Cây nêu ăn trâu huê của dân tộc Xơ Đăng

Cây nêu và nhà rông dân tộc Xơ đăng

Dân tộc Xơ đăng sinh sống tập trung ở huyện Tu Mơ Rông, huyện Ðăk Hà, huyện Kon Plong (Kon Tum), huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và một bộ phận nhỏ di cư từ Kon Tum đến sinh sống ở ở huyện Krông Păk, huyện Chư M’gar (Ðắk Lắk) trước năm 1975. Với tộc danh chung được công nhận là Xơ đăng nhưng còn có các nhóm địa phương với tên gọi khác nhau như Xơ teng, Ca Dong, T’đrá, Mơ nâm, Hà Lăng, Ka Râng, Bri La Teng… Cũng như các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, người Xơ đăng vẫn còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, thấm đẫm chất nhân văn. Trong cuộc sống mưu sinh, bên cạnh việc lo cái ăn, cái mặc, nơi trú ngụ, đồng bào các dân tộc luôn sáng tạo, tôn vinh cái đẹp, làm cho thôn bản đổi thay, khởi sắc, nhất là vào các dịp lễ hội. Một trong những loại hình di sản làm nên nét hoa mỹ, đặc sắc của dân tộc Xơ đăng là nghệ thuật trang trí trên cây nêu trong lễ hội ăn trâu huê/hoa. Thời điểm tổ chức lễ ăn trâu huê thường vào tháng 2 đến tháng 3 Dương lịch, khi Trời - Ðất vào xuân, bà con chuẩn bị cho mùa vụ mới. Gia đình tổ chức ăn trâu huê để tạ ơn các thần linh đã cho vụ mùa bội thu, đạt được  từ 150 - 200 teo (gùi) nên thóc lúa đầy kho, trâu bò đầy  sân, cuộc sống no đủ, mọi người khỏe mạnh, cộng đồng hòa thuận, đoàn kết…

Đồng bào Ca dong dựng nêu ăn trâu huê

Ăn trâu huê là lễ thức mang tính gia đình, khác với các nghi lễ cộng đồng như lễ cúng máng nước (Ting Tak)…Tuy nhiên, công việc chuẩn bị cho nghi lễ ăn trâu và các hoạt động lại mang tính cộng đồng. Nó đòi hỏi phải sự tham gia, góp công sức và vật chất của bà con, những người thân thuộc trong làng, đặc biệt là  việc làm cây nêu và thực hành các nghi lễ liên quan. Nhằm chuẩn bị cho việc này, từ trước lễ gia đình đã mời những người có kinh nghiệm và khỏe mạnh vào rừng chọn tìm những nguyên vật liệu phù hợp, đúng truyền thống để làm cây nêu. Cũng như các tộc người thiểu số, đồng bào Xơ đăng xem cây nêu là “cây vũ trụ”, với nhiều tên gọi khác nhau như Gưng Luôi, Gưng Pay, Gưng Rang. Nó là sợi dây tâm linh kết nối giữa con người với đất trời, thần linh và tổ tiên. Một lễ hội lớn do cộng đồng làng tổ chức, việc quan trọng hàng đầu là phải làm cây nêu. Nó không chỉ là linh hồn của lễ hội mà còn là một sản phẩm mỹ thuật độc đáo, thể hiện tài nghệ điêu khắc, trang trí của nghệ nhân dân tộc Xơ đăng.  Mọi hoạt động, nghi lễ, diễn xướng dân gian đều diễn ra xung quanh cây nêu... Trang trí trên cây nêu, cột lễ là công việc được ưu tiên hàng đầu. Hình thức trang trí của nó tùy theo qui mô của lễ hội hay sự đầu tư và sự khéo tay của các nghệ nhân trong làng nóc. Ðây là công trình nghệ thuật tạo hình của tập thể nghệ nhân, kết hợp giữa điêu khắc và trang trí hoa văn. Ngoài việc sơn, tô, vẽ, khắc chạm, đồng bào còn sử dụng kỹ thuật đan lát để tạo ra nhiều chi tiết trang trí trên cây nêu. So với các dân tộc cận cư, nghệ thuật đan lát tạo các vật phẩm, chi tiết trang trí trên cây nêu của dân tộc Xơ đăng có phần nổi trội hơn nghệ thuật điêu khắc gỗ. Những cây mây, lồ ô, cây nứa, cây đót, cây tung... được đồng bào vót tỉa, buộc thắt cầu kỳ, đan lát thành nhiều vật phẩm khác nhau để trang trí lên cây nêu.

