Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, nhằm củng cố và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa các dân tộc, tiếp thu, nâng cao những thành tựu văn hóa hiện có, trên cơ sở đó từng bước xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Tái hiện Lễ hội mừng lúa mới

 

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng công tác văn hóa  DTTS, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và được Chính phủ cụ thể hóa tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu “khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số ít người”. Đây chính là cơ sở, điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sinh sống chủ yếu tại 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và một số ít sinh sống tại các huyện, thị xã gồm Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà. Dân số toàn vùng đồng bào dân tộc có 121.248 người/24.657 hộ, trong đó DTTS 56.906 người, chiếm tỷ lệ 4,93% so với dân số toàn tỉnh. Thành phần dân tộc bao gồm: dân tộc Pa Cô 21.830 người (chiếm tỷ lệ 38,4%); dân tộc Tà Ôi 14.009 (chiếm tỷ lệ 24,6%); dân tộc Cơ Tu 18.698 (chiếm tỷ lệ 32,9%); dân tộc Vân Kiều 1.145 người (chiếm tỷ lệ 2%); dân tộc Pa Hy 1.019 (chiếm tỷ lệ 1,8%) và một số dân tộc khác 205 người (chiếm tỷ lệ 0,4%). Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN) của tỉnh hiện nay có 24 xã thuộc vùng DTTS MN, có 14 xã khu vực III, 71 thôn ĐBKK.

Để thực hiện chủ trương trên, hệ thống chính trị ở các địa phương vùng đồng bào các dân tộc miền núi đã chỉ đạo, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong chính cộng đồng của mình; kế hoạch số 302/KH-UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh về điều tra, đánh giá thực trạng văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các DTTS nhằm số hóa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Du khách tham quan các sản phẩm văn hóa

Các địa phương chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, phục dựng lễ hội, thành lập các câu lạc bộ di sản, tập huấn kỹ năng hát dân ca truyền thống và nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, sử dụng các loại nhạc cụ, bảo tồn các tập quán xã hội tốt đẹp (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác). Bảo tồn các công trình kiến trúc, các công cụ lao động và sinh hoạt tiêu biểu, các sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo tồn cảnh quan không gian văn hóa truyền thống của làng, bản như bến sông, giếng làng, cổng làng, các vật thể tự nhiên hoặc nhân tạo gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh.

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế cận, thực hiện việc trao truyền di sản văn hóa, các địa phương đã mở lớp truyền dạy về dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào cho thế hệ mai sau. Cùng với đó, công tác bảo tồn văn hóa ẩm thực đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực, mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc qua hình thức hội diễn, lễ hội, triển lãm thông qua Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở cấp tỉnh, tham gia các hội diễn khu vực và toàn quốc. Những thành tựu bước đầu đã minh chứng cho sự đồng lòng, quyết tâm giữa chính quyền địa phương và người dân – chủ thể của di sản, trong đó, huyện Nam Đông đã mở 9 lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu về đánh cồng chiêng, nói lý, hát lý, các điệu múa truyền thống và đan lát thu hút hơn 200 học viên tham gia nhằm giúp cho mọi lứa tuổi biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống nói chung phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội của quê hương, đất nước. Huyện A Lưới mở 20 lớp dạy tiếng Pa Cô cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng sâu, vùng xa, bộ đội Biên phòng, Công an với hơn 400 học viên tham gia; Nam Đông mở lớp truyền dạy tiếng Cơ Tu với 361 học viên tham gia nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và nghệ thuật, bản sắc dân tộc. Qua đó, nâng cao nhận thức tinh thần trách nhiệm của thế hệ kế cận tiếp nối để phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng và triển khai sâu rộng trong các năm tiếp theo.

Trình diễn dệt Zèng

 

Chủ trương của Đảng hợp với lòng dân

Văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang thực sự là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa Việt Nam, là thành tố quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với sự quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về vị trí, vai trò của môi trường văn hóa trong sự phát triển bền vững cũng như nội dung về xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Vì vậy, thời gian qua, công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn vùng đồng bào DTTSMN không ngừng được đẩy mạnh, đảm bảo kế hoạch đề ra, các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng tại 2 huyện Nam Đông và A Lưới đã khôi phục được 15 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, 5 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu, 1 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô, phục dựng lại một số khu nhà Piing truyền thống dân tộc Pa Cô, Cơ Tu; triển khai hiệu quả chương trình Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ Tu tại Nam Đông (giai đoạn 1), các làng nghề truyền thống như dệt Zèng, đan lát, sửa chữa nhạc cụ... được khôi phục và phát triển.

Các loại hình văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn và phát huy vào đời sống cộng đồng và được cộng đồng hưởng ứng. Huyện A Lưới xuất bản hơn 100 cuốn sách truyện cổ Pa Cô; sưu tầm, phát triển biểu diễn 15 thể loại dân ca, trên 16 dân nhạc, 12 dân vũ của đồng bào DTTS. Công tác quản lý, tổ chức và phục dựng lễ hội dân gian truyền thống được lưu giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng như: Lễ hội A riêu Piing, Lễ hội A riêu car, Mừng nhà mới, Lễ hội A Da, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội làm nhà Gươl…

Công tác xây dựng các thiết chế văn hóa, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới đã được quan tâm đầu tư xây dựng. A Lưới về cơ bản đã hoàn chỉnh thiết chế văn hóa với 140 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, 1 trung tâm thông tin du lịch cấp huyện, 1 trung tâm trưng bày hiện vật văn hóa và hiện vật chiến tranh, 1 trung tâm trưng bày hiện vật A Bia, 1 trung tâm trưng bày hiện vật A So. Nam Đông phục dựng và hoàn thành 3/37 nhà được làm theo kiểu mẫu truyền thống tại thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, thôn A Xăng, xã Thượng Long và thôn A Ka xã Thượng Quảng. Việc khôi phục các loại nông cụ sản xuất, các nghề thủ công truyền thống, các loại giống cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao... đang dần được người dân duy trì và phát triển. Việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần nâng cao đời sống, các địa phương đã xây dựng, chuyển giao nhiều làng du lịch văn hóa cộng đồng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, giàu bản sắc riêng, thu hút du khách, tạo sinh kế bền vững cho người dân với những cách làm linh hoạt, sáng tạo.

Có thể khẳng định rằng, đây là một chủ trương của Đảng hợp với lòng dân, với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội và xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Thông qua các nội dung về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, người dân được nói lên nguyện vọng của mình, được khoe vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình, được làm giàu trên chính nguồn lực, sức mạnh văn hóa nội sinh, để các giá trị văn hóa cốt lõi của truyền thống văn hóa thẩm thấu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, lối sống của cộng đồng. Qua đó, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nhân cách, đạo đức của mỗi người dân, của mỗi cộng đồng hướng tới chân – thiện – mỹ, như lời Bác Hồ kính yêu đã nói “Mỗi dân tộc là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là một việc làm cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ toàn diện mọi mặt đời sống của cộng đồng các DTTS. Việc nhận diện và giải quyết tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa gìn giữ, bảo tồn, biến đổi và tiếp biến văn hóa, giữa cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền và cộng đồng các dân tộc cùng nhau giải quyết và nỗ lực thực hiện các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương và sự đồng lòng của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Nghệ nhân Ưu tú Aren Đời hướng dẫn cho học viên sử dụng nhạc cụ

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024

;