Trang phục truyền thống là một trong những di sản văn hóa độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng nói chung, người K’Ho Cil ở xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt nói riêng, đang được đồng bào nơi đây tích cực bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Cũng giống như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người K’Ho Cil có truyền thống tự dệt vải và may các bộ trang phục cho dân tộc mình. Qua thời gian, bộ trang phục truyền thống của dân tộc K’Ho vẫn mang nhiều sắc thái văn hóa truyền thống.
Trình diễn trang phục của người K’Ho Cil ở xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng tại hội thi diễn tấu cồng chiêng và trình diễn trang phục trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII - Bảo Lâm năm 2024
Từ lâu đời, người K’Ho (Cơ ho) sớm biết tự dệt vải tự sáng tạo nên trang phục của dân tộc mình. Với đôi bàn tay khéo léo và trí óc phong phú, phụ nữ K’Ho Cil đã khắc họa những hình ảnh gần gũi, sáng tạo nên những họa tiết, hoa văn cách điệu, mô phỏng thế giới nhân sinh sống động, cỏ cây, hoa lá, chim muông, hoạt động lao động sản xuất của con người lên những tấm thổ cẩm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống K’Ho đẹp đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo với nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, công phu. Người phụ nữ có khi phải mất cả tháng trời ngồi bên khung dệt vừa canh chỉ, tạo hình, sáng tạo nên những họa tiết, hoa văn cách điệu, mô phỏng thế giới nhân sinh sống động. Để tạo hoa văn độc đáo, người dệt đã gửi gắm cả tâm huyết và thể hiện khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng bay bổng của mình.
Có lối sống giản dị, hằng ngày lên nương làm rẫy và săn bắt, với đôi chân khoẻ khoắn băng qua những sườn núi, trên thân hình vạm vỡ, chắc khoẻ, những chàng trai người K’Ho Cil đóng một chiếng khố quấn qua mông, phần thân trên cởi trần để lộ cơ bắp khoẻ khoắn và làn da rám nắng. Trang phục thường ngày của những chàng trai K’Ho Cil mang lại cảm giác thoải mái, pha lẫn chút phong trần, thuận tiện trong các hoạt động làm nương rẫy, săn bắt hái lượm.
Trình diễn trang phục của người K’Ho Cil
Theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ K’Ho Cil là người làm chủ trong gia đình, quán xuyến mọi việc trong đời sống hằng ngày từ kinh tế, chăm sóc, giáo dục con cái. Để thuận lợi cho các hoạt động, người phụ nữ K’Ho Cil ưa chuộng các bộ áo váy bằng vải dệt thổ cẩm nên trang phục của phụ nữ K’ho trông rất đẹp mắt. Phụ nữ K’Ho Cil thường quấn váy dài đến đầu gối để lộ bắp chân to khoẻ khoắn. Chiếc ùi - tấm choàng đa năng được sử dụng nhiều trong đời sống thường ngày. Ùi dùng làm vật dụng che nắng khi đi nương rẫy, làm khăn choàng khi tắm suối, làm chăn đắp khi trời lạnh, là chiếc váy địu con cho con giấc ngủ say nồng trên lưng mẹ… Tất cả đã được người phụ nữ khéo léo khắc họa, sáng tạo và hình thành nên biểu tượng văn hóa truyền thống đặc sắc.
Sự phong phú, đa dạng trong trang phục truyền thống của người K’Ho Cil không chỉ thể hiện qua hình ảnh sinh hoạt thường ngày, mà còn thể hiện rõ nét qua các trang phục khi tham gia lễ hội. Trong các buổi lễ quan trọng như mừng lúa mới, mừng nhà mới…, người K’Ho Cil thường diện những bộ trang phục có màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, xanh được dệt trên nền hoa văn nổi bật mô phỏng hình ảnh của hoa lá, chim muông thú rừng.
Bên cạnh những chiếc váy áo được dệt may khá đơn giản, người phụ nữ khéo léo phối hợp thêm những phụ kiện trang sức là chuỗi cườm đeo ở cổ, tay. Riêng thiếu nữ chưa chồng thêm vòng đồng đeo ở cổ tay, cổ chân đến 25 chiếc. Những váy áo trong các lễ hội được người phụ nữa kết hợp nhằm thể hiện sự kéo léo, nét đặc trưng riêng có về tính cách, vẻ đẹp và nét nổi bật của dân tộc mình. Đàn ông K’Ho Cil với chiếc khố dài, được may vá khéo léo che phần mông, nhịp nhàng trong các hoạt động dịp lễ hội. Bên cạnh đó, họ còn có nét đặc thù riêng với chiếc đai quàng qua người, chiếc dây đeo trên đầu với các hoạt tiết hình bông hoa, mắt chim.
Trình diễn trang phục của người K’Ho Cil
Để có những hoa văn, hoạ tiết, kiểu dáng của các loại trang phục váy áo thổ cẩm, đồng bào K’Ho đã mất hàng ngàn năm, trải qua bao nhiêu thế hệ tích lũy, chọn lọc, tích tụ kinh nghiệm, sáng tạo. Mặc dù xã hội hiện đại đã tác động nhiều đến đời sống của người K'ho Cil nhưng trang phục truyền thống của họ vẫn được bảo tồn và duy trì qua các thế hệ.
Trang phục truyền thống của người K’ho Cil ở xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng là một phần không thể thiếu trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, mặc dù những bộ trang phục truyền thống ít được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống thường ngày, người K’ho vẫn luôn giữ được những nét đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình. Để rồi, trong những dịp lễ hội, Tết đến, Xuân về, những người con K’Ho Cil ở xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng lại được chìm đắm trong điệu chiêng, nhịp Xoang với những bộ trang phục truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Việc phát huy giá trị của các trang phục truyền thống là cách để người K’ho Cil nơi đây tiếp tục khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong giai đoạn hiện nay.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐÌNH HOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025