Cây nêu trong lễ hội ăn trâu huê thường có chiều cao khoảng 8 - 9m, gồm 3 phần chính: Phần trụ, phần thân và phần ngọn. Các phần này được kết nối với nhau một cách khéo léo bằng những sợi dây rừng. Ðồng bào vào rừng chọn cây gỗ thẳng, thường là cây chò để làm phần trụ gốc, cây lồ ô, nứa làm thân và ngọn. Sau khi chuẩn bị vật liệu hoàn tất, những người già khéo tay sẽ vót những cây lồ ô, đan lát, khắc vẽ để trang trí cây nêu với những hoa văn truyền thống, cùng hình tượng đồ vật, chim, thú nổi bật. Cây nêu phải được trang trí đẹp tô vẽ rất cầu kỳ, đầy màu sắc, để báo hiệu và mời gọi các vị thần dự lễ hội và thụ hưởng các lễ vật hiến tế. 

Tấm phướn, chim Hang và 3 nhánh cây xòe ra trên ngọn cây nêu của dân tộc Mơ nâm

Phần gốc là trụ chính của cây nêu được bao quanh bởi vỏ cây đót (loong púc) và được tô vẽ những họa tiết màu đen, trắng, đỏ đẹp mắt. Ở đây được bố trí một vòng tròn gỗ gọi là Glưng, mang ý nghĩa là nơi thần linh đáp xuống để nhận lễ vật mà dân làng hiến tế. Kế ngay phía dưới của bộ phận này trang trí 8 thanh gỗ vắt chéo nhau tạo hình vòng quanh cây nêu, gọi là Zây. Ở phần này có các họa tiết trang trí, những hình tượng như giáo, dao, rựa, búa, rìu.. với ý nghĩa giúp xua đuổi tà ma, bảo vệ, phù hộ cho dân làng có được sức mạnh. Dưới gốc cây nêu còn bố trí những sợi dây buộc trâu săn chắc, được đan bằng mây tre và tô màu bắt mắt. Theo quan niệm của đồng bào, phần trụ càng vững chắc, thể hiện được sự vững chải của gia đình, cộng đồng, xã hội. Chiều cao của trụ càng lớn thì lời khấn nguyện và gửi gắm của gia đình và cộng đồng càng dễ đến được với thần linh, với các vị tổ tiên và đến những nơi được cho là biểu tượng linh thiêng trên cây nêu, cầu mong cho những lời nguyện ước trở thành hiện thực

