Người Dao Tiền rất thích làm đẹp, điều này được thể hiện rõ nét qua nghề dệt, thêu vẽ hoa trên trang phục cổ truyền. Bà con vẫn ưu ái cho nữ giới vì người dân nơi đây thường ví con gái là một loài hoa đẹp: “nom péng xí, pèng lống”. Hình hoa văn tượng trưng cho mặt trời, cho trăng sao, sóng biển, con rồng, con phượng, con chim, con thú… trên sản phẩm dệt. Tất cả đều mang ý nghĩa đậm tính nhân sinh.
Lớp trao truyền nghề dệt thổ cẩm có sự tham gia của 45 học viên là người dân ở xóm Sưng, xã Cao Sơn
Xóm Sưng là xóm cao nhất của xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đây là nơi sinh sống của gần 80 hộ dân - đồng bào dân tộc Dao Tiền - cạnh hồ Hòa Bình. Xóm Sưng vẫn giữ những nếp nhà trệt mái lợp lá cọ. Phụ nữ Dao Tiền vẫn nhuộm chàm, tự in hoa văn bằng sáp ong…
Chị Lý Thị Hằng, đại diện Tổ hợp tác sản phẩm thổ cầm xóm Sưng cho biết: Trước kia, bà con chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, đi nương, làm rẫy, rất ít tiếp cận với xã hội bên ngoài. Phụ nữ dân tộc Dao Tiền ngoài giờ lao động trồng trọt, cấy hái… đều tranh thủ dệt vải, in thêu khăn áo cho các thành viên trong gia đình nên rất tự nhiên, đã hình thành nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng, lâu dần trở thành nghề phổ thông, có truyền thống lâu đời. Người con gái dân tộc Dao Tiền từ xưa đã dành nhiều thời gian cho việc trồng bông, trồng chàm, dệt vải, nhuộm chàm áo váy, thêu hoa, in sáp ong lên trang phục. Các thành viên trong gia đình cũng tạo điều kiện, dành 1/3 thời gian trong năm cho bà, mẹ, chị… thêu hoa may mặc. Mọi thứ cứ diễn ra như vậy nên mọi người đều coi đó là công việc bình thường, không ai thấy hết giá trị đáng quý của nghề dệt truyền thống.
Học viên lớp trao truyền nghề dệt dân tộc Dao Tiền thực hành quy trình giăng sợi dệt đai
Năm 2017, xóm Sưng được lựa chọn triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Thông qua du lịch, nghề truyền thống dệt thổ cẩm Dao Tiền xóm Sưng ngày càng được nhiều người biết đến.
Đến năm 2019, Tổ hợp tác sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng được thành lập, gồm 12 thành viên là chị em phụ nữ trong xóm. Các thành viên góp vốn, tự làm nhà xưởng và mua nguyên liệu. Tuy nhiên, tổ đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì đại dịch COVID-19 bùng phát. Cùng với việc đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, các nghề truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm, vừa được nhen nhóm triển khai ngay lập tức bị ảnh hưởng. Quả là “vạn sự khởi đầu nan”!
Từ ngày 11-17/10.2024, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đà Bắc, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và UBND xã Cao Sơn tổ chức lớp học truyền dạy, thực hành Nghề dệt truyền thống của người Dao Tiền nơi đây.
Bà Triệu Thị Khoa, 60 tuổi, người Dao Tiền đang hướng dẫn dệt đai áo
Chương trình lớp học nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào vùng dân tộc thiểu số giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp nghề thủ công truyền thống đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc của các dân tộc.
Lớp trao truyền nghề dệt thổ cẩm dân tộc Dao Tiền có sự tham gia của 45 học viên là người dân “bản xứ” - đang sinh sống tại xã Cao Sơn. Trong đó, học viên cao niên nhất 45 tuổi, người nhỏ nhất mới 12 tuổi. Các học viên mới được những người am hiểu về nghề dệt hướng dẫn thực hành từng bước trong quy trình dệt thổ cẩm từ lựa chọn các nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu sợi, cách cầm kim thêu tạo hoa văn trên vải… đến cầm bút vẽ sáp ong.
Những người cao tuổi dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng cho biết, các sản phẩm dệt truyền thống của bà con thường lấy hai màu chủ đạo là chàm và đen để trang trí. Ấy thế nhưng không phải vì vậy mà sản phẩm kém phần đặc sắc. Bởi hai gam màu chàm, đen khi kết hợp với nhiều hình dáng hoa văn trên vải tạo nên sự độc đáo của sản phẩm, nhất là trang phục truyền thống. Đối với người Dao Tiền, phục trang không đơn thuần là đồ để mặc mà trầm tích truyền thống văn hóa, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, những tập tục lâu đời của dân tộc. Không giống với nhiều dân tộc anh em dùng chỉ màu tạo nên nét ấn tượng riêng của bộ trang phục, phụ nữ Dao Tiền dùng vải nhuộm chàm và sáp ong để tạo nên hoa văn trên váy, áo của mình. Nghiên cứu trang phục các dân tộc cho thấy, chỉ người Mông và Dao Tiền có cách thức in hoa văn trên trang phục bằng sáp ong.
Tại lớp học, các học viên trẻ tuổi cùng các bà, các mẹ, các chị đã dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn về ý nghĩa các hoa văn trên sản phẩm dệt, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm rút ra trong quá trình làm sản phẩm, từ việc nhuộm chàm đến việc chọn sáp ong để in hoa văn. Mặc dù các học viên có vốn sống, kinh nghiệm, độ tuổi khác nhau, cách ghi nhận và tiếp cận vấn đề cũng khác nhau song tất cả đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê cùng mong muốn góp phần bảo tồn nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình; thậm chí để sản phẩm ngày một vươn xa hơn. Hầu hết các học viên đều đã nắm vững các bước trong quy trình dệt, nhuộm, in sáp ong và đã có thể tự tay tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đầu tiên. Những tấm thổ cẩm do các học viên trong lớp dệt ra có thể chưa sắc nét, hoàn mỹ ngay nhưng đó là tình cảm và tâm huyết, cố gắng của mỗi cá nhân đối với nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình!
Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng với học viên lớp trao truyền
Năm 2023, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã triển khai tích cực nhiều nội dung thuộc Đề án 06 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn nhiều tỉnh. Trong năm 2024, Bảo tàng tiếp tục duy trì các hoạt động thiết thực giúp các nghệ nhân để họ trao truyền, “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ duy trì các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một. Bảo tàng luôn luôn song hành cùng chính quyền địa phương, người dân trong cộng đồng để tiếp nối, lan toả văn hóa truyền thống 54 dân tộc, đặc biệt gắn bảo tồn, phát huy với phát triển du lịch bền vững, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
KIM THOA - LƯU LY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024