Hoạt động thông tin - thư viện cho người khiếm thị

1. Hoạt động thông tin - thư viện cho người khiếm thị trên thế giới

Tại Mỹ

100% các thư viện trong mạng lưới đáp ứng tiêu chuẩn về thiết kế xây dựng cơ sở hạ tầng, cách bố trí sắp đặt tài liệu, nội thất đảm bảo nhu cầu di chuyển, nhận biết và sử dụng tài liệu của người khiếm thị (NKT). Các phòng đều thiết kế cho việc sử dụng xe lăn, hệ thống máy tính lắp đặt màn hình rộng, bàn phím chữ to và nổi, hệ thống máy in chữ nổi. Ứng dụng tại mạng lưới là công nghệ giúp phân tích giọng nói POET (hệ thống đọc tự động) & SARA (hệ thống quét và tự động đọc) áp dụng cho việc ra lệnh bằng giọng nói giúp NKT bật tắt đèn hay điện thoại hoặc những yêu cầu điều chỉnh phím bấm (điều hướng), phông chữ to hơn.

Thư viện Quốc hội Mỹ: Thư viện quốc gia dành cho NKT và khuyết tật trực tiếp chịu sự quản lý và giám sát của Thư viện Quốc hội Mỹ đã xây dựng được mạng lưới liên kết dạng sao kết hợp gồm 55 thư viện khu vực, tiểu khu 36 thư viện, 14 trung tâm tư vấn và tiếp cận cộng đồng Hoa Kỳ, Columbia, Puerto Rico, quần đảo Virgin và Guam cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người không có khả năng sử dụng vật liệu in chuẩn vì lý do khiếm khuyết về thị giác. NKT được mượn tài liệu audio hoặc chữ nổi tại thư viện công cộng địa phương. Sách, tạp chí ở dạng âm thanh (sách nói) và chữ nổi cũng có thể được gửi đến độc giả qua đường bưu điện hoàn toàn miễn phí. Máy quay đĩa được thiết kế đặc biệt và máy cassette cũng được cung cấp (mượn) miễn phí cho những người mượn sách nói từ thư viện. Đồng thời cũng có dịch vụ trực tuyến dành cho NKT.

Thư viện Kenneth Jernigan: Thư viện trực thuộc tổ chức từ thiện phi lợi nhuận American Action Fund for Blind Children and Adult nhằm mục tiêu khuyến khích và đáp ứng nhu cầu đọc sách cho trẻ khiếm thị với hình thức phục vụ giao sách mượn về nhà qua đường bưu điện. Vốn tài liệu của thư viện phục vụ NKT rất phong phú: 24 triệu bản bao gồm cả sách chữ nổi Braille, sách nói, 70 tạp chí dưới dạng chữ nổi và băng ghi âm, 21.000 bộ sách âm nhạc và bảng ký âm… Các dịch vụ của Thư viện Kenneth Jernigan phục vụ NKT: dịch vụ cung cấp tài liệu và thiết bị hỗ trợ miễn phí; dịch vụ tham khảo; dịch vụ thư viện dành cho trẻ em khiếm thị; dịch vụ đào tạo chuyên gia thư viện phục vụ NKT; dịch vụ cung cấp mục lục truy cập cho NKT; dịch vụ giao tài liệu tại nhà/ tại trường; dịch vụ phim kèm mô tả; dịch vụ cung cấp tài liệu chữ nổi và sách đôi.

Tại Vương quốc Anh

Viện Hoàng gia cho NKT Anh (RNIB) là tổ chức tình nguyện lớn nhất Anh Quốc dành cho NKT. RNIB làm việc chặt chẽ với thư viện quốc gia dành cho NKT để phối hợp và cải thiện dịch vụ tốt hơn. RNIB khởi xướng tổ chức Share the Vision và trở thành một thành viên tích cực với sứ mệnh “một thế giới nơi mà NKT hưởng thụ được quyền lợi, trách nhiệm, cơ hội và chất lượng cuộc sống như những người sáng mắt”. Thư viện tại Viện Hoàng gia cho NKT là một trong những kho tài liệu toàn diện nhất cho các chủ đề của NKT tại Anh Quốc. Vốn tài liệu có hơn 6,000 sách, 6,000 tờ rời, 2,300 thông tin chính phủ, 3,600 báo cáo hàng năm và 175 tạp chí hiện hành, hơn 20,000 tài liệu băng cassette. NKT có thể đến thư viện hay nhận thông tin qua đường bưu điện. Đặc biệt, trang website cho NKT chứa nhiều thông tin về dịch vụ và sản phẩm của RNIB và thông tin về NKT trên các trang web khác. Trang này được thiết kế theo các hướng dẫn của RNIB về cách lập trang web tốt cho phép người xem điều chỉnh các yếu tố trình bày như cỡ chữ, kiểu hay màu sắc, hiện thu hút khoảng 70.000 người/ tháng khai thác và sử dụng. Website này rất được ưa thích trong số các trang web của các tổ chức từ thiện của Anh Quốc. Rất nhiều dịch vụ để triển khai thông tin đến NKT trong đó có dịch vụ sách nói cho NKT được sử dụng rộng rãi nhất đối với người có vấn đề về thị lực ở nước này.

