Trải nghiệm lễ Mừng lúa mới dưới chân núi Chư Đang Ya

Nhân ngày hội tôn vinh hoa dã quỳ, tôi đến thăm làng La Gri (thuộc địa phận xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Thời điểm từ tháng 10 đến tháng 11, ngôi làng nằm dưới chân núi Chư Đang Ya hùng vĩ, thơ mộng đang vào độ đẹp nhất trong năm được nhuộm vàng bởi từng khóm hoa quỳ vàng trong hanh hao nắng.

Dân làng Kon Sơ Lăl đang mô phỏng lại một nghi lễ cúng Mừng lúa mới truyền thống dưới chân núi lửa Chư Đang Ya

 

Trong khoảng thời gian đó, dưới chân núi làng Ia Gri đã tổ chức phục dựng lễ Mừng lúa mới của đồng bào Bahnar do dân làng Kon Sơ Lăl (đến từ xã Hà Tây, huyện Chư Păh) phụ trách. Về vui hội, tôi được tham dự buổi lễ và được hiểu thêm nhiều điều về những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên vùng đất cao nguyên xanh.

Hôm nay, thầy cúng Khyơn (cũng là Trưởng thôn làng Kon Sơ Lăl) chủ trì và cùng bà con dân làng mô phỏng lại tất cả những gì đã và đang tồn tại trong nét văn hóa truyền thống của người Bahnar, đặc biệt là các lễ hội dâng cúng thần linh luôn được coi trọng, giữ gìn. Mừng lúa mới là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và thóc lúa đầy kho. Bên cạnh đó cầu cho dân làng được mạnh khoẻ mà cày cấy, muôn đời ấm no.

Những hình tượng hóa trang ngộ nghĩnh trong buổi lễ phục dựng hôm đó đã tạo nên một bức tranh sinh động trong lễ hội truyền thống của người Bahnar. Trong buổi lễ, hình ảnh anh Chơuh (34 tuổi) trong trang phục pram (được làm từ cây cọ) hóa trang để xua đuổi thú dữ không dám đến gần nương rẫy, bảo vệ mùa màng đã khiến du khách vô cùng thích thú và hiểu thêm về nét văn hoá đặc sắc của người dân bản địa.

Hình tượng hóa trang xua đuổi thú dữ bảo vệ mùa màng trong lễ cúng

 

Mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Yang ban cho dân làng và tập tục cúng các vị thần trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần lúa… với mong ước mùa màng tươi tốt, bội thu mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng. Thần lúa là một trong những vị thần được tôn thờ bởi tập tục trồng trọt, nương rẫy của bà con dân làng. Hằng năm, sau khi thu hoạch, dân làng tổ chức Lễ Mừng lúa mới vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng cùng hưởng thành quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả.

Từ sáng sớm, bà con trong làng đã tụ tập đông đủ trước sân nhà Rông, nơi tổ chức nghi lễ phục dựng ngày hôm nay để chuẩn bị lễ vật thật chu đáo. Phụ nữ chặt củi, giã gạo, lo bếp núc, nấu nướng. Đàn ông xách nước, bắt sâu bọ trong ống lồ ô, chuẩn bị heo, gà để giết thịt… Cột ghè rượu đã buộc chặt và độn lá, đổ nước, các vật dụng thường ngày được ví như linh hồn trong lao động sản xuất như rìu, liềm, gậy chọc lỗ lúa, ống bỏ lúa, nong, gùi… được sử dụng trong quá trình cúng đều đã sẵn sàng.

Trình tự một nghi lễ truyền thống theo thứ tự gồm 3 nghi thức: Giữ hồn lúa tại rẫy; đưa hồn lúa về kho; nhập hồn lúa vào bồ trong đó bao gồm lễ ăn cơm mới. Địa điểm diễn ra lễ là từ nương rẫy, sau đó di chuyển về kho lúa và sau cùng là tại nhà chủ lúa.

Lễ vật dâng các vị thần linh gồm ghè rượu, thịt, gan gà, gan heo, cơm mới vừa nấu… Tại lễ phục dựng hôm nay, thầy Khyơn chủ trì bà con dân làng tiến hành từng bước mô phỏng theo đúng trình tự của một nghi lễ nguyên bản. Thiếu nữ thì giã gạo, sàn lúa, thanh niên thui heo, chặc lồ ô, bếp lửa đã được nổi lên.

