Truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, tác động đến nhận thức của con người và từ nhận thức sẽ điều chỉnh hành vi của mỗi người, của cộng đồng. Do vậy, truyền thông được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cấp huyện
Sự nỗ lực, phối hợp của các ban, ngành trong công tác truyền thông
Tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số về những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn đã chủ động phối hợp với nhau và phối hợp với các địa phương trong công tác truyền thông, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trực tiếp và gián tiếp, phù hợp với từng đối tượng. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và truyền thông huyện thực hiện 70 tin, bài trên sóng truyền thanh, trong đó có cả bản tin song ngữ tiếng Giẻ - Triêng và tiếng Xơ Đăng (tiếng DTTS tại chỗ của huyện Ngọc Hồi), thực hiện 32 buổi tuyên truyền bằng xe loa lưu động tại các xã, thị trấn; in ấn, lắp đặt 106 m2 băng rôn, pano, phướn các loại. Trang thông tin điện tử huyện, trang thông tin điện tử các xã, thị trấn đăng tải hàng trăm văn bản chỉ đạo, đồng thời, biên tập các tin, bài, hình ảnh biểu dương tấm gương tốt về xây dựng gia đình hạnh phúc, giới thiệu các mô hình, cách làm hay của cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Các phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện như Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Dân tộc, Phòng Tư pháp, Phòng Y tế đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tới người dân của 68 thôn, tổ dân phố, tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về các quy định có liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến học sinh các trường THCS, THPT trong toàn huyện. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở (Phụ nữ, Nông dân, Đoàn xã,…) tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền, vận động hội viên đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Huyện Ngọc Hồi tham gia Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cấp tỉnh
Một số phương thức tuyên truyền hiệu quả
Một trong những phương tiện truyền thông hiệu quả tại huyện Ngọc Hồi hiện nay, đó là loa cụm loa truyền thanh của xã, thôn. 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện có Đài Truyền thanh, trong đó, có 5 Đài Truyền thanh sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông (công nghệ mới) và 3 Đài Truyền thanh hệ thống cũ, bao gồm tổng cộng 92 cụm loa. Các Đài Truyền thanh cấp xã hầu hết hoạt động cố định buổi sáng từ 4 giờ 45 phút đến 6 giờ 30 phút, buổi chiều từ 17 giờ đến 18 giờ. Cũng có khi, tùy vào yêu cầu, nhiệm vụ, các địa phương chủ động, tăng cường thu, phát các bản tin vào các khung giờ thích hợp trong ngày. Với lợi thế kịp thời, tiện ích, phạm vi phủ sóng sâu rộng, đây được coi là công cụ hữu hiệu, phục vụ đắc lực cho công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở, trong đó có tuyên truyền đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các thông tin được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu và được phát lặp lại nhiều lần để người dân từ nghe, hiểu đến thấm nhuần và tự nguyện thay đổi hành vi.
Ngoài ra, trong năm 2023, một mô hình tuyên truyền mới được địa phương áp dụng hiệu quả, đó là tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điểm ưu việt của mô hình này là Hội thi được thực hiện từ cơ sở đến cấp huyện và cấp tỉnh với sự tham gia của cộng đồng các thôn, làng tổ dân phố. Hội thi vừa có phần sân khấu hóa hấp dẫn, thu hút được đông đảo khán giả xem, vừa có phần thi về kiến thức, qua đó truyền tải những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, quyền trẻ em, hậu quả, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến khán giả xem Hội thi. Sau khi hội thi kết thúc, các tiết mục xuất sắc được biểu diễn lại ở cụm dân cư để mang lại hiệu quả tuyên truyền sâu rộng hơn.
Những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh (theo thống kê cuối năm 2023, huyện Ngọc Hồi có khoảng 70% người dân sử dụng điện thoại thông minh). Do đó, các mạng xã hội như Facebook, Zalo được xem là một kênh thông tin, tuyên truyền hiện đại, có sức lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi trong bối cảnh mới. Huyện có trang Facebook "Đài Ngọc Hồi"; Fanpage "Truyền thông Ngọc Hồi", "Du lịch Ngọc Hồi" do Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện quản lý, thường xuyên cập nhật, chia sẻ các thông tin văn hóa, du lịch của huyện, trong đó có nhiều bài viết tuyên truyền đẩy lùi, xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Với sự chung tay của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với những giải pháp hữu hiệu khác, đã góp phần làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Theo số liệu thống kê, tổng hợp từ cơ sở cho thấy, về hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2016 đến năm 2023, không xảy ra trường hợp nào. Về tảo hôn, những năm 2016 – 2018, mỗi năm có từ 20 – 28 trường hợp tảo hôn, từ năm 2022 – 2023, mỗi năm có khoảng 6 – 7 trường hợp tảo hôn. Như vậy, có thể nói, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện đang có xu hướng giảm dần.
Để đạt được mục tiêu “Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban ngành và UBND các xã, thị trấn thực hiện 5 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp tuyên truyền tiếp tục được xem là giải pháp chủ lực nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Các địa phương tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Một buổi tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại khu dân cư
NGUYỄN THỊ TÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024