Thư viện Quốc gia dành cho người khiến thị là thư viện dẫn đầu về hoạt động phục vụ NKT, Thư viện Quốc gia dành cho NKT Anh (NLB) làm việc với nhiều thư viện lớn để thúc đẩy các thực hành tốt nhất và tăng thêm giá trị cho dịch vụ dành cho NKT. Thư viện có vốn tài liệu bằng chữ Braille, Moon lớn nhất châu Âu. Nội dung tài liệu đề cập nhiều về văn học, khoa học cho người lớn, thiếu nhi và người đang học chữ Braille. Thư viện còn có tài liệu nhạc bằng chữ Braille, tài liệu khổ lớn và băng sách nói. NLB giúp NKT chọn lựa theo nhu cầu đọc và độc lập bất cứ nơi đâu họ muốn. Các yêu cầu có thể liên lạc qua điện thoại hay qua trang website. NLB cung cấp cổng thông tin rộng lớn hơn cho NKT bằng cách phát triển mối quan hệ hợp tác với các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước. Thư viện sách nói cho NKT (CALIBRE Audio Library) là thư viện gửi băng sách nói qua đường bưu điện cho trên 18.500 thành viên NKT. Vốn tài liệu gồm 6.000 nhan đề, trong đó có khoảng 1.000 sách thiếu nhi. Dịch vụ của CALIBRE chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu đọc giải trí, NKT có thể tự chọn sách hoặc nhờ CALIBRE chọn sách cho họ dựa vào các sự chọn lựa trước đây của họ.

Tổ chức Share the Vision (STV) thành lập năm 1990 là một hiệp hội quốc gia để giúp đỡ cải thiện chất lượng và khả năng triển khai dịch vụ thông tin - thư viện phục vụ NKT. STV là cộng sự của các tổ chức quốc gia như CALIBRE, Thư viện quốc gia dành cho người mù (NLB), Viện Hoàng gia dành cho người mù (RNIB), Hội báo nói Anh Quốc, Hội đồng Thông tin Thư viện Scotlen, Hội của Các cán bộ thư viện chủ chốt, Viện nghiên cứu chuyên gia thư viện, Hội đồng dịch vụ Thông tin thư viện Bắc Ai len, Hội đồng dịch vụ Thông tin thư viện Wales, Thư viện quốc gia Anh Quốc và Hội thư viện trường đại học cao đẳng. STV là nơi tiên phong đề xuất tính khả thi của REVEAL - cơ sở dữ liệu Mục lục Liên hợp quốc gia tài liệu chuyển dạng.

Hội báo nói Anh quốc (TNAUK) là tổ chức thành viên của hơn 500 tờ báo địa phương. Tổ chức này cung cấp các tờ báo địa phương và tạp chí phổ thông quốc gia cho NKT. Những tờ này có thể đăng ký gửi bưu điện miễn phí cả bản rút gọn trên băng, thư điện tử hay CD-ROM hoặc khai thác trên mạng. TNAUK cũng là nơi tập trung tư vấn cho các tổ chức tình nguyện địa phương tự lập để sản xuất thông tin địa phương trên băng. TNAUK cũng tiến hành một số dự án cung cấp trang thiết bị và tập huấn để thành viên cung cấp truy cập trực tuyến đến các dịch vụ văn bản điện tử.

Tại Canada

Canada là một trong những quốc gia tiêu biểu trên thế giới có chính sách về thông tin phục vụ NKT được đánh giá khá hoàn thiện qua Đạo luật nhân quyền chống phân biệt đối xử với người khuyết tật và Đạo luật người khuyết tật của Ontario.