 

Thầy cúng Khyơn đánh một hồi trống dài, sau đó đọc lời cúng kêu gọi các thần về chứng giám cho dân làng

 

Trong Lễ Mừng lúa mới, trước khi lúa được đưa vào kho, sẽ tiến hành cúng kho lúa hay còn gọi là rước hồn lúa vào kho. Kho lúa như một ngôi nhà sàn thu nhỏ, được làm bằng ván trụ gỗ, mái tranh kín đáo, tránh mưa nắng và các loài vật vào phá hoại. Con người có nhà để trú ngụ thì lúa cũng phải có kho để ở. Nếu gia đình nào không có kho để đựng lúa thóc sẽ bị Yang trách phạt, không được ban tặng sự no đủ. Vì vậy, lúc thực hiện nghi lễ cúng kho lúa cũng đặc biệt được coi trọng. Trước kho lúa, già làng Khyơn đánh một trống, hú gọi dân làng. Sau đó ông đi quanh dàn cúng, cất to giọng đọc lời khấn: “Hỡi thần Lúa, thần Núi, thần Nước… hãy về đây cùng uống rượu, ăn thịt, phù hộ cho dân làng được no ấm, khỏe mạnh, mùa màng bội thu”.

Trong hệ thống nghi lễ nông nghiệp của người dân bản địa sinh sống lâu đời trên cao nguyên Gia Lai, mừng lúa mới được coi là nghi lễ quan trọng nhất. Đó là nghi lễ mà các gia đình và cộng đồng làm để tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho dân làng làm nên một vụ mùa tươi tốt. Đồng thời đây cũng là dịp để từng gia đình, cộng đồng cầu xin thần linh sẽ tiếp tục phù hộ cho họ trong mùa vụ sau được mưa thuận, gió hòa, cuộc sống đủ đầy. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ mừng lúa mới còn là dịp để cộng đồng, buôn làng kết nối tình cảm, gắn bó với nhau. Sau khi khấn gọi các thần, già làng Khyơn tiếp tục hướng về phía kho thóc và khấn: “Chúng tôi rất biết ơn thần cho làng thóc lúa đầy kho, mong cho năm mới sẽ thu hoạch được nhiều hơn năm nay”.

Khi dâng cúng xong, thầy tiếp tục gọi: “Hỡi con trai, con gái hãy về đây thưởng thức rượu, ăn thịt, vui say…”. Già làng uống ngụm rượu ghè đầu tiên, sau đó theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ sẽ là người được mời uống rượu tiếp theo. Lần lượt chuyền tay từ người già đến trẻ cùng vít cần say ngày hội. Tiếp đó, gia chủ cùng những người tham gia buổi lễ cùng nắm chặt tay nhau để hòa mình trong tiếng cồng chiêng ngân vang và những điệu dân vũ, điệu Xoang vui hội.

Trước kia, khi những nghi lễ truyền thống được duy trì, dân làng đánh cồng chiêng, vui chơi, ca hát suốt nhiều ngày đêm liền để vui mừng cùng hưởng thành quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả.

Nghi lễ cúng kết thúc, dân làng ca hát, nhảy múa mừng ngày hội

Tôi vô cùng ấn tượng với 3 em nhỏ: Khang (11 tuổi), Bi (10 tuổi) và Bo (5 tuổi) bôi trét bùn, đất sét khắp cơ thể, tô vẽ cả lên khuôn mặt với tạo hình quỷ dữ trong buổi lễ ngày hôm đó. Các em dùng hai tay kết hợp với sự chuyển động của cơ thể làm những động tác linh hoạt, diễn trò trong buổi lễ, tương tác với mọi người đang chăm chú trải nghiệm buổi lễ với thần thái vô cùng đặc biệt, đã góp phần tạo nên một không gian lễ hội tưng bừng.

Em Quang cùng em Khok, em Uin (trong đội cồng chiêng nhí làng Kon Sơ Lăl) thành thục trên chiếc Cà kheo hoà nhịp cùng nhóm chiêng và nhóm xoang vui ngày hội sau khi kết thúc lễ cúng được người dân và du khách liên tục tán thưởng.

Anh Bưh - Cán bộ Văn hoá xã hội xã Hà Tây cho biết: Việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình và tùy theo điều kiện của gia chủ có vật hiến sinh mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các làng lân cận cùng vui chơi ăn uống. Nhà nào đông khách coi như là niềm vinh dự cho gia đình.

Theo thời gian, các lễ hội thường niên không còn nguyên gốc, mà dần đơn giản hóa cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy vậy, những nghi lễ truyền thống quan trọng cơ bản vẫn được duy trì như một nét đẹp trong đời sống của tâm linh và tinh thần của người dân.

Trình diễn Cà kheo trong lễ hội là nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân cư bản địa

 

VÕ THANH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024

;