Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Trong những năm qua, di sản văn hóa đang ngày càng khẳng định vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, đồng thời là môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Trong đó, phát huy nguồn lực từ các lễ hội truyền thống trong phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương cần phải được đẩy mạnh, đó là một trong những sinh kế bền vững cho người dân và phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập.
Lễ hội Đua trãi ở thành phố Huế
Lễ hội truyền thống - nguồn lực “nội sinh”
Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống, các lễ hội truyền thống tại Việt Nam diễn ra quanh năm, mang những nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 9.000 lễ hội, trong có 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng... Điều đó cho thấy nguồn lực từ loại hình di sản văn hóa này là rất lớn, cần phải được quản lý, khai thác, phát huy một cách hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong khuôn khổ của Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 do Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTTDL tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi, đó có phần trình diễn tái hiện trích đoạn các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Thiết nghĩ đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa để các địa phương nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, số hóa các lễ hội, các trích đoạn văn hóa phù hợp để xây dựng thành các sản phẩm du lịch phục vụ cộng đồng người dân ở các địa phương. Nhiều trích đoạn trong các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương Hạ, nghi lễ Ngọi đung - Mừng nhà mới của dân tộc Pa Cô của tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ cưới truyền thống của đồng bào Chăm Islam ở tỉnh An Giang; Lễ ăn cơm mới của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk; Lễ ăn hỏi của người Thái ở tỉnh Điện Biên; Lễ cúng nhà Rông của đồng bào Gia Rai, Bahnar ở tỉnh Gia Lai; Lễ khao thề lính Hoàng Sa của tỉnh Quảng Ngãi… và còn rất nhiều những lễ hội, nghi thức văn hóa đặc sắc, độc đáo trải dài trên các vùng, miền khắp cả nước. Các nghi lễ đều mang đậm màu sắc tính ngưỡng, tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, tính thẩm mỹ cao với nhiều nghi thức, phong tục, điệu múa, dân ca truyền thống được lưu truyền từ nhiều đời nay, nếu khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực dồi dào cho các địa phương xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa theo hướng bền vững.
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2030 ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Bởi vậy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và nâng cao đời sống người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Lễ hội Pồn Pôông (Lễ hội chơi hoa) dân tộc Mường, Thanh Hóa
Lễ hội dân gian có thể trở thành “thương hiệu”
Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc Việt, mỗi lễ hội đều hướng tới một nhân vật (hoặc một tập thể nhân vật) được coi là linh thiêng, cần được tôn kính, ghi ơn và phải được các đời sau tưởng nhớ. Các lễ hội dân gian, các trích đoạn văn hóa đều khởi nguồn từ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng làng xã thời xưa, gắn bó mật thiết với văn hóa làng xã. Lễ hội chính là thái độ thể hiện lòng biết ơn “uống nước nhớ nguồn” và sự ngưỡng vọng, tôn vinh của thế hệ sau đối với công lao, đức độ của các đối tượng đáng kính trong các cộng đồng làng xã. Do vậy, lễ hội được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là một trong những môi trường giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc cho lớp trẻ, là một nhu cầu tinh thần chính đáng của người dân, cần được trân trọng. Chính những nét đặc trưng đó, nên mỗi lễ hội dân gian, các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống là “dấu ấn” cho mỗi vùng đất, địa danh và đặc trưng riêng của mỗi dân tộc đã sản sinh ra lễ hội.
Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về văn hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được phục hồi, tôn vinh và được phục dựng tổ chức quy mô, nề nếp, đúng với giá trị vốn có, trong đó có các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống. Hiện nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa góp phần tạo nên sự đa dạng, tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, là lực đẩy cho hoạt động du lịch cộng đồng ở các địa phương phát triển.
Thừa Thiên Huế là địa phương có hệ thống lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc. Nhiều lễ hội truyền thống tập trung vào các dịp Xuân, Thu nhị kỳ lễ tế và hội làng. Các lễ hội văn hóa được tổ chức phong phú, đa dạng trải đều trong năm là nguồn lực lớn cho phát triển du lịch, nhiều lễ hội đã trở thành “thương hiệu”, tiêu biểu là các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều lễ hội với tiềm năng, triển vọng để khai thác, phát huy giá trị trong xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa như: Lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Cầu ngói Thanh Toàn, lễ Thu tế làng An Truyền, lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương Hạ, lễ hội A Da Koonh – Lễ hội mừng lúa mới của người Pa Cô ở huyện A Lưới được đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia năm 2019 và cùng với hệ thống các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở 2 huyện miền núi của tỉnh... được tổ chức khai thác ngày càng quy củ, đảm bảo các quy định quản lý của Nhà nước về hoạt động lễ hội, đúng với tinh thần Nghị quyết T.ư 5 về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, thu hút lượng lớn du khách thập phương tìm hiểu, trải nghiệm.
Với những đặc thù riêng biệt, thể hiện rõ sắc thái văn hóa đặc trưng của lễ hội, những giá trị truyền thống đặc sắc cùng văn hóa, phong tục tập quán bản địa phong phú, những nghi thức tế lễ truyền thống và các tập quán xã hội có liên quan sẽ được phục hồi, duy trì, bảo đảm để lễ hội không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển bền vững trong cuộc sống đương đại. Đặc biệt, các hoạt động như trình diễn nghệ thuật, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa văn nghệ cộng đồng, những trò chơi dân gian sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển. Đó chính là “lực hấp dẫn”, là những tiềm năng du lịch văn hóa rất lớn cho các làng, thôn, bản trong khai thác lợi thế, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, để khai thác và phát huy nguồn lực từ lễ hội truyền thống trong phát triển du lịch cộng đồng, khi lựa chọn các lễ hội, các nghi thức văn hóa truyền thống cần căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di sản, thời gian diễn ra lễ hội, khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tạo thành sản phẩm du lịch. Thực tế cho thấy, có những lễ hội dân gian tự nó diễn ra theo đúng tình tự, đúng nghi thức đã được giữ gìn qua nhiều thế hệ mà không cần sự can thiệp hay tác động quá mức của đơn vị tổ chức. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất theo truyền thống văn hóa địa phương, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, phát huy vai trò của cộng đồng - chủ thể di sản… các chuyên gia nhấn mạnh, cần chú trọng công tác quảng bá lễ hội trên các kênh thông tin, đồng thời nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp; đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch…
Phát huy nguồn lực từ các lễ hội truyền thống trong phát triển du lịch cộng đồng không chỉ bảo tồn được những giá trị văn hóa dân tộc, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà còn giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa vùng đất, cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những không gian lễ hội không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, góp phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn và giàu bản sắc.
Lễ hội Aza Kooh
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Khai thác nét đẹp văn hóa dân tộc thông qua các lễ hội truyền thống Việt Nam để phát triển du lịch, dangcongsan.vn.
3. PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà – TS Phạm Kim Anh, Nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
HẰNG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024