Viện người mù quốc gia Canada (CNIB) là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận thành lập năm 1906, đã xây dựng Thư viện số cung cấp dịch vụ miễn phí cho mọi đối tượng NKT nên có số lượng người dùng tin khiếm thị lớn nhất Canada. Thư viện có vốn tài liệu phong phú: 80.000 tên tài liệu với nhiều định dạng tài liệu khác nhau như: sách nói, sách chữ nổi braille, sách điện tử… Trong đó có 80.000 đầu sách các loại; trên 50 tờ báo địa phương, quốc gia và quốc tế; phim ảnh có phụ đề; các loại hình tạp chí nổi tiếng; truy cập vào các công cụ nghiên cứu trực tuyến; sách chữ nổi; các tác phẩm âm nhạc chữ nổi; sách nói; dịch vụ giao tài liệu qua đường bưu điện; đào tạo và xây dựng văn hóa đọc trẻ em khiếm thị…

Hệ thống thư viện công cộng thành phố Toronto, Ontario đáp ứng vượt các tiêu chuẩn được quy định theo đạo luật. Năm 2005, hệ thống thư viện công cộng còn xây dựng một chính sách cho NKT nói chung và NKT nói riêng. Sản phẩm thông tin của hệ thống thư viện dành cho NKT như: sách in lớn, audiobooks, sách nói, video, phim kèm mô tả, phim kèm phụ đề. Hệ thống thư viện này có các dịch vụ dành cho NKT như: dịch vụ trợ giúp sử dụng website, dịch vụ thư viện lưu động, dịch vụ cung cấp trang thiết bị hỗ trợ, máy gõ chữ nổi…

Liên minh vì quyền bình đẳng của người mù Canada (AEBC) là tổ chức từ thiện quốc gia thành lập năm 1992 với mục tiêu đảm bảo và thúc đẩy quyền bình đẳng cho NKT trong việc hòa nhập cộng đồng và sẵn sàng tham gia mọi hoạt động của đời sống xã hội. Liên minh này liên kết chặt chẽ với (CNIB), tự phát hành một tạp chí dành cho NKT dưới dạng bản in trên giấy có chữ nổi, có định dạng âm thanh (mp3, CD) và các định dạng trực tuyến.

2. Nhận xét chung

Các thư viện ở các nước phát triển đều có nguồn tài liệu lớn, sản phẩm thông tin đa dạng phong phú, dịch vụ thông tin thiết thực hữu ích với NKT. Các thư viện này rất coi trọng công tác thông tin - thư viện cho NKT để đảm bảo họ cũng được quyền tiếp cận mọi thông tin như những người bình thường khác. Đặc biệt, các thư viện, tổ chức tăng cường liên kết với nhau để phát huy tiềm năng của nhau trong quá trình phục vụ NKT. Một số thư viện rất năng động trong việc liên kết với các tổ chức tài chính như ngân hàng để có thể phát triển thư viện, phục vụ thông tin cho NKT.

Sự liên kết giữa các thư viện cho NKT trong nước được phát huy rất tốt đã giúp NKT khai thác được tối đa các nguồn tin sẵn có trong các thư viện. Đồng thời sự hợp tác giữa các thư viện với các tổ chức quốc tế sẽ tạo nhiều cơ hội cho NKT có thể mở rộng được phạm vi nguồn tin mình có thể khai thác được.

Các thư viện này ngoài những sản phẩm thông tin truyền thống cho NKT như tài liệu nổi thì tài liệu sách nói đặc biệt là tài liệu điện tử, khai thác trực tuyến đã giúp cho NKT có thể tiếp cận thông tin một cách hiệu quả như người mắt sáng.

3. Hoạt động thông tin - thư viện cho NKT tại Việt Nam

Trong Pháp lệnh Thư viện năm 2000 đã quy định tại tại Khoản 05 Điều 06 “NKT được tạo điều kiện sử dụng tài liệu thư viện bằng chữ nổi hoặc các vật mang tin đặc biệt”.

Năm 1969, Tổ chức Hội Người mù Việt Nam được thành lập, tích cực tham mưu với cơ quan chức năng có những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống hội viên và NKT nói chung. Ngoài ra, Hội còn sản xuất sách nói và tài liệu nổi phục vụ cho NKT học tập và công tác. Hội cũng có website mà NKT có thể tra cứu và nắm bắt thông tin hoạt động của Hội.