Phần thân của cây nêu là phần được trang trí công phu, đẹp đẽ nhất. Quanh thân được tô màu trắng, đen và đỏ xen kẽ nhau. Ở phần này, nổi bật nhất là tầng gắn chim Hang với màu sắc rực rỡ. Ðuôi chim có gắn dải phướn, hay còn gọi là cánh diều với ý nghĩa là vật thiêng giúp dân làng xua đuổi chim, thú phá hoại mùa màng, nương rẫy... Trên phần thân còn có tầng Chang đao với những dải zả ca, rang chang, vỏ long púc vv... Tầng Chang đao gồm những mảnh gỗ, được trang trí với các hoa văn màu đen, đỏ, trắng, những thanh gỗ vắt chéo nhau qua thân cây nêu, tạo nên 4 núm, tượng trưng cho thần linh bốn phương. Hoa văn và các biểu tượng trên cây nêu, có thể nhận thấy những hình ảnh mô phỏng, tượng trưng cho cuộc sống, sinh hoạt và mong muốn của gia đình, cộng đồng. Chuỗi các nan hoa đan bằng nứa buông thòng theo thân cây nêu, biểu trưng cho những bông lúa trĩu hạt, cho những mùa bội thu, thóc lúa đầy kho, cuộc sống no ấm. Ðể bảo vệ cho những mùa bội thu, chúng ta thấy biểu tượng của hàng rào, biểu tượng của con chim thiêng to lớn có sức mạnh, uy lực để ngăn ản sự phá hoại của gia súc, chim muông phá hoại mùa màng. Ta cũng nhận thấy hình ảnh của giỏ (têu) suốt lúa, những vật dụng để thu hoạch lúa rẫy mang ý nghĩa đủ đầy, sung túc. Và đặc biệt, trên thân cây nêu là hình ảnh các con vật nuôi được cách điệu hóa, tiêu biểu như trâu, bò thể hiện sự phồn thịnh cho gia đình và dân làng. Ðối với người Mơ nâm, nhóm địa phương dân tộc Xơ đăng, cây nêu ăn trâu huê được tạo hình, trang trí bởi nhiều họa tiết, màu sắc, hoa văn cùng nhiều chi tiết gắn liền trên các bộ phận của nó. Ðó là những dây lát đan hình xương cá, thân cây đót cạo ra thành tua, thành từng chùm bông, vỏ cây tung đập ra thành sợi tơ màu trắng. Ðặc biệt, ở đoạn nối giữa đầu trụ cây nêu và cây lồ ô, đồng bào tạo hình cái lộc bình, đây là hình tượng mang ý nghĩa về giàu sang, sung túc của gia đình; đoạn nối tiếp theo giữa 2 ống lồ ô đến chỗ đặt chim thiêng, gọi là trung tâm của cây nêu được trang trí 3 cái chén/bát theo thứ tự to, trung, nhỏ mang ý nghĩa là nơi hứng tài lộc cho gia đình và xóm làng.

Hình tượng chim Hang và lá phướn trên cáy nêu dân tộc Ca Dong

Phần ngọn được tạo hình những bông hoa. Ðó là hình ảnh tượng trưng cho bông lúa, trái bắp, thể hiện mong ước có cuộc sống đủ đầy, làm ra được nhiều lương thực. Nhiều nhánh cây được chẻ từ lồ ô có gắn dải vỏ cây đót (long púc) màu trắng được trang trí xung quanh phần ngọn thể hiện cho ước nguyện sự bảo vệ che chở xung quanh được bình yên, an toàn. Ðoạn cao cuối của cây nêu thường được chia làm 3 nhánh: nhánh chính giữa cao nhất tượng trưng cho ông bà tổ tiên và 2 nhánh phụ tượng trưng cho vợ chồng và con cái.

Trên cây nêu có các màu chủ đạo là đỏ, đen và trắng. Nó được làm ra từ những nguyên liệu tự nhiên có trong cuộc sống. Ngày nay, môi trường và công nghệ thay đổi, người dân cũng sử dụng màu công nghiệp cho tiện lợi khi chế tác cây nêu, nhưng ý nghĩa của nó vẫn không thay đổi. Màu trắng tượng trưng cho ánh sáng, cho sự sống, cho tương lai; biểu tượng cho sự thanh sạch, cao quý, tinh thần thượng võ sáng ngời và sự bền bỉ, thủy chung, lưu truyền qua nhiều thế hệ của người dân Xơ đăng. Màu đen tượng trưng màu của bóng đêm, của cái chết, thể hiện những đau thương, mất mát của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Màu đỏ là màu biểu trưng cho sự sống, máu huyết của con người và muôn loại sinh vật cũng là sự thể hiện tinh thần kiên cường, dũng cảm trong cuộc đấu tranh sinh tồn của muôn loài. Màu đỏ còn thể hiện sự may mắn, tốt đẹp cho gia đình và cộng đồng.

