Tóm tắt: Là đô thị đặc biệt cấp quốc gia, thành phố Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa (DSVH) vô cùng đa dạng, phong phú và giàu giá trị. Để khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa quan trọng này trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tích cực triển khai các quy định có liên quan của Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28-6-2024). Từ việc làm rõ thực trạng phát huy giá trị các di sản trên địa bàn Hà Nội, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy giá trị các DSVH, hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, văn minh, nghĩa tình, xây dựng Thủ đô thực sự “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Từ khóa: di sản văn hóa, khai thác hiệu quả, Luật Thủ đô.
Abstract: As a special national urban area, Hanoi has an extremely diverse, rich and valuable cultural heritage system. In order to exploit and promote this important cultural resource effectively in the process of socioeconomic development, it is necessary to synchronously implement many solutions, including actively implementing relevant provisions of the Capital Law. From clarifying the current status of promoting the value of heritages in Hanoi, the article proposes a number of solutions to bring the Capital Law into life, contributing to improving the efficiency of exploiting and promoting the value of cultural heritages, towards the goal of building an elegant, gallant, civilized and affectionate Hanoi culture and people, building a truly “Cultured - Civilized - Modern” Capital.
Keywords: cultural heritage, effective exploitation, Capital Law.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: baochinhphu.vn
1. Hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng
Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng DSVH với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia. Có thể kể tới các khu di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng, công trình kiến trúc giàu giá trị, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương…; cùng hệ thống bảo tàng, nhà hát với kiến trúc độc đáo, giàu giá trị thẩm mỹ, vừa mang nét cổ kính vừa mang nét hiện đại, như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội... Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử, công trình kiến trúc là những lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu như lễ hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai)… Cùng nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và văn nghệ dân gian đặc sắc (trong đó có những loại hình đã được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như ca trù, xẩm…).
Hiện nay, Hà Nội còn lưu giữ được khu phố cổ với kiến trúc độc đáo được coi là “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, cùng nhiều công trình kiến trúc Pháp mang đậm tính nghệ thuật, tạo nên một không gian kiến trúc đô thị vừa cổ kính vừa hiện đại và được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có hàng nghìn biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1954 theo phong cách Đông Dương, tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và có giá trị. Ngoài ra, Hà Nội còn có các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu, như cầu Nhật Tân với 5 tháp trụ được chiếu sáng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội; Nhà hát Hồ Gươm với phong cách thiết kế theo lối kiến trúc tân cổ điển, vừa sang trọng, hiện đại với việc ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới, vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam với những chi tiết thiết kế như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, rùa vàng trao kiếm… Bên cạnh đó là hệ thống làng nghề thủ công với kiến trúc và giá trị văn hóa đặc sắc cùng 120 không gian sáng tạo, mang đến trải nghiệm hấp dẫn với cộng đồng và các nhóm sáng tạo phong phú ở hầu hết các lĩnh vực… Hệ thống DSVH cùng các công trình kiến trúc có giá trị trên chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
2. Thực tiễn công tác quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội
Trên cơ sở nhận thức được vị trí, vai trò, giá trị của các DSVH, thành phố Hà Nội ngày càng chú trọng trong quá trình phát triển đô thị, phát huy giá trị các công trình kiến trúc, hạ tầng văn hóa, thể thao trong phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó chú trọng phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, coi đây là một trong những yêu cầu cần bảo đảm để phát triển bền vững Thủ đô. Thành phố Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, các công trình kiến trúc có giá trị như: Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 của UBND thành phố “Ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội”… trong đó chỉ rõ thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích văn hóa tiêu biểu và phân cấp quản lý các di tích văn hóa còn lại cho các quận, huyện, thị xã; quy định rõ ngân sách thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý; ngân sách cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn và đối ứng cùng ngân sách thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý…
Trên cơ sở khung chính sách của quốc gia về phát triển văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã ban hành các chương trình công tác của Thành ủy, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố, quyết định của UBND thành phố (như Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”; Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 29-5-2017 của UBND thành phố Hà Nội về “Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”…), với việc ưu tiên tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có phát triển văn hóa, con người, phát triển du lịch, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và DSVH… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với nghị quyết này, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, vừa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12-8-2022 về “Thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1-4-2022 về “Thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”.