Hệ thống các các trường học chuyên biệt hoặc bán hòa nhập dành cho NKT, người khuyết tật cũng được thành lập, như trường Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội và TP.HCM. Trường còn sản xuất các tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của NKT. Các trường này ngoài việc dạy cho học sinh biết sử dụng chữ Braile còn đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính và phần mềm để có thể tra cứu và đọc các tài liệu trên thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, một số tổ chức cá nhân cũng đóng góp công sức trong việc tạo ra tài liệu phục vụ NKT như: Hội phụ nữ TP.HCM sản xuất sách nói là giáo khoa từ lớp 1 đến 12 phục vụ cho học sinh NKT; câu lạc bộ Hoa Đá của Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội tạo các sản phẩm thông tin là bài giảng, đề cương ôn tập cho sinh viên khiếm thị tại trường. Thư viện sách nói dành cho NKT đầu tiên ở Việt Nam thành lập ngày 25-11-2017 với hơn 1.800 tựa sách, in sang và phân phối hoàn toàn miễn phí hơn 400.000 bản sách nói, hơn 1.200 đầu sách trên môi trường trực tuyến cho gần 17 triệu lượt người truy cập do sáng kiến của chị Nguyễn Hướng Dương - người trong suốt 19 năm qua đã thầm lặng thu âm cung cấp tài liệu sách nói cho NKT.

Tóm lại, hoạt động thông tin - thư viện cho NKT của Việt Nam còn mang tính chất biệt lập, riêng biệt, nội bộ. Các thư viện công cộng trong hoạt động tổ chức phục vụ thông tin không đồng đều. Có thư viện hoạt động rất mạnh mẽ, có đơn vị thì hoạt động không hiệu quả, có thư viện thì hầu như chưa hoạt động. Các trung tâm thông tin - thư viện tại các trường đại học và phổ thông chưa có hoạt động thông tin cho người học là NKT, chỉ có một số trường chuyên biệt như trường Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội và TP.HCM là hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu dạy và học của thày trò trong trường.

4. Bài học kinh nghiệm cho công tác phát triển thông tin - thư viện cho NKT tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam không có bộ phận xây dựng, bổ sung tài liệu chuyên dạng cho NKT, chưa đầu tư nguồn tài chính, tài liệu, quản lý sử dụng và có dịch vụ cho NKT. Thư viện cũng chưa chỉ đạo và đưa ra các chủ trương để thống nhất nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động cho các thư viện thành viên. Chỉ có 2 thư viện công cộng hoạt động được đánh giá mạnh nhất và tốt nhất là thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và Thư viện Hà Nội.

Các cơ sở giáo dục chuyên biệt như trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội và TP.HCM cũng như tổ chức Hội người mù Việt Nam và các tỉnh thành cũng chỉ sản xuất sách, tài liệu phục vụ cho mục đích học tập và giảng dạy, công tác của NKT. Tuy nhiên, những cơ sở này chỉ sản xuất với mức khiêm tốn phục vụ cho nhu cầu nội bộ. Khả năng để có thể đa dạng hóa về loại hình tài liệu cũng như nội dung tài liệu là ít tính khả thi.

Nên chăng, Việt Nam cũng cần có một thư viện thuộc cấp quốc gia hoặc một bộ phận của Thư viện Quốc gia chuyên sản xuất sách, tài liệu chuyên biệt cho NKT trong cả nước. Đồng thời, thư viện này cũng chỉ đạo các thư viện thành viên về chuẩn nghiệp vụ như đầu tư về máy tính và cài đặt phần mềm thư viện để phục vụ NKT có thể khai thác thông tin ở bất kỳ thư viện nào ở Việt Nam. Chú trọng nghiệp vụ khi xây dựng website theo chuẩn W3C để NKT có thể tra cứu được tài liệu điện tử - nguồn tin mà hầu hết các thư viện hiện nay đã, đang và sẽ ngày càng có nhiều tại đơn vị mình. Điều này sẽ tạo điệu kiện vô cùng thuận lợi cho NKT, khai thác được các thông tin hiện đại của các trung tâm thông tin - thư viện như website thư viện, tài liệu số của thư viện.

Tác giả : Trần Thị Thanh Vân

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

;