Chùm tua bằng sợi tơ trang trí trên cây nêu

Những bộ phận, chi tiết nổi trội nhất của cây nêu thường thể hiện ở trên ngọn nêu. Ðầu tiên là hình tượng chim Hang, là chim thiêng luôn xuất hiện trên phần thân hoặc ngọn cây nêu. Nó là chim đại bàng, chim chào mào, chim én... tùy theo quan niệm thờ linh vật của từng vùng. Chim Hang có kích cỡ khá lớn, được tạo dáng công phu bằng gỗ sơn đen, mỏ đỏ. Loài chim này chính là biểu tượng của người Xơ đăng, là vua của bầu trời, bay khắp thế gian mang về cho gia đình và xóm làng nhiều điều may mắn trong cuộc sống, đồng thời còn thể hiện việc đánh dấu chủ quyền khu vực cai quản, sinh sống của đồng bào. Mọi sinh hoạt, mọi sự việc phải được kiểm soát. Ngoài ra, chim có thể giúp tránh xa những tai ương, xui xẻo và mang đến những điều tốt đẹp, hạnh phúc cho buôn làng.

Cây nêu ăn trâu huê luôn phải có tấm lá phướn (săk lat/tlọng). Nó được  đan bằng một loại vỏ cây dẻo, mỏng, tô vẽ nhiều màu. Lá phướn là hình tượng đáng tôn trọng của một dân tộc, nó biểu trưng cho sắc thái dân tộc, nên đồng bào rất tôn kính, đề cao, luôn luôn buộc ở đuôi con chim thiêng trên cây cột đâm trâu của mình. Cây nêu của các nhóm địa phương của dân tộc Xơ đăng như Ca dong, Mơ Nâm, dù hình dạng lá phướn có khác nhau ít nhiều song hoa văn trang trí đều khá giống nhau,  đó là  mô tip “náh tlang”, nó được lặp lại với số lượng nhiều trên cái lá phướn. Họa tiết này là những ô chéo cách đều nhau mà giữa mỗi ô là hình một con  bướm đang bay. Nhìn tổng thể của lá phướn là một đàn bướm đang dang cánh tung bay trên nền trời nhịp nhàng, uyển chuyển, phất phới theo nhịp phướn bay trong gió. Hiển nhiên, đồng bào không thể chọn lựa một  loại hoa văn nào vừa đơn giản là vừa biểu đạt ý nghĩa hơn hình bướm bay.

Vũ điệu mừng mùa bên cây nêu của dân tộc Xơ đăng

Ðặc biệt, vị trí dựng cây nêu cũng là nơi trình diễn điệu múa nghi lễ dân gian. Ðiệu múa Ca bô trong hội ăn trâu huê của người Ca dong là tiết mục đón mừng và cầu xin thần linh cho mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn, nhà nhà con cháu khỏe mạnh. Khi xin thần linh đồng ý cho múa mấy vòng thì dân làng sẽ múa bấy nhiêu vòng. Ra nhóc là điệu múa cảm ơn thần linh trong năm qua đã phù hộ cho dân làng ấm no, khỏe mạnh. Nó có tiết nhịp rõ ràng, mang tính chất vui tươi, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào trong ngày hội.

Trong quan niệm của đồng bào, cây nêu là linh vật, vì đây là nơi thần linh ngự tọa, nơi đặt giàn cúng dâng lễ vật hiến sinh... Hình ảnh cây nêu uy nghi, thâm nghiêm vươn lên bầu trời được ví như hơi thở đại ngàn. Người Xơ đăng có cách trình bày, thể hiện riêng, phù hợp với quan niệm về cái đẹp, nhân sinh quan và vũ trụ quan của mình. Chính nhờ cái riêng ấy đã tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật tạo hình đa dạng và phong phú, độc đáo và ấn tượng, có giá trị cao về thẩm mỹ, mang tính nhân văn và đạo đức truyền thống của tộc người từ bao đời. Cây nêu là vật trang trí đẹp nhất của dân tộc Xơ đăng trong các lễ hội cộng đồng. Nó là công trình nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở miền núi xứ Quảng và các tỉnh Tây Nguyên, phản ánh sự phong phú trong đời sống tâm linh, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bài & Ảnh: TS TRẦN TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;