện ở Ninh Thuận có đền tháp Po Nagar (thuộc địa phận thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), Tháp Po Klong Garai (thuộc địa phận phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và tháp Po Rome (thuộc địa phận thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Một không khí vui tươi và sự thành kính hiện rõ trên gương mặt của người dân từ già đến trẻ.
Những ngày tiếp theo, người Chăm cúng tế ở các làng và ở gia đình. Đây là dịp họ tưởng nhớ về các bậc tiền nhân và cầu ước những điều may mắn tốt đẹp cho cuộc sống.
Dịp lễ này, người Chăm thường mời nhau đến nhà dự tiệc, chung vui cùng cầu chúc những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng tôi may mắn được anh Phạm Văn Hương - Giám đốc Trung tâm văn hóa Tỉnh Ninh Thuận và chị Thùy Diễm đưa đến dự bữa cơm thân mật theo lời mời của anh Ngô, một người Chăm sung túc ở Phan Rang. Đến nơi đã thấy mâm cỗ bày sẵn trong khuôn viên thoáng rộng, khá nhiều bạn bè của anh chị đã có mặt. Bữa tiệc giản dị với những món ăn truyền thống của dân tộc và đặc sản địa phương, và những lời chúc tốt lành. Chủ nhà đến bên từng người khách chúc rượu, tự tay bóc bánh tét mời. Trên gương mặt ai cũng nở nụ cười với cảm giác hân hoan hạnh phúc. Bữa tiệc Katê gợi cho tôi nghĩ đến những mâm cỗ Tết cổ truyền của người Kinh. Thì ra, đồng bào ta, đâu đâu cũng vậy, luôn có bản sắc riêng mình nhưng cũng cùng một tâm thức hướng về cội nguồn, về các bậc tiền nhân và mang đến cho nhau những ước nguyện tốt lành trong những ngày lễ trọng.
. Người dân dệt vải ở làng dệt Mỹ Nghiệp
Ngày thứ hai trong lễ Katê, chúng tôi đến làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước vào một buổi chiều khi cái nắng gay gắt đã dịu đi một chút. Nơi đây, có đến 90% hộ gia đình có người làm đồ gốm. Trong những căn nhà rộng rãi, dưới những mái che, chúng tôi mải mê với những sản phẩm đa dạng được tạo nên từ những bàn tay tài hoa và cần mẫn của những nghệ nhân dân gian nơi đây. Có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sản phẩm gốm từ những linh vật của người Chăm, đến những bức tượng thần, những vật dụng từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn sơ đến tinh xảo được bày thành hàng, thành lớp. Nghề gốm vốn là một trong những những nghề lâu đời gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc Chăm. Nghề gốm cũng là biểu hiện nét tài hoa của những thế hệ người Chăm giàu phẩm tính nghệ sĩ từ bao đời. Cùng với âm nhạc, điêu khắc, nghề gốm góp phần tạo nên bản sắc nghệ thuật riêng của dân tộc Chăm.
Một cụ già tầm hơn bảy mươi tuổi dừng tay nói với tôi:
“Nghề này là nghề gia truyền của chúng tôi. Tôi làm đã gần sáu mươi năm rồi…”.
Dáng cụ đã còng, nhưng thân hình đậm đà khỏe mạnh. Cụ kể cho chúng tôi về quá trình đi lấy đất sét ở một khu vực ven sông về và quá trình nhào luyện trước khi nặn gốm. Đấy là một việc đòi hỏi cẩn thận, công phu và nhiều công đoạn. Cuối cùng khi sản phẩm đã hoàn thiện như ý, những hoa văn đã được chạm trổ thì mới bắt đầu nung. Việc nung gốm diễn ra ngay trong lò ở vườn sau, nhưng không phải tất cả được như ý, mười sản vật sau khi nung cũng hư hỏng đi một vài cái. Cụ cho biết, mỗi năm cụ dạy cho khoảng vài chục cháu nhỏ đến học gốm để tiếp nối truyền thống của làng. Nhưng lớp trẻ bây giờ bỏ làng đi học, đi làm ở các công ty, nhà máy nhiều quá, nghề gốm ngày càng ít người theo. Những nghệ nhân như cụ ngày càng già và càng ít dần. Cụ mong các lớp người sau cố gắng giữ gìn những di sản của cha ông để lại, đề người Chăm dù có hội nhập vào đời sống hiện đại vẫn mang những nét tài hoa tinh tế qua những vẻ đẹp truyền thống của quê hương mình.
Sản phẩm làng dêt Mỹ Nghiệp
Chúng tôi cũng đến với Làng dệt Mỹ Nghiệp, một làng dệt lâu đời của người Chăm ở Ninh Thuận. Nơi đây, những kỹ thuật cổ truyền vẫn còn được bảo tồn. Nhiều xưởng dệt lộng lẫy với những loại thổ cẩm đủ màu mang bản sắc văn hóa người Chăm. Chính sản phẩm dệt nơi đây đã được hiện diện trên trang phục của những vị chức sắc tôn giáo và người dân trong những ngày lễ trọng. Sản vật ấy cũng được khách tham quan du lịch mỗi khi đến Ninh Thuận chú ý mua về làm kỷ vật gắn liền với một xứ sở.
Anh Lê Xuân Lợi - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng, bên cạnh bàn làm việc bài trí nhiều hiện vật mang bản sắc văn hóa Chăm. Anh say mê nói về lịch sử của dân tộc Chăm qua các thời đại, về tục ngủ thảo của người Raglai, về tính cấp bách của việc bảo vệ các di sản văn hóa của người Chăm trước sức ép của thời kinh tế thị trường và sự du nhập các giá trị văn hóa mới. Suốt hơn ba mươi năm lăn lộn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Chăm, anh đáu đáu với công việc, viết nhiều bài nghiên cứu công phu và có giá trị trên các báo và tạp chí văn hóa trung ương và địa phương.
Vải thổ cẩm ở làng dệt Mỹ Nghiệp
Về cuối lễ Katê năm nay, Ninh Thuận mát mẻ hơn với những cơn mưa chiều chợt đến. Sau cơn mưa trời lại trong trẻo, sáng sủa, chúng tôi tranh thủ khám phá thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. So với những lần ghé qua thành phố này trước đây, Phan Rang ngày nay đã phát triển nhanh chóng và hiện đại dần. Những con đường thoáng rộng đan nhau như ô bàn cờ, những bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, phố đi bộ, chợ đêm… Nhịp sống của Phan Rang đã trở nên sôi động không chỉ ban ngày mà còn tràn sang ban đêm với những con phố rực rỡ đủ ánh đèn màu, những đoàn người đi lại đông đúc. Đây là một thành phố tiếp giáp với biển, có những di sản văn hóa Chăm đặc sắc, kết hợp với những yếu tố hiện đại, lại nằm trên trục giao lưu chính Bắc - Nam, mở ra những tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Chia tay Ninh Thuận, chia tay những người bạn, những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, chia tay những người dân nồng hậu của một xứ sở đầy nắng và gió, chúng tôi không khỏi lưu luyến. Mảnh đất này để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đẹp trong những ngày lễ hội Katê, gợi một tiềm thức sâu thẳm về lịch sử, về truyền thống cha ông, về những huyền thoại linh thiêng đã làm nên đời sống tâm hồn phong phú của một xứ sở.
THIÊN SƠN
Ảnh: PHẠM TUẤN MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024