Bên cạnh đó, cùng với việc nâng tầm đô thị, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” cũng đã rà soát, dành nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc các công trình tiêu biểu, các công trình lịch sử, văn hóa tại nội đô, như khu vực Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quân sự, cột cờ Hà Nội; khu vực Công viên lịch sử khảo cổ Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên và cụm công trình phụ cận; khu vực cầu Long Biên và 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên... Trong số đó, Hà Nội dự kiến chi khoảng 798 tỷ đồng để thực hiện dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu; 1.800 tỷ đồng thực hiện dự án phục dựng Điện Kính Thiên; 136 tỷ đồng thực hiện dự án nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long thuộc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Kinh phí trên được bố trí theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 và Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 28-12-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố. Thành phố cũng hoàn thành nghiên cứu quy hoạch khu thành Cổ Loa nhằm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa.
Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng trên cơ sơ phát huy giá trị DSVH, trong đó có nhiều sản phẩm du lịch ở quận Hoàn Kiếm. Ngày 24-11-2023, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm” và công bố quyết định công nhận khu du lịch cấp thành phố khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội. Theo đó, đã có 15 sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội được lựa chọn giới thiệu đến công chúng, trong đó có những điểm nhấn sản phẩm du lịch ở quận Hoàn Kiếm, như tour tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò; không gian đi bộ (bao gồm không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận); rối nước Thăng Long, Hàng Trống; tour ẩm thực Tống Duy Tân - Tạ Hiện - chợ đêm Đồng Xuân; tuyến xe điện Đồng Xuân; dịch vụ dạo phố bằng xích lô… Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hấp dẫn đã diễn ra tại khu phố cổ như: trưng bày nghệ thuật hắt sáng tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm; trình diễn nghệ thuật ánh sáng và âm nhạc dân gian đương đại; trình diễn visual nghệ thuật 3D mapping tại Ô Quan Chưởng; các workshop nghệ thuật vẽ tranh truyền thống, làm mây tre đan, làm tranh trúc chỉ…
Thành phố cũng xây dựng các tuyến du lịch văn hóa gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trong cộng đồng, tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử có giá trị cao về thẩm mỹ và thiết kế như: Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… cùng sự gắn kết với khai thác các sản phẩm du lịch từ nghệ thuật trình diễn dân gian, như hát ca trù, hát dô, hát trống quân…
Có thể thấy, DSVH đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô thông qua phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản cùng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (tăng 27% so với năm 2022, tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019); trong đó, du khách quốc tế đạt hơn 4 triệu lượt (tăng 266,7% so với năm 2022, tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019). Tổng doanh thu từ ngành Du lịch năm 2023 đạt khoảng 87,65 nghìn tỷ đồng (tăng 45,5% so với năm 2022 và tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019) (1). Trong năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 6,35 triệu lượt, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa đạt 25,51% triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023(2). Cùng với đó, những năm qua, thành phố Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới. Trong năm 2022 và 2023 thành phố Hà Nội đã vinh dự được bình chọn là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới” của Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA). Chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp thành phố Hà Nội đứng thứ 13 trong danh sách top 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á 2022; đứng thứ 22 trong danh sách top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực; xếp hạng phố cổ Hà Nội lọt top những điểm du lịch hàng đầu khu vực châu Á năm 2022 với vị trí thứ 12.
3. Đẩy mạnh việc đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay, công tác quản lý, khai thác giá trị các DSVH của thành phố Hà Nội vẫn còn hạn chế cần khắc phục. Không ít các cấp, ngành và người dân chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, phát huy giá trị của các DSVH, các công trình kiến trúc giàu giá trị của thành phố; vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển… Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự gia tăng dân số, sự kết nối giữa kiến trúc đô thị và giao thông đô thị chưa đồng bộ cùng với các tiêu cực nảy sinh do quá trình quy hoạch yếu kém (như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, hệ thống thoát nước xuống cấp…) cũng có những tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc của Hà Nội. Việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để khuyến khích xã hội hóa vẫn còn không ít vướng mắc đối với các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao… Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đã được Quốc hội thông qua ngày 16-8-2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) song không có các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Trong bối cảnh còn không ít khó khăn, vướng mắc trên, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả việc khai thác, phát huy giá trị các DSVH, các công trình kiến trúc giàu giá trị của Thủ đô, trong đó có việc nhanh chóng triển khai Luật Thủ đô, đưa Luật vào cuộc sống để thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thúc đẩy sự phát triển văn hóa, con người Hà Nội.
Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15, gọi tắt là Luật Thủ đô) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28-6-2024 với 7 Chương, 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, Điều 21 của Luật Thủ đô quy định việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam (3). Luật cũng xác định Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, trong đó, trường hợp ngân sách Trung ương tăng thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách Trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố (nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện thu năm trước). Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố. Điều này mở ra những cơ hội mới cho việc đầu tư phát triển văn hóa, xã hội, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cũng như các công trình kiến trúc có giá trị của Thủ đô trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng đô thị và nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Do đó, thời gian tới, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục và triển khai Luật Thủ đô, trong đó có các nội dung quy định về công tác bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô (Điều 21), nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò của DSVH, hệ thống hạ tầng văn hóa, thể thao, các công trình kiến trúc giàu giá trị của Thủ đô. Đẩy mạnh, đa dạng hóa nội dung và hình thức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, như tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy tính tích cực của truyền thông xã hội để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tính tích cực, chủ động của nhân dân - chủ thể sáng tạo, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các công trình văn hóa, thể thao, qua đó thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, để việc triển khai Luật Thủ đô một cách hiệu quả, thông suốt, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cần sớm ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị; quy định việc lập hồ sơ quản lý công trình kiến trúc có giá trị, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo vệ khu vực, công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu; đồng thời quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao (theo Điều 21 Luật Thủ đô).
Tiếp theo, Điều 39 Luật Thủ đô về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng đã có bổ sung những quy định trong lĩnh vực văn hóa. Cơ sở pháp lý này cần được cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thuận lợi triển khai trong thực tiễn nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực thiết chế văn hóa. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở VHTT, các sở, ngành liên quan cần tích cực và chủ động trong việc tham mưu cho UBND thành phố phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao (khoản 1, Điều 39).
Cùng với đó, đẩy nhanh việc phối hợp giữa Viện Quy hoạch xây dựng thành phố với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm (khoản 2, Điều 19), trong đó chú trọng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất và các không gian xây dựng công trình ngầm có liên quan. Cần triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian DSVH (không gian văn hóa, trong môi trường xã hội và cảnh quan tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của di sản). Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các DSVH, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang (theo Điều 20 Luật Thủ đô). Khu vực nội đô lịch sử được xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch, không bố trí chức năng ở, lưu trú; tại khu vực khác ở đô thị trung tâm được ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo phân loại đô thị (Điều 18 Luật Thủ đô). Quan tâm phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “khu phố kiến trúc kiểu Pháp” gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị. Tiếp tục đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, không gian kiến trúc cảnh quan kết hợp hài hòa bản sắc dân tộc và hiện đại, tạo cảnh quan đô thị đặc sắc, đặc trưng cho Thủ đô và cả nước.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả sự gắn kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, chú trọng lồng ghép yếu tố sáng tạo vào các chiến lược phát triển, chương trình hành động, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Để triển khai các nội dung về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được quy định tại Luật Thủ đô, như có thể xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cần sớm quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của thành phố. Tiếp tục xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo tại Hà Nội, tạo hệ sinh thái phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của Thủ đô, nhất là du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn... Hỗ trợ việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình phát triển không gian sáng tạo, nhất là các không gian sáng tạo hoạt động vì mục đích cộng đồng để tăng cường kết nối sáng tạo, thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng và giàu giá trị hơn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.
_____________________
1. Sơn Quỳnh, Nỗ lực khởi sắc du lịch Hà Nội, nhandan.vn, 5-1-2024.
2. 27,86 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024, phapluat.tuoitrethudo.vn, 2-1-2025.
3. Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28-6-2024.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 8-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 20-1-2025; Ngày duyệt đăng: 3-2-2025.
Ths ĐINH THỊ HƯƠNG